Hôm nay,  

Mừng Sinh Nhật 80 và Tái Bản 2 Tác Phẩm của Nhã Ca: Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng & Truyện Dài Phượng Hoàng

22/10/201909:44:00(Xem: 7690)

Nha Ca Ky Sach
Nhà văn Nhã Ca (trái) ký sách cho Thảo Trương.

Nha Ca va ban huu
Nhã Ca & bằng hữu

 

Nha Ca
Nhã Ca và chiếc bánh sinh nhật.

 

WESTMMISTER (VB) – Nhà văn Nhã Ca, chủ nhiệm sáng lập của nhật báo Việt Báo đã được đại gia đình Việt Báo và bạn hữu xa gần chúc mừng đại thọ 80 và tái bản phát hành Nhã Ca Hồi Ký và truyện dài Phượng Hoàng trong đêm Thơ Nhạc và Bạn Hữu rộn ràng tiếng cười và đầy ắp tình thân tại hội trường Việt Báo, trên đường Moran, thành phố Westminster, miền Nam California, Hoa Kỳ, vào chiều tối Thứ Bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2019.

Xướng ngôn viên Thụy Trinh điều hợp chương trình đã cho mọi người biết rằng nhà thơ Trần Dạ Từ hôm nay đang bệnh nên không có mặt trong đêm nay và vì vậy “tất cả chúng ta cùng thay mặt chú Trần Dạ Từ chung vui với cô Nhã Ca.”

Lời mở đầu mừng sinh nhật trong đêm Thơ Nhạc và Bạn Hữu là từ nhà văn lão thành Doãn Quốc Sĩ, năm nay đã 96 tuổi. Qua giọng đọc chậm rãi, rõ ràng và hơi hám còn mạnh mẽ trong một bài viết sẵn, nhà văn Doãn Quốc Sĩ nhắc lại những kỷ niệm thân thiết của ông với nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ cũng như mối thân tình giữa hai gia đình. Nhà văn Doãn Quốc Sĩ kể:

“Tôi và Từ cùng đi học tập cải tạo ở trại Gia Trung, gần thành phố Pleiku. Ở nhà, Nhã cũng như bà xã tôi phải vất vả xoay sở để vừa sinh tồn, vừa đi thăm nuôi chúng tôi trong tù”.

Hài hước nhất mà có lẽ cũng chỉ có ở đất nước cộng sản là câu chuyện nhà văn Doãn Quốc Sĩ kể rằng chỉ vì hôn người vợ hiền lặn lội đường xa từ Sài Gòn lên Pleiku thăm chồng và được chồng hôn trước mặt cán bộ cai tù mà nhà thơ Trần Dạ Từ đã bị “la là ‘đồi trụy’ và bị cắt ngắn cuộc gặp” mặt hiếm hoi đó.

Nhà văn Doãn Quốc Sĩ kể tiếp chuyện ông và nhà văn Nhã Ca đi thăm nhà báo Hiếu Chân và nghe được 2 câu thơ mà ông nhớ mãi:

“Khi tôi ra tù lần đầu vào năm 1984, tôi và Nhã hay cùng đi thăm các bạn bè văn hữu. Nhớ thỉnh thoảng hai anh em đi thăm ông bạn già Nguyễn Hoạt, hay Hiếu Chân, ở cổng xe lửa Trương Minh Giảng. Ông bạn có 2 câu thơ vui nổi tiếng:

“Người ta hiếu lợi hiếu danh

Nào ai lại có như mình hiếu chân…”

Nhà văn Doãn Quốc Sĩ kết thúc phát biểu với lời chúc mừng nhà văn Nhã Ca sinh nhật 80 và chúc bà có thêm 20 năm nữa chung sống hạnh phúc với nhà thơ Trần Dạ Từ và với các con cháu và bằng hữu.

“Em có lũ con thơ

bị quê hương ruồng bỏ

Từ bóng tối hận thù.

Em nghiến răng...

