Lo Ngại Trung Quốc, Hoa Kỳ Và Các Đồng Minh Tăng Cường Phòng Thủ Ở Thái Bình Dương

24/02/202300:00:00(Xem: 660)
 
Thai Binh Duong
Trở lại văn phòng của mình, nhìn ra căn cứ quân sự từng là nơi xảy ra cuộc tấn công bất ngờ và thảm khốc hơn tám thập niên trước, Đô Đốc Aquilino quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ không phải chứng kiến một trận Trân Châu Cảng nào nữa. (Nguồn: pixabay.com)
 
CAMP SMITH, Hawaii – Hồi đầu tháng này, người ta phát hiện ra khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua các căn cứ hạt nhân nhạy cảm ở Montana; và dù đã bị một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn hạ, sự kiện vẫn gây chấn động cả nước.
 
Tuy nhiên, đối với Đô Đốc John Aquilino, chỉ huy của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đây chỉ là chiêu trò mới nhất trong một loạt các động thái khiêu khích, như là mấy quả hỏa tiễn bay ngang qua Đài Loan sau chuyến thăm hồi tháng 8 năm ngoái của Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi, kho vũ khí hạt nhân ngày càng đầy ắp và một cặp khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc lảng vảng ở khu vực lân cận quần đảo Hawaii trong năm ngoái.
 
Thêm vào đó là số lần phóng hỏa tiễn nhiều kỷ lục của Bắc Triều Tiên trong năm ngoái, “tình bằng hữu vô biên” của Bắc Kinh với Moscow, và việc Trung Quốc không ngừng mở rộng các căn cứ không quân đã được quân sự hóa ở Biển Đông. Đô Đốc Aquilino nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông trên đỉnh đồi nhìn ra Trân Châu Cảng: “Bây giờ có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy trong suốt 30 năm trong ngành.”
 
Các hành động khiêu khích của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga đã thúc đẩy Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng cường năng lực quân sự cũng như khả năng hợp tác. Ely Ratner, phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng phụ trách mảng an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết: “Họ đang tự củng cố khả năng phòng thủ của chính mình, rồi tìm cách củng cố cho các đồng minh và quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, họ cũng giữ liên lạc với nhau. Tất cả đều xảy ra cùng một lúc.”
 
Chính quyền Biden cho biết, khuynh hướng này phản ánh nỗ lực tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng thông qua việc củng cố vững chắc các mối quan hệ đối tác – tiến tới cái được gọi là “mạng lưới mắt cáo” (latticework) trong đó các đồng minh liên minh củng cố lẫn nhau.
 
Mãi tới gần đây, phần lớn các tiến bộ mới trở nên rõ ràng.
 
Vào tháng 12, Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng mạnh ngân sách quốc phòng và mua hỏa tiễn hành trình Tomahawk do Hoa Kỳ sản xuất. Trong tháng này, Philippines cho biết sẽ cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự trong nước của mình. Mấy tuần tới đây, Úc Đại Lợi cũng dự kiến sẽ tiết lộ kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và Anh. Các viên chức cho biết, các tàu ngầm của Hoa Kỳ có thể sẽ được triển khai luân phiên tại Úc để giúp đỡ đào tạo hải quân của nước này.
 
Đồng thời, một số quốc gia khác thì khá cảnh giác với việc bị coi là ‘qua lại quá thân thiết’ với Hoa Kỳ. Thí dụ, Thái Lan, Malaysia và Indonesia chủ yếu tập trung né tránh các xung đột trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Họ không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
 
Ấn Độ, một đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Biden, sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ trong các cuộc tập trận quân sự và gần đây nhất là về công nghệ quốc phòng. Tuy nhiên, vì muốn duy trì chính sách tự chủ chiến lược của mình, nước này đã tránh trở thành một phần của bất kỳ thỏa thuận an ninh đa phương nào hoặc tham gia bất kỳ liên minh nào để gây áp lực lên Nga hoặc Trung Quốc.
 
Trong khi đó, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga và sự phát triển quân sự thần tốc của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng có thể xảy ra nguy cơ TQ sẽ phát động một cuộc xâm lược vào Đài Loan. Năm ngoái, Bắc Kinh tự hào tuyên bố sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đã tiến hành số vụ thử hỏa tiễn đạn đạo nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Mặc dù ngay bây giờ thì Đài Loan sẽ chưa có ‘bất trắc’ gì, nhưng một số tướng lĩnh hàng đầu của Hoa Kỳ cảnh báo rằng quân đội Hoa Kỳ cần chuẩn bị sẵn sàng hơn.
 
