Hôm nay,  

Sài Gòn: Con Hẻm Nhỏ Có Đến Bốn Ngôi Chùa

31/08/201900:00:00(Xem: 5246)

Hem chua 2Hem chua 1

Từ đầu hẻm 498 Lê Quang Định, đi vào vài chục thước đã thấy ngôi chùa đầu tiên, tịnh xá Ngọc Phương.

 

Hẻm số 498 Lê Quang Định (phường 1, Q. Gò Vấp) chỉ là một ngõ nhỏ nhưng vào những ngày hội lớn như Phật đản (rằm tháng Tư) hay lúc này chính là mùa Vu lan (rằm tháng Bảy)..., lại rộn ràng hẳn lên bởi trong hẻm có đến bốn ngôi chùa, theo báo Pháp Luật online (PLO).

Hẻm 498 Lê Quang Định nằm trong khu vực Xóm Gà ngày xưa, một xóm lao động thuộc vùng ngoại ô Sài Gòn, lối vào không ngay ngắn, nhà cửa thấp nhỏ, chen chúc… nhưng chính những ngôi chùa đã làm nên nét riêng của Xóm Gà bởi có lẽ đây là con hẻm duy nhất ở Sài Gòn có đến bốn ngôi chùa, gồm: chùa Già Lam (Quảng Hương Già Lam), chùa Châu An, chùa Huệ Đức và tịnh xá Ngọc Phương.

Theo PLO, vừa vào hẻm sẽ bắt gặp ngay tịnh xá Ngọc Phương. Đây là tổ đình của ni giới hệ phái Khất Sĩ (nguyên là Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam) do ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên xây dựng vào năm 1957. Ở phía trái cổng chính tịnh xá sẽ là một lối rẽ dẫn vào chùa Châu An và chùa Huệ Đức.

Lâu nay chùa Châu An nổi tiếng với những hoạt động thiện nguyện tại chùa cùng các chương trình đi giúp các tỉnh xa. Nổi bật là định kỳ hằng tháng, nhà chùa tặng quà, chăm sóc tinh thần cho khoảng 200 bệnh nhân của BV Ung bướu. Châu An cũng là ngôi chùa đầu tiên có mặt trong hẻm này khi được cất từ năm 1952.

Đi tiếp theo con hẻm có chùa Châu An sẽ thấy chùa Huệ Đức, một ngôi chùa nhỏ, có vẻ khiêm tốn nhất trong các chùa trong hẻm nhưng mỗi khi chiều xuống, câu kinh lời kệ lại vang lên từ nhà chùa khiến mọi tiếng động xôn xao của phố phường dường như đều nhường lại cho sự yên tĩnh của tôn giáo.

PLO cho biết nằm cuối cùng trong hẻm là chùa Già Lam, do Hòa thượng Thích Trí Thủ sáng lập năm 1960. Chùa là nơi tu học của nhiều tăng sinh miền Trung và miền Nam; do vậy ngoài khu chính điện, chùa còn có những dãy nhà của chư tăng và trai đường khá rộng.

Không gian Chùa Già Lam thanh tịnh, mát mẻ, lối kiến trúc theo kiểu chùa miền Trung, cũng là nơi rất nhiều văn nghệ sĩ lui tới. Nhà thơ Bùi Giáng từng viết về chùa Già Lam trong bài ‘Ngoại ô’, rằng: “Sài Gòn bất tận ngoại ô. Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò. Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co - Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam”.

Chùa Già Lam cũng là nơi đặt di cốt của nhạc sĩ Y Vân, nữ nghệ sĩ Kim Cúc, soạn giả Năm Châu… cùng nhiều văn nghệ sĩ khác của miền Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.