Hôm nay,  

Mẹ Việt Nam Thế Kỷ 20

12/05/200900:00:00(Xem: 5124)

MẸ VIỆT NAM THẾ KỶ 20


Gia đình Mẹ ở Hà Nội trước 1954

Mẹ Việt Nam là đề tài muôn thưở của mọi thể lọai nghệ thuật: âm nhạc, thi ca, văn học, phim ảnh…Muốn khái quát hóa hình ảnh của Mẹ Việt Nam là rất khó, đặc biệt là trong thế kỷ 20 đầy biến động của dân tộc Việt. Mẹ trong thời loạn ly kháng Pháp. Mẹ trong cuộc nội chiến, đất nước phân ly. Mẹ trong thời đất nước nằm dưới sự cai trị của chính quyền cộng sản, dẫn đến biến cố người Việt trở thành một dân tộc lưu vong trên tòan thế giới. Phải mất bao nhiêu trang giấy để lưu lại hết những điều cần nhớ về Mẹ Việt Nam trong giai đọan này"
Nhân ngày Mother Day, tôi muốn kể lại câu chuyện về một người Mẹ Việt Nam, mà cuộc đời đã gắn liền với hầu hết các biến cố của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20. Nhân vật chính có tên là Mẹ, vì tôi tin rằng rất nhiều bà mẹ của chúng ta cũng sẽ thấy hình ảnh của chính mình trong câu chuyện này…
Mẹ là người Hà Nam, sinh ra trong một gia đình là nhà giáo vào đầu thế kỷ 20. Ông ngọai đi dạy, bà ngoại làm nghề đan len. Trong bài nhạc Kỷ Niệm (Phạm Duy): “…mẹ tôi ngồi đan áo, bên cây đèn dầu hao, cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu…” đã phác họa tuyệt đẹp hình ảnh thanh bình của gia đình Mẹ thời tiền chiến. Thưở còn là thiếu nữ, Mẹ đã mau chóng kế thừa cả hai công việc này từ hai đấng sinh thành: mẹ học nghề rồi trở thành cô giáo dạy đan len cho các thiếu nữ khác của làng mình và làng bên cạnh.
Theo dòng thời cuộc, gia đình Mẹ về Hà Nội. Mẹ gặp Cha và thành đôi vào năm 1944. Cha một đời theo binh nghiệp. Mẹ theo truyền thống xuất giá tòng phu, theo chồng và đổi cuộc đời riêng theo cuộc sống của gia đình mới. Mẹ bắt đầu làm quen với công việc buôn bán của gia đình bà nội. Mẹ trở thành một người đàn bà buôn bán mau mắn, phụ bà nội trông coi cửa hàng xén của gia đình. Mẹ có con trai đầu lòng, làm đẹp lòng bà nội có cháu đích tôn nối dõi. Nhưng gia đình ngọai lại kém may mắn hơn. Ong bà ngoại thay phiên nhau mất trong cùng một năm, để lại ba cậu còn nhỏ. Người thân bên ngọai nhận nuôi hai cậu lớn. Mẹ xin bà nội đem cậu út về nhà nội. Mẹ thay ông bà ngoại nuôi dạy em nhỏ cho đến ngày nên người.
Rồi cách mạng 1945. Tòan quốc kháng Pháp 1946. Cha theo Việt Minh chống Pháp trong một thời gian ngắn. Cũng như rất nhiều thanh niên trí thức thời đó, Cha nhận ra mình không thể đi theo đường lối của họ . Mẹ ở hậu phương đi tản cư theo gia đình chồng, ủng hộ phong trào tiêu thổ kháng chiến. Trên đường tản cư, mẹ cho ra đời đứa con gái thứ hai của mình.
Rồi đất nước chia đôi năm 1954. Theo lý tưởng tự do, Cha quyết định đưa tòan bộ gia đình di cư vào Nam. Căn nhà đầu tiên cũng là duy nhất của Cha Mẹ nằm ở đường Thành Thái –Chợ Lớn. Cha tiếp tục binh nghiệp trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Mẹ bây giờ trở thành người quán xuyến gia đình. Mẹ chăm dạy đàn con, tổng cộng lên đến 3 trai, chín gái! Mẹ phụng dưỡng bà nội. Và Mẹ cũng là người tạo nguồn thu nhập chính. Cũng như rất nhiều bà mẹ di cư khác, Mẹ hòa mình vào nhịp sống miền Nam thật nhanh. Mẹ hiền dịu trong gia đình. Nhưng trong kinh doanh, mẹ là một người dám ra quyết định, dám mạo hiểm để có lợi nhuận, những phẩm chất của một “entrepreneur” hiện đại mà không phải người đàn ông nào cũng có. Chỉ vài năm sau ngày vào Nam, Mẹ đã mở tiệm tạp hóa đầu tiên của khu vực mình ở, mang tên là Tiến Thịnh. Mãi đến hơn 50 năm sau, mỗi khi hàng xóm nhắc đến ngôi nhà này, họ đều gọi một cách kính nể bằng cái tên “Nhà Bà Tiến Thịnh”. Rồi đến năm 1965, mẹ  xây “apartment” cho thuêngay đằng sau căn nhà chính của mình. Thực là khó tưởng tượng hồi đó mà Mẹ đã nghĩ ra dịch vụ kinh doanh này. Một căn nhà lầu 4 tầng, mỗi tầng là một “unit” đầy đủ tiện nghi cho một gia đình đến thuê sinh sống. Gia đình sống sung túc là nhờ mẹ. Các anh chị lớn được đi du học là nhờ Mẹ. Tiền lương quân đội của Cha chỉ đủ để trả tiền điện mà thôi! Tuy nhiên, một đặc điểm cần phải nhắc đến: cho dù thành công đến đâu, Mẹ vẫn luôn đứng đằng sau Cha. Những quyết định về gia đình vẫn phải hỏi qua ý kiến của Cha. Dưới mắt bạn bè, xã hội, cha mới là rường cột của gia đình. Người Mẹ, người Vợ Việt Nam là vậy đó.
Rồi biến cố 30-04-1975 ập vào miền Nam. Nhớ buổi chiều hôm ấy, Cha trở về nhà. Cũng trong bộ quân phục như mọi ngày, nhưng trông Cha bây giờ đã khác. Thất vọng. Bất Lực và hòan tòan mất định hướng về tương lai. Kể từ lúc đó, mẹ biết mình phải có nhiều nghị lực hơn nữa, để trở thành chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần cho Cha. Trong những thời cuộc đảo lộn như vậy, người phụ nữ lại có yếu tố mềm dẻo hơn người đàn ông để vượt qua giai đọan khốn khó nhất. Cha đi tù cải tạo. Mẹ phải tiếp tục chăn dắt đàn con, bương chải kiếm sống,  đi thăm nuôi chồng. Những chuyến đi thăm nuôi tận miền Bắc vào thời đó thật là gian khó, tốn kém. Nhưng chắc cũng không thể so sánh với những tủi nhục trong trại mà cha phải trải qua trong trại. Mẹ bắt đầu tìm đừơng sinh kế trong thời buổi mới. Mặt tiền của nhà cho bác sĩ thuê, còn Mẹ ở nhà trong bán thuốc tây, một mô hình phòng mạch-nhà thuốc tây tư nhân liên kết. Dạng kinh doanh này đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều người dân trong thời đó, khi các dịch vụ y tế chính của xã hội đều xuống cấp dưới sự quản lý của nhà nước.


