Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 64)

16/07/200700:00:00(Xem: 2584)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Ngay khi bước ra khỏi nhà của ba BL, nhìn về phía đường Võ Tánh bên tay trái, nơi tôi sẽ đi tới, tôi đã thấy ở góc đường, ngay cạnh cột đèn, một toán bộ đội khoảng 5, 7 tên đang đứng trò chuyện. Nhìn vội về phía tay phải, tôi thấy có 3 tên bộ đội đang đi tới. Tuy còn cách tôi khoảng 5, 6 căn nhà, nhưng tôi thấy, cả ba tên đã nhìn thấy tôi. Trong một thoáng suy nghĩ, tôi đã tính quay trở vô nhà. Nhưng tôi lại nghĩ rất nhanh, trong tình thế đó, nếu bây giờ tôi bước vô nhà trở lại, ba tên bộ đội đi tới trông thấy, chúng sẽ nghi ngờ, và như thế, tôi sẽ làm cho gia đình của ba BL bị liên luỵ. Vì vậy, tôi chỉ còn cách giả bộ thản nhiên đi thẳng về phía đường Võ Tánh. Như vậy là lúc này, cả phía trước lẫn phía sau tôi đều có bộ đội, trong khi con đường đó, chỉ có một bên là nhà dân, còn bên kia là hàng rào chạy dài tít tắp...
Càng tới gần ngã ba, tôi càng thấy hồi hộp. Hình như linh tính báo cho tôi biết, sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra. Khi đến gần khoảng chục thước, tôi thoáng nhận ra, trong số những tên bộ đội đang đứng trò chuyện, có hai tên vẻ mặt quen quen. Thoạt đầu, tôi không nhận rõ được hai tên đó là ai, nhưng tôi biết chắc, nếu tôi thấy chúng quen quen, chắc chắn chúng phải là những tên vệ binh từng canh tù tại Quân Lao Gò Vấp hoặc tại trại tù cải tạo ở Kàtum. Tới gần hơn, đột nhiên tôi lạnh người khi nhận ra,  hai tên vệ binh này chính là hai tên trong số chục tên vệ binh đã đánh hội đồng tôi tại nhà ăn Quân Lao Gò Vấp,  khi tôi đang bị tù cách đó khoảng hơn nửa năm. Dĩ nhiên, lúc này, những tên vệ binh quản giáo ở Kàtum, Quân Lao Gò Vấp, cũng như phòng quân pháp, chúng đều biết tôi đã vượt ngục ở Kàtum và đang bị truy nã. Bây giờ "oan gia" gặp nhau trong ngõ hẹp như thế này, sẽ vô cùng nguy hiểm cho tôi.
Ngay khi nhận ra mấy tên vệ binh, tôi quá hoảng hốt, nhưng không còn cách nào khác. Quay trở lại thì không xong vì mấy tên bộ đội ở phía sau đang đi tới. Hơn nữa, tụi vệ binh trước mặt đã nhìn thấy tôi. Quay trở lại chỉ khiến cho chúng thêm nghi ngờ mà thôi. Mà khoảng cách giữa tôi và chúng lại quá gần. Tôi không thể nào đi sát hàng rào bên kia đường, vì đi như vậy, chúng càng thêm nghi ngờ. Còn đi ở giữa đường thì khoảng cách giữa tôi và mấy tên vệ binh cũng chỉ có khoảng 4 thước là tối đa. Với khoảng cách đó, hai tên vệ binh sẽ nhận ra tôi dễ dàng. Thôi thì tôi chỉ còn biết trong lòng cầu nguyện cho chúng đừng nhận ra tôi, và bên ngoài, cố gắng giữ vẻ mặt thật thản nhiên khi đi tới....
