Hôm nay,  

Thị Trường Chứng Khoán Vn Học Theo Mô Hình New York

07/05/199900:00:00(Xem: 12973)
SÀI GÒN (VB).- Việt Nam sẽ xây dựng thị trường chứng khoán theo mô hình nào" Đó là trọng tâm vấn đề tranh cãi trong các năm gần đây, và bây giờ thì khuynh hướng thân Mỹ đã thắng thế khi lên kế hoạch ứng dụng Thị Trường Chứng Khoán New York vào thị trường tương lai của Việt Nam.
Trong buổi tọa đàm “Từ thị trường chứng khoán (TTCK) New York vận dụng vào TTCK Việt Nam” do Saigon Times Club và Công ty tham vấn đầu tư Mỹ Kamm Investment Company, tổ chức, ông Chris Kamm, Giám đốc Kamm Investment Company cho rằng, Việt Nam nên đẩy mạnh hơn việc phát hành trái phiếu hỗ trợ vốn phát triển cơ sở hạ tầng, bởi nó sẽ là một trong những chứng khoán cơ bản, theo tường trình của báo trong nước.
Đồng thời việc mua bán trái phiếu này sẽ giúp các công ty tự đánh giá khả năng của mình, chuẩn bị tham gia vào TTCK. Để bán được cổ phiếu đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp phải đưa ra được các chỉ số kinh tế thuyết phục đã được kiểm toán; chứng minh tính hiệu quả của thành phần nhân sự và công tác quản trị doanh nghiệp. Sau đây là những ý kiến của giám đốc công ty tham vấn đầu tư nói trên, được trình bày tại cuộc hội thảo, theo tường thuật của báo Kinh tế Sài Gòn:
Ông Chris Kamm cho rằng, hoàn cảnh của nước Mỹ lúc TTCK mới thành lập và tình hình phát triển kinh tế Việt Nam bây giờ rất khác nhau. Ông nói: “TTCK New York hiện nay hoạt động dựa trên sự tiến bộ của công nghệ thông tin, nhưng nó cũng đã trải qua những bước thăng trầm trong lịch sử. Tuy nhiên, sau mỗi “cơn khủng hoảng” nó lại phát triển mạnh mẽ hơn. Việt Nam cần phải tránh những khiếm khuyết của các TTCK ra đời trước, tìm cho mình một mô hình, lối đi tốt nhất”.
Khó có thể nói trước TTCK tương lai của Việt Nam hoạt động như thế nào, nhưng ông C.Kamm hy vọng ngay từ giờ, Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn việc phát hành trái phiếu hỗ trợ vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Trái phiếu Chính phủ là một trong những chứng khoán cơ bản lưu hành trên TTCK sau này, còn bước đầu nó có thể được mua đi bán lại tự do trên thị trường tài chính. Giới đầu tư nước ngoài sẽ quan sát sự có mặt, sự lưu hành của nó để đánh giá về thị trường tài chính Việt Nam. “Sự thành công của việc phát hành trái phiếu sẽ là một chứng chỉ nâng cao uy tín của Chính phủ Việt Nam đối với sự hoạt động của TTCK tương lai” - ông nhấn mạnh.
Mặt khác, sự mua bán trái phiếu Chính phủ trên thị trường sẽ giúp các công ty tư nhân, công ty cổ phần tự đánh giá khả năng của mình, hướng đến sự tham gia vào TTCK. Việc bán cổ phần, phát hành thêm cổ phiếu của các doanh nghiệp đồng nghĩa với việc vay tiền của dân chúng và đã vay, tất nhiên phải có trả cổ tức cho cổ đông, bảo đảm lợi nhuận cho công ty. Như vậy, chính sự phát hành cổ phiếu sẽ giúp các công ty định hình rõ hơn khả năng tồn tại và phát triển của mình.

Ông C.Kamm nhấn mạnh rằng, vai trò của Nhà nước trong việc điều hành nền kinh tế sao cho có mức tăng trưởng ngày càng vững chắc, là nền tảng tốt nhất cho TTCK ra đời và vận hành. Ông tiên đoán trong 5 năm tới sẽ có ít nhất khoảng 100 công ty chứng khoán tham gia hoạt động trên TTCK Việt Nam. Các nhà đầu tư quốc tế sẽ nhìn vào sự hoạt động của những công ty này mà suy xét có nên tiếp tục bỏ vốn vào Việt Nam nữa hay không.
Ông C.Kamm khẳng định: “Sự có mặt của TTCK là cần thiết. Điều đó không chỉ tốt vì nó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư, cho nền kinh tế nói chung. Quan trọng hơn là Chính phủ có thể sử dụng lợi nhuận từ TTCK để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc nền kinh tế vững mạnh hơn. Một khi nền kinh tế đã vững mạnh, đến lượt nó sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhộn nhịp hơn cho sự phát triển của đất nước”.
* Hạn chế cổ phần hóa liên doanh
Những người tham dự tọa đàm đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ông Kamm.
Trả lời câu hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì trước khi TTCK ra đời để có thể tham gia vào TTCK, ông C.Kamm nói, để bán được cổ phần, cổ phiếu, đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp phải đáp ứng hai yếu tố: đưa ra được những chỉ số thuyết phục đã được kiểm toán; chứng minh tính hiệu quả của thành phần nhân sự và công tác quản trị xí nghiệp. ở đây có chú ý đến việc thuê mướn các nhà tư vấn tài chính vì luật lệ, quy định của Việt Nam thay đổi luôn.
Đại diện một công ty có liên doanh với nước ngoài hỏi trong điều kiện Việt Nam hiện nay có nên cổ phần hóa liên doanh không" Ông C.Kamm trả lời, trước hết phải hỏi ý kiến các đối tác khi có ý định cổ phần hóa vì trong liên doanh có cổ phần của nhiều cổ đông. Tuy nhiên, trên thực tế các nước thường hạn chế và rất ít liên doanh được cổ phần hóa.
Một vấn đề khác là làm sao thu thập thông tin trước khi mua cổ phần, ông Kamm cho rằng, nhiều khi nhà đầu tư mua cổ phần theo cảm nhận, cảm thấy tốt thì mua, chứ không dùng các phương pháp kỹ thuật.
Đối với các câu hỏi về giải quyết nợ khi tiến hành cổ phần hóa ra sao và tỷ lệ cổ phần dành cho người nước ngoài bao nhiêu là hợp ý, ông Kamm cho rằng Nhà nước nên chấp nhận các món nợ hoặc xóa nợ. Các nhà đầu tư thường rất “khó chịu” khi biết công ty mà họ dự định bỏ vốn vào có nợ. Tuy nhiên những trường hợp nợ có bảo lãnh của Nhà nước, thì giới đầu tư vẫn có thể bỏ tiền mua cổ phần. Theo ông Kamm, giới đầu tư nước ngoài muốn được nhìn thấy 100% lượng chứng khoán được mua bán tự do trên thị trường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.