Theo ông Aquilino, quả thực, chính Hoa Kỳ cần phải cải thiện vị thế lực lượng của mình trong khu vực. Ông cho biết: “Mọi thứ cần phải nhanh hơn,” và rằng mọi người cần có “cảm giác cấp bách, bởi vì đó là điều cần làm để ngăn chặn xung đột.”
 
Một kế hoạch an ninh không ngừng phát triển
 
Trong phòng giải lao của Đô đốc Aquilino là mô hình 3D của một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên một rạn san hô ở Biển Đông. Nó được trang bị một đường băng dài 3,000 mét và các kho chứa máy bay chiến đấu. Về quy mô, riêng cái bến cảng của nó thôi cũng đủ chứa trọn Ngũ Giác Đài. Hòn đảo này rộng tới 680 mẫu Anh, được Trung Quốc xây dựng riêng cho quân đội trong suốt nhiều năm.
 
Nó gióng lên một ‘hồi chuông cảnh báo,’ Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng phạm vi quân sự của mình ở khu vực này, khiến các nước láng giềng như Đài Loan, Việt Nam và Philippines lo lắng.
 
Ông Aquilino nói: “Ảnh hưởng của nó khiến các quốc gia hành động cấp bách theo những cách mà họ chưa từng làm trước đây.”
 
Ông chỉ ra cuộc tập trận của sáu quốc gia ở Biển Philippines vào tháng 10 năm 2021 diễn ra với tốc độ nhanh chớp nhoáng tới mức báo chí chẳng kịp đưa tin. Cuộc tập trận có sự góp mặt của các hàng không mẫu hạm Carl Vinson và Ronald Reagan của Hoa Kỳ, hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth của Anh, cũng như một hàng không mẫu hạm của Nhật Bản và một tàu khu trục Hà Lan. Quân đội các nước diễn tập cả trên không và dưới biển, cũng như các hoạt động trong không gian và không gian mạng.
 
Các nước Châu Âu và NATO cũng thấy ‘đứng ngồi không yên’ trước các mối đe dọa ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
 
Mùa hè năm ngoái, các lực lược dưới trướng Đô Đốc Aquilino đã hoàn thành cuộc tập trận hàng hải lớn nhất từ trước đến nay ngoài khơi Quần Đảo Hawaii và South California với 26 quốc gia, hàng chục tàu chiến, 3 tàu ngầm, 170 máy bay và hơn 25,000 nhân sự. Các nước tham gia bao gồm Chile, Indonesia, Tonga, Pháp, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản.
 
Riêng Nhật Bản, trong thời gian ngắn thôi họ đã rất nhanh nhận thấy mối đe dọa mà Trung Quốc và Bắc Triều Tiên gây ra trong khu vực. Vào tháng 12, sau nửa thế kỷ hạn chế chi tiêu quốc phòng, Nhật Bản đã tuyên bố cam kết tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm, có thể khiến họ trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới. Họ cũng tuyên bố sẽ phát triển hỏa tiễn có khả năng phản công. Các viên chức Nhật Bản, vì các mục đích chính trị trong nước, đã giảm nhẹ tầm quan trọng của sự thay đổi này, tuyên bố rằng đây chỉ là để phòng thủ.
 
Nhưng có thể thấy, họ không hề lảng trách trước nguy cơ cấp bách.
 
Noriyuki Shikata, trưởng phòng báo chí Nội Các của Thủ tướng Fumio Kishida, cho biết: “Lý do chúng tôi phải động tới vũ khí là vì những thách thức an ninh ngày càng nghiêm trọng và phức tạp trong khu vực mà Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đặt ra. Với tình hình an ninh ở Châu Á, chúng tôi có nghĩa vụ phải đáp trả qua việc xây dựng hệ thống phòng thủ của mình. Chúng tôi cần cải thiện khả năng răn đe của mình.”
 
Cùng với các hỏa tiễn hành trình Tomahawk có khả năng vươn tới Trung Quốc đại lục, Nhật Bản đã đồng ý để Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ giúp cải tổ một đơn vị ở Okinawa, để họ có thể nhanh chóng phân tán và chiến đấu ở những hòn đảo xa xôi gần Đài Loan. Trung đoàn mới này sẽ được trang bị hỏa tiễn chống hạm, có thể được sử dụng để nã vào tàu của Trung Quốc trong trường hợp Đài Loan xảy ra ‘tình huống bất ngờ.’
 
Tokyo cũng có ý định cho các lực lượng tự vệ tham gia vào các cuộc tập trận quân sự của Hoa Kỳ tại Úc, theo sự tăng cường thỏa thuận an ninh ba bên, còn được gọi là một ‘mạng lưới mắt cáo’ đang thành hình.
 