Khi đi ngang đám vệ binh, tôi đã cố gắng không liếc nhìn bọn chúng, nhưng không hiểu sao, tôi không thể làm được điều mình muốn. Ngay khi quẹo trái, tôi liếc nhanh đám vệ binh. Trong một tích tắc ngắn ngủi, tôi thấy một tên vệ binh cũng nhìn tôi. Bắt gặp ánh mắt của tôi, ánh mắt của hắn đang dửng dưng, bỗng dưng biến đổi. Thoáng chốc, qua ánh mắt và vẻ mặt của hắn, tôi nhận ra ngay có cái gì đó không bình thường. Có lẽ hắn đã nhận ra tôi"! Tôi tự hỏi và đoán, chắc đúng như vậy. Trong trí não tôi, tôi thấy tôi phải hành động ngay, phải chạy trốn lập tức, nếu không tôi sẽ bị bắt lại. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi đâu có thể làm gì hơn. Vì vậy tôi vẫn cố giữ vẻ mặt thản nhiên, cố giữ thái độ ung dung khi đi qua đám vệ binh, rồi bình tĩnh rẽ trái, tiến về phía đồn cảnh sát quận Tân Bình. Đi được khoảng vài thước, tôi nghe có tiếng cãi cọ ầm ĩ của mấy tên vệ binh, rồi có tiếng chân người rảo bước theo tôi... Tôi giật mình nghĩ ngay, có lẽ tên vệ binh đó đã nhận ra tôi, hoặc đã nghi ngờ tôi, và bọn chúng đang đi theo tôi...
Để xác định sự nghi ngờ của mình, tôi giả vờ đứng lại định băng qua đường Võ Tánh, để khẽ ngoái đầu về phía bên tay phải giả vờ xem chừng xe cộ, nhưng kỳ thực là xem sự nghi ngờ của mình có đúng hay không. Quả nhiên tôi thấy mấy tên vệ binh đang đi theo, trong đó tên vệ binh nhận ra tôi lúc nãy, hùng hổ đi đầu. Ngay khi tôi ngoái đầu lại, lập tức ánh mắt của tôi đụng vô ánh mắt của tên vệ binh này... Tên vệ binh này thấy vậy liền la lớn, gọi đúng tên tôi, "Đúng nó rồi! Thằng Chí trốn trại đó! Bắt lấy nó!" Tiếng la chưa dứt, tên đó đã lao thẳng về phía tôi. Mấy tên vệ binh khác cũng vội vã hò hét chạy theo sau... Tôi kinh hoàng, rụng rời tay chân, vội vàng quẳng luôn đôi dép da, bỏ chạy thục mạng... Đằng sau mấy tên vệ binh hăm hở đuổi theo, miệng la hét ầm ĩ cả khu phố, "Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! Bắt tên tù cải tạo trốn trại!"...
Vì lúc đó, xe cộ chạy như mắc cửi trên đường Võ Tánh, tôi không thể nào băng qua đường nên phải chạy dọc theo đường Võ Tánh bên phía Phở Huỳnh. Vì chạy bán sống bán chết, lại chạy chân trần, nên tôi chạy nhanh lắm. May mắn cho tôi là khi đó, tôi biết chắc, mấy tên vệ binh không hề có súng, nên tôi yên tâm chạy thục mạng, bất kể tiếng hò hét ầm ĩ phía sau. Chạy được vài chục thước, tôi thấy ngay trước mặt một tên công an áo vàng từ trong đồn cảnh sát quận Tân Bình nhào ra. Có lẽ đang gác cổng, nghe tiếng hò hét, nên hắn chạy ra vì tò mò hơn là để đối phó. Vì vậy khi thấy tôi, cặp mắt của hắn vẫn nhớn nhác không hiểu tôi là ai, chuyện gì đang xảy ra, nên không có phản ứng rõ rệt. Trông thấy tên công an đeo súng ngắn ở hông, tôi hoảng hồn nhận ra, nếu tôi tiếp tục chạy về phía hắn, tôi sẽ bị hắn bắt, hoặc hắn sẽ rút súng bắn tôi không chết cũng bị thương... Nghĩ vây., tôi liền không chạy tới nữa, mà vội vàng liều mạng chạy băng ngang đường Võ Tánh, giữa lúc xe cộ qua lại như mắc cửi. Chưa qua được nửa đường, tôi đã nghe có tiếng súng nổ "đoàng". Tuy giật mình vì tiếng súng bất ngờ, nhưng tôi đoán ngay, đó chỉ là tiếng súng bắn chỉ thiên của tên công an. Vì đường xá lúc đó tấp nập xe cộ, người đi lại đông đúc, giữa ban ngày như thế này, chắc chắn tên công ăn không thể nào chĩa súng, bắn thẳng tôi, nếu khoảng cách giữa tôi và hắn quá xa. Vì thế, mặc cho súng nổ, tôi vẫn tiếp tục chạy.
