Hôm nay,  

TT Phi Nhắc Phán Quyết La Haye, Tập Cận Bình Bác Bỏ; Anh, Pháp, Đức Ra Tuyên Bố Biển Đông; Ấn Độ Ủng Hộ Tự Do Hàng Hải

31/08/201900:00:00(Xem: 1929)

BIỂN ĐÔNG -- TT Philippines Rodrigo Duterte lần đầu tiên đặt vấn đề phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye về vụ Phi kiện TQ và đã bị Tập Cận Bìng thẳng thắng bác bỏ, theo bản tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp Tiếng Việt (RFI) cho biết hôm 30 tháng 8.

Bản tin RFI viết như sau.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang trong chuyến công du lần thứ 5 tại Trung Quốc, kể từ khi nhậm chức. Hôm 29/08/2019, trong cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Duterte lần đầu tiên nêu phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, khẳng định thắng lợi của Manila trong vụ kiện Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc một lần nữa bác bỏ phán quyết.

Hãng tin ABS-CBN News, dẫn thông cáo của ông Salvador Panelo, người phát ngôn của tổng thống Philippines, theo đó ông Duterte «đã thể hiện thái độ cứng rắn trong cuộc hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chủ đề các yêu sách chủ quyền của Philippines liên quan đến vùng biển Tây Philippines (tức Biển Đông), bao gồm phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye. Ông tuyên bố phán quyết của tòa là mang tính quyết định, mang tính bó buộc và không thể khiếu nại».

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn của tổng thống Philippines cũng cho biết «chủ tịch Tập đã tái khẳng định lập trường của chính quyền ông», theo đó Bắc Kinh không thừa nhận phán quyết của Tòa án Liên Hiệp Quốc, cũng không thay đổi lập trường. Đại diện của chính quyền Philippines cũng khẳng định cả hai bên đều thỏa thuận là, bất chấp lập trường về chủ quyền Biển Đông của mỗi bên không thay đổi, nhưng các bất đồng này không thể làm giảm sút quan hệ hữu nghị song phương.

Trong khi đó liên quan đến Biển Đông một bản tin khác của Đài RFI hôm Thứ Sáu cho biết rằng các nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố về Biển Đông trong  khi Ấn Độ lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải. Bản tin RFI cho biết chi tiết như sau.

Sau khi Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng, ngày 29/08/2019 ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, bày tỏ lo ngại là tình hình hiện nay có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực. Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Pháp, Đức, Anh «kêu gọi các quốc gia ven Biển Đông có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực ». Trong đó bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của mình và quyền tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.

Với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh «nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát Công ước». Điều này tạo cơ sở cho việc hợp tác trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Pháp, Đức, Anh nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/07/2016, theo đó «đường lưỡi bò» do Trung Quốc tự vẽ là không có cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS, và khuyến khích các bên sớm hoàn tất quá trình này.

Cũng trong ngày 29/08, Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trên vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.

Trả lời câu hỏi về vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính của Việt Nam từ tháng Bảy, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar bày tỏ sự tin tưởng là những bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không dùng biện pháp đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Trên thực địa, tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục khảo sát tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có ít nhất hai tàu Việt Nam luôn theo sát chiếc tàu Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.