Hôm nay,  

35 Lịch Sử Tị Nạn: Người Việt Ở Mỹ Vẫn Đi Tìm Sự Cân Bằng Giữa Hội Nhập Và Duy Trì Bản Sắc Dân Tộc

20/04/201000:00:00(Xem: 7698)

35 LỊCH SỬ TỊ NẠN: NGƯỜI VIỆT Ở MỸ VẪN ĐI TÌM SỰ CÂN BẰNG GIỮA HỘI NHẬP VÀ DUY TRÌ BẢN SẮC DÂN TỘC
 
Tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, biểu tượng của người Việt tị nạn tại Little Saigon

 

 

 

 

lớp học của một trung tâm Việt Ngữ
 

 

 

 

 

phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại Mỹ luôn hướng về nguồn


Tháng Tư năm nay, người Việt ở Mỹ kỷ niệm 35 năm lịch sử tị nạn của mình. Có thể nói rằng trong 35 năm qua, dòng người Việt sang định cư ở Mỹ vẫn liên tục và chưa có dấu hiệu ngừng, chỉ có khác là ở mức độ và hình thức. Người Việt di tản, rồi làn sóng vượt biên, rồi chương trình H.O, chương trình đoàn tụ gia đình… Hình như tình hình kinh tế và chính trị trong nước dưới sự cai trị của chính quyền CSVN còn nhiều điều bất ổn, nên nhiều người dân trong nước vẫn tìm tương lai ở nước ngoài nếu có điều kiện.
35 năm nhìn lại, một trong những vấn đề lớn mà người Việt chúng ta luôn luôn phải đương đầu trong cuộc sống ở Mỹ vẫn là tìm sự cân bằng giữa khả năng hội nhập vào xã hội Mỹ và việc duy trì bản sắc riêng của dân tộc…
Vấn đề hội nhập, có lẽ những người Việt tị nạn đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ vào cuối thập kỷ 70 là gặp nhiều khó khăn nhất. Nhiều người vẫn nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, không người thân, không biết tiếng Mỹ, bỡ ngỡ và hoàn toàn xa lạ với một nền văn hóa trái ngược. Những giúp đỡ ban đầu thường đến từ các tổ chức thiện nguyện, tôn giáo của Mỹ. Người Việt lúc đó phải làm đủ mọi nghề khác nhau để tạm kiếm sống, rồi đi học lại để từng bước ổn định cuộc sống. Những ngày đầu đầy gian nan, với những kỷ niệm đầy mồ hôi và nước mắt. Những đợt người đến sau khả năng hội nhập bắt đầu dễ hơn, do có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi đi từ Việt Nam, và cũng vì cộng đồng người Việt đã bắt đầu hình thành và lớn mạnh khắp nơi trên đất Mỹ. Người thân giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho nhau trong những ngày đầu. Kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho người đi sau. Công việc làm tạm thời trong cộng đồng người Việt cũng mỗi ngày một nhiều hơn. Sự tương trợ này đã giúp cho những người Việt đến Mỹ vào thập niên 90 trở đi hòa nhập vào cuộc sống ở Mỹ rất nhiều so với những đợt đi trước. Tuy nhiên, không hẳn những người đến sau không có những bất lợi . Bắt đầu vào đầu thế kỷ 21, nền kinh tế Mỹ bắt đầu đương đầu với những khó khăn về công ăn việc làm, khi mà các công ty Mỹ bắt đầu đẩy nhiều ngành công nghiệp của mình sang Trung Hoa, Ấn Độ…Nền kinh tế Mỹ đã phải trải qua những đợt khủng hoảng nặng nề. Những người đến Mỹ bắt đầu kiếm việc làm khó hơn. Cộng với tuổi tác trung bình của những người đi theo diện đoàn tụ trong giai đoạn này cũng cao hơn, nhiều người định cư cảm thấy quá khó khăn để có thể bắt đầu lại cuộc sống mới. Có người đã đành quyết định quay lại Việt Nam để kiếm sống trong môi trường quen thuộc của mình.
Ngược lại với hội nhập là những nỗ lực để bảo tồn bản sắc dân tộc. Chẳng đặng đừng phải bỏ nước ra đi, Người Việt vẫn luôn tự hào và không quên nguồn gốc của mình: “…ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người, làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam…” (Nguyễn Đức Quang). Đối với thế hệ Người Việt Tị Nạn thứ nhất, quyết tâm duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam tại hải ngoại là rất lớn, cho nên những gì mà thế hệ này đã làm được trong việc bảo tồn văn hóa Việt thật đáng khâm phục.  Có thể điểm qua một vài thí dụ: Người Việt ở Mỹ là cộng đồng sắc tộc có số lượng báo chí bằng tiếng riêng của mình cao nhất; là cộng đồng có phong trào hướng đạo sinh hoạt riêng với số đoàn sinh đông nhất; là cộng đồng ở Cali có số lượng đài truyền hình bằng ngôn ngữ riêng của mình nhiều nhất, có số lượng các trung tâm dạy Việt Ngữ nhiều nhất… Tất cả những sinh hoạt này đã khiến cho người Mỹ dễ nhận ra sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng Người Việt, với những đặc điểm văn hóa riêng của mình trong ba thập niên qua. Càng về sau, khi thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ ngày càng đông hơn, những nỗ lực duy trì bản sắc Việt trên đất Mỹ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Các em do không tìm thấy sự cần thiết phải liên hệ với cội nguồn, nên không muốn học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt. Nhiều bậc cha mẹ còn tin rằng quên đi nguồn gốc sẽ giúp các em hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh hơn!


