Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

13/11/200700:00:00(Xem: 2287)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Buồng nào tỏ ra ngang bướng, y trị đến nơi. Y nghiêm như vậy nên xà lim rất im lặng. Thỉnh thoảng cũng có vụ tuyệt thực, của một buồng nào đó, y mở cửa, thấy không ra lấy cơm, y chỉ hỏi vì sao không ăn, Tùy theo cách trả lời, nếu người tù tỏ ra không muốn ăn để chết, v.v… y đóng cửa và nói rằng:
- Tôi sẽ không mở cửa buồng anh nữa. Khi nào anh cần ăn, báo cáo tôi!
Và, y đã làm như lời nói, không nom, nhìn gì đến nữa. Y vẫn thường nói to với những buồng nào tuyệt thực:
- Anh nào muốn chết, cho chết luôn!
Y rất ghét thái độ hèn nhát, hoặc nịnh bợ, trong khi hầu như đa số các tên cán bộ khác lại rất thích.
Bốn mươi sáu:
Mài sắt nên kim!
Hôm nay là Chủ Nhật. Vào những ngày này, xà lim càng im vắng, vì rất ít khi cán bộ vào gọi buồng nào đi cung.
Trời đã vào gần giữa hạ. Không khí hanh khô. Từ những đám rêu xanh ngoài đầu hè, những ẩm mốc (không bao giờ có ánh mặt trời ở các buồng xà lim) bốc lên một mùi nồng nồng, khăn khẳn riêng biệt. Tôi đang ngồi nhìn những nốt muỗi cắn trên tay, chân, mình mẩy và suy nghĩ, phải tìm một cái gì đó để chống đỡ với lũ muỗi này, đột nhiên cửa sổ con mở. Tên Điền thò một ngón tay vào chỉ tôi, giọng cộc lốc:
- Đi cung!
Rồi y cúi xuống rút chốt cùm, mở cửa lớn. Tôi cũng hơi một chút băn khoăn lẫn ngạc nhiên. Ngay ngày thường, bây giờ thỉnh thoảng chúng mới lại gọi tôi. Còn Chủ Nhật, hầu như từ 7, 8 tháng nay, không bao giờ còn gọi nữa. Vậy sao hôm nay lại gọi bất ngờ như thế này, có chuyện gì đây"
Trên đường đi cung, tôi phải đi qua sân trại chung. Cả một cái sân rộng bao la càng làm tăng thêm sự vắng lặng trong ngày Chủ Nhật. Khi đi tới cổng trại chung, bên cạnh xà lim II, nơi ghi dấu một đoạn đời tù, với bao nhiêu gian khổ ngày ấy. Hình ảnh một thân hình da bọc xương, đầy ghẻ lở, hai chân trong cùm, để rồi cuối cùng suýt gặp tử thần, nhưng được may mắn cứu sống. Tôi chợt nghĩ, ở cả 3 xà lim, tôi đều có dịp đến trước ngưỡng cửa thần chết, rồi lại trở về. Tử thần chưa đón nhận tôi! Xà lim III, đang đêm đem đi bắn; xà lim II, phải đem xuống bệnh xá để cứu sống; xà lim I, chính tôi đã tìm đến cái chết. Rồi đây, trên đường đời phía trước, còn những gì chờ đợi tôi nữa"
Khi tên Điền dẫn tôi qua sân trại chung, quen như mọi khi, tôi rẽ về phía trái, nơi có những phòng tôi thường đi cung, nhưng tên Điền ra hiệu tay về phía phải:
- Đi rẽ phía này!
Ngay đầu dẫy là một căn phòng lớn, phòng của ban giám thị Hỏa Lò. Tôi hơi ngạc nhiên, khi y ra hiệu bảo tôi vào
Ngay từ cửa, tôi thoáng nhìn thấy có 5, 6 người bên trong: Một người đầu hói, tóc đã bạc một nửa, hơi gầy nhưng cao, kính trắng. Áo “vét”, dáng rất nghiêm, lạnh lùng ngồi ở giữa. Bên phải là ông Trì đeo lon Thượng Úy; bên trái là tên Lê, lon Trung Úy. Cả hai đều là Phó Giám Thị. Thái độ hai tên Trì và Lê hôm nay cũng rất trang nghiêm. Còn 2, 3 người nữa ngồi ở ghế bành dài, phía trái buồng, tôi chưa kịp nhìn. Hơi ngỡ ngàng, tôi bước vào.
