Hôm nay,  

Chuyện Trong Nhà Ngoài Ngõ:Nhớ Về Hai Người Bạn...

29/10/201100:00:00(Xem: 30351)

Chuyện Trong Nhà Ngoài Ngõ:Nhớ Về Hai Người Bạn...

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ba người bạn nầy, giống như có A thì phải có B và C vậy. Hễ gặp người nầy thì cũng thấy người kia, không sai chạy. Đây là ba người bạn của Xinh từ năm 1968 sau Tết Mậu Thân. Mặc dù đã bốn chục năm qua, hình ảnh các bạn vẫn lẩn quẩn trong đầu.

Một người đã chết lâu lắm rồi, còn hai người kia" Hai bạn đang ở đâu."

Nếu có ai biết tin gì về hai người bạn của tôi, xin cho hay, cám ơn vô cùng.

...

Nói về người bạn tên Thử.

Chàng thư sinh quê ở Đơn Dương, Đà Lạt, vừa đậu xong Tú Tài phần II, được cha mẹ gởi lên Sài Gòn học tiếp. Xinh không nhớ rõ, có phải Thử vô Nông Lâm Súc" vì gia đình Thử có rẫy rau cải gì đó ở Đơn Dương, Đà Lạt.

Hồi đó dì Bảy Xinh buôn bán ngoài chợ, nhờ vậy dì Bảy quen biết Thử. Thấy Thử vừa đi học vừa đi làm (thỉnh thoảng y theo xe hàng chở rau cải từ rẫy nhà ở Đà Lạt xuống Sài Gòn) nên dì Bảy thương y lắm, mỗi lần gặp chị em Xinh là dì Bảy khoe: "thằng thiệt giỏi, vừa học giỏi vừa có hiếu". Chưa kịp đợi dì Bảy đem tới cho gặp mặt coi coi "chàng là ai" thì được người chị bà con dẫn Thử tới giới thiệu. Bà chị nầy đa tình đa cảm lắm và khoái chuyện xe duyên kết tóc!

Thử là một chàng thanh niên trầm lặng ít nói. Có đôi mắt nhìn ai là nhìn thẳng thắn, không nói gì hết cho nên Xinh cũng hổng hiểu rõ gì mấy về Thử.

Từ lần gặp mặt đó thỉnh thoảng Thử vô nhà Xinh tận trong Phú Lâm (quận sáu Chợ Lớn) chơi, lần nào vô cũng chẳng đi tay không, khi thì bịt trái su, bắp cải, khi thì cà rốt... và đặc biệt là trái dâu rất hiếm quí, trái strawberry đó. Cầm trái dâu đỏ tươi mọng mát, một loại giống quí từ bên trời "Tây" lận à! đưa lên mũi hít hít cho đã mùi thơm thiệt thơm ngọt thiệt ngọt một hồi mới xắt ra, ướp với chút đường và nước đá cục đập nhỏ, nuốt tới đâu mát tới đó... (bây giờ ở Mỹ, mua lần cả thùng, mà đâu có ngon bằng mấy trái dâu quí giá đó). Ờ quên, Thử còn đem trái bơ nữa (trái avocado đó) Thử còn chỉ cách lấy cái hột ra bằng cách chẻ đôi trái bơ, tách ra làm hai, một bên thịt một bên còn cái hột, cầm cây dao phập nhẹ một cái cho dính vô cái hột, lấy cái hột lên một cách gọn gàng!

Lấy cây muỗng nạy phần thịt ra, dầm vô ly rồi chế sữa đặc có đường (sữa hiệu con chim hay ông Thọ) đập nước đá cục vô, để cho tan ra, múc từ muỗng trái bơ bỏ vô cái miệng đang hảo ngọt... lạnh ngon ngọt béo hết biết.....

Xinh không thân với Thử, chỉ là bạn thường thường, ngồi trước hàng ba buổi chiều tối nói dóc, chuyện văn chương, chuyện phim hay, chuyện học hành hay là biểu diễn coi coi ai hút gió đúng giọng hơn ai, ai đọc sách nhiều hơn ai, phim này mới ra có coi chưa... để mà “lấy le” với nhau ... người nầy hỏi người kia

...có đọc cuốn sách nầy chưa"

... tui thích ca sĩ nầy, nhứt là ca bài... hay hết biết,

...hông hông tui thấy ca sĩ nầy ca bản đó mới truyền cảm hơn. Cô Khánh Ly... ca thành thật hơn bà điệu kia, ca mà điệu quá điệu mất hay...

