Hôm nay,  

Nhà Báo Và Facebooker Phạm Đoan Trang Bị Truy Tố Về Tội Danh ‘Tuyên Truyền Chống Nhà Nước’ Với Mức Án Có Thể Lên Tới 20 Năm Tù

19/10/202117:35:00(Xem: 6084)

Pham Doan Trang BBC
Nhà báo Phạm Đoan Trang. (nguồn: Đài BBC Tiếng Việt)

 

HÀ NỘI, VN – Sau một năm bị bỏ tù, nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 18 tháng 10 năm 2021 đã bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Hà Nội truy tố về tội danh “ tuyên truyền chống nhà nước,” với mức án có thể lên tới 20 năm tù giam, theo bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) tường thuật hôm 19 tháng 10 năm 2021. Bản tin của Đài VOA cho biết chi tiết về vụ này như sau.

Nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh của Việt Nam, Phạm Đoan Trang, vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội truy tố “vì có hành vi tuyên truyền chống nhà nước” sau một năm bị công an giam giữ.

Theo truyền thông trong nước, VKSND TP Hà Nội ban hành cáo trạng hôm 18/10 truy tố bà Trang, người từng làm việc cho báo nhà nước trước khi trở thành một nhà báo tự do, theo điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Đây là điều luật tương ứng với Điều 117 của BLHS 2015, với mức án có thể lên tới 20 năm tù giam.

Trước đó trong ngày 18/10, luật sư Đặng Đình Mạnh, người sẽ là một trong những luật sư tham gia bào chữa cho bà Trang, nói với VOA rằng phiên toà xét xử sơ thẩm đối với nhà báo độc lập 43 tuổi này sẽ diễn ra vào ngày 4/11.

Bà Trang, tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có “Chính trị Bình dân”, bị bắt vào ngày 7/10 năm ngoái, chỉ vài giờ sau khi các quan chức Mỹ và Việt Nam kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước. Cuộc điều tra đối với bà Trang kết thúc hồi cuối tháng 8 năm nay và hồ sơ vụ án được Công an TP Hà Nội chuyển qua VKSND thành phố truy tố và xét xử.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái ra tuyên bố bày tỏ quan ngại ngay sau khi bà Trang bị bắt và cho biết Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ vụ bắt giữ nhà báo độc lập mà Bộ Công an Việt Nam cho là “có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong” như Việt Tân và VOICE.

LS Mạnh cho rằng điều luật “tuyên truyền chống nhà nước” không nên có trong bộ luật hình sự vì nó “vô hình chung phủ nhận quyền tự do ngôn luận mà hiến pháp quy định”. Theo vị luật sư từng nhiều lần bào chữa cho các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến, bất kỳ người dân nào cũng có quyền phê bình, chỉ trích hay phân tích về những chính sách của Đảng và chính phủ.

Viện kiểm sát còn cáo buộc bà Trang có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News Tiếng Việt và Đài Á châu Tự do (RFA) với các phát ngôn “xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước”.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng chỉ trích việc bắt giữ bà Trang của chính quyền Việt Nam và kêu gọi thả tự do cho nhà báo từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) trao giải thưởng Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng vào năm 2019. Một luật sư nhân quyền quốc tế người Kurd đã nộp hồ sơ vụ án Phạm Đoan Trang lên Nhóm công tác Liên Hợp Quốc về Giam giữ tuỳ tiện. Hồi cuối tháng 8, các tổ chức nhân quyền và phi chính phủ đã kêu gọi sự trợ giúp của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong việc đòi tự do cho bà Trang khi gặp mặt với các lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội.

Bà Trang nằm trong số những nhà hoạt động nhân quyền được Tổng thống Barack Obama mời tới gặp mặt khi công du Hà Nội vào tháng 5/2016 nhưng giới hoạt động cáo buộc rằng công an đã “bắt cóc” bà ngay trước cuộc gặp với tổng thống Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.