Hôm nay,  

Kể Chuyện Gia Đình/Chuyện Tình/Kỷ Niệm/Chia Xẻ: Cây Lá Cách Và Món Rau Luộc Thập Cẩm

16/11/201900:00:00(Xem: 4959)

Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ

Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ  …  là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả. Các bạn có thể kể chuyện tình, đời sống hôn nhân, hay chuyện gia đình, chuyện nuôi dạy con, kỷ niệm thời đi học, thời tuổi trẻ, tuổi thơ, những hồi ức, tâm sự ….  của bạn, hay chia sẻ những bài viết hữu ích nói về tình yêu và đời sống gia đình, quê hương đất nước, … cho tất cả bạn đọc Việt Báo và Việt Báo Online cùng thưởng thức hay học hỏi từ chuyện tình/chuyện gia đình, bài viết  của bạn.

Có biết bao nhiêu chuyện để kể, tâm sự, chia xẻ, các chuyện vui, truyện ngắn, truyện dài … Mời bạn viết hay sưu tầm và gửi cho Việt Báo, hoặc eMail cho: giadinh@vietbao.com hay minanguyenha@yahoo.com

Trang Gia Đình/ Chàng&Nàng chờ chuyện tình, chuyện gia đình, hay bài chia sẻ của bạn.

Tuần này, mời quý vị độc giả đọc bài chia sẻ của tác giả Thụy Mân về một món ăn đầy kỷ niêm.  Cám ơn bạn Thụy Mân đã chia sẻ nhiều bài viết hay với độc giả trang Gia Đình Việt Báo.

+++

Một thời gian giữa những chuyến vượt biên không thành, tôi và thằng em sống với cô tôi và gia đình chồng cô ở một vùng quê ngoại ô thị xã Mỹ Tho. Vùng đất trù phú này là một làng xóm điển hình của miền Tây Nam bộ. Những vườn cây ăn trái trĩu cành được lên liếp và xen kẽ với hệ thống kênh dẫn nước vào vườn từ ngoài sông lớn. Nơi đây lần đầu tiên chúng tôi được biết đến cây lá cách mà miền Trung thời ấy không có.

Nhà có ông bà Tư là ba mẹ chồng của cô tôi, cô Út là em chồng của cô tôi lớn hơn tôi độ 7,8 tuổi, đang học Đại học năm cuối thì nhà gọi về để chuẩn bị vượt biên, cô tôi, bé Nhi đứa em họ mới sinh được mấy tháng, và thằng Gọn, thằng bé phụ với ông Tư công việc lặt vặt trong vườn. Dượng tôi, ngày ấy là sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, mới bị đi tù "cải tạo" về, gia đình thu xếp cho đi trước với hai đứa con trai. Lúc đó hai em họ của tôi chỉ mới 6 và 3 tuổi.

Ông bà Tư có nhiều vườn đất, là một trong những gia đình địa chủ của xóm này. Trái cây được trồng với quy mô lớn trong các khu vườn là quít, xoài, cóc, mận, chuối và dừa. Những thứ trái cây khác cũng có, nhưng chỉ trồng đủ để nhà ăn. Ông Tư luôn luôn phải thuê người làm tùy theo thời vụ, vì khi mùa đến, trái cây phải được thu hoạch nhanh gọn cho chủ vựa trong vòng 4, 5 hôm đến một tuần. Những việc chăm sóc cây ăn trái hàng ngày như cắt cành, tỉa nhánh, bỏ ruột gà lên cây quít (để kiến vàng nghe mùi đến sống, phụ một tay với người, tiêu diệt mấy đám rầy) thì ông Tư và thằng Gọn làm miết mà chẳng hết việc.

Thằng Gọn người Bình Đại, Bến Tre, ở độ tuổi giữa tôi và thằng em. Anh Tròn của nó được mướn để phụ với người nhà ông Tư chăm sóc chiếc ghe gia đình làm chủ. Một phần lớn người trong nhà đã vượt biên trên chiếc ghe này, thằng Tròn cũng đi theo. Thằng Gọn bị ba má nó bắt lên ở với gia đình ông Tư để trả ơn. Mặt mày nó dễ thương, đôi mắt nó to và buồn như mắt bò, tính tình hiền lành ít nói, nhưng đôi lúc thấy vẻ mặt dàu dàu của nó thì tôi hiểu là nó rất nhớ nhà, nhớ đám em nhỏ nó bỏ lại sau lưng khi mang cái tay nải theo ông Tư đi từ Bình Đại về Mỹ tho. Cô Út thương nó, nhưng hay theo ghẹo giọng “Bến Te”của nó: “Con cá gô, bỏ trong gổ, nó kêu gồ gồ, gột gột!”

Không có việc gì làm, tôi với thằng em đi theo cô Út và thằng Gọn đi làm rẫy. Trong khi rẫy ở miền Trung là khai phá trên núi cao hay trên các triền núi, thì rẫy theo trong nhà ông Tư thường gọi là mấy liếp vườn mới được khai phá sau này. Phần lớn những liếp nầy toàn là cỏ tranh. Người ta đốt cỏ, trồng đậu lên trên đó, nhưng không cần thu hoạch, chỉ dập thân đậu xuống để đất được xốp và tốt dần. Việc ruộng rẫy tôi không xa lạ gì, nhưng đồng đất miền Tây có những nét khác biệt, chúng tôi phải học ở thằng Gọn rất nhiều.