Không khí trong phòng đang yên lặng, tôi mới bước chân qua cửa, bỗng rổn vang lên giọng tên đầu bạc:
- Hứ, ừ…ừ! Cặp mắt cứ như điện ấy!
Tôi biết tất cả những con mắt của chúng đều tập trung vào mình. Tôi tiến đến gần chỗ chiếc ghế đẩu để trước bàn, dành cho người tù, tôi đứng yên. Giọng miền Trung nặng chịch của tên Trì:
- Cho anh ngồi!
Tôi ngồi xuống, lẳng lặng suy nghĩ, không biết tên già này là ai, y tỏ ra rất tinh quái. Không khí im lặng, nặng nề kéo dài đến 1 phút. Thật là… lâu! Không một tiếng động. Bỗng, giọng tên già lanh lảnh:
- Anh Bình! Hãy ngẩng mặt lên nhìn…. tôi!
Tôi đường hoàng ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào… mắt y. Lão phải 60 tuổi, hay ngoài, hai mắt sáng long lanh sau cặp kính trắng. Quắc mắt, lão nhìn vào mắt tôi, như thôi miên một lúc, rồi chỉ một ngón tay dài ngoẵng vào mặt tôi, ngoáy ngoáy, quay tròn mấy vòng, giọng rành rọt:
- Trong óc anh đang cuộn lên những mưu mô, thủ đoạn chống đối. Chúng đang lộ ra trong mắt anh kia kìa! Anh quay xoắn vào bao nhiêu vòng, rồi sẽ phải mở nó ra bấy nhiêu vòng.
Vừa nói, y vừa quay quay ngược lại vòng ngón tay của y, rồi với một giọng như ra lệnh:
- Thôi, cho về!
Tôi đứng dậy đi ra, theo tên Điền vào xà lim, lòng ấm ức, đầy băn khoăn. Chỉ 10 phút, không hỏi han gì. Như vậy, y là ai"
Buổi gặp y ngắn ngủi chỉ 10 phút, nhưng đã ghi hằn nét trong lòng tôi. Cho mãi tới bây giờ, đã 21 năm rồi, hình ảnh buổi Chủ Nhật gặp lão ấy vẫn chưa phai mờ, vẫn như hiện rõ nét trong trí tôi. Giờ đây, chắc lão đã “ngủm” củ kiệu rồi, nhưng tôi vẫn còn không biết lão là ai" Làm gì" Phải nói, trong suốt 18 năm 4 tháng lao tù của tôi, lão là một trong hai tên tinh quái mà tôi gặp.
Về xà lim, suốt buổi chiều và tối hôm ấy, tôi vẫn còn băn khoăn suy nghĩ về buổi gặp lão già, không tên đó mãi.
Buổi trưa hôm sau, một buổi trưa nắng hạ gay gắt ngoài trời, trong xà lim ẩm thấp. Bầu không khí như trong trẻo nhè nhẹ vào lòng tôi, trong khi tôi lim dim cặp mắt, nằm nghĩ đến… nhà xí ở buồng tắm.
Ngay cạnh lỗ cầu tiêu có một thùng gỗ nhỏ, đã mục vì ẩm thấp lâu ngày, đựng những giẻ rách và giấy đi cầu đã dùng rồi. Cầu tiêu này chỉ dành cho cán bộ. Cán bộ nam ít khi vào đây, vì quá xa. Ban tối, tôi thường thấy mấy cán bộ nữ vào nhà tiêu là nhiều. Có thể xà lim I sâu mãi trong này nên im vắng, cho nên cán bộ nữ thường vào tắm rửa. Tất nhiên, tôi chỉ nghe âm thanh để phán đoán. Hơn nưa, những lúc vào đổ bô, liếc nhìn trong thùng gỗ đựng giấy chùi, tôi còn thấy giẻ rách, hoặc băng màn vệ sinh của phụ nữ. Nhiều khi tôi thấy có những mảnh vải to bằng 2, 3 bàn tay, hoặc những rẻo vải của thợ may, cắt thừa từ quần áo ra.