... rồi phê bình tứ tung về ca sĩ nầy cù lần nhạc sĩ nọ phản chiến nhưng nhạc thì hay... (đứa nào cũng cố làm như “ta đây rành hơn” !!!).

Lúc đó phong trào nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang vang lừng trong giới sinh viên, mà hình như nhạc sĩ họ Trịnh ở Đà Lạt, Hoàng và Thử nói họ đều biết TCS.

Bẵng một lúc lâu không liên lạc, rồi nghe nói Thử đăng lính.

Nhớ có một lần Thử ghé thăm, ra về bỏ quên cái nón, chắc nhỏ Ngọc Anh còn nhớ vụ này" (hình như hai người này có cảm tình với nhau""")

Thời gian sau, sửng sốt nghe tin Thử chết.

Thử ra đi sớm quá, tuổi chưa quá hăm lăm!

Tin bất ngờ, lòng đau quặn, mà phải chấp nhận như là một “chuyện bình thường” hay xảy ra cho tuổi thanh niên của thời đại đó, thời loạn!!!

Và cũng về sau, lâu lắm, Xinh mới biết lần đó dì Bảy tính làm mai Xinh với Thử. Thiệt tình, không duyên không nợ, mà cũng ngộ, người lớn tính gả Xinh cho hai ba người mà Xinh chẳng hay biết chút nào hết!

...

Có lần tới nhà chơi Thử đem theo người bạn. Đó là Hoàng.

Hoàng cũng đậu tú tài toàn phần, vô trường Luật. Nhà Hoàng toàn là chị em gái, nhớ là Hoàng có cô em gái tên Tôn. Vì là con trai duy nhứt nên Hoàng được miễn dịch.

Xinh với Hoàng thân nhau lắm. Thân như hai đứa bạn trai hay hai đứa bạn gái vậy đó. Quen nhau một lúc Hoàng dẫn Chương tới giới thiệu.

Chương là bạn học của Hoàng.

Lần đầu tiên gặp Chương, in là vào ngày Xinh lãnh nhiệm vụ đi rước dâu. Gia đình Chương tận Đà Lạt, nhà neo người và toàn con trai, Chương nhờ Hoàng tìm coi có bạn nữ nào đi chung gia đình để rước dâu tới Sài Gòn, Hoàng nhờ Xinh. Chương có người anh là một đại úy Bộ Binh. Khoảng năm 1967, 68, anh đóng ở Trãng Bàng, Củ Chi. Đóng ở nơi bụi đỏ mù trời, chàng đại úy oai hùng lọt vô đôi mắt xanh của một nguời đẹp “Tha La Xóm Đạo” nàng là thợ may tại chợ Trãng bàng. Cô thợ may có nét đẹp không thua gì minh tinh Thẩm Thuý Hằng. Nhà nàng chỉ có cha mẹ với hai chị em thôi.

Thứ sáu hôm ấy Xinh chỉ làm việc có nửa buổi, Hoàng và Chương đến tận hãng đón. Mới đầu Xinh tính đi chung với Hoàng nhưng khi ra sân để lên xe, yên đằng sau xe của Hoàng đã gắn cái gì đó rồi. Hoàng hất đầu qua phía Chương, nói:

-Chương, bạn học của Hoàng và đây là Xinh, ca sĩ Phú Lâm (!"!)

... rồi nhìn Xinh, Hoàng cuời toe, tiếp:

-Lên xe Chương đi người đẹp.

Xinh háy Hoàng, đuôi mắt sắc như dao cạo, mắng nhỏ:

-Đồ quỉ. Bỏ đi tám.

…và đành phải vén tà áo dài lên, xề lên băng sau xe Chương, trong bụng cười thầm (chaaa, Hoàng này tính trước há, tính làm mai tui cho bạn của Hoàng há").

Đường đi rất nóng, mồ hôi rịn trên lưng. Tay vịn cái yên mà sợ té thấy mồ, sau cùng Chương xây ra sau nói vói, “cứ ôm Chương đi không thời ngã đấy” nhưng Xinh lì lợm chỉ vịn vai Chương thôi.