Đến đầu năm 78, nhà nước Việt Nam mở chiến dịch đánh tư sản. Gia đình của mẹ nằm đầu trong sổ đen, “vừa tư sản, vừa ngụy quân”, nên được chính quyền địa phương niêm phong, kiểm kê tài sản đầu tiên. Sau một tháng trời lục sóat, kiểm kê, nhà giống như một căn nhàbỏ phế, đồ đạc bị lấy đi, những gì còn lại nằm bừa bãi khắp nhà. Căn nhà trở thành tài sản của nhà nước. Cả gia đình được dồn vào sống trong căn nhà đằng sau, trước đây để cho thuê. Vào buổi sáng, khi mà chính quyền đem xe đến chở các tài sản kiểm kê và rút người đi, mẹ đứng trước cửa, nhìn theo một cách lặng lẽ. Lần đầu tiên, các con nhìn thấy mẹ già, tiều tụy đi hẳn. Tóc mẹ bạc nhiều hơn. Bị cướp đi tài sản giữa ban ngày, Mẹ phải làm lại từ đầu một lần nữa với bàn tay trắng. Trời Phật chắc là có mắt, nhưng còn thử thách sức chịu đựng của mẹ đến bao lâu nữa đây"
Mẹ chưa thể ngã xuống được, vì cả gia đình, kể cả bố còn trong trại cải tạo, vẫn phải dựa vào Mẹ. Nhìn thấy viễn cảnh cả nhà sẽ bị xúc đi kinh tế mới, các con có thể bị vất vào một nơi nào đó không hề biết trước, Mẹ quyết định mua một miếng đất ở Long Thành, tự mình xuống đó để làm đúng chính sách của nhà nước trong chương trình “ cải tạo tư sản”. Bây giờ mẹ cũng có rẫy sắn sau nhà, phải giả làm nông dân “lao động tốt”, để các con được tiếp tục đi học ở Sài Gòn. Mẹ bắt đầu sắp đặt cho các con tìm đường vượt biên, giống như rất nhiều gia đình bị ngược đãi ở Miền Nam. Nếu có Cha ở nhà, sẽ không có ai đi cả, vì Cha muốn “gia đình sống chết phải cùng có nhau”. Nhưng đứng trước một tường lai mờ mịt của đất nước lúc đó, Mẹ phải quyết định thay Cha. Sáu người con của Mẹ, trong đó có tới năm con gái đã lần lượt vượt biển tìm tự do vào những năm 79, 80. Những ai đã từng có con vượt biên vào thời điểm đó, chắc sẽ hiểu được quyết định này khó khăn đến dường nào.

