Hôm nay,  

CSVN Còn Mệt Dài Vụ Đồng Tâm: Liên Âu Đòi Gặp Bộ Công An; Nhiều Nhà Đấu Tranh VN Lập Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm

16/01/202000:00:00(Xem: 6074)

ĐỒNG TÂM, VN – Vụ Đồng Tâm tiếp tục được quốc tế và người dân Việt Nam trong ngoài nước đặc biệt quan tâm mà cụ thể nhất là Liên Âu đòi gặp Bộ Công An VN để hỏi cho rõ ngọn nguồn câu chuyện và nhiều nhà đấu tranh tại VN đã lập “Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm” để tiếp tục cung cấp thông tin về việc này, theo bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết hôm 15 và 16 tháng 1. Bản tin VOA cho biết thông tin như sau.

Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) mới cho VOA tiếng Việt biết rằng tổ chức này “quan ngại” về hành động “dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng” ở Đồng Tâm, đồng thời tiết lộ đã “đề nghị” gặp quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam.

Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng ngày 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, “đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh".

“Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”, bà Battu-Henriksson nói thêm.

“Vụ việc này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam sắp tới. Liên minh châu Âu kỳ vọng chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào”.

Nữ phát ngôn viên không cho biết phản ứng của ông Dũng sau khi EU, một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bày tỏ lo ngại về vụ việc gây chết chóc, mà nhiều nguồn tin nói là xảy ra vào lúc sáng sớm với lực lượng an ninh hùng hậu, khiến ít nhất 4 người tử vong.

Bà Battu-Henriksson cho hay thêm rằng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã “đề nghị” có “cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an”, đồng thời sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình”.

Trong khi đó bản tin hôm 15 tháng 1 của Đài VOA cho biết thêm thông tin liên quan đến vụ Đồng Tâm như sau.

Một nhóm các nhà báo, nhà hoạt động, nạn nhân mất đất… tại Việt Nam vừa công bố thành lập nhóm “Hành Động Vì Đồng Tâm” với mục tiêu thu thập, kiểm chứng và công bố các thông tin liên quan đến vụ đụng độ ở Đồng Tâm hôm 9/1. Hậu quả của vụ này là ít nhất 3 công an và 1 người làng Đồng Tâm thiệt mạng.

Một trong những người sáng lập nhóm, nhà báo-blogger Phạm Đoan Trang, nói với VOA rằng kể từ khi xảy ra vụ việc, toàn bộ thông tin đưa ra trước công luận đều chỉ xuất phát từ phía công an và điều này “vi phạm rất nhiều nguyên tắc báo chí”.

Bà nói: “Công an chiếm độc quyền cung cấp thông tin. Tất cả thông tin đều từ công an ra hết, thì đương nhiên nó không đảm bảo tính công bằng, trung thực, khách quan của báo chí. Hoàn toàn không có một chút nào công bằng, khách quan ở đây cả. Rất thiếu nhân văn. Vi phạm rất nhiều nguyên tắc của báo chí. Thế nên chúng tôi mong muốn có một nhóm để cung cấp thông tin chính thức từ phía những người không thể lên tiếng, là những người yếu thế trong cuộc chiến với hệ thống cả một guồng máy như thế này”.

Ngoài ra, trong thông báo thành lập, nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm cho biết nhóm sẽ hoạt động trên cơ sở trung tâm điều phối các hoạt động về thông tin của các bên liên quan, cả trong nước lẫn hải ngoại, trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy nhằm “mưu tìm sự thật và công lý cho tất cả các bên liên quan”, kể cả người dân làng lẫn nhân viên công lực.

Một số tổ chức quốc tế và các nhà hoạt động kêu gọi Việt Nam cho phép các cuộc điều tra độc lập được diễn ra trong bối cảnh xuất hiện quá nhiều thông tin mâu thuẫn giữa nguồn tin chính thức đưa ra từ Bộ Công an và thông tin từ phía người dân đưa lên mạng xã hội.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định với VOA rằng: “Chúng ta không biết chi tiết chuyện gì đã xảy ra ở đó. Cũng có thể là người dân ở Đồng Tâm đã tấn công bạo lực và nếu là như vậy thì chúng tôi cũng lên án chuyện đó. Nhưng thực tế cho thấy là người dân làng đã bị dồn vào đường cùng và họ không có lựa chọn nào khác. Đây mới là vấn đề mà chính quyền Việt Nam cần phải trả lời”.

“Để xảy ra đối đầu như thế là một thất bại của chính quyền Việt Nam”, Phó giám đốc HRW nói với VOA, vì theo ông,“luôn luôn có cách để thương lượng một cách ôn hòa” và chính quyền “không nên để bất cứ người nào thiệt mạng chỉ vì tranh chấp đất đai”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.