Những ai yêu thích thiên nhiên, thích xem phim khoa học về loài vật, sự sống trên trái đất hẳn đều quen thuộc với cái tên Sir David Attenborough. Với tuổi đời gần bách niên, Sir Attenborough có thể được xem là một trong những nhà sinh vật học, nhà sử học tự nhiên, nhà biên tập phim tài liệu nổi tiếng vào bậc nhất thế giới hiện nay. Trong hơn nửa thế kỷ, ông xuất hiện trong nhiều bộ phim tài liệu giá trị về thiên nhiên và sự sống do BBC thực hiện: The Living Planet, Blue Planet, Planet Earth, Our Planet…Ông cũng là một nhà hoạt động môi trường, kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng hợp tác để bảo vệ trái đất trước hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông kêu gọi bảo vệ môi trường không vì mục đích chính trị, không để bảo vệ lợi ích kinh tế cho một nhóm người nào, mà với tư cách của một nhà khoa học chân chính. Ông được nhiều người xem như một báu vật quốc gia của Vương quốc Anh.
Mới đây, Netflix trình chiếu bộ phim tài liệu Our Planet II, cũng với David Attenborough là người dẫn truyện. Trong tập phim mang tựa đề “World On The Move”, ông dẫn mọi người vào thế giới di trú của muôn loài. Ông nói rằng hơn 60,000 năm trước, loài người mới bắt đầu rời Châu Phi để đi đến khắp năm châu bốn bể. Trước đó, hàng tỉ động vật đã thực hiện những cuộc di trú trên toàn cầu từ rất lâu. Nói chung, muôn loài di trú để tìm kiếm thức ăn, tìm nơi sinh sản, hoặc tìm đến một môi trường sống mới thuận lợi hơn. Với cách nhìn thế giới như một toàn thể tương liên tương quan, ông nhận thấy rằng những cuộc di trú này có ảnh hưởng đến sức sống của toàn hành tinh. Sự di trú của một loài không chỉ đem lợi ích cho loài đó, mà còn ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài khác.
Thí dụ như cuộc vượt đại dương hàng nghìn dặm của hàng triệu con cá hồi mỗi năm, để tìm về suối nguồn nơi mình sinh ra, với mục đích đẻ trứng và duy trì nòi giống. Cá hồi sống ở biển, nhưng sinh ra, trở về đẻ trứng và chết ở cùng một địa điểm nơi thượng nguồn của những dòng nước ngọt. Xác của chúng trở thành thức ăn cho những đàn cá con của thế hệ tiếp nối. Đón những đàn cá hồi trên đường trở về suối nguồn hằng năm là những chú gấu. Bởi vì cá hồi là nguồn thức ăn quan trọng của gấu, chuẩn bị cho thời kỳ nhịn đói tiệm sinh suốt mùa đông.
Sir Attenborough kết luận rằng sự sống của muôn loài trên thế giới phụ thuộc vào quyền tự do di trú.
Loài vật di trú là vậy. Còn con người thì sao? Một số người nghĩ rằng những chuyến hải hồ khám phá thế giới mới của những nhà thám hiểm như Christopher Columbus là do óc phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng thực ra, nguyên nhân chính thúc đẩy con người di trú vẫn không ngoài các mục đích sinh tồn giống như loài vật. Columbus phải dong thuyền về hướng Tây, để hy vọng tìm đường đến được Ấn Độ và Trung Hoa mà không phải đi về hướng Đông, nơi thuộc về các quốc gia Hồi Giáo thù địch. Thay vì đến Ấn Độ, ông lại tìm ra Châu Mỹ.
Từ thời kỳ lập quốc Hoa Kỳ, người dân các quốc gia Châu Âu đổ về tân thế giới với mục đính quan trọng nhất là tìm một nơi sinh sống tốt đẹp hơn. Di dân vì “tự do tôn giáo” cũng có, nhưng không phải với tất cả di dân. Mục đích sinh tồn, kinh tế vẫn là trên hết.
Chiến tranh và đói nghèo trong thế giới hiện đại là nguyên nhân chính tạo ra những làn sóng di dân lớn. Chiến tranh vì mâu thuẫn sắc tộc, vì bất đồng tôn giáo, vì xung đột chính trị. Chiến tranh đẩy hàng triệu triệu người vào cảnh đói nghèo, vô gia cư. Trong một hoàn cảnh không thể sinh tồn, người dân ở những quốc gia chiến tranh đành phải rời nơi chôn nhau cắt rún, tìm đến những nơi bình an hơn mà sinh sống. Hàng triệu người dân ở Châu Phi, Trung Đông tìm cách di dân sang Châu Âu trong những thập niên qua cũng vì nguyên nhân này. Gần đây nhất là cuộc di cư của những người dân Ukraine do cuộc chiến xâm lược của Nga.