Thí dụ, các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã kéo các đối thủ lâu đời là Hàn Quốc và Nhật Bản lại gần nhau hơn, và mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa Hoa Kỳ, Philippines và Nhật Bản. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến công du tới Tokyo trong tháng này. Trong chuyến đi này, ông đã ký một số thỏa thuận, bao gồm cả hợp tác quốc phòng.
 
Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Tokyo, cho biết năm ngoái là “một bước ngoặt đáng kinh ngạc” đối với các quốc gia như Nhật Bản. Ông nhận xét: “Nhật Bản đã chuyển từ tư duy bảo vệ liên minh sang tư duy trù hoạch liên minh. Đó là mô hình mới cho Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng như cho cả khu vực.”
 
Thời gian tới, Australia dự kiến sẽ công bố kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp sức từ Hoa Kỳ và Anh. Các viên chức dự kiến những chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành vào những năm 2030. Sáng kiến này được gọi là AUKUS, là minh chứng cho một trong những nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quan trọng nhất trong khu vực.
 
Một viên chức Hoa Kỳ yêu cầu giấu tên vì vấn đề nhạy cảm cho biết: “Họ đạt được những tiến bộ đáng kể. Họ sắp sửa đưa ra một thông báo quan trọng. Điều này không chỉ liên quan đến kỹ thuật và tài chánh xung quanh việc chế tạo tàu ngầm, mà còn có các yếu tố quan trọng về đào tạo thủy thủ đoàn, bảo trì cơ sở vật chất và các lĩnh vực hội nhập khác, hứa hẹn sẽ đưa hải quân ba nước xích lại gần nhau hơn.”
 
Các chuyên gia cho rằng việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ ở Úc – dù chỉ là trên cơ sở luân phiên – sẽ rất quan trọng, vì hầu hết các hỏa tiễn Trung Quốc không thể vươn tới một căn cứ ở Ấn Độ Dương. Michael J. Green, giám đốc điều hành của United States Studies Center tại Trường Sydney, từng là phụ tá về vấn đề Châu Á của Bạch Ốc trong chính quyền George W. Bush, cho biết: “Nhưng lý do chính khiến việc này trở nên quan trọng là nó cho thấy người Úc nghiêm túc và sẵn sàng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng họ.”
 
Thỏa thuận AUKUS đã khiến Trung Quốc tức giận, họ coi đó là một hành động khiêu khích có chủ ý và cáo buộc Hoa Kỳ và các đối tác đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc thông qua một “bè phái Anglo-Saxon.” Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã chỉ trích thỏa thuận này rằng nó có khả năng làm suy yếu nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế.
 
Nhưng Úc đã đáp trả rằng ‘Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân’ không hề cấm một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân có được công nghệ chế tạo động cơ đẩy hạt nhân sử dụng trong hải quân. Các tàu ngầm Úc sẽ không chở theo vũ khí hạt nhân. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao cho biết AUKUS “sẽ hoàn toàn tuân theo” hiệp ước.
 
Một số nước chỉ muốn đứng bên lề
 
Về vấn đề ‘chọn bạn mà chơi,’ không phải tất cả các quốc gia đều muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn với Hoa Kỳ – hoặc là Trung Quốc.
 
Tại Thái Lan, một đồng minh lâu đời ở Đông Nam Á, các viên chức quốc phòng cho biết Hoa Kỳ có vẻ ‘để mắt’ đến khu vực nhiều hơn khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại đây. Nhưng Trung tướng Kongcheep Tantravanich, phát ngôn nhân của Bộ Quốc Phòng, cho biết Thái Lan không muốn bị “thao túng” bởi một trong hai quốc gia.
 
Ông nói: “Chúng tôi cần duy trì tình trạng trung lập của mình.”
 
Năm ngoái, Thái Lan cho biết sẽ mua một lượng đáng kể thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ và bắt đầu một chương trình đầu tiên chia sẻ thông tin về công nghệ quốc phòng giữa hai nước. Panitan Wattanayagorn, người đứng đầu ủy ban an ninh của chính phủ Thái Lan, cho biết chương trình này tự nhiên cũng sẽ dẫn đến việc trao đổi quân nhân. Ông Panitan nói: “Chúng tôi chả mất gì” với những thỏa thuận này, mà nó cũng sẽ không cản trở Bangkok tiếp tục củng cố quan hệ với Bắc Kinh.
 
