Hôm nay,  

Thời sự nước Úc: Đối Phó Nguy Cơ Khủng Bố Tại Hội Nghị APEC

30/07/200700:00:00(Xem: 1504)

LND: Từ hơn một tuần qua, kể từ sau khi nhà chức trách Anh tóm bắt được một nhóm khủng bố mà thành viên hầu hết là các bác sĩ gốc Ấn độ đang làm việc tại các nhà thương ở Anh thì tại Úc, nhân viên công lực cũng mời một số bác sĩ gốc Ấn Độ đang làm việc tại một vài bệnh viện ở Queensland và Tây Úc để thẩm vấn, điều tra. Trong khi tất cả những bác sĩ khác đều được trả tự do, riêng bác sĩ Mohamed Haneef, người đã từng cùng thuê phòng trọ với tên bác sĩ khủng bố ở Anh, đã bị câu lưu suốt thời gian từ đó đến nay, và cuối tuần qua ông đã bị truy tố với tội danh "yểm trợ một tổ chức khủng bố". Việc này đã khiến cho dân Úc lại một lần nữa rúng động, lo âu về nguy cơ bọn khủng bố tổ chức tấn công nước Úc và đưa đến nhiều tranh cãi trong xã hội. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi tiếp phần cuối bản dịch bài phóng sự tựa đề "Alert & Alarmed" - Cảnh Giác và Báo Động - của ký giả Paul Daley, chủ bút đặc trách các vấn đề quốc gia của tạp chí The Bulletin, được đăng tải trên tạp chí đề ngày 17/7/07.

*

(Tiếp theo... và hết)

Từ sau vụ khủng bố thất bại ở Anh Quốc cũng như những hàng tít lớn trên báo chí về việc những kẻ bị tình nghi là khủng bố có xin việc làm tại các bệnh viện công cộng ở Úc, người ta có thể dễ dàng tin rằng nước Úc lổn ngổn những tên khủng bố "cây nhà lá vườn" cũng như đầy dẫy những tên "tử vì đạo" từ ngoại quốc được nhập cảnh Úc. Sự thật thì không phải thế.

Úc khác hẳn với Anh Quốc cũng như một số đông các quốc gia trong khối EU về địa thế cũng như về văn hóa, vì thế Úc không gặp phải vấn nạn giới trẻ gốc Hồi Giáo tự quá khích hóa (auto-radicalised) như tại Anh và các quốc gia trong khối EU. Cộng đồng Hồi Giáo ở Úc tương đối nhỏ và vì thế những phần tử quá khích - cho dù là giáo sĩ hay giáo dân - rất ít.

Thế nhưng, điều này không có nghĩa là hoàn toàn không có nguy hiểm. Theo một nguồn tin trong giới tình báo cũng như từ một số nhân vật trong chính phủ đã cho tuần san The Bulletin biết hiện nay ở Úc có một nhóm khá nguy hiểm bao gồm khoảng 20 đến 25 công dân Úc, cả nam lẫn nữ, được thẩm định là nguy cơ khủng bố đe dọa nước Úc. Nguồn tin cho biết: "Nhóm này hiện là mục tiêu của một chương trình phản gián chống khủng bố thật kỹ lưỡng. Mọi cuộc điện đàm, điện thư, cũng như thư tín thông thường của nhóm này đều bị liên tục theo dõi".

Một nhân viên chính phủ có đủ thẩm quyền xem xét những báo cáo thẩm định tối mật của phản gián cho biết: "Chúng ta hiện không có một tin tình báo nào chắc chắn về một âm mưu khủng bố nào cả. Thế nhưng ở Úc có một số người, có lẽ từ 22 đến 25 người, mà chúng ta biết rõ là có hung ý và những người này có đủ khả năng để thực hiện nhiều hành vi khủng bố hung ác. Quý vị phải nhớ rằng chúng ta đã từng bắt được Willy Brigitte, tòa đại sứ của chúng ta ở Jakarta đã từng bị tấn công bằng bom xe, đã có nhiều âm mưu tấn công tòa đại sứ Úc ở Tân Gia Ba - với một âm mưu nghiêm trọng hơn tất cả những âm mưu đã từng được tường trình qua giới truyền thông. Ngoài ra, còn hai vụ khủng bố ở Bali nữa".

Trong khi nhóm 25 kẻ nói trên được xem là nguy hiểm, các nguồn tin trong giới tình báo cho biết không có ai trong nhóm này liên lạc với bất kỳ một ai khác khả dĩ giúp chúng biến những tư tưởng hung hiểm thành hành động. Và đấy là khi mà al-Muhandes bước vào phương trình. Trong tiếng Ả Rập "al-Muhandes" có nghĩa là "kỹ sư". Thế nhưng, trong tự vựng tiếng lóng của bọn khủng bố al-Qaeda thì "al-Muhandes" là "kẻ chế bom".