Gia đình Mẹ đòan tụ tại Hoa Kỳ


Nhưng đúng là Trời Phật có mắt. Các con của Mẹ đều đến bến bờ tự do an toàn. Đến năm 85, Mẹ đón Cha về từ trại cải tạo. Người sĩ quan quân đội, rường cột của đất nước, gia đình năm nào, nay bỗng trở thành người thừa trong xã hội. Sau mười năm trong tù, Cha không thể hòa nhập vào xã hội mới, nhìn con người bằng con mắt nghi ngờ. Người với người đã trở thành thiên tai. Mẹ là chỗ dựa cho cha trong những năm tháng còn lại ở Việt Nam. Đến năm 90, Cha Mẹ và cô con gái út được bảo lãnh sang Mỹ, bỏ lại quê nhà và một quá khứ buồn, để bắt đầu cuộc đời mới nơi đất khách quê người.
Cũng hiếm có gia đình Việt Nam, sau bao năm ly tán, có được cảnh Cha Mẹ và 12 người con đều đòan tụ ở Mỹ. Các con của Mẹ phần lớn đều thành đạt. Mẹ làm bà nội, bà ngọai ở miền Bắc Cali. Mẹ hội nhập dễ dàng với xã hội Mỹ, vui với đời sống mới. Đúng 5 năm sau ngày đặt chân đến nước Mỹ, Mẹ đi thi quốc tịch bằng tiếng Mỹ và đậu ngay trong lần thi đầu tiên.
Vui tuổi già thì có, nhưng chưa hòan tòan thanh thản. Mười lăm năm đối phó với bao nhiêu sóng gió cuộc đời đã cướp đi sự thanh thản đáng có của tuổi già. Mẹ chưa quên được chuyện cũ. Mỗi lần có dịp về Việt Nam, Mẹ vẫn nhìn lại ngôi nhà cũ thân yêu của mình, mong có ngày lấy lại được từ nhà nước Việt Nam. Mẹ vẫn viết thư cho chính quyền Việt Nam, đề nghị họ phải biết làm những điều lợi dân, lợi nước. Mẹ viết thư cho chính quyền Mỹ, yêu cầu họ nên tạo sức ép nhiều hơn để chính phủ Việt Nam phải thực sự thay đổi. Mẹ viết thư cho các hội đoàn cựu chiến binh của người Việt ở Mỹ, động viên mọi người hãy giữ vững tinh thần, rồi sẽ có ngày tự do dân chủ thực sự về với quê hương. 
Rồi vào cuối đời, đã sang thế kỷ 21, mẹ làm những công việc sau cùng của một đời làm mẹ, làm vợ. Khi người con trai trưởng vắng số mất sớm, cả nhà phải dấu Cha, vốn đã già yếu. Chính Mẹ là người lo hậu sự cho con mình. Và sau cùng, Mẹ tiễn Cha về với tiên tổ. Các con lo rằng mẹ sẽ không đứng vững sau những mất mát này. Nhưng không, Mẹvẫn là Mẹngày nào, tiếp tục vượt qua những thử thách sinh ly tử biệt sau cùng của một kiếp người.     
Xin nghiêng mình cúi chào Mẹ, cùng những bà mẹ Việt Nam của thế kỷ20. Người ta hay thích xây dựng những hình tượng bà mẹ anh hùng. Theo tôi, hình ảnh những bà mẹ thầm lặng trong đời thường như vậy mới có sẵn trong tim của mỗi con người Việt Nam chúng ta…
Đòan Hưng 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hồi còn ở Việt Nam, có một lần đi ăn ở một quán ăn nổi tiếng của Hà Nội
Đối với Người Việt mình, cái nghề “bán hàng- tiếp thị” (sales & marketing) vẫn chưa được ưa chuộng lắm
Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đều đồng ý rằng thời gian đẹp nhất của một đời người là giai đoạn tuổi học trò
Cái tên Dõan Vinh tuy mới nhưng không còn xa lạ với cộng đồng Người Việt Đất Mỹ
Hình ảnh đòan lữ hành trong bản nhạc Con Đường Vui mới đẹp làm sao!
34 năm sau sự kiện 30-04-1975, nhà làm phim Đức Nguyễn cho ra mắt bộ phim tài liệu Bolinao 52- Nhớ, Hòa, Lành
Nhạc sĩ Trúc Hồ là một cái tên đã quá quen thuộc với cộng đồng người Việt ở Mỹ
Có người nói rằng cộng đồng Người Việt ở Mỹ khi rời quê nhà có ý định đem cả quê hương của mình sang bên này luôn
Nói về nghề luật sư, dư luận xã hội Mỹ đi theo hai hướng trái ngược hòan toàn
Khỏi cần phải nói, ai cũng biết người dân Mỹ trong thời gian này đang bận bịu với việc khai thuế.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.