Ném con cho giông tố...”

Khi tiếng hát cao vút của nữ ca sĩ Bích Liên cất lên trong nhạc phẩm “Ném Con Cho Giông Tố” của thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ người nghe có cảm giác như vừa được nhấc lên cao bởi những cơn sóng lớn của các biến cố đã xảy ra tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua mà nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca là những chứng nhân kể lại trong các tác phẩm của họ. Cùng chung nghiệp vận của dân tộc, nhà văn Nhã Ca đã phải đau đớn “nghiến răng” để cho những người con của mình vượt đại dương sóng to gió lớn đầy gian nguy trên đường đi tìm tự do.

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, trong phần giới thiệu về cuốn Nhã Ca Hồi Ký, nói rằng cuốn sách này đã được viết cách nay 30 năm sau khi nhà văn Nhã Ca ra khỏi nhà tù lớn là đất nước Việt Nam để đến Thụy Điển định cư. Ông nói 2 tác phẩm ra mắt đêm nay nằm trong số hơn 40 tác phẩm của nhà văn Nhã Ca đã viết. Ông cho biết Nhã Ca Hồi Ký không chỉ viết về “cõi âm” mà “trong đó con người chỉ là chất liệu cho phương án xây dựng một xã hội đảo ngược” của cộng sản, mà còn có nhiều điều tốt đẹp và lòng tử tế của con người đối với nhau. Ông kể về tấm lòng tử tế và yêu thương đáng quý của cựu tổng giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng Nguyễn Chánh Lý đối với gia đình nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca. Ông kể trường hợp nhà văn Mai Thảo được nhà văn Nhã Ca chứa chấp ở căn nhà số 142 đường Tự Do, Sài Gòn, khi còn trốn tránh sự truy lùng của công an cộng sản. Nhắc đến lòng tử tế của con người đối với con người, ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết nhà thơ Trần Dạ Từ thường dặn dò rằng hãy “cư xử xứng đáng, bình tĩnh thì con cái mới khá.”

Nhã Ca Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng đã được nhà văn Nhã Ca viết tại Thụy Điển năm 1989 và do Nhà Xuất Bản Thương Yêu xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1991. Lần tái bản này, năm 2019, dày hơn 650 trang, gồm 3 phần phụ lục.

Nhà thơ Trịnh Y Thư, đang phụ trách Nhà Xuất Bản Văn Học, giới thiệu cuốn truyện dài Phượng Hoàng. Ông cho biết rằng:

“Phượng Hoàng là tên một loài chim thần thoại, bay lên từ cõi hoang tàn đổ nát, đó cũng là tên của nhân vật chính trong truyện. Có lẽ chị Nhã Ca đã viết cuốn truyện này từ thời rất sớm trong sự nghiệp văn chương của chị. Cuốn sách thuật chuyện cô nữ sinh tỉnh nhỏ yêu người thầy giáo của mình, và những bi kịch cũng như thảm kịch của cô gái và gia đình cô xảy ra sau đó. Tuy nhiên, cô gái không gục ngã mà với tất cả sức mạnh và ý chí đã vượt qua bao nghịch cảnh để vươn lên tìm lại lẽ sống.

Có lẽ đó là ý nghĩa của chữ Phượng Hoàng.

Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1969, cách đây đúng nửa thế kỷ. Gọi là sách mà không hẳn là sách. Chính nhà văn Nhã Ca đã nói như thế, bởi vì tuy nó được in như một cuốn sách nhưng thực chất mang hình thức như một tờ tạp chí khổ nhỏ, bìa mỏng, in ấn sơ sài, giá rẻ, bày bán tại các sạp báo có gần như khắp nơi tại miền Nam VN trước 75.