Thu hẹp hơn đến hoàn cảnh của người Việt tị nạn ở Mỹ. Nói một cách tóm tắt, người Việt ồ ạt đến Mỹ định cư qua bốn đợt. Làn sóng người Việt di tản trong biến cố Tháng Tư Đen 1975 trốn chạy chế độ cộng sản. Kế đến là những đợt thuyền nhân. Người Việt vượt biển trốn khỏi quê hương trong những năm cuối thập niên 1970s và thập niên 1980s. Làn sóng di dân bất hợp pháp này đã kích hoạt khiến cho chính phủ Mỹ mở ra chương trình đi định cư chính thức theo diện H.O vào khoảng đầu thập niện 1990s. Và sau đó, những người sang Mỹ chính thức tiếp tục bảo lãnh thân nhân theo diện đoàn tụ.
Đó là chưa kể đến những đợt “di dân” hiện nay vẫn đang tiếp diễn mà nhiều người gọi là “tị nạn giáo dục”, tức là du học sinh Việt Nam sang Mỹ để đi học, rồi tìm mọi cách để ở lại Hòa Kỳ mà không muốn về Việt Nam.
Nhìn lại như vậy để thấy rằng người Việt tị nạn đến Mỹ, bên cạnh lý do tị nạn chính trị, việc bỏ nước ra đi vì kinh tế, để tìm một nơi sinh sống tốt đẹp hơn vẫn chiếm đa số.
Hoàn cảnh của mình là như thế, nhưng hiện nay có nhiều người Việt ở Mỹ nhìn những người di dân đến từ Nam Mỹ bằng con mắt ác cảm, không đồng cảm. Những chính tri gia cánh hữu có nhiều lý do để chống di dân. Từ những nguyên nhân công khai như “gánh nặng thuế cho người Mỹ”; hay “chủ quyền quốc gia”; cho đến những vấn đề tiềm ẩn bên trong như kỳ thị sắc tộc, nước Mỹ phải có người da trắng chiếm đa số!
Người Việt mình chống di dân cũng không ngoài các lý do kể trên. Nhiều người truyền bá tin tức về di dân Nam Mỹ với những hình ảnh xấu xí. Thí dụ như một “bà Mễ” có bốn con nhỏ, ăn trợ cấp và dùng tiền trợ cấp để đi sửa sắc đẹp. Hay là hình ảnh những di dân ngang nhiên tràn qua biên giới San Diego, đột nhập vào nước Mỹ như chỗ không người. Những chuyện này có thể có thực; nhưng dùng nó như là đặc điểm chung của di dân lại là một vấn đề khác.
Có người Việt cho rằng di dân từ Nam Mỹ là những “di dân lậu”, còn người Việt đến Mỹ là “di dân chính thức”. Nhiều người còn lý luận theo kiểu “qua cầu rút ván”, cho rằng nước Mỹ không thể nào cứ tiếp tục nhận di dân mãi; nay là lúc cần phải hạn chế di dân kể cả chính thức lẫn bất hợp pháp.
Thời điểm nào ở Mỹ cũng có những người ủng hộ và chống di dân. Đó là điều bình thường. Tuy nhiên, không phải tất cả những người chống di dân đều có những nguyên nhân hợp lý.
Xét cho cùng, việc chống hay ủng hộ di dân nên theo góc nhìn kinh tế là hợp lý nhất đối một quốc gia thực dụng như Mỹ.
Cato Institue là một tổ chức tư vấn chiến lược, theo chủ nghĩa tự do của Mỹ, có trụ sở tại Washington D.C. Cato Institute ủng hộ việc hạn chế quyền lực chính phủ trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, cũng như bảo vệ mạnh mẽ các quyền tự do dân sự. Vào năm 2018, trang mạng của Cato có đăng một bài viết về những nguyên nhân phổ biến nhất của những người chống di dân tại Hoa Kỳ. Điểm qua một số nguyên nhân mang tính chủ quan này, cùng sự thật theo nghiên cứu của Cato:
Ngộ nhận 1: Di dân lấy đi việc làm của người Mỹ, làm giảm lương và đặc biệt gây tổn hại cho người nghèo.