Theo Markus Garlauskas, giám đốc Indo-Pacific Security Initiative của Atlantic Council và là cựu sĩ quan tình báo quốc gia phụ trách các vấn đề về Bắc Triều Tiên, giống như Thái Lan, Hàn Quốc cũng không muốn bị cuốn vào vụ ‘trâu bò húc nhau’ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông dẫn ra một câu nói của người Hàn Quốc: “Cá voi quần nhau, tép tôm bẹp dí.” (tương tự câu “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” của người Việt mình).
 
Theo các chuyên gia phân tích, Hàn Quốc là nơi đồn trú của hơn 28,000 lính Hoa Kỳ, và trong những năm gần đây, Seoul đã thể hiện sự sẵn lòng liên minh với Washington rõ ràng hơn so với những năm trước. Thí dụ, vào tháng 12, Hàn Quốc đã ban hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dù không đề cập đến Trung Quốc, nhưng nó lặp lại các chiến lược tương tự do Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc ban hành. Garlauskas cho biết các cuộc thăm dò dư luận ở Hàn Quốc cho thấy tâm lý của công chúng đã quay lưng lại với Trung Quốc trong những năm gần đây. Người Hàn Quốc cảm thấy họ bị “bắt nạt” bởi màn trả đũa kinh tế của Trung Quốc vào năm 2017, sau khi Hoa Kỳ lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn để đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
 
Một viên chức cấp cao của Hàn Quốc cho biết, Seoul coi việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản, cả về tập trận và liên lạc, là một phần quan trọng trong việc đảm bảo với công chúng về an ninh của đất nước. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ có một cuộc diễn tập hạt nhân kiểu tabletop trong khoảng một ngày tại Ngũ Giác Đài trong tuần này.
 
Ấn Độ, quốc gia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay với niềm khao khát trở thành cường quốc, đã coi Trung Quốc là đối thủ chính sau nhiều năm đụng độ biên giới với quân đội của Bắc Kinh đầy bạo lực, khiến cả hai bên đều bị ‘hao binh tổn tướng.’ Điều đó đã đẩy New Delhi xích lại gần Washington hơn.
 
Mới tháng trước, Washington và Delhi đã tổ chức cuộc họp khai mạc quan hệ đối tác chiến lược do Tổng thống Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố vào tháng 5, nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp trong nước cùng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), động cơ phản lực và chất bán dẫn. Trước đó, trong năm ngoái, lần đầu tiên, một tàu Hải quân Hoa Kỳ đã đến Ấn Độ để sửa chữa – một bước quan trọng đối với ngành đóng tàu Ấn Độ và mối quan hệ quốc phòng song phương. Bên cạnh sự hợp tác này, các cuộc tập trận quân sự giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ cũng tăng cường trong những năm qua.
 
Ashley Tellis, một chuyên gia về Ấn Độ tại Carnegie Endowment for International Peace, cho biết: “Vì những lý do riêng của mình, Ấn Độ hiện đã quyết định trở thành một phần của các liên minh rộng lớn chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
 
Nhưng trong khi hân hoan vui vẻ được hỗ trợ công nghệ và tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, cả hai cái đều giúp phát triển năng lực quân sự, “Ấn Độ không muốn để lộ cho bất kỳ ai, kể cả Trung Quốc, rằng có tồn tại một liên minh Mỹ-Ấn chống lại Trung Quốc,” Tellis nói thêm.
 
Các viên chức chính quyền Biden thường tổ chức Đối Thoại An Ninh Bốn Bên (Quadrilateral Security Dialogue, hay còn gọi nôm na là “the Quad” – “Bộ tứ”), như một thí dụ về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Được thành lập bởi Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, “Bộ tứ” là một nỗ lực đặc biệt nhằm phối hợp với nhau để cứu trợ nhân đạo trong trận sóng thần tàn khốc ở Ấn Độ Dương năm 2004. Nó đã suy yếu trong nhiều năm, sau đó được hồi sinh dưới thời chính quyền Trump và từ đó đã phát triển thành một lực lượng đối trọng địa lý chính trị với Trung Quốc. Bắc Kinh đã cáo buộc bốn quốc gia đang tìm cách thành lập một “NATO phiên bản Châu Á” dù trong mối quan hệ đối tác này chẳng có cam kết bảo vệ lẫn nhau.
 
Và trong khi Nhật Bản và Úc đóng vai trò quan trọng đối với các nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu trong khu vực nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Ấn Độ lại chẳng có được mấy lợi ích trực tiếp trong đó.
 
Tellis nói: “Họ mong ước Đài Loan gặp những điều tốt đẹp, nhưng sẽ không đến giải cứu khi cần thiết.”
 