Như chúng ta biết, sau 1975, toàn bộ nền văn học Nam VN bị nhà nước Cộng sản tìm cách truy diệt. Cùng với những tác phẩm văn học của các nhà văn nhà thơ khác cùng thời, sách của chị Nhã Ca bị đem ra đốt và không ai được quyền lưu giữ sách trong nhà. Tuy vậy vẫn có người vì lòng yêu quý và thương tiếc một nền văn học bị tiêu hủy một cách tàn bạo như thế, nên mặc dù cực kỳ nguy hiểm cho bản thân và gia đình, họ vẫn bí mật lưu trữ những tác phẩm ấy. Nhờ thế rất nhiều tác phẩm của chị nhà văn Nhã Ca viết trước 1975 ngày nay vẫn tồn tại.

Ngoại trừ cuốn Phượng Hoàng. Cuốn truyện là đứa con tinh thần của chị bị thất lạc suốt nửa thế kỷ nay. Tưởng không bao giờ trông thấy cuốn sách nữa, nhưng do một cơ duyên nào đó, cách đây không lâu, chính xác là tháng 7 năm 2019 này, một người bạn trẻ của chị từ trong nước gửi sang Mỹ cho chị một thùng sách cũ, trong đó có cuốn Phượng Hoàng.” 

Nhà thơ Đỗ Qúy Toàn đọc một đoạn trong bài trường ca “Hòn Đá Làm Ra Lửa” của nhà thơ Trần Dạ Từ làm trong tù ghi nhớ trong tâm và được viết ra thành chữ lần đầu tiên tại Thụy Điển vào tháng 11 năm 1988. Toàn văn bài thơ được đăng lần đầu vào tháng 4 năm 1989 tại Hoa Kỳ trong Tạp Chí Văn do nhà thơ Mai Thảo chủ biên, trong “Số Đặc Biệt Chào Mừng Trần Dạ Từ-Nhã Ca tới Miền Đất Tự Do.”

“Yên tâm nhé em. Em lo lắng gì nữa

Quả thật đằng sau khúc tụng ca bi tráng của J. S. Bach

Có nỗi khiếp sợ dịch đậu mùa la hét

Nhưng, cái mặt rỗ chằng chịt của tôi em từng ôm

Nó chẳng nhắc em sao:

Rằng việc chủng ngừa đậu mùa đã công hiệu

 

Hãy tin sự khôn ngoan của nhân loại

Tôi chia xẻ với em khúc tụng ca bi tráng

của quê hương và thời đại chúng ta…”

 

Một tình tiết khá đặc biệt trong đêm Thơ Nhạc và Bạn Hữu làm cho niềm vui của mọi người thêm viên mãn là giáo sư Tenzin Dojree -- người con nuôi tinh thần gốc Tây Tạng của nhà văn Nhã Ca -- cũng là giáo sư tại Đại Học UC Santa Barbara và California State Fullerton và Chủ Tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo của Quốc Hội Hoa Kỳ, đã được nhà thơ Trần Dạ Từ nhờ đọc bài thơ tiếng Anh mà nhà thơ Trần Dạ Từ vừa làm cùng ngày 19 tháng 10 tại bệnh viện để tặng nhà văn Nhã  Ca. Chị Huyền (cư sĩ Diệu Đế là mẹ của Thầy Kusho [Ven. Kongchok Woser] cho biết sáng ngày 19 tháng 10 Thầy Kusho đến bệnh viện thăm Bác Từ chúc Bác Từ sớm khỏe để làm thơ cho Thầy đọc. Ngay lúc đó, nhà thơ Trần Dạ Từ lấy bút giấy làm bài thơ này và nhờ Thầy Kusho edit dùm. Bài thơ có tựa đề The Beat [Nhịp Đập]. Đoạn đầu như sau.

He was left on a roadside

His heart lift her up

The heart goes with her

A heart in the ear, it whispers

A heart in the chest, it breathes

A heart in the belly, it kicks,

kicks

ah, it pushes

Three hearts take her into beat

Beat, beat, beat as one

And she goes, goes on

Bài thơ Một Đoạn Nhã Ca của nhà thơ Nhã Ca đã được ca sĩ Bích Liên diễn tả sống động qua giọng truyền cảm.