Cô tôi nấu ăn rất ngon. Chúng tôi được biết đến những món ngon miền Tây là nhờ cô. Ngay cả những món đơn giản hàng ngày như cá rô kho tộ, canh bầu nấu với cá trê vàng, cô tôi đều có thể biến thành những món tuyệt hảo. Nhà có mấy ao cá, rồi khi nước ròng lại có vụ chặn mương để bắt tôm càng xanh, nên không lúc nào nhà thiếu món ăn ngon. Một bữa cô tôi bảo: “Mấy đứa đi làm rẫy về nhớ ghé vô vườn hái ít lá cách về luộc ăn”. Thằng Gọn rất rành mấy vụ này. Vườn mênh mông, nhưng nơi nào trong vườn có nhiều cải trời, lá lốt, nó đều biết chính xác.

Nó dẫn chúng tôi đến chỗ có cây lá cách. Khi nghe nói cây rau, tôi nghĩ lá cách là cây thân thảo, nhưng thật ra mấy cây lá cách ở vườn nhà ông Tư đã rất lớn, rõ ràng là cây thân mộc. Thằng Gọn dặn tôi chỉ nên hái những đọt non. Để lúc nào cũng có đọt non cho món rau luộc, thỉnh thoảng người ta lại cắt vài cành lớn vứt đi. Đọt non nứt ra từ đó xanh mướt!

Thành phần món rau thập cẩm tuỳ ý mình chọn, nhưng đây là những thứ rau mà cô tôi ưa thích cho món rau luộc thập cẩm của mình: đọt lá cách (chắc chắn phải có, vì mùi thơm dìu dịu của nó), cải trời, lá lốt, ngò gai, bắp chuối non. Nồi nước đang sôi lớn, bỏ bắp chuối cắt nhỏ vào trước, sôi vài dạo thì bắt đầu bỏ thêm các thứ rau khác vào, vừa chín thì vớt ra để ráo ăn với mắm nêm. Lần đầu tiên ăn món này, tôi mê nó đến mức đã nghĩ: Nếu lạc trên một hoang đảo, chỉ có món này ăn với cơm, tôi có thể sống được mà không cần những món ăn nào khác! (Còn có một món nữa mà tôi có thể ăn suốt mà không ngán đó là món bánh cuốn Bình Định, hôm nào có dịp nói sau!)

Mấy chục năm rồi, nhiều lần giữa những bữa tiệc ngổn ngang ê hề thức ăn Tây,Tàu đủ loại, tôi thấy mình ước được ngồi bên một nồi cơm vừa mới nấu xong, ăn dĩa rau luộc lá cách thập cẩm như ngày ấy với món mắm nêm.

 

Thụy Mân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo văn chương vỉa hè thì “thợ lặn” là từ để ám chỉ những tay tổ nào khôn mánh quá Trời. Mỗi khi có người nào cần mượn hay nhờ vả họ làm cái gì đó là họ né liền, trốn biền biệt hoặc phịa ra đủ thứ lý do để khỏi làm…đúng theo câu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Hình như số nầy hơi nhiều. Mà cũng ngộ, ngày xưa bên nhà, cái bếp là vùng bất khả xâm phạm, một thứ no man’s land đối với đàn ông con trai. Lỡ rũi có láng cháng xuống đó là bị mấy bà, biểu đi lên nhà trên đi, đi chổ khác chơi. Đây là chổ của đàn bà con gái, xuống đây làm gì.
Kính mời quý độc giả góp vào mục Góc Ảnh Gia Đình mọi loại ảnh gia đình hay ảnh của "chàng và nàng" như ảnh sinh hoạt gia đình, cảnh thiên nhiên, ảnh ông bà & cháu, cha, mẹ & con, ảnh bé bi, ảnh các bé dự thi, đám cưới, trăng mật, sinh nhật, họp mặt, du ngoạn, đủ loại...
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả.
1. Tháng Mười Hai, tháng cuối năm, gợi nhớ đến những cơn gió chiều se lạnh và mùa Noel lại về. Người ta hay bảo “Xuân về nhớ Mẹ”, còn Noel về thì nhớ ai, dạ thưa nhớ bạn (khi chưa có…người yêu).
Đây là cách tính những khoản thu chi và để dành để có được “một lối sống cân bằng” theo như kinh nghiệm sống của tác giả Eker sau khi ông đã tạo được hàng triệu đô la và đi diễn thuyết về cách tổ chức tài chánh trong cuộc sống cá nhân cũng như việc quản trị tài chánh trong các xí nghiệp lớn ở khắp nơi như sau:
Vậy là tôi đã sống ở Mỹ mười năm, kể từ mùa Thanksgiving bão tuyết 2009. Tôi vẫn không quên cô chiêu đãi viên hàng không hãng American Airlines, người Mỹ tử tế đầu tiên tôi gặp trong chuyến du lịch từ Mỹ quốc sang Anh quốc, đã để lại một hình ảnh đẹp của người Mỹ.
Nhà nghiên cứu Phật Học Nguyên Giác Phan Tấn Hải đứng bên này biên giới Nam Hàn nhìn qua bên kia Bắc Hàn. Cảm ơn Cư Sĩ Nguyên Giác đã gửi hình.
Bánh bông lan không những được trẻ con đặc biệt yêu thích mà cả người lớn cũng rất thích.
Trên đời này và hiện nay không có gì thiếu thốn bằng Tình yêu. Người đời chèn ép nhau, dẫm đạp nhau, xô lấn không nương tay.
Nhà nghiên cứu Phật Học Nguyên Giác Phan Tấn Hải hành hương đến Phật Quang Sơn tại Đài Loan vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2019. Cảm ơn Cư Sĩ Nguyên Giác đã gửi hình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.