Và tên "Muhandes" lừng danh nhất là Yehiya Ayyash - tên trùm làm bom của bọn khủng bố Hamas ở Palestine. Y thường xuyên quản đốc việc chế tạo bom tại một địa điểm và sau đó tiến sang mục tiêu khác nữa. Ayyash đã bị Do Thái ám sát năm 1996, nhưng phương thức hoạt động của hắn đã được hằng hà sa số quân khủng bố áp dụng, trong đó có Azahari Hussin, kẻ bị tình nghi là chủ chốt các vụ đánh bom khủng bố của Jemaah Islamiyah bao gồm vụ tấn công Bali năm 2002, tấn công khách sạn Marriott năn 2003 và tòa đại sứ Úc ở Jakarta năm 2004. Nguồn tin từ giới tình báo nhấn mạnh: "Bọn 20-25 tên đó có liên lạc được với tên chế bom hay có được gã chế bom nào liên lạc chưa" Chưa. Thế nhưng, đấy là việc mà nhà chức trách đang đề phòng. Công chúng có thể tưởng rằng việc chế tạo bom mìn rất đơn giản. Chế một trái bom hoặc mìn đơn giản thì quả thật dễ dàng, thế nhưng để chế được bom xe VBIED (vehicle-borne improvised explosive device) thì phải cần một số khả năng chuyên môn. Loại khả năng chuyên môn đó có thể thâu lượm được từ chiến trường Iraq hoặc A Phú Hãn".

Những kẻ bị tình nghi là khủng bố, chẳng hạn như những tên đang ung dung tự tại (tuy bị theo dõi liên tục) tại một vài thành phố ở Úc, thông thường không đi tìm lãnh đạo hoặc sự chỉ giáo từ một nơi nào đó. Ngược lại, những tên lãnh đạo thường cố tìm kiếm tuyển lựa quân khủng bố, cung cấp vũ khí cho họ rồi lỉnh mất trước khi nhà chức trách kịp phát hiện.

Mặc dầu chương trình theo dõi kiểm soát kẻ tình nghi là một phần quan trọng vô cùng cho các chiến dịch chống khủng bố trong giai đoạn tiền APEC ở Úc, thế nhưng hồ sơ điện thoại lại là phương pháp hữu hiệu nhất để xác định được mối liên lạc giữa các kẻ bị tình nghi ở địa phương và các đầu mối ngoại quốc. Analyst' Notebook, một thảo chương rất đơn giản, có bán ngoài thị trường, được sử dụng để thiết lập mối quan hệ giữa những kẻ bị tình nghi trong nước và những kẻ bị tình nghi ở ngoại quốc. Là công cụ hữu hiệu để thiết lập hồ sơ tình báo cho từng kẻ bị tình nghi, nhưng nó lại không có một giá trị pháp lý. Tuy nhiên, hồ sơ điện thoại - và việc thẩm định sự hiện diện của nghi can tại một địa điểm nào đó qua sự truy dò những trạm truyền sóng điện thoại di động - có thể giúp ích cho việc lập hồ sơ xin câu lưu những tên bị tình nghi, như đã được sử dụng trong vụ các bác sĩ Tây Úc gần đây.

Tiến sĩ Clinton Fernandes, một chuyên gia chiến lược học, đồng thời là một giảng sư tại Học Viện Quốc Phòng Úc (Australian Defence Force Academy) cho biết: "Vấn đề then chốt trong việc chống khủng bố là tình báo và sự hợp tác xuyên của cảnh sát. Nó đòi hỏi óc tưởng tượng phong phú bởi vì những nhà phân tích phải tưởng tượng rằng mình cũng sẽ sáng tạo, tàn nhẫn và - phải thành thật mà nói - can đảm như bọn khủng bố mà họ đang truy lùng vậy".

Ông Fernandes chắc chắn biết rõ về chuyện này bởi vì ông là một cựu sĩ quan tình báo của ADF và từng đứng mũi chịu sào lèo lái những đóng góp tình báo cho các chiến dịch phòng chống khủng bố trong kỳ Thế Vận Hội 2000 ở Sydney. Ông cho biết thêm, hiện nay Úc quả thật đang phải đối diện với hiểm họa khủng bố. Ông nói: "Mối hiểm họa khủng bố là một đe dọa có thật hậu quả từ thái độ "em cũng vậy" của chính phủ liên bang đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Hành động của các ông xếp tình báo cũng như cảnh sát hoàn toàn không bị chi phối bởi các tay chính trị gia hoặc bởi chính phủ. Hiểm họa này không phải là một hiểm họa được tưởng tượng ra đâu".