“Bụi là xác thân nhưng tù đầy thanh tịnh

dẫu tôi quạnh hiu như loài hươu trên núi cao

như con tê giác nhẵn sừng hùng hổ

hay con chim sẻ trốn trên mái nàng

tôi cũng luôn luôn nở hoa huyên náo

trong tình nhân, trong ái tình tôi

đỏ rực…”

Nhân vật mà nhiều anh chị em nói đùa hôm đó là “birthday girl” tức nhà văn Nhã Ca trong phần phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn đến tất cả mọi người đã vì bà mà đến chúc mừng ngày sinh nhật 80 tuổi là thời điểm mà bà gọi là giống như chiếc xe “đã ra exit.” Nhà văn Nhã Ca kể rằng khi gửi thiệp mời ngày này đến thi sĩ Du Tử Lê, ông dặn là sẽ đến dự và đọc bài thơ Thanh Xuân của bà. Nay thi sĩ Du Tử Lê đã ra đi nên bà thay ông để dọc bài thơ này. Lời 2 đoạn giữa của bài thơ như sau.

Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần

Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân

Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng

Và nỗi tàn phai gõ một lần

 

Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài

Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai

Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối

Tôi mất thời gian lỡ nụ cười

Đang tuổi thanh xuân phơi phới mà nhà thơ đã nhìn ra cái tương lai tàn phai là điều kỳ diệu và tuyệt vời nhất là 2 câu:

Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng

Và nỗi tàn phai gõ một lần

Nó vừa mang ý nghĩa triết lý sâu thẳm của cuộc đời vừa gợi hình sống động đến mức khi nghe qua là giật mình như người vừa tỉnh mộng sau tiếng gõ tàn phai của thực tại hiện tiền.

Nhưng khi đang yêu thì nhà nhơ Nhã Ca cũng rất mực cuồng nhiệt và lãng mạn như trong bài thơ Nhã Ca Mùa Đông mà Chủ Bút Việt Báo nhà văn Phan Tấn Hải đã đọc để tặng sinh nhật nhà thơ nhà văn Nhã Ca.

Kỳ diệu thay khi nghĩ đến anh

Lối nào đây biết lối nào gần

Mọi sự tới lui làm sao em từ chối

Không còn là con chim

Con chim gian xảo giấu mùa đông dưới cánh

Lượn những vòng nghi ngờ

Tôi hát vui tươi giã từ tuổi trẻ

Xướng ngôn viên Thụy Trinh không phải chỉ có tài làm MC, cô còn có tài về âm nhạc qua phần trình bày nhạc phẩm Chuông Và Mưa của thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ, với phần nhạc đệm guitar của Doãn Hưng.

Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ

Ta nhớ con đường xưa

Ngàn giấc mơ, hai đứa ta,

Con song mờ

Trú mưa chiều tháp cổ

Và anh hôn em, như mưa xóa không gian

Và anh hôn em trong tiếng chuông chiều tan

Tiếp theo là phần văn nghệ, với sự góp mặt của nữ ca sĩ Thương Linh với nhạc phẩm Em Đi Với Con Thơ, ca sĩ Bích Liên với bài Người Ở Với Người, ca sĩ Thu Vàng với bài Trăng Ban Chiều, tất cả đều là do thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ sáng tác.

Tiết mục rộn ràng và nhiều tiếng cười nhất là phần hát mừng sinh nhật của Nhóm NTM cùng các con của Nhã Ca-Trần Dạ Từ qua ca khúc mà Sớm Mai, con gái lớn của nhà văn Nhã Ca đã thay Bố từng dạy các em hát Mừng Sinh Nhật Má khi Bố Trần Dạ Từ còn ở trong tù.

Má ơi, Má ơi, Má nghe nè. Chúng con hát như gió xa về.