Một biến số quan trọng là Seoul. Garlauskas nói: “Việc Hàn Quốc ủng hộ Đài Loan hay giữ thái độ trung lập có thể đóng một vai trò rất lớn trong việc Trung Quốc có chọn phát động cuộc xâm lược Đài Loan hay không,” đồng thời lưu ý rằng Hoa Kỳ có các lực lượng quân sự đóng trên Bán đảo Triều Tiên có thể vươn tới lục địa Trung Quốc.
 
Theo Christopher B. Johnstone, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á của Bạch Ốc, hiện đang làm việc tại Center for Strategic and International Studies, khi nói đến các đồng minh và đối tác, sự khác biệt giữa một bên là Nhật Bản và Australia, với bên còn lại là Thái Lan và Indonesia, là bên Nhật Bản và Australia nhận thấy “rất rõ ràng mối đe dọa trực tiếp” từ Trung Quốc.
 
Nhật Bản đã chứng kiến một thập niên xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku, do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố chủ quyền. Vào tháng 8, như một phần của cuộc tập trận quân sự để đáp lại chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc đã bắn hỏa tiễn đạn đạo bay qua Đài Loan, nó rơi xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Úc thì phải hứng chịu những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế. Bắc Kinh đã đánh thuế ‘cắt cổ’ đối với các mặt hàng than, rượu và các hàng hóa khác của Úc sau khi thủ tướng nước này kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của vi rút vào đầu đại dịch COVID-19.
 
Các viên chức Úc cho biết trong những tuần gần đây, Canberra và Bắc Kinh đã nỗ lực ổn định lại mối quan hệ song phương, nhưng điều đó sẽ không làm suy yếu mối quan hệ đối tác an ninh ngày càng sâu sắc mà họ đang xây dựng với Hoa Kỳ, Anh và các đồng minh khác.
 
Ông Johnstone cho biết: “Với Úc, những năm qua, họ ngày càng thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc, là kẻ bắt nạt ưa ‘đá thúng đụng nia’ với các nước láng giềng.”
 
Trong khi đó, với phần lớn các nước ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, “không ai trong số họ chọn Trung Quốc. Họ chỉ đang cố gắng ‘giữ mình’ tốt nhất có thể để khỏi phải dây vào những xung đột.”
 
Triển khai và phân tán
 
Các viên chức cho biết việc cải thiện năng lực của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực ngày càng phụ thuộc vào sự hợp tác từ các đồng minh và đối tác. Đặc biệt, kho vũ khí hỏa tiễn dẫn đường với độ chính xác ngày càng cao của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Lực Lượng Không Quân Hoa Kỳ trong khu vực. Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết: “Nếu tất cả máy bay được chia ra cất ở vài căn cứ lớn mà sân bay, đường băng không xài được, thì mấy cái máy bay đó coi như vô dụng.”
 
Lực Lượng Không Quân này đã và đang chuyển từ các căn cứ lớn, tập trung sang mạng lưới các sân bay nhỏ hơn, phân tán khắp khu vực ‘rải đều’ tại các căn cứ ở các quốc gia đối tác bao gồm Nhật Bản, Philippines và Micronesia.
 
Theo chiến lược “tác chiến nhanh,” Lực Lượng Không Quân tạm thời hoạt động bên ngoài một sân bay ở Palau, vận chuyển nhân sự và máy bay khi cần thiết. Họ cũng đã xây thêm đường băng và trang bị sẵn đạn dược, thực phẩm và nước tại các căn cứ trên khắp khu vực.
 
David Panuelo, tổng thống Micronesia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Hoa Kỳ đang nâng cấp một sân bay và cảng biển trên đảo Yap của đất nước ông, với mục đích ngăn ngừa chứ không phải để khơi mào chiến tranh với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi làm vậy chỉ để phòng hờ mà thôi.”
 
Panuelo tin rằng những nỗ lực của Washington trong khu vực đang bắt đầu có tác dụng. Ông nói: “Các quốc gia Thái Bình Dương đang sắp xếp lại các mối quan hệ, hợp tác của họ,” chỉ ra nỗ lực thất bại của Trung Quốc nhằm đạt được một hiệp ước an ninh khu vực hồi năm ngoái, và những khó khăn gần đây của Bắc Kinh.
 
Quân đội Hoa Kỳ cũng đang tìm cách tiếp cận nhiều địa điểm hơn trong khu vực.
 