Những người định cư đến sau đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì văn hóa Việt trong cộng đồng. Những gia đình mới sang có trẻ em nói được tiếng Việt, vẫn tôn trọng duy trì những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam như tôn kính cha mẹ, coi trọng tình thương yêu của họ hàng, nhớ ơn tổ tiên… là những thí dụ cụ thể cho các bạn cùng lứa tuổi ở Mỹ.
Một trong những khó khăn trong thời gian gần đây là chúng ta vừa phải duy trì văn hóa Việt, vừa phải chống lại sự xâm lăng văn hóa của chính quyền CSVN, luôn tìm cách len lỏi vào cộng đồng người Việt ở Mỹ. Thật là khó khăn cho một cộng đồng tha hương như chúng ta, khi cần phải giữ gìn văn hóa Việt nơi đất khách mà lại không thể gắn kết chặt chẽ với suối nguồn văn hóa tại quê nhà. Chính quyền CSVN chính là rào cản đã ngăn chặn sự liên hệ văn hóa hết sức cần thiết này. Có thể nói ngày nào còn chế độ  độc tài tại Việt Nam, ngày đó người Việt ở Mỹ vẫn phải lo cùng một lúc hai nhiệm vụ: duy trì văn hóa Việt và duy trì nền văn hóa phi cộng sản trong cộng đồng.
Những thành tựu đạt được trong hai lĩnh vực hội nhập và duy trì bản sắc riêng trong 35 năm qua của người Việt ở Mỹ thật đáng trân trọng. Cho dù vẫn phải đợi kết quả đợt thống kê mới nhất của Sensus 2010, chúng ta có thể khẳng định rằng người Việt ở Mỹ là cộng đồng Á Châu phát triển mạnh nhất trong 3 thập niên qua, đang ngày càng có thế đứng và tiếng nói mạnh lên so với các cộng đồng sắc tộc Á Châu khác. Những đóng góp của người Việt trong các lĩnh vực kỹ thuật, quân sự, chính trị tại Hoa Kỳ đang được công nhận bởi người Mỹ bản xứ ngày càng nhiều. Chúng ta đã hình thành một Little Saigon, trung tâm văn hóa của người Việt tị nạn. Little Saigon đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với nhiều người Mỹ, cũng như cái tên Sài Gòn trước 1975 vậy. Cho dù Sài Gòn có mất tên ở quê hương bao lâu đi chăng nữa, những cái tên Little Saigon sẽ còn tồn tại lâu dài trên đất Mỹ. Có nhiều người Mỹ còn nói đùa rằng Little Saigon bây giờ không còn “little” nữa rồi! Những lễ hội duy trì bản sắc văn hóa Việt ở Little Saigon được duy trì đều đặn hàng năm: Hội Chợ Tết Sinh Viên, Diễn Hành Tết Nguyên Đán, Tưởng Niệm Tháng Tư Đen, Tết Trung Thu, Niềm Mơ Ước Giáng Sinh… Hội Chợ Tết Sinh Viên đã trở thành một ngày hội của người Việt khắp nơi trên nước Mỹ, hằng năm tụ về Cali để nhớ lại không khí tết cổ truyền tại quê nhà.
 Những vấn đề của tương lai" Những hoạt động kinh doanh, văn hóa của người Việt của chúng ta, đặc biệt là ở khu vực Little Saigon, đa số chỉ tập trung trong cộng đồng chúng ta. Do khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, người Việt thuộc các thế hệ đi trước thường chỉ buôn bán, phục vụ cho người Việt. Mà thị trường này dần đã bão hòa, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn. Cần phải đẩy mạnh sự hội nhập vào dòng chính của người Mỹ và các cộng đồng bạn. Trách nhiệm này được đặt lên vai thế hệ trẻ lớn lên ở Mỹ. Đối với vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc, câu hỏi luôn đặt ra cho thế hệ đi trước là “cái gì nên giữ lại, cái gì nên bỏ đi” của nền văn hóa Việt trên đất Mỹ" Một câu hỏi không dễ trả lời. Đó vẫn là đề tài suy nghĩ, tranh luận của các nhà văn hóa, giáo dục. Chỉ có một điều chắc chắn là nước Mỹ khuyến khích các cộng đồng sắc tộc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của mình để làm giàu cho nền văn hóa chung của Hợp Chủng Quốc. Xin đừng nghĩ rằng phải chối bỏ cội nguồn thì mới hội nhập được.
Một vấn đề nữa cũng đáng suy nghĩ là sự phân hóa thường có trong cộng đồng chúng ta. Người ta hay nhắc đến câu “đùa như thiệt” khi so sánh: 1 người Việt = 3 người Nhật; 2 người Việt = 2 người Nhật; 3 người Việt = 1 người Nhật ! Người Việt ít có khả năng “đồng ý làm việc chung trong sự bất đồng” (agree to disagree) như người Mỹ. Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử đầy xung đột và bạo động, cộng đồng người Việt hải ngoại được đánh giá là kém đoàn kết hơn so với các cộng đồng Do Thái, Hoa, Đại Hàn, Nhật… Cuộc bầu cử Ban Đại Diện Cộng Đồng Người Việt Quốc Gian Nam California vào ngày 18/04/2010 vừa qua là một trong những nỗ lực để tạo nên một cộng đồng gắn bó, đoàn kết hơn trong tương lai.
Vẫn còn nhiều việc để làm cho những ai có tấm lòng đối với Cộng Đồng Người Việt Ở Mỹ. Lịch sử 35 tị nạn vẫn có thể xem là khá ngắn ngủi so với những cộng đồng sắc tộc khác trên nước Mỹ. Tương lai của cộng đồng cũng có thể được phác thảo ngay từ bây giờ. Nhưng chúng ta chỉ đóng góp một phần nhỏ. Phần chính thuộc về thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Do đó, việc đầu tư cho con em cũng chính là việc chuẩn bị cho diện mạo của cộng đồng chúng ta trong tương lai…
Dân Việt