Sự thật: Di dân không lấy việc làm của Mỹ, hoặc đẩy người nghèo ra khỏi thị trường lao động. Đầu tiên, việc di dân lấy đi việc làm của người Mỹ nếu có là rất nhỏ. Di dân thường đến các khu vực đang phát triển, cần nhân công rẻ. Di dân còn làm tăng cung và cầu của nền kinh tế nơi họ ở, mở rộng cơ hội việc làm. Thứ hai, tác động của di dân đối với tiền lương của người Mỹ cũng ở mức thấp. Những di dân thường cạnh tranh trực tiếp nhất với những người mới nhập cư khác, hoặc với một số ít những người Mỹ có kỹ năng lao động kém, ở mức lương thấp. Di dân sẵn sàng làm những việc cực nhọc với đồng lương thấp, mà ít có người bản xứ muốn làm. Ở phân khúc thị trường lao động này, nếu không có di dân, nước Mỹ sẽ thiếu hụt nhân sự.
Ngộ nhận 2: Người nhập cư lạm dụng phúc lợi xã hội.
Sự thật: Di dân sử dụng phúc lợi xã hội rất ít so với người Mỹ. Hầu hết những di dân hợp pháp không được hưởng những phúc lợi xã hội cho người nghèo như food stamp trong năm năm đầu tiên ở Mỹ, với một số ít trường hợp ngoại lệ chủ yếu ở cấp tiểu bang. Những di dân bất hợp pháp hoàn toàn không có quyền hưởng phúc lợi xã hội, ngoại trừ dịch vụ Medicaid khẩn cấp.
Những người nhập cư ít có khả năng sử dụng các phúc lợi xã hội so với những người Mỹ. Ngay cả khi họ sử dụng, giá trị của phúc lợi cũng nhỏ. Ngược lại, di dân có việc làm đóng góp khá lớn cho nguồn Medicare và an sinh xã hội, trong khi lại ít sử dụng hơn so với người Mỹ, chủ yếu là do tuổi tác và điều kiện sức khỏe. Nếu ai đó vẫn còn lo lắng về mức tiêu thụ phúc lợi xã hội của di dân, thì nên dựng một bức tường cao bảo vệ các phúc lợi nhà nước, thay vì xây tường tại các khu vực biên giới!
Ngộ nhận 3: Di dân làm tăng thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ.
Sự thật: Những người nhập cư ở Hoa Kỳ hầu như không tác động rất ít đối với ngân sách chính phủ. Họ đóng thuế nhiều hơn mức họ tiêu thụ các phúc lợi.
Một nghiên cứu do Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia công bố trong cuộc khảo sát tài liệu về kinh tế học nhập cư, cho thấy tuổi tác là yếu tố quan trọng để ước tính liệu một di dân sẽ là người sử dụng phúc lợi hay đóng góp thêm cho ngân sách chính phủ. Theo đó, những người nhập cư chưa học hết trung học có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với ngân sách chính phủ nếu họ đến Mỹ trước 25 tuổi. Trong khi đó, những người nhập cư có trình độ học vấn cao chỉ có thể tác động tiêu cực với ngân sách nếu họ đến sau 64 tuổi.
Điều có vẻ kỳ lạ là những di dân nghèo không làm thâm hụt thêm ngân sách. Đầu tiên là khả năng lao động và năng suất của họ cao, khiến họ đóng thuế khá nhiều. Kế đến là nhiều người nhập cư đến khi họ còn trẻ, nhưng lại không đủ trẻ để đi học trường công lập lâu như người bản xứ. Do đó, họ phải làm việc và đóng thuế nhiều cho chi phí trường công và phúc lợi xã hội, nhưng được hưởng ít hơn.
Ngộ nhận 4: Di dân là nguồn gốc chính của tội phạm.
Sự thật: Những người di dân, bao gồm cả những người nhập cư bất hợp pháp, có xác suất bị bắt giam, kết án ít hơn nhiều so với người Mỹ bản xứ.
Ngộ nhận 5: Hoa Kỳ là quốc gia có chính sách nhập cư cởi mở nhất trên thế giới.
Sự thật: Dòng người di dân hàng năm vào Hoa Kỳ, tính theo tỷ lệ phần trăm dân số, thấp hơn so với hầu hết các nước giàu có phát triển khác.
Chuyện dài di trú từ động vật đến loài người là vậy. Tự do di trú là thiết yếu đối với muôn loài sống trên trái đất. Thời đại nào ở Mỹ cũng đều có cả những người ủng hộ và chống di dân. Người Việt ở Mỹ là một giống dân nhập cư còn khá mới mẻ tại Hoa Kỳ, từng được hưởng nhiều lợi lộc từ các chính sách di dân của quốc gia này. Nếu không thể nhìn di dân bằng cặp mắt đồng cảm, ít nhất người Việt cũng nên đánh giá về di dân một cách hữu lý. Không nên hùa theo những lập luận chống di dân vô căn cứ của các chính trị gia, mà tự biến mình thành những người di dân không tim và không óc.
Doãn Hưn g
Gửi ý kiến của bạn