Chính vì thế đã có sự đề phòng thật cẩn mật và khắt khe như trong thời gian tiền APEC, đặc biệt là trong vấn đề khổng lồ và phức tạp nhất là vấn đề thẩm định rồi cấp chứng thư (accrediting) cho các viên chức chính phủ, tùy tùng của họ, các đại biểu, giới truyền thông.v.v. Theo một hồ sơ của chính phủ liên bang thì Bộ Thủ Tướng và Nội Các (Department of Prime Minister & Cabinet) đã tiêu $14.7 triệu Úc Kim (khoảng 5% tổng số kinh phí dự trù cho APEC) cho các dịch vụ liên quan đến việc thẩm định và cấp chứng thư cho các thành viên tham dự hội nghị này.

Một nguồn tin chính phủ cho biết việc họach định và thiết lập hệ thống thẩm định cấp chứng thư đã đưa đến một sự căng thẳng tột độ giữa hai bộ có nhiệm vụ chính trong việc tổ chức APEC là bộ Thủ Tướng và bộ Tư Pháp (Attorney General's Department). Được biết thoạt đầu, giới chức hữu trách về an ninh dự định sẽ thực hiện một hệ thống thẩm định và cấp chứng thư hoàn toàn bằng điện toán được thiết lập đặc biệt cho hội nghị APEC. Nhưng sau đó, dự định này đã bị huỷ bỏ và họ phải trở lại với hệ thống dựa trên giấy tờ một phần, và đã có một sự căng thẳng thật rõ rệt giữa hai bộ về vấn đề bảo an, đặc biệt là trong vấn đề cấp chứng thư.

Cũng trong mục đích bảo vệ an ninh cho hội nghị APEC, mới đây, ngoại trưởng Alexander Downer đã trực tiếp đáp phi cơ C-130 Hercules thuộc không quân Úc, bay lên độ cao 10 cây số để thăm dò nghiên cứu những rặng núi dọc biên giới A Phú Hãn và Hồi Quốc. Đây là nơi mà một số các nhà phân tích tình báo gọi là "Trung Tâm Khủng Bố", nơi được cho là sào huyệt của Osama bin Laden, chỗ ẩn náu của bọn cầm đầu al-Qaeda cũng như chỗ trú ẩn của bọn Taliban. Ở một hang động nào đó trong rặng núi này là nơi mà kế hoạch tấn công 11/9 được nảy sinh để rồi làm thay đổi hoàn toàn trật tự an ninh của thế giới.

Ngoại trưởng Downer nói: "Quân Taliban ở A Phú Hãn, khủng bố al Qaeda ở Iraq, bọn Jemaah Islamiyah, những kẻ đã thực hiện vụ tấn công ôm bom tự sát ở Ba Li - tất cả bọn chúng đều nằm trong một đại gia đình hung hiểm tàn ác. Bọn chúng chỉ là một".

Nhận xét này của ngoại trưởng Downer cũng khá chính xác. Trong những năm gần đây thì bin Laden cùng hàng ngũ và hệ thống lãnh đạo nguyên thủy của al Qaeda đã gần như lỗi thời rồi. Việc tự quá khích hóa qua mạng internet của giới trẻ Hồi Giáo tại Úc cũng rập theo khuôn khổ đã hình thành ở Âu Châu. Thông điệp của bin Laden kêu gọi mở cuộc Thánh Chiến chống Tây Phương đã tạo nên một lực lượng hùng hậu, uyển chuyển, không có hình thái nhất định và thường xuyên tàng ẩn gần như vô hình. Thuở xưa, giới trẻ Úc gốc Hồi Giáo nghèo khổ, giận dữ vì cảm thấy bị ngược đãi có thể gia nhập băng đảng rồi hỗn chiến với bọn du đãng kỳ thị trọc đầu (skinheads). Ngày nay, những người như thế sẽ dễ dàng bị thu hút bởi loại thông điệp toàn cầu xảo quyệt kêu gọi thánh chiến được truyền bá qua internet.

Vì thế, chẳng có gì là ngạc nhiên khi loại thông điệp này ngày càng trở nên nguy hiểm trầm trọng hơn. Chỉ trong vòng 5 năm qua, các trang web kêu gọi thánh chiến đã bộc phát từ khoảng hơn 20 trang lên đến hơn 4,000 trang. Mạng internet cũng giúp cho đệ tử của bin Laden thành thạo thông thuộc hơn trong cách sử dụng giới truyền thông chính mạch.

Quân al Qaeda, kẻ thù không đội trời chung của quân đội liên minh ở Iraq, thường xuyên quay phim những vụ nổ bom thành công của chúng để sau đó đưa lên mạng internet. Giới phân tích tình báo cho rằng mạng internet trở thành một công cụ "thăm dò dân ý" về những vụ tấn công độc ác của chúng vì người xem sẽ đăng lời phê bình và bày tỏ cảm nghĩ của họ trên những trang web "thánh chiến" này.