Ngay khi sang đến bên kia đường, chạy lại cắm đầu cắm cổ chạy về phía nhà thờ Nam. Nhưng vừa chạy được khoảng hơn chục thước, tôi thấy ngay đường rày xe lửa chạy cắt ngang đường Võ Tánh. Lập tức tôi rẽ phải. Lúc đó, tôi chỉ biết chạy làm sao cho khuất mắt tụi vệ binh và công an. Vì tôi biết, nếu tôi cứ tiếp tục chạy dọc theo đường Võ Tánh trong khi tụi vệ binh, công an vừa đuổi theo sau vừa hô hoán, mà dọc đường Võ Tánh lúc đó không thiếu gì bộ đội công an đang đi lại, thì trước sau gì tôi sẽ bị chúng bắt lại. Vì vậy, thấy có chỗ quẹo phải, tôi vội vàng quẹo ngay. Ngay khi quẹo phải, tôi nghĩ ngay, tôi không thể chạy dọc theo đường rày xe lửa về hướng Trương Minh Giảng. Chạy như vậy rất nguy hiểm vì dọc theo đường rày, rất khó quẹo phải, quẹo trái, hay chạy vào nhà dân. Còn nếu cứ chạy thẳng theo đường rày, chỉ vài phút sau, tụi vệ binh, công an chạy tới, nhìn dọc theo đường rày, chúng sẽ thấy tôi dễ dàng. Khi đó, chắc chắn chúng sẽ không ngần ngại gì mà không nã súng vào lưng tôi.


Nghĩ vậy, vừa quẹo phải được chục bước, thấy ở bên tay trái, có chiếc cổng của một gia đình mở toang, tôi vội chạy ào vô trong. Ngay khi chạy qua cổng, tôi thấy cả gia đình khoảng chục người đang ngồi ăn cơm ở ngoài sân. Phần vì kinh hoàng, sợ hãi, phần tôi biết lúc đó, tôi không thể có đủ thì giờ để trình bầy ngọn ngành câu chuyện với mọi người trong gia đình, nên tôi chẳng hề chào hỏi một ai, để mặc mọi người ngạc nhiên, trợn mắt ngó, tôi cứ thế chạy thẳng ngay vào trong nhà, rồi đứng trong nhà thở dốc từng hồi...
Từ trong nhà, tôi nghe ngoài đường có tiếng tụi vệ binh đang hò hét, tiếng còi thổi ré lên từng hồi, tiếng người huyên náo, rồi tiếng chân người chạy rầm rập. Tôi quýnh quá, nghĩ nếu tôi cứ ở trong nhà thế này, tụi vệ binh công an ào đến bao vây khu phố, rồi nhào vô từng nhà khám xét, thì làm sao tôi có thể chạy thoát. Nhưng trong lúc này, tôi cũng không thể nào chạy ra ngoài, vì ngoài kia, vệ binh, bộ đội, công an đang xúm vô truy lùng tôi...