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hơn một tuần qua, người Việt trong và ngoài nước chuyền nhau những tin tức trên mạng về cách thức mà dân tộc Nhật vượt qua cơn đại nạn động đất và sóng thần
Cứ mỗi 69 giây, thì căn bệnh ung thư ngực cướp đi sinh mạng của một người phụ nữ trên trái đất. Con số này đủ nói lên sự nguy hiểm của căn bệnh này, khiến giới y khoa toàn cầu đã và đang tìm những biện pháp để chế ngự nó
Nhiều khoa học gia chuyên nghiên cứu về môi trường đã tiên đoán rằng trong một tương lai không xa, nước sạch sẽ có giá của dầu mỏ ngày hôm nay
Thông thường, lòng thương xót của dân Việt mình thường được dành cho những người bệnh tật
Năm Canh Dần đã qua với khá nhiều khó khăn trong kinh doanh đối với các nhà thuốc tây độc lập
Phóng sự ghi nhanh qua hình ảnh những ngày Tết Tân Mão
“Trong nắng xuân trong sáng Cành mai khẽ lung lay
Như vậy là ngày mai đã là ngày đưa Ông Táo Về Trời, và chỉ còn một tuần nữa là người Việt mình tiễn đưa năm cũ, đón năm mới Tân Mão bằng cái Tết cổ truyền.
Theo thống kê của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có hơn 13,000 sinh viên học sinh từ Việt Nam sang Mỹ du học
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.