Mừng sinh nhật Má, gió thơm những hoa cùng lá,

khúc ca của Ba, la la la la la la

Tuy vắng mặt Ông, nhưng lời ca của bản nhạc Sinh Nhật Ca của thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ tiếp tục cất lên trong lúc cắt bánh mừng sinh nhật 80 tuổi của nhà văn Nhã Ca đã khiến cho thân hữu và bạn bè bùi ngùi, cảm động.

Mừng nhau lớn khôn đứng bên nhau trong hoàng hôn

Lòng ta sắt son biết bao nhiêu mặn nồng

Nụ hồng mến yêu những môi cười thương nhớ

Cầm tay thiết tha sánh vai nhau ta cùng ca…

Lời cảm ơn của nhà văn Nhã Ca đối với mọi người đã đến chúc mừng sinh nhật của bà cùng tiếng ca đầy tràn không gian:

Ca đi anh,

ca đi em,

ta chia nhau

từng miếng yêu thương…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Họp mặt và Lễ Trao Giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19 và Giải Bé Viết Văn Việt năm thứ 15 đã tưng bừng diễn ra trong không khí thân tình và hào hứng tại Nhà Hàng The Villa, Thành Phố Westminster, California, Hoa Kỳ, vào chiều tối Chủ Nhật, ngày 12 tháng 8 năm 2018
Cộng đồng Phật Giáo Hòa Hảo trong nước hân hoan kỷ niệm lần thứ 79 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Đạo (18/5/ Kỷ mão 1939 – 18/5/ Mậu tuất) vào các ngày 30/, mùng 1/7 âm lịch. Tại Thánh Địa Hòa Hảo thuộc thị Trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân , tỉnh An Giang có gần một triệu lượt người về viếng An Hòa Tự, và Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo.
Năm 1945 (Ất Dậu), khi thế giới đấm chìm trong cuộc chiến khốc liệt của đệ Nhị Thế Chiến, Việt Nam tuy không chính thức rơi vào trận địa tranh giành giữa các thế lực của trục Phát xít và Đồng minh, nhưng cũng không tránh khỏi bị tàn phá bởi chiến tranh. Cửa nhà tan nát, dân chúng lầm than vì ảnh hưởng gần trăm năm bị trị bởi Thực Dân Pháp và quân Phiệt Nhật Bản. Mặc dù Việt Nam không phải là trận địa chiến thực thụ nhưng lại là căn cứ điểm hậu cần, là bàn đạp tiến công của quân Nhật ở Bình Dương.
QUẬN CAM (VB) -- Nhà văn Hoàng Mai Đạt hôm Thứ Tư 25/7/2018 đã khởi sự phát hành Tinh Tấn Magazine, một tạp chí chuyên về văn hóa, sinh hoạt Phật giáo.
Vài tháng trước khi Việt Báo thông báo sẽ tổ chức show Khánh Ly-Trầm Tử Thiêng tôi đã lo lắng là không biết người xem sẽ hiểu cái hay của nhạc Trầm tử Thiêng ở mức độ nào.
thi về phim ngắn giới thiệu đến người xem những mẩu chuyện của người gốc Á Châu Thái Bình Dương. Ba người thắng giải cao nhất sẽ nhận các giải thưởng hiện kim và trình chiếu tác phẩm của mình trên hệ thống HBO
Trước vòng tứ kết World Cup 2018: Ai thắng & ai bại ? Phụ đính về Đại Hội 2018 trường Ngô Quyền / Biên Hòa
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín - gồm những bài viết được phổ biến trên nhật báo Việt Báo và trên vietbao.com từ ngày 1 tháng Bẩy 2017 tới 30 tháng Sáu 2018 - đã được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 12 Tháng Tám 2018, và 20 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Gia đình tôi—gồm cha mẹ, hai anh chị và tôi—đã lấy thuyền trốn khỏi Việt Nam năm 1979 và đến Hoa Kỳ dưới phương diện tỵ nạn. Chúng tôi nằm trong số 800.000 thuyền nhân đã can đảm liều chết
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.