Tới nhà cô dâu, mọi người được đón tiếp vui vẻ. Xinh vô phòng cô dâu, ngồi trên giường ngắm nàng đang sửa soạn tóc tai gì đó và nghe cô em tâm sự. Chị mười chín tuổi đi lấy chồng, cô em nhỏ mới mười lăm, em nói “chị đi lấy chồng em sẽ ở trong phòng này một mình...” rồi khóc rỉ rả thấy thương hết sức. Xinh hỏi tại sao đặt tên là Tha La xóm đạo bộ tất cả mọi người sống trong xóm này đều theo đạo hết hả" cô em nói “không phải ai cũng theo đạo nhưng vì ngừơi theo đạo là số đông, gọi là ngừơi công giáo còn ngừơi không theo đạo được gọi là “ngừơi lương giáo.”

Ngộ một điều, xóm này toàn là ngừơi miền Nam .

Nhớ buổi tối đó nhóm Xinh ngủ lại nhà cô dâu để sáng thức sớm rước dâu về Sài Gòn.

Trên cái sân xi măng rộng, bà con chòm xóm làm gì đó trước những cái thau bự tổ chảng, chuyện nói rôm rả... còn ba người Xinh, là khách bên đàng trai được đối đãi như thượng khách chẳng ai cho làm động tới móng tay, thành ra tụ lại ngồi trên chiếc chiếu nói dóc.

Lòng Xinh thấy vui vui, nhìn lên trời.

Xinh hay nhìn lên trời, thích nhìn lên trời, đêm cũng như ngày.

Đêm đó là một buổi tối có trăng sáng vằng vặt, trăng rằm hay gần rằm gì đó, tròn và sáng lắm. Xinh hứa thầm (mười năm nữa, hay là nhiều năm nữa, khi mình già, sẽ không quên đêm trăng sáng cùng ngồi với bạn trên sân nhà tại Tha La xóm đạo này, quả thật, tới bây giờ ngồi đây nhớ lại chuyện xưa, Xinh nhìn thấy rõ ràng đêm trăng sáng ấy, cùng với những ngừơi bạn ấy, trẻ trung một thời.

Hoàng nói với Xinh:

- Tha La xóm đạo là đây Xinh à. (Rồi Hoàng cất giọng vịt đực lên ca):

"Đây suối rừng xanh vờn quanh đầy mây trắng ..."

Chưa dứt câu thì bị Chương cười hộc lên, cười hô hố, giọng cười thấy "ghét"!

- Ối giời ông Hoàng nầy, thế mà cũng ca, hãy để cho "ca sĩ" Xinh ca đi ông nội ơi...

Xinh cừơi:

- Thôi thôi Chương nầy đừng có ngạo tui nha. Động động chút là ca sĩ ca sĩ. Ca sĩ hồi nào" Chương đừng có nói vậy người ta tưởng thiệt thì quê tui à nhe.

Hoàng nói:

- Chứ chẳng phải ca sĩ là gì" Tết nào cũng lên sân khấu...

Hoàng chưa dứt câu bị Xinh chận lại:

- Thôi, ông. Bị bạn bè đẩy lên ca bè ca vuốt đuôi chớ hay ho gì nà. Ờ nè, ngày mai tui chỉ đưa cô dâu tới nhà rồi tui về chớ hổng ở lại được à. Tui phải đi làm đó.

(Nhắc tới đây làm Xinh nhớ rõ hơn. Ờ, chắc chắn đó là lần đầu gặp Chương, càng nhắc càng nhớ rõ ràng.)

Phải rồi, Ba Xinh đã chết, lúc đó Xinh còn đang làm cho hãng Mỹ Phương. Khi tới rước Xinh buổi chiều thứ sáu đó chớ hổng phải là trưa như mới nói hồi nãy, ra xe Honda của Hoàng thì anh chàng đã cài sẵn một đống sách vở gì đó trên yên sau, thành ra Xinh phải leo lên ngồi trên cái phần trống sau lưng xe của Chương. À, thì ra hai người nầy có ý đồ, bắt buộc Xinh phải để cho Chương chở. Xinh có ý hơi giận giận Hoàng. Xinh hổng thích chuyện sắp đặt "làm mai" của Hoàng.

Ừ há! Chừng nào về Hoàng sẽ biết tay ta!

Có lẽ vì vậy mà Xinh hông muốn ở lại nhà Chương.

Con đường gần Củ Chi, bụi hết biết. Bụi đỏ bụi vàng, bụi mờ mịt, xe nhà binh chạy rần rần, tung bụi mù trời. Ai nghe nói tới tên Củ Chi Trảng Bàng cũng lắc đầu, sao mà dám đi, ở đó Việt Cộng đầy... đường hay bị giựt mìn...