Trong tháng này, Manila tuyên bố cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận thêm 4 địa điểm quân sự mới của Philippines, nâng tổng số căn cứ quân sự mà Hoa Kỳ có thể tiếp cận ở nước này lên 9 địa điểm. Các viên chức không nói rõ loại căn cứ nào – chẳng hạn như Lục Quân hay Hải Quân – và cho biết còn chờ các cuộc đàm phán với các viên chức địa phương để đưa ra thông báo về các địa điểm cụ thể. Tuy nhiên, ít nhất hai trong số bốn căn cứ dự kiến sẽ ở trên đảo Luzon, nơi có mũi cực bắc chỉ cách Đài Loan vài trăm dặm.
 
Cắm gai cho nhím
 
Phản ứng hung hăng của Trung Quốc đối với chuyến thăm của bà Pelosi mùa hè năm ngoái, cuộc chiến Ukraine-Nga và việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba đã khiến Đài Loan nhận ra rằng họ cần phải chuẩn bị tốt hơn để tự bảo vệ mình trong trường hợp xảy ra xung đột.
 
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn mới đây đã kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm. Nhưng theo các chuyên gia, bấy nhiêu vẫn chưa đủ, hệ thống phòng thủ của Đài Loan cần phải giống như một con nhím xù đầy gai nhọn –với nhiều hệ thống vũ khí linh hoạt có thể gây nguy hiểm cho những kẻ ‘mon men’ muốn tấn công họ.
 
Đô đốc về hưu Lee Hsi-ming, nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Đài Loan từ năm 2017 đến 2019, cho biết, quân đội Đài Loan “vẫn còn mắc kẹt với ý tưởng về máy bay chiến đấu, tàu chiến và xe tăng.”
 
Ông Lee, giống như các viên chức quân sự và chuyên gia quốc phòng Hoa Kỳ, cho rằng Đài Loan nên tập trung nhiều hơn vào các loại vũ khí ít tốn kém hơn, cơ động hơn – chẳng hạn như hỏa tiễn hành trình chống hạm và thủy lôi – những loại có thể gây đau đớn cho kẻ thù và giúp phe ta dễ dàng sống sót cho trước các cuộc tấn công của TQ.
 
Ông Lee nhận xét: “Tự nhiên bây giờ kêu họ chi ít tiền cho xe tăng thôi, và rót nhiều tiền hơn cho Javelin hoặc Stinger – thiệt cũng khó mà thay đổi,” đồng thời chỉ ra rằng hỏa tiễn đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine ngăn chặn lực lượng Nga chiếm Kyiv như thế nào.
 
Ông Lee lập luận rằng Đài Loan sẽ được hưởng lợi khi Washington thể hiện ý định sẵn sàng bảo vệ họ nếu xảy ra xung đột. Dù Tổng thống Biden đã công khai khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan ít nhất bốn lần, nhưng chính sách chính thức của Washington vẫn là một trong những “mơ hồ chiến lược” – được thiết kế để khiến Trung Quốc phải ‘đoán già đoán non’ xem quân đội Hoa Kỳ có ‘nhúng tay’ vào cuộc chiến nếu họ phát động xâm lược hòn đảo này hay không.
 
Ông Lee nói: “Cần cho Trung Quốc thấy chúng ta đang thật sự chuẩn bị. Không thể chỉ nói suông không thôi.”
 
Các tướng lĩnh Hoa Kỳ đều đồng ý với ý kiến này.
 
Wilsbach nói: “Đài Loan càng mạnh thì giá trị răn đe càng cao, và Trung Quốc sẽ dễ thấy rằng lúc này mà xua quân qua là không ổn.”
 
Giám đốc CIA William J. Burns cho biết, trong tháng này, cơ quan của ông nhận được tin tình báo rằng ông Tập đã chỉ đạo Giải Phóng Quân Nhân Dân (PLA) phải phát triển đủ khả năng để tấn công Đài Loan thành công vào năm 2027, cũng là năm PLA tròn trăm tuổi. Tuy nhiên, ông cũng đã vội vàng nói thêm rằng điều này không có nghĩa là ông Tập sẽ ra lệnh xâm lược Đài Loan trong năm đó.
 
Tuy nhiên, đây có thể là một cột mốc để Đài Loan tăng tốc chuẩn bị phòng thủ, ông Lee nói: “Sự phức tạp trong các mối quan hệ lộn xộn xuyên eo biển có nghĩa là đối với Đài Loan, không cần quá chú trọng vào mốc năm 2024, 2025 hay 2027. Mà quan trọng nhất là chúng ta có thể sẵn sàng sớm cỡ nào.”
 