Vì vậy, tôi đã hình thành một phương pháp chống muỗi, bằng những thứ vật liệu “vất đi” đó. Sự bẩn, hay sạch trong hoàn cảnh này, chỉ là tương đối thôi. Nghĩ vậy, tôi thực hiện ngay ý định trong những ngày sau đó. Mỗi ngày 2 lần đổ bô, một tuần hai lần tắm, tôi sẽ tranh thủ nhặt rất nhanh những giẻ và vải chùi đít đó. Nhặt được mảnh nào, tôi đem ra vòi nước vò cho sạch phân, rồi về buồng phơi ra.
Tôi sẽ chọn những mảnh dài, còn tốt, rút sợi rồi se thành chỉ. Để làm kim, tôi sẽ lấy một cái tăm cật, mài thật xuôi và nhọn; đít kim làm bằng cách mài thật mỏng phía ruột tre, còn phía cật ngâm nước cho mềm rồi uốn đầu vào, lấy một sợi tóc buộc chặt hai vòng. Khéo tay một chút là thành một cái kim có lỗ hẳn hoi, tuy rằng khâu mũi hơi thưa, nhưng được.
Từ nhỏ, chưa bao giờ có dịp mó vào kim, nhưng bây giờ vì hoàn cảnh, nên tôi phải tập, lúc đầu sẽ xấu, lo gì, rồi sẽ đẹp lần thôi.
Khâu vá thì phải có con dao. Tôi nghĩ mãi, không đào đâu ra. Dạo này, chúng ít gọi cung tôi. Hàng ngày, tôi chỉ loanh quanh từ buồng vào nhà tắm. Vì vậy, mỗi lần vào nhà tắm tôi đổ bô như máy, mắt nhìn ngay vào thùng đựng giấy, giẻ chùi, tay bới vội lên vài lần. Chúng cũng nghèo, nên giẻ chùi thật linh tinh, đủ loại. Thậm chí, chúng còn dùng cả lá cây để chùi nữa. Có tí giẻ, chúng chùi thật kỹ, nên đầy phân. Tôi cứ đưa vào vòi nước, vò đại, rồi vắt khô, nhét vào cạp quần; trong khi mắt còn nhìn khắp buồng tắm xem có cái gì có thể làm con dao. Cuối cùng tôi đã tìm được.
Ở chỗ nép cửa sổ trong buồng tắm, tấm sắt nhỏ ép bên trong vì lâu ngày, nước mưa làm rỉ một góc phía dưới. Chỗ rỉ không đều nhau, nên lồi ra một khoảng to bằng ngón tay cái. Tội vội bẻ. Bẻ mấy lần chưa gẫy, bên ngoài tên Chiến đã quát:
- Nhà tắm ra đi! (Mỗi buồng chỉ được 5 phút).
- Vâng!
Thôi để lần sau bẻ tiếp vậy. Về buồng, dù một chân vẫn bị cùm, tôi cũng thấy vui vui. Bây giờ có thể tìm được dao rồi. Có dao, sẽ giải quyết được nhiều chuyện. Lúi húi móc những miếng vải lại từng miếng cho thật khô, rồi phơi rải ra phía trên đầu sàn. Trên đó còn thừa một khoảng, vì bị cùm, nên tôi phải thụt người xuống đến 30 phân ấy.
Tôi dự định sẽ khâu hai cái túi chân, hai cái túi tay và một cái túi đầu. Vì thế, tôi phải kiếm nhiều giẻ. Lúc đầu, tôi phải kiếm nhiều giẻ. Lúc đầu, sợ thiếu cho nên trong thùng giẻ to, giẻ nhỏ tôi lấy hết. Nếu nên cán bộ nào đi cầu, ngồi để ý nhìn vào thùng gỗ nhỏ, chắc sẽ lấy làm lạ, không biết bao nhiêu giẻ chùi dạo này đi đâu mất hết.
Ngày hôm sau, tôi đã bẻ được miếng sắt nhỏ. Nó méo mó, đường kính độ một phân. Tôi mài miếng sắt nhỏ đó vào một chỗ nhám như đá mài ở sàn xi măng. Tôi cũng phải lựa lúc an toàn mới dám mài. Chúng nó mà bắt được, cũng là phạm nội quy. Chỉ trong một ngày, tôi đã hoàn thành một con dao khá sắc bén. Tuy nó không được già lắm, nhưng cắt được móng tay, sau khi ngâm móng tay vào nước một lúc. Còn cắt vải và chỉ thì tuyệt cú mèo!