Ngoài chợ thì bụi bặm như thế đó mà khi rẽ vô con đừơng tới Tha La thì bỗng dưng trời dịu hẳn xuống, hai hàng tre già đâu ngọn nhau che rợp con đường làng, đẹp hết sức.

Sáng hôm sau cả nhà sắp hàng kéo nhau ra nhà thờ làm lễ.

Tuổi trẻ sôi nổi ham vui mờ, có lo gì chuyện hiểm nguy, lại tánh bướng hay làm càng...

Khi mới có chiếc Jamaha Dame, cả lũ chạy ra xa lộ đua. Chạy một hàng rồi đưa tay phất làm dấu hiệu là rồ ga phóng lên. Có đứa làm sao mà nhổng nhổng bánh trước, hổng nguyên bánh trước lên, chỉ chạy rà sát lộ bằng bánh xe sau, nguy hiểm chết người trong tiếng cười ngất ngất dòn dã nhắm cả mắt lại, mà chẳng xảy ra chuyện gì, vẫn sống nhăn!

Có chết là chết vì viên đạn vô tình ngoài chiến trừơng!

Buổi tối đó lòng đứa nào đứa nấy đều còn vô tư còn mơ mộng còn chưa biết tương lai sẽ ra sao.

"Biết ra sao ngày sau

Đời cũng như bức tranh đủ màu

Ngày tháng qua là cung đàn mau

Nào ai biết ngày sau." (Que Sera Sera)

Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo văn chương vỉa hè thì “thợ lặn” là từ để ám chỉ những tay tổ nào khôn mánh quá Trời. Mỗi khi có người nào cần mượn hay nhờ vả họ làm cái gì đó là họ né liền, trốn biền biệt hoặc phịa ra đủ thứ lý do để khỏi làm…đúng theo câu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Hình như số nầy hơi nhiều. Mà cũng ngộ, ngày xưa bên nhà, cái bếp là vùng bất khả xâm phạm, một thứ no man’s land đối với đàn ông con trai. Lỡ rũi có láng cháng xuống đó là bị mấy bà, biểu đi lên nhà trên đi, đi chổ khác chơi. Đây là chổ của đàn bà con gái, xuống đây làm gì.
Kính mời quý độc giả góp vào mục Góc Ảnh Gia Đình mọi loại ảnh gia đình hay ảnh của "chàng và nàng" như ảnh sinh hoạt gia đình, cảnh thiên nhiên, ảnh ông bà & cháu, cha, mẹ & con, ảnh bé bi, ảnh các bé dự thi, đám cưới, trăng mật, sinh nhật, họp mặt, du ngoạn, đủ loại...
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả.
1. Tháng Mười Hai, tháng cuối năm, gợi nhớ đến những cơn gió chiều se lạnh và mùa Noel lại về. Người ta hay bảo “Xuân về nhớ Mẹ”, còn Noel về thì nhớ ai, dạ thưa nhớ bạn (khi chưa có…người yêu).
Đây là cách tính những khoản thu chi và để dành để có được “một lối sống cân bằng” theo như kinh nghiệm sống của tác giả Eker sau khi ông đã tạo được hàng triệu đô la và đi diễn thuyết về cách tổ chức tài chánh trong cuộc sống cá nhân cũng như việc quản trị tài chánh trong các xí nghiệp lớn ở khắp nơi như sau:
Vậy là tôi đã sống ở Mỹ mười năm, kể từ mùa Thanksgiving bão tuyết 2009. Tôi vẫn không quên cô chiêu đãi viên hàng không hãng American Airlines, người Mỹ tử tế đầu tiên tôi gặp trong chuyến du lịch từ Mỹ quốc sang Anh quốc, đã để lại một hình ảnh đẹp của người Mỹ.
Nhà nghiên cứu Phật Học Nguyên Giác Phan Tấn Hải đứng bên này biên giới Nam Hàn nhìn qua bên kia Bắc Hàn. Cảm ơn Cư Sĩ Nguyên Giác đã gửi hình.
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả.
Bánh bông lan không những được trẻ con đặc biệt yêu thích mà cả người lớn cũng rất thích.
Trên đời này và hiện nay không có gì thiếu thốn bằng Tình yêu. Người đời chèn ép nhau, dẫm đạp nhau, xô lấn không nương tay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.