Các chuyên gia lưu ý rằng hệ thống sản xuất quốc phòng của Hoa Kỳ đang bị tồn đọng đơn hàng cũng là một thách thức lớn, và tình hình còn căng thẳng hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine. Ông Lee chỉ ra: “Thử nghĩ mà xem, chúng ta đã đặt mua F-16 trong 5 hoặc 6 năm nhưng vẫn chưa có hàng. Chúng ta có thể làm gì để ngay lập tức ngăn chặn Trung Quốc và bảo vệ chính mình? Đó là nơi chúng ta cần đầu tư.”
 
Ông Aquilino nói rằng năng lực của Hoa Kỳ cũng cần phải phát triển. Một trong số đó là các hỏa tiễn tầm xa tiên tiến có thể được phóng từ trên không hoặc trên biển để tiêu diệt tàu địch trong khu vực.
 
Trở lại văn phòng của mình, nhìn ra căn cứ quân sự từng là nơi xảy ra cuộc tấn công bất ngờ và thảm khốc hơn tám thập niên trước, Aquilino quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ không phải chứng kiến một trận Trân Châu Cảng nào nữa.
 
Kể từ đó đã có nhiều thay đổi. Quân đội Hoa Kỳ tổ chức hơn 100 cuộc tập trận với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mỗi năm. Aquilino chỉ huy 375,000 quân và thường dân trong vùng. Và, trong khu vực, năm nền kinh tế hàng đầu sau Trung Quốc đều là các nền dân chủ.
 
Nhưng Bắc Kinh đang phát triển năng lực hỏa tiễn siêu thanh tiên tiến và đang có khuynh hướng sở hữu 1,500 đầu đạn hạt nhân trong thập niên tới, lại đang đe dọa gây bất ổn cho cái mà Đô Đốc Aquilino gọi là “trật tự dựa trên luật lệ” vốn đã cho các quốc gia “8 thập niên an toàn, giữ chủ quyền, và thịnh vượng.”
 
Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đã giao cho Aquilino hai nhiệm vụ. Đầu tiên: làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh xảy ra chiến tranh ở Thái Bình Dương. Ông lưu ý: “Phần lớn thời gian chúng tôi dành để ngăn chặn xung đột.”
 