Thí dụ điển hình nhất là việc bọn khủng bố ở Iraq đã tự chế và ngưng hẳn việc đăng tải lên internet những đoạn phim chiếu cảnh chúng chặt đầu nạn nhân của chúng sau khi nhận được một loạt những lời phản kháng phẫn nộ từ đông đảo người Hồi Giáo trung dung và từ một số những người Hồi Giáo quá khích.

Một thí dụ khác đáng lo hơn nữa vì nó cho ta thấy sự thông thạo của bọn khủng bố về phương diện tuyên truyền qua hệ thống truyền thông chính mạch. Ngoại trừ giới tình báo chuyên nghiệp Tây Phương, không ai biết được rằng bọn khủng bố đã đánh giá vụ tấn công xe điện ngầm ở Luân đôn khiến 52 người thiệt mạng là "một chiến thắng về kinh tế và chiến lược" vì nó đã tạo hỗn loạn và làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong một thời gian, nhưng chúng cũng đồng thời cho rằng đấy là "một thất bại về tuyên truyền quảng cáo". Lý do là vụ nổ xảy ra trong đường hầm và vì thế, không có một đoạn phim nào chiếu rõ rệt về sức tàn phá kinh khủng của nó. Một nguồn tin trong giới tình báo nói: "Quá nhiều chuyện phải dựa vào sự tưởng tượng của quần chúng, bởi vì những đoạn phim được quay lại qua điện thoại di động quá mờ và chỉ có thể truyền đạt đến khán giả sự sợ hãi nhưng lại không lột trần hết được những kinh hoàng, những tàn phá dễ sợ của vụ nổ".

Trở lại với vấn đề APEC ở Sydney và sức thu hút rõ rệt của cuộc hội nghị này đối với bọn khủng bố, như thủ tướng John Howard từng thừa nhận. Sydney là một trong những thành phố quen thuộc và xinh đẹp nhất thế giới, vì thế, nếu chúng ta suy nghĩ như bọn khủng bố, thì chúng ta có thể dễ dàng thấy sự thu hút của nó trong vai trò bối cảnh của một vụ tấn công khủng khiếp, đặc biệt là khi nhiều nguyên thủ quốc gia quan trọng trên thế giới viếng thăm thành phố và tất cả mọi ống kính trên thế giới đều sẵn sàng để thu hình. Cộng thêm vào đó là không khí chính trị căng thẳng của cuộc bầu cử liên bang sắp đến. Từ đó, chúng ta sẽ thấu hiểu được thật dễ dàng mối quan ngại của giới hữu trách.

Một trong những vũ khí lợi hại nhất của al Qaeda là khả năng của chúng trong việc đưa ra các thông điệp chính trị. Thí dụ điển hình nhất là vụ tấn công bất thành gần đây ở Anh quốc và Tô Cách Lan xảy ra ngay trong thời điểm mà ông Gordon Brown một người Tô Cách Lan được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng Anh. và cũng trong vòng trên dưới một tuần thì tại Yemen cũang có một bom xe nổ tung sát hại 7 du khách Tây Ban Nha ngay vào ngày cuối cùng của phiên xử bọn khủng bố đã tấn công xe lửa Tây Ban Nha ở Madrid năm 2004. Vụ tấn công xe lửa khiến 191 người thiệt mạng xảy ra ngay trước ngày tổng tuyển cử ở Tây Ban Nha, và đã đóng góp một phần vào việc cử tri Tây Ban Nha hất cẳng chính phủ bảo thủ ở đấy, bầu lên một chính phủ xã hội và chính phủ này đã rút quân Tây Ban Nha ra khỏi Iraq ngay sau đó.

Như thế thì thông điệp chính trị cho một vụ khủng bố tại hội nghị APEC sắp tới là gì, nếu có, có thể được giải mã từ những vụ việc nêu trên" Một vụ tấn công xảy ra trong lúc có hội nghị APEC chắc chắn sẽ mang theo một thông điệp về việc chính phủ Howard đưa quân tham chiến ở Iraq và A Phú Hãn. Một vụ tấn công như thế có thể sẽ làm tăng uy tín của ông Howard đối với cử tri. Hoặc nó có thể kết liễu sự nghiệp của ông trong thời điểm mà quần chúng Úc đã quá mỏi mệt và chán ngấy cuộc chiến này.

Bọn khủng bố luôn muốn chúng ta phải hoang mang, không biết rõ ý đồ của chúng, bởi vì sự sợ hãi về những điều mà chúng ta không biết được sẽ khiến chúng ta thường xuyên phải nhắc nhở về chúng. Và đó là lý do khiến loại khủng bố này trở nên kinh khủng, đáng sợ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.