Kỳ này, ngày nào tôi cũng có công việc làm. Hết rút sợi, lại se chỉ, lúc thì mài kim. Hơn một tuần sau, tôi đã bắt đầu khâu. Sau một hồi tính toán nghĩ suy, đầu tiên, tôi khâu nối những miếng vải lại với nhau thành một miếng to theo ý muốn. Rồi tôi khâu một đôi túi tay bằng nhau, mỗi cái cũng phải 4, 5 miếng vải, đủ mầu. Vì có dao (cùn thì lại mài, đá mài có sẵn là sàn xi măng), nên cắt đo cũng dễ dàng. Đến 2 cái túi chân, tôi mất nhiều ngày kiếm vải và công khâu hơn. Nhất là bây giờ kim tre xem ra bất tiện, lúc kéo lên kim cứ bị móc vải, tôi phải mài và bọc lại mãi, mất nhiều thời gian.


Tôi chợt nghĩ là phải làm được một cái kim sắt, thì mới thật tiện lợi. Nghĩ thì dễ, nhưng đào đâu ra một mẩu sắt bây giờ" Vì đã có ý định tìm kim sắt, nên tôi ngừng khâu, hàng ngày chỉ lo kiếm vải, rút sợi và se chỉ thôi.
Con dao của tôi bây giờ thực đắc dụng. Những lúc ngồi buồn buồn, lại dùng cắt được cả râu nữa. Tay cứ sờ sờ, thấy sợi nào dài là cắt, cắt cả lông mũi nữa. Thật là tuyệt vời! Vì vậy, tôi phải có chỗ giấu tốt, nếu bất ngờ phải chuyển buồng, không bị mất. Nghĩa là phải luôn mang theo bên mình, và làm sao cho chúng không khám thấy, mà lúc lấy dùng cũng dễ. Sau một lúc suy nghĩ, tôi thấy không tiện gì bằng ở ngay hai mép vạt áo, chỗ gấu áo dưới khuy và cúc cuối cùng. Tôi chỉ cần lấy dao rạch nhẹ phía trong một tí, vừa con dao đút vào, như một cái túi, lại luôn đi với người, mà chẳng ai để ý.
Cái ý định làm kim luôn lẩn quẩn trong đầu, nên bất cứ lúc nào có dịp được ra khỏi buồng như lấy cơm, đổ bô, hoặc trả bát hay đi cung mắt tôi thường để ý mọi vật.
Một hôm, đến lượt buồng tôi ra đổ bô, như thường lệ sau khi làm xong ở nhà tắm, tôi báo cáo:
- Báo cáo, nhà tắm xong!
Tên Chiếu ngồi ở bàn quát:
- Ra đi!
Tôi ôm bô về buồng: mọi khi, y ở bàn cũng đứng lên theo vào đóng cửa. Nhưng hôm nay, khi tôi đi ngang qua bàn y, y nói nhẹ:
- Cất bô vào buồng, rồi ra đây tôi gặp!
Vào buồng, trước hết, tôi mó mấy miếng giẻ tôi vừa nhặt và nhét trong cạp quần ra, dù hãy còn ướt, tôi cũng đút đại dưới cái gối “vỏ ba lô”. Trong dạ hơi băn khoăn, không biết có chuyện gì" Tôi ra, vừa từ từ tiến đến chỗ bàn y, vừa chuẩn bị tinh thần để đối ứng với những việc bất ngờ. Y ngẩng lên, đút mấy cuốn sổ đang xem trên mặt bàn vào ngăn kéo, rồi chỉ ghế:
- Anh ngồi đi!
Giọng y có vẻ êm dịu. Sau khi tôi ngồi, y có vẻ ngập ngừng, dè dặt:
- Anh ra Hà Nội bằng đường nào"
Tôi hơi ngạc nhiên, dù vậy tôi vẫn chậm rãi trả lời:
- Dạ, bằng hải thuyền!
- Anh đổ bộ ở đâu"
Tôi vẫn dè dặt:
- Hà Tĩnh ạ!
- Anh ra bao lâu thì bị bắt"
- Gần một tháng!
- Ở miền Nam, anh ở đâu"
- Dạ, Sài Gòn!