Ngó chung quanh tìm chỗ ẩn nấp, tôi thấy đó là nhà xây, sàn lát gạch men, trần đổ bê tông, nhà nọ chung tường với nhà kia. Tuy nhà có nhiều phòng, chạy dài, nhưng chỉ có một cửa vô duy nhất ở phía đằng trước. Ai đã vô trong nhà mà muốn ra thì chỉ có một đường duy nhất là ra phiá cửa trước mà thôi. Lạ một điều, từ khi tôi chạy vô trong nhà đã được tới 5 phút, nhưng không hề có một ai, từ ngoài sân bước vô hỏi tôi. Lúc tôi chạy ào qua sân, cả chục người đang ngồi ăn cơm, trong đó có hai, ba người đã nhìn thấy tôi và đều rất ngạc nhiên. Vậy mà bây giờ, tôi là một người lạ mặt, tự tiện chạy vô nhà của họ, lại ở trong nhà suốt mấy phút đồng hồ, nhưng không một ai chạy vô thắc mắc, hỏi han"...
Lúc đó miệng tôi khô khốc, ngực nóng ran, cả người đầm đìa mồ hôi, nên rất khát nước. Nhìn thấy trên bàn có chiếc bình bằng thuỷ tinh, trong có nước trong suốt, bên cạnh có mấy chiếc ly, tôi thèm quá, nhưng ngần ngừ không dám tự tiện lấy uống. Ngay lúc đó, tôi nghe có tiếng chân người. Nhìn ra, tôi thấy một người đàn ông, tuổi khoảng trên dưới 40, râu quai nón, tóc bờm xờm, bước vô. Tôi còn đang lúng túng, chưa biết nói năng thế nào, thì người đàn ông hỏi ngay, giọng rất nghiêm:
- Anh là ai" Chậy vô nhà tôi làm gì"
Tôi luống cuống nói vội nói vàng một hơi:
- Thưa tôi là tù cải tạo vượt ngục, đang đi đường thì bị tụi bộ đội nó phát hiện, đuổi bắt, nên vội chạy vô đây, xin anh cho ẩn tạm trong này rồi tôi đi ngay.
Nghe tôi nói, người đàn ông tin ngay. Anh nhìn tôi với vẻ thiện cảm:
- Vậy anh là người tụi nó đang đuổi bắt ngoài kia đó hả"
Tôi gật đầu:
- Dạ đúng.
Ngay lúc đó, một thiếu phụ, tuổi ngoài 30, bước vô. Chị nhìn tôi một thoáng rồi quay qua người đàn ông, hỏi giọng lo lắng:
- Có chuyện gì không anh"
Người đàn ông nhìn tôi, miệng cười cười:
- Có chuyện thì người ta mới vô nhờ mình. Không chuyện người ta vô làm chi.
Chị nhìn tôi thắc mắc:
- Mà chuyện gì mới được"
Tôi định trả lời chị, thì người đàn ông đã nói:
- Anh này là tù cải tạo trốn trại, bị chúng nó nhận ra, nên chúng đuổi bắt...
Nghe vậy, chị hoảng hốt:
- Trời ơi, như vậy thì làm sao bây giờ" Anh ở trong này, lỡ chúng nó ập vô khám nhà thì làm sao...
Người đàn ông vẫn bình tĩnh, nét mặt tỉnh queo:
- Dọc đường này có cả trăm nhà dân, chúng biết nhà ai chứa anh ấy mà chúng vô. Bộ em tính đuổi anh ấy ra ngoài cho chúng nó bắt sao...
Người đàn bà lúng túng:
- Không, em đâu có ý đó. Em tính...
- Em thì tính cái gì mà tính. Đi ra gọi chị Ba vô đây.
Người đàn bà bối rối, định nói gì, lại thôi, rồi chị vội vã chạy ra ngoài. Không đầy phút sau, một người đàn bà tuổi khoảng 50, mái tóc đã điểm bạc, bước vô. Nhìn tôi một thoáng, chị hỏi:
- Chuyện gì vậy, T."
Người đàn ông tên T. nhắc lại câu nói lúc nãy.
- Anh này tù cải tạo, trốn trại, đi đường bị chúng nó nhận ra, đuổi bắt, nên anh chạy vô đây nhờ mình...
Nghe chưa dứt câu, chị Ba quay sang tôi nói ngay:
- Tù cải tạo trốn trại hả" Vậy anh đi theo tôi...