Nhiệm vụ thứ hai, nếu chiến tranh là không thể tránh khỏi, thì phải chiến đấu và chiến thắng. Aquilino nói: “Nếu ngăn chặn không xong, Indo-Pacom cũng sẵn sàng nghênh chiến.”
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Rattled by China, U.S. and allies are beefing up defenses in the Pacific” của Ellen Nakashima và Christian Shepherd, được đăng trên trang WashingtonPost.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày 10 tháng 4 năm 2023, Bộ Giáo Dục Florida ra thông báo từ chối 35% số lượng sách nghiên cứu xã hội mà các nhà xuất bản đã gửi để xem xét chuẩn thuận sử dụng trong các trường công lập của tiểu bang. Những cuốn sách bị loại với lý do có chứa các tài liệu tham khảo liên quan đến các vấn đề về công bằng xã hội “và các thông tin khác” không phù hợp với luật pháp Florida.
Rác thuộc quyền sở hữu của ai? Câu hỏi nóng hổi đang được đặt ra bởi những người gom nhặt rác trên khắp thế giới, họ đang đoàn kết để đấu tranh cho sự sống còn của mình. Những người gom nhặt rác cho rằng, những gì mà mọi người đã vứt bỏ thì ai cũng có thể lấy. Trên toàn cầu, có tới 56 triệu người mua bán ve chai, họ thu mua và bán lại các loại kim loại, thủy tinh, bìa cứng và nhựa mà mọi người không còn sử dụng và vứt bỏ.
Gói lập pháp mà Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua vào ngày 26 tháng 4 năm 2023 với tỷ lệ hẹp sẽ cắt giảm chi tiêu liên bang trong thập kỷ tới đồng thời tăng mức trần nợ. Một biện pháp cắt giảm trong dự luật do Đảng Cộng Hòa hậu thuẫn sẽ hạn chế quyền tiếp cận Medicaid đối với hàng triệu người Mỹ. Khoảng 1 trong 4 người Mỹ có bảo hiểm y tế thông qua chương trình Medicaid, chương trình này chủ yếu phục vụ những người có thu nhập thấp và người khuyết tật và được chính phủ liên bang và các tiểu bang đồng tài trợ. Nếu luật được Đảng Cộng hòa ủng hộ thắng thế, chính phủ liên bang sẽ yêu cầu những người trưởng thành được bảo hiểm bởi Medicaid từ 19 đến 55 tuổi và không có con hoặc những người phụ thuộc khác phải dành 80 giờ mỗi tháng để làm công việc được trả lương, đào tạo nghề hoặc phục vụ cộng đồng.
Trong những tuần qua, người Việt khắp nơi đồng lòng tưởng niệm tháng Tư đen, hồi tưởng những ngày Sài Gòn thất thủ và quãng thời gian dài đen tối sau 30 tháng 4 năm 1975, khi hàng triệu người Việt phải liều mạng bỏ nước ra đi vì hai chữ Tự Do. Với người Việt tị nạn, quyền tự do hoàn toàn bị tước đoạt sau khi cộng sản chiếm đóng miền Nam, cướp nhà, bỏ tù toàn bộ giới quân nhân, trí thức cũng như bất kỳ ai có liên quan đến chính phủ cộng hòa, và cho đến nay, tiếp tục bắt bớ bất cứ ai có quan điểm chính trị trái chiều. Là thân phận tị nạn, Người Việt ít nhiều hiểu được ý nghĩa của hai chữ tự do, những giá trị mà con người khắp nơi trên thế giới đổi máu xương tranh đấu vì nó.
Suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, miền Nam Việt Nam ở trong tình trạng dao động, bất ổn nhất về mặt quân sự lẫn chính trị. Chiến tranh leo thang, Mỹ đổ quân vào chiến trường, các chính phủ Nam Việt Nam thi nhau sụp đổ, đời sống kinh tế của người dân càng lúc càng khó khăn. Sau hơn nửa thế kỷ, nhìn lại, tác giả Đỗ Kim Thêm đã có những đánh giá và nhận định sâu sắc, trung thực, khách quan về giai đoạn lịch sử đó. Việt Báo trân trọng giới thiệu
Một vài chủ đề trong lĩnh vực giáo giục đã nổi lên khắp các trang tin tức trong vài năm qua, trong đó nỗ lực cấm Thuyết Chủng Tộc Phê Phán* (Critical Race Theory – CRT) trong các trường học là một trong những chủ đề thống trị. Chủ đề này phổ biến đến mức các chuyên gia nghiên cứu tại UCLA School of Law Critical Race Studies Program đã lập ra một cơ sở dữ liệu mới để theo dõi các nỗ lực của chính quyền địa phương và tiểu bang trong việc cấm giảng dạy lý thuyết này cùng với những thứ khác.
Quý vị có thể đã nghe qua cụm từ “quyền của các bậc cha mẹ” (hay “quyền của phụ huynh”). Thoạt nghe thì có vẻ chẳng có gì phải bàn cãi – tất nhiên là các bậc phụ huynh phải có quyền của cha mẹ – và đó có lẽ là lý do khiến nó trở thành thuật ngữ sử dụng cho những nỗ lực bảo thủ để cấm đoán sách vở, xét nét các chương trình giảng dạy ở trường lớp, cũng như những lệnh cấm sặc mùi chính trị về việc không cho phép giảng dạy một số kiến thức.
Chuyến đi của Tập Cận Bình tới Moscow được truyền thông nhà nước Trung Quốc thổi phồng lên với các bài báo minh họa hình ảnh hai nhà lãnh đạo nâng ly chúc mừng, nhấn mạnh tình hữu nghị bền chặt giữa Trung Quốc và Nga. Tập Cận Bình được mô tả là một nhà lãnh đạo thế giới có thể thách thức Washington. Rõ ràng là Trung Quốc không ngại tăng cường quan hệ với Nga vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo khác ngược lại, đang xa lánh. Tại Moscow, Tập Cận Bình cho biết một chương mới trong mối quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu, ông cũng đã mời Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay. Hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế kéo dài đến năm 2030.
Cuộc chiến tranh Ukraine đang tiếp tục và viễn ảnh hòa bình rất xa vời vì Nga không tỏ ra chút nào muốn ngồi đàm phán tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc chiến xảy ra hơn năm trời với lý do không ai có thể biện minh được. Quyết định của cuộc chiến tranh nằm trong tay một cá nhân: Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã phát động cuộc chiến vào cuối tháng hai năm 2022.
Những tháng mùa đông năm nay, nước Mỹ phải đối phó với nhiều bệnh nhiễm trùng do virus cùng một lúc. Bộ ba Covid-19, RSV (respiratory syncytial virus, siêu vi hợp bào hô hấp) và bệnh cúm thường niên) gây một tình trạng khó khăn cho giới y khoa vì triệu chứng có thể trùng với nhau và khó phân biệt, trong lúc đó là tắc nghẽn hệ thống nhà thương và phòng cấp cứu, không những ở Mỹ mà luôn ở châu Âu. Hiện tượng này gọi là dịch mùa đông tay ba (“triple winter epidemic”).
300x250_CTA-Vietnamese-NguoiViet
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.