Hôm nay,  

Coi Chừng Bị Lường Gạt: Ném Phao Chì Để Dìm Người Chết Đuối

23/08/200700:00:00(Xem: 5815)

Khi nhiều người lao đao vì không trả nổi tiền nhà - như hiện nay tại một số địa phương Hoa Kỳ - thì nhiều kẻ gian lại lợi dụng sự tuyệt vọng của họ để lường gạt. Chúng ta nên để ý tới hiện tượng này vì nạn lừa gạt ấy đang gia tăng đáng kể.

Chúng ta đều biết là trong tình trạng đình đọng của thị trường gia cư sau những năm đầy sôi nổi, số nhà bị kéo (foreclosure) đã gia tăng đáng kể, so với năm ngoái thì tăng 55% trong sáu tháng đầu tiên của năm nay. Đây chính là lúc kẻ gian lại rắp tâm giăng bẫy để dìm nạn nhân xuống nước và cướp nhà với giá rẻ. Kẻ gian ở đây là những người thông hiểu luật lệ và tâm lý thị trường nên bày ra âm mưu khá tinh vi. Hiện tượng ấy được nhà chức trách - kể cả cơ quan FBI - quan tâm. Gần đây, biện lý cuộc của nhiều khu vực như Houston, New York, Phoenix và cả Los Angeles đã truy tố hàng trục trường hợp gian lận như vậy xuất phát từ những tay nhà nghề, kể cả luật sư, trong lãnh vực tài trợ địa ốc.

Cơ quan FBI đã tăng cường điều tra với 1.200 vụ (so với 436 vụ năm 2003 và 818 vụ trong năm ngoái 2006), chính là nhờ sự báo cáo của các ngân hàng. Ngay từ năm ngoái, FBI đã nhận được cả thảy 35.000 báo cáo gian lận về tín dụng địa ốc liên quan đến một tỷ bạc tiền lỗ lã (so với 7.000 báo cáo và 225 tiền bị mất trong suốt năm 2003). Từ công trình điều tra ấy, riêng năm ngoái Biện lý cuộc cấp liên bang đã truy tố 204 vụ lường gạt địa ốc, thu hồi lại được 388 triệu tiền bồi thường và 231 triệu tiền phạt. Theo cơ quan FBI, những kiểu lường gạt này vẫn tiếp tục và đang tăng mặc dù người cho vay, người đi vay và các nhà làm luật đều đã được biết rõ hơn về mối nguy đó.

Phúc trình của FBI cho biết là tình hình gia tăng của các ngôi nhà bị kéo đã tạo ra cơ hội cho kẻ gian bóc lột những người bị nguy khốn và các biện lý hiện tập trung chú ý vào những khu vực có số nhà bị phát mãi cao nhất.

Mỗi kiểu lường gạt lại được tiến hành một cách, nhưng nét chung của trò gian lận này là lập ra "công ty cấp cứu" nhắm vào những người không trả nổi tiền nhà và ngôi nhà có thể bị công ty tài trợ tịch biên. Các công ty cấp cứu, gồm cả luật sư và nhiều nhà môi giới địa ốc tới gặp khách nợ đang thất thế với một đề nghị cứu vãn tình hình, thông thường là bằng cách tái tài trợ hoặc bán nhà. Cái phao cấp cứu này được trình bày là khách nợ nên bán lại nhà, nhưng không phải dọn đi, và tiếp tục trả tiền nhà cho tới khi tình hình khả quan hơn. Điều ác độc là cái phao cấp cứu ấy lại nặng như chì: tiền nhà hàng tháng còn cao hơn trước, khiến khách nợ tưởng là được cứu lại mắc nợ nặng hơn. Cuối cùng thì họ phải dọn đi, hoặc bị trục xuất khỏi ngôi nhà họ đã lỡ bán, và khi đó chủ nhà mới - có khi là "công ty cấp cứu" hoặc là bình phong ngụy trang - mới bán nhà lấy lại vốn bỏ túi.

Tình trạng ấy xảy ra ở khá nhiều nơi, từ miền Đông về tới miền Tây, từ Virginia lên Massachusetts, Illinois qua Ohio và Washington. Và nguy ngập đến nỗi trong tháng Sáu vừa qua, Massachusetts là tiểu bang đầu tiên trên toàn quốc đã ra luật cấm chỉ những nghiệp vụ gọi là cấp cứu, sau khi số nhà bị kéo tăng đến 70%. Âm mưu cấp cứu để dìm người chết đuối có một nét chung là giải pháp cấp cứu được đề nghị tất nhiên thất bại, khiến khách nợ bị cùng khốn sẽ không thoát nổi và đành mất nhà vào tay bọn gian mà họ đã lỡ ký giấy "bán tạm".

Tháng Ba vừa qua tại Massachusetts, biện lý tiểu bang đã truy tố 19 người, trong đó có ba luật sư, về tội lập ra đương dây lường gạt. Thí dụ được nêu ra là một công ty tài trợ địa ốc đến gặp khách nợ đang bị nguy cơ mất nhà với đề nghị cho tái tài trợ và chỉ cần đặt cọc 1.500 đồng thôi. Đang bị khốn đốn thì khách nợ thấy tràn trề hy vọng. Nhưng ít lâu sau công ty tài trợ này quay lại cho biết là giải pháp cấp cứu đó không thành, và đề nghị khách nợ nên bán nhà cho một công ty tín thác (trust), nhưng vẫn ở nguyên trong ngôi nhà và sau tháng sau, khi tình hình bớt khó khăn thì lại ký giấy mua lại ngôi nhà đó. Sơi dây thòng lọng bằng chì ở đây là khách nợ bị nguy khốn đó không thu lại đủ vốn sau khi trang trải chi phí bán nhà và tiếp tục phải trả tiền nhà còn cao hơn trước. Và rốt cuộc thì vẫn mất nhà, trong khi công ty tín thác kia chỉ là một bình phong, một công ty ma do kẻ gian ngụy trang người cấp cứu dàn dựng ra từ đầu!