Nói xong, chị đi thẳng vô nhà trong và đi rất nhanh. Tôi nhìn anh T., thấy anh gật đầu, tôiliền vội vàng đi theo chị Ba. Đi hết phòng khách, đi qua một hành lang nhỏ, mà phía bên phải là một phòng đóng kín, rồi đến nhà bếp. Bước vào nhà bếp, tôi thấy tất cả kín bưng, trần thì ám khói, nền nhà bằng xi măng tróc lở tùm lum, chứ không có lót gạch men như ở những phòng ngoài. Trên nền bếp là củi, than, mùn cưa, nằm ngổn ngang. Tôi còn đang lúng túng, không biết mình phải ẩn náu ở đâu trong căn bếp nhỏ bé này, thì chị Ba đã bước vô sát bức tường bếp ám khói ở tận trong cùng căn nhà. Chị đưa tay kéo tấm vải đầy khói sang bên, để lộ ra một cách cửa gỗ nhỏ đen sì, chiều ngang khoảng 80 phân, chiều cao khoảng thước hai. Chị kéo chốt cửa sang bên rồi đẩy mạnh. Cánh cửa mở tung, một luồng gió từ bên ngoài thổi vô cuốn theo bụi bặm, tro than, nhưng tôi thấy mát rượi và sung sướng vô cùng. Trước cặp mắt ngạc nhiên và vui mừng của tôi, chị đặt bàn tay của chị lên vai của tôi rồi thì thầm:
- Cậu đã vô đây nhờ vả, chúng tôi sẵn sàng giúp cậu. Nhưng nếu để cậu ở trong nhà, lỡ chúng vô nhà lục soát, bắt được cậu là chết cả nhà. Bây giờ cậu cứ theo lối này đi thẳng về phía tay phải khoảng nửa cây số là tới một con đường mòn. Tới đó cậu rẽ phải rồi cứ thế đi thẳng là ra tới đường Trương Minh Giảng, ngay gần cổng xe lửa. Thôi, cậu đi đi. Chúc cậu may mắn...
Vừa mừng vừa xúc động, tôi chỉ kịp bệu bạo nói được hai tiếng "Cảm ơn" rồi vội khom mình tính chui qua chiếc cửa nhỏ. Chưa kịp chui qua, bỗng dưng chị cầm tay tôi kéo lại:
- Khoan đã... Cậu đi mà chân không giầy không dép gì thế này, chúng trông thấy là chúng nghi ngờ bắt liền cho coi.
Tôi chui trở lại, bẽn lẽn, chưa kịp nói gì, thì chị Ba đã quay sang nói với chị T.:
- Mày vô lấy đôi dép của chồng mày nhanh lên...
Chị T. vội vã chạy đi. Thoáng chốc, chị đã quay lại đưa cho tôi đôi dép da đã cũ của chồng chị. Xỏ chân vô đôi dép, tôi thấy nó vừa như in. Chưa kịp cảm ơn chị T. thì chị Ba đã dục:
- Thôi cậu đi đi...
Vâng lời chị, tôi định bước đi thì chị T. đã dúi vào tay tôi một vật gì không rõ, rồi chị nói nhỏ, nhưng tôi nghe rất rõ: "Cậu cầm lấy, lỡ khi cần!..."  Tôi xúc động nhìn chị T. muốn nói mà không nói nên lời. Trong một thoáng vội vã, tôi nhìn chị Ba như muốn ghi nhớ mãi mãi trong tâm trí mình hình ảnh của những con người tuy không hề quen biết, nhưng sao tận tình đùm bọc, giúp đỡ tôi trong lúc hoạn nạn... Tự dưng tôi ứa nước mắt, tất cả mọi hình ảnh đều nhòa đi trong mắt tôi, tôi thấy nghẹn ngào xúc động không nói nên lời. Chị Ba đẩy vội tôi về phía cửa và nói, giọng của chị cũng xúc động:
- Thôi... cậu đi... bằng an...
Tôi cố gắng nói, giọng nghẹn ngào:
- Em... cảm ơn... các chị...
Nói xong, tôi vội quay đi, nhưng vẫn kịp