- Miền Nam, dân thường bị đói, vậy hàng năm, chết nhiều không"
Tôi mở to mắt nhìn y ngạc nhiên. Y cũng khựng lại, khi thấy thái độ của tôi như vậy:
- Thưa ông, ở miền Nam, tôi đã sống 8 năm, tôi chưa hề nghe cái từ “chết đói” bao giờ cả.
- Thật à"
Nghe tôi nói, mặt y vừa ngẩn ra, vừa ngạc nhiên, y chỉ thốt ra một câu “thật à"” như nửa tin, nửa không tin! Tôi chậm rãi, nói tiếp:
- Thực ra, nhà tôi nghèo, vì vậy, tôi phải xin vào trại sinh di cư để đi học, ở đó chính phủ nuôi ăn. Ngay khi còn ở nhà với bố mẹ, tôi cũng chẳng biết bao nhiêu tiền một ký gạo, vì hâu như mọi người không ai chú ý đến gạo ăn. Mà có khi nào bàn đến, cũng chỉ bàn xem chỗ nào bán món ăn ngon thôi. Còn ở trại, trong bữa cơm, trại sinh thường nắm cơm nho nhỏ để ném nhau, mỗi khi họ trêu đùa nhau trong bữa ăn. Đôi khi họ còn dùng cả những mẩu bánh mì trong phòng ăn, để ném nhau nữa. Ngoài xã hội, mỗi khu phố đều có những quán cơm, gọi là “quán cơm xã hội”. Ở đấy, họ chỉ lấy tiền thức ăn, còn cơm, tha hồ muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Mỗi bữa chỉ có 5 đồng. Chúng tôi là học sinh nghèo, cũng ít khi hoặc chả bao giờ vào đấy ăn, vì ngượng, sợ những bạn học khác thuộc những gia đình giầu có nhìn thấy, cười. Để ông ý niệm được, tôi xin nói là lúc đó, tức 1962 về trước, Bộ Lao Động Miền Nam ấn định lương tối thiểu cho một ngày làm của một người đàn ông là 45 đồng, đàn bà 42 đồng. Lương này gọi là lương “phù động”, quy định cho một người không biết nghề nghiệp gì, chỉ làm các việc linh tinh như quét dọn, khuân vác, v.v… Nhưng, người ta ít chịu đi làm lắm, vì lười, và vì xấu hổ. Hơn nữa, ở đâu họ cũng không đói, nên họ không cần đi làm kiểu ít tiền như thế. Vậy ông thử tính, với lương công nhân hạng bét, họ cũng làm một ngày, ăn bốn ngày. Trong khi ở miền Bắc này, tôi thấy, làm ngày nào, ngày ấy mới có ăn, mà phải làm cố gắng với hết cả sức lực của mình.
Mặt y cứ bần thần suy nghĩ. Một lúc, y nói vẻ ngập ngừng:
- Lúc nào anh kể cho tôi nghe câu chuyện anh ra miền Bắc, mỗi ngày một ít. Tôi sẽ gọi anh ra đây!
Tôi gật đầu đồng ý. Với những kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi “ngửi” thấy y là một người tò mò muốn biết cuộc sống thực tế của miền Nam. Với chức cai tù này, y chỉ biết tội chính của người tù dưới quyền y có trách nhiệm quản lý, nhưng không được quyền biết chi tiết nội dung tội của người đó, nhất là về chính trị.
Qua một lúc nói chuyện, nhiều lần mắt y lấm lét liếc ra phía cổng, thái độ ngập ngừng như muốn dặn tôi không được nói với ai là y đã hỏi chuyện tôi; nhưng, có lẽ vì tự ái của một cán bộ nên y lại thôi, để chờ dịp khác thuận tiện. Phần tôi, tôi đã xác định rõ ràng, loại tội như tôi đã rơi vào tay cộng sản, chẳng bao giờ chúng tha, nhất là lúc đất nước lại chia đôi thế này. Vậy, đằng nào cũng thế, sợ quái gì. Tùy theo điều kiện cho phép, sẽ cho y biết thực một số nét về xã hội miền Nam. Đấy cũng chỉ là trách nhiệm của một người bình thường. Giữa người và người, thấy một người khác hiểu lầm điểm A ra điểm B, mà mình biết rõ, mình phải nói, thế thôi.