Vì vậy, mặc dù quận Cam chưa bị nạn kéo nhà hàng loạt, chúng ta cũng cần biết rõ âm mưu lường gạt này để khỏi là nạn nhân đã chìm trong nợ mà còn bị nhấn sâu hơn cho tới khi chết ngộp.

Nhân chuyện đó, chúng ta cũng có thể trở lại chuyện gốc, là tình trạng vay mượn đầy rủi ro cho khách nợ, khiến ngôi nhà của họ dễ bị tịch biên. Đây là một vấn đề rắc rối mà các vị đại diện dân cử của địa phương cần quan tâm và có biện pháp ngăn ngừa.

Trong tháng Bảy này, tiểu bang Illinois đã biểu quyết một đạo luật nhắm vào việc thông tin cho người vay tiền mua nhà biết rõ hậu quả của việc đi vay với điều kiện "dễ dàng". Những người không có lý lịch tín dụng tốt hoặc thiếu khả năng trả nợ vẫn được các công ty tài trợ mời chào và khuyến mại bằng nhiều điều kiện gọi là dễ dàng. Thí dụ như trả lãi suất di động được tính rất thấp trong mấy năm đầu, chỉ trả tiền lời chưa trả tiền vốn, hoặc trả tiền down rất nhẹ - thậm chí khỏi cần tiền down và khỏi cần hồ sơ hay lý lịch tín dụng (loại "no-down - no doc").

Vì thiếu thông tin minh bạch, người cần vay tiền mua nhà tất sẽ thấy bùi tai và ký giấy mua để bắt đầu bị mắc nợ, sau đó mới thấy ra sự thật là trả tiền không nổi và nhà bị kéo. Công ty tài trợ thì đã ăn tiền hoa hồng và bán món nợ xấu cho công ty khác và yên lành phủi tay, khiến người vay bị mất nhà và công ty hay ngân hàng nào lỡ mua loại nợ sub-prime ấy thì mất nợ. Chuyện ấy đang xảy ra.

Luật lệ Illinois mới đề ra là những ai vay tiền theo điều kiện bất thường như vậy phải mất một hai tiếng đồng hồ trình bày toàn bộ hồ sơ cho một viên chức cố vấn về tín dụng để được giải thích tường tận về hậu quả của vụ vay tiền mua nhà theo thể thức ấy. Tổng thống George W. Bush cũng ủng hộ nỗ lực thông tin này khi phát biểu trong cuộc họp báo hôm mùng tám vừa qua, rằng "người ta không được biết rõ về hậu quả của chữ ký đặt xuống".

Vấn đề này rắc rối ở một điểm then chốt mà mọi người cần phải thấy ra - nhất là các vị đại diện dân cử và dân chúng bỏ phiếu.

Các công ty tài trợ địa ốc không mấy vui khi việc tài trợ lại phải qua một giai đoạn cố vấn của một đệ tam nhân - một chuyên gia về tín dụng - và coi là những đòi hỏi ấy cản trở công việc kinh doanh của họ. Và họ vận động rất mạnh để hủy bỏ đòi hỏi thông tin này. Câu chuyện trở thành chính trị vì ít ai bảo vệ giới tiêu thụ hay người đi vay trong khi người cho vay thì dễ tác động vào chính trường để ngăn cản những hạn chế của nhà nước.

Các nhà làm luật đều biết rằng mình khó cấm người cho vay bày ra sáng kiến khuyến mại hấp dẫn vì cấm đoán là xâm phạm tự do kinh doanh. Quái ác hơn nữa, các công ty tài trợ còn viện dẫn một lý do tinh vi khác là sự cấm đoán như vậy trong một số khu vực bình dân (của dân nghèo, của thiểu số, da màu) sẽ khiến các công ty tài trợ lánh xa và đâm ra người dân trong khu vực này mất luôn nguồn tài trợ để có thể mua nhà!

Nhưng, nếu không ngăn được ở gốc thì người ta có thể ngăn ở ngọn, bằng cách cung cấp thông tin cho người đi vay. Điều ấy thật ra chẳng khác gì nỗ lực thông tin để ngăn cản những kẻ cho vay theo lối cắt cổ tại các nước nghèo.

Illinois đã trải qua nhiều sóng gió để tiến tới đạo luật về thông tin đó vì sự chống đối đầy thế lực của các công ty tài trợ địa ốc.

Với vụ khủng hoảng đang xảy ra, dư luận sẽ càng ngày càng chú ý hơn đến hậu quả của việc tài trợ rủi ro và nạn nhà bị kéo, khách nợ bị lừa. Cho nên đã đến lúc giới dân cử ở địa phương phải nói chuyện với các công ty tài trợ và nhất là công chúng hầu việc thông tin sáng tỏ sẽ ngăn ngừa được nhiều thảm kịch chẳng có lợi cho bất cứ ai, kể cả cho các công ty tài trợ địa ốc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.