Hôm nay,  

Việt Nam Hứa Trong 2 Năm Sẽ Cải Tổ Xong Hệ Thống Nhà Băng

21/04/199900:00:00(Xem: 18610)
Không Thể Đừng Được Trước Áp Lực Quốc Tế và Đầu Tư Giảm 68%, Hà Nội Lần Đầu Hứa Rõ Thời Hạn Cải Tổ Nhà Băng và Cải Tổ Ra Sao

HÀ NỘI (HTN).- Trước các áp lực dồn dập của giới đầu tư quốc tế và thực tế là đối diện với tam cá nguyệt đầu của năm 1999 trong đó số vốn đầu tư của ngoại quốc sút giảm đến 68% so với năm 1998, nhà cầm quyền Việt Nam vừa cho Hoàng Nghĩa Tư tuyên bố rằng Việt Nam sẽ cải tổ xong hệ thống Ngân hàng trong vòng 2 năm. Một mặt tuyên bố như thế với phóng viên báo chí, mặt khác ông ta lại xoa dịu các viên chức liên hệ rằng “sẽ không một ngân hàng nào bị đóng cửa”, trừ phi không còn cách nào khác.
Hoàng Nghĩa Tư hiện là Tổng thư ký Hội đồng Tài chánh và Tiền tệ Quốc gia.
Viên chức này khi đi vào chi tiết, nói rằng trước kết, bốn nhà băng lớn của Nhà nước sẽ phải tách rời chính sách cho vay dựa trên “ưu tiên công quyền” ra khỏi “căn bản thương mại”. Điều này có nghĩa rằng nhiều món nợ không trả nổi chính là vì hiện nay Ngân hàng nhà nước cho vay nợ đặt trên liên hệ quyền thế, không phải căn bản thương mại. Đây là một thú nhận công khai một chính sách tài chính phá sản. Ông ta còn nói việc này sẽ hoàn tất trong vòng 8 tháng, tức là xong trong năm nay.
Ông ta cũng nói rằng sau đó sẽ có một chương trình “bảo hiểm ký thác”, và một “quĩ rủi ro” để đương đầu với những món nợ không trả -mà Hà Nội dùng chữ một cách văn hoa là “những món nợ không biểu diễn” (nonperforming loans). Những món nợ chẳng thấy biểu diễn bao giờ vốn đã chồng chất thành đống từ thập niên ‘80 tới nay. Không phải ai cũng vay Ngân hàng Nhà nước được những món nợ lớn, rồi không làm gì cả, mà vẫn không sao cả trong hơn mười năm qua.
Sự loan báo trên đây dù sao được ghi nhận là dấu hiệu tốt: đây là lần đầu một viên chức Nhà nước nói đến một chương trình chi tiết trong ngành Ngân hàng với báo chí nhà nước; và cũng là lần đầu một thời điểm rõ ràng được đưa ra để thực hiện chương trình này.


Phản ứng của giới đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam rất dè dặt. Ông Stewart Hall, chánh Quản kho của Standard Chartered Bank ở Hà Nội nói: “Chúng tôi rất mong những điều ấy xảy ra, song kinh nghiệm cho chúng tôi biết là hãy thận trọng mà chờ xem”. Người ta nghi ngờ vì đã từ lâu, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới lưu ý HÀ Nội rằng chính sách cho vay của 4 Ngân hàng do Nhà nước quản trị cần phải cải tổ, không thể cho các cơ sở kinh doanh không làm ra lời vay tiền mãi được. Các công ty quốc doanh lại là những công ty được vay nhiều và vay dễ dãi hơn cả.
Việt Nam hiện có 51 nhà băng hợp doanh, song số tiền tất cả những nhà băng này cho vay ra chỉ bằng 10% tổng số 4 Ngân hàng Nhà nước cho vay, cho nên 4 Ngân hàng trên đóng vai trò nghiêng ngửa một khi tình hình tốt hay xấu. Hoàng Nghĩa Tu cho biết trong vòng 2 năm tới, Nhà nước sẽ bỏ ra 300 triệu mỹ kim để giúp 4 Ngân hàng trên cải tổ.
Những “món nợ không biểu diễn” theo danh từ của Hà Nội không rõ là những món nợ như thế nào, song người ta hiểu giản dị, bản chất của nó là những món nợ không trả được. Giới quan sát quốc tế nói rằng những món nợ này chiếm đến 40%, nghĩa là tương đương với Trung Hoa, và gần bằng Nam Dương. Bốn thủ phạm chính, bốn Nhà băng Nhà nước, là Incom Bank (Industrial and Commercial viết tắt), Vietcombank (Ngoại thương), BIDV Bank (Bank for Investment and Development of Việtnam), và VBARD hay Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development.
Hoàng Nghĩa Tu không chịu cho biết 4 thủ phạm chính này phân phối bao nhiêu món nợ xấu, nhưng lại sẵn sàng cho biết nợ xấu của 51 nhà băng nhỏ kia là từ 30 tới 40%. Người ta có thể hiểu, như vậy nợ xấu của 4 thủ phạm chính phải cao hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.