Trong lúc ngồi nói chuyện, y có những nét không được tự nhiên, vừa như băn khoăn sợ sệt, vừa như ham muốn hiểu sự thật nhiều vấn đề mà y bán tin, bán nghi. Y ngồi hỏi chuyện tôi mà cứ nhấp nhỏm không yên. Rồi khi có tiếng động ở cổng, y vội vàng ra hiệu bảo tôi vào. Tôi cũng liếc nhanh, chỉ là lão Bằng vào đi cầu, hay gọi buồng nào đó đi cung thôi.
Những ngày sau đó, tôi để ý thấy y nhìn tôi thiện cảm, nhưng chẳng bao giờ y gọi tôi nữa. Như vậy, trước hết tôi khẳng định là không phải y muốn moi móc, khai thác tôi để lấy tin báo cáo lên trên. Bởi vì nếu muốn moi tin, y phải gọi tôi ra trò chuyện nhiều lần nữa, vì câu chuyện đang có chiều hướng thuận lợi cho y muốn tìm hiểu. Như thế, chỉ có thể là y tò mò muốn biết, lại vừa sợ tôi vô tình ra chấp pháp nói rằng cán bộ xà lim gọi ra hỏi chuyện. Hỏi như vậy trong khi không được lệnh, là y có khuyết điểm. Khuyết điểm này lại về tư tưởng. Cuối cùng, vì chỗ đứng và vì nồi cơm, dù tò mò thích biết rõ những điều mình nghi ngờ nhưng y cũng đành chịu vậy thôi.
Điều này cũng cho tôi thấy, ngay trong hàng ngũ cán bộ của chúng, nhiều tên tư tưởng cũng đã rạn nứt, bán tin, bán nghi về những lời “thánh kinh” của đảng dạy bảo rồi.
Ngay chiều hôm ấy, khi ra lấy cơm, tôi thoáng nhìn thấy ở đầu chiếc nan gỗ sắp long, của cái chõng bằng cây, nhà bếp vẫn khênh thùng nước và cơm, có một cái đinh khoảng 5 phân đã thò đầu ra đến một phần ba rồi. Làm sao mà lấy được đây" Ác cái là, những lúc lấy cơm, tên Chiến thường đứng ngay đấy nhìn, bởi vì trước đây nhiều lần có hiện tượng xẩy ra là buồng được ra lấy cơm trước, cán bộ không để ý, dã bốc một nắm của bát khác bỏ vào bát mình. Có khi bốc cả canh, cả rau nữa, dù là rau muống già nấu muối, đen xì chỉ được vài gắp, vào trong cái bát nhỏ. Nhất là hôm nào, lâu lâu có bữa tươi, có mấy miếng thịt heo, hoặc thịt trâu, cán bộ càng phải coi kỹ, kẻo những anh ra sau chịu thiệt. Dù rằng bị cán bộ bắt được, phải bị cùm, có khi còn bị sỉ vả ở xà lim, nhưng mỗi người, mỗi buồng, chả ai trông thấy ai, nên họ đâu có ngượng.
Nhiều lúc trả bát, nhiều khi tên cán bộ nào lười không đi ra, đi vô theo, thường đứng ở cửa buồng chờ tù ra đặt trả bát, rồi múc gáo nước đi vào, y chỉ việc đóng cửa cài then thôi. Tôi phải chờ thời cơ, trong lòng cũng hơi lo, nhỡ ở dưới nhà bếp, tên nào nhìn thấy chiếc đinh như vậy, ngứa mắt lấy búa đóng lại thì hỏng. Phải chờ chực mãi; 4 ngày sau mới có dịp. Hôm đó, đúng lúc tôi trả bát, bỗng có tiếng huỳnh huỵch ở buồng số 12, tên Chiến vội chạy vào xem. Thời cơ đến, tôi chả cần biết chuyện đó là chuyện gì, lẹ làng như máy, tôi cúi xuống rút chiếc đinh tôi đã nhắm từ mấy hôm trước. Chiếc đinh đã lúc lắc, nhưng vì đầu chiếc đinh nhỏ, nên kéo ra đau tay quá. Mắm môi, mắm lợi mà không kéo nó ra được. Không có cái gì, tôi vơ vội tà áo của mình làm lót tay, nghiến răng rút. Vừa rút được xong, cửa cổng xà lim xịch mở, tên Kế, cán bộ ngoài trại chung đi vào. Thật hú vía, nếu lão vào sớm một chút, hỏng cả việc.
Tôi cầm gáo nước đi vào. Bây giờ tôi mới chú ý nghe tiếng quát của lão Chiến, trong lúc y đang cúi rút chốt hai cái cùm, với hai người bên trong buồng số 12:
- Cho chân vào!
Chốt cùm vào xong, y lại mắng:
- Các anh là con vật à" Tù trong xà lim còn đánh nhau!
Lúc nãy, vì tập trung chú ý vào việc nhổ đinh, nên tôi không biết vì sao họ đánh nhau. Nhưng, dù sao chăng nữa, câu tên Chiến mắng vẫn đúng với họ. Tôi chẳng biết họ là ai, tội gì, nhưng qua việc này, họ cũng đáng chê!
Tên Chiến trở lại buồng tôi cài then cửa, rồi mở cửa nhỏ nhìn vào, thấy chân tôi đã ngoan ngoãn để trong cùm rồi. Y chốt then cùm, xong mới trở vào buồng số 7 gọi cung, vì tên Kế đang đứng chờ.
Cửa đóng rồi, tôi quay lưng lại phía cửa, lấy cái đinh ra coi, nó hơi bị cong queo. Lợi dụng những kẻ hở của chiếc cùm sắt, hoay hoay một lúc, tôi đã uốn được chiếc đinh thẳng ra. Nhìn chiếc đinh, tay mân mê: “To quá”, tôi ngẫm nghĩ, mãi đến khi nào mới thành… cái kim! Hơn nữa, tôi có được mài tự do đâu. Không nghe ngóng, che giấu cẩn thận, lại một chân nữa vào cùm như chơi. Mà còn mất cả cái đinh, tôi đã tốn nhiều tâm óc mới lấy được, mục đích là để hoàn thành những đồ dùng chống muỗi.
Tất cả mọi thứ đã đủ rồi, chỉ còn mỗi cái kim nữa thôi, là sẽ hoàn toàn mục tiêu. Nghĩ như vậy, tôi nâng cao quyết tâm mài.
Tôi tìm những giờ an toàn để mài. Ban đêm, im lặng quá, thậm chí có những đêm mất ngủ, tôi còn nghe rõ tiếng gãi bụng rồn rột ở buồng số 14. Buồng số 2 không mở cửa bao giờ. Buồng số 1 ở phía trái, cách một buồng số 2. Buồng 4 ngay cạnh phía phải cùng dẫy; buồng 14 ở ngay đối diện. Ba buồng này; 1, 4 và 14 ban đêm tôi nghe thấy cả những tiếng thở dài, tiếng kéo bô, mở bô, đi giải, hay đi cầu. Vậy bây giờ tôi mài, tất nhiên họ cũng biết, và có thể các buồng phía trong cũng nghe thấy, chỉ có điều họ không biết tôi mài cái gì. Tóm lại, ban đêm tiếng mài nghe rõ, nhưng cũng có lợi điểm là nếu để ý lắng nghe, khi cán bộ vừa mở cổng xà lim, cách xa đến 40 mét, thì trong này đã biết có người vào rồi. Vì vậy, tôi thường mài về đêm, và vào ngày Chủ Nhật.
Đầu tiên, tôi đè thẳng cây kim xuống sàn. Cứ đẩy dọc. Một lúc, cái đinh nóng quá, tôi phải lót tay 3, 4 lần vải mà vẫn nóng; sau phải mài nước. Tôi chủ định mài vuông 4 mặt cho nhỏ dần. Khi nào cái đinh bé theo ý muốn, tôi mới mài tròn, và mài nhọn. Điều may là trước đây, tôi đã là thợ kim hoàn, nên tính toán kết hợp với sự khéo tay, cũng không khó khăn lắm, chỉ mất nhiều công.
Nhiều lúc mài, tay mỏi rời, tôi thấy cũng nản, định bỏ cuộc vì cái đinh to quá, mài lại không được tự do, vừa mỏi tay, vừa căng thẳng tinh thần. Những lúc như thế, óc tôi lại nhớ đến bài học thuộc lòng, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lúc còn nhỏ, Có Chí Thì Nên:
Trí khôn sẵn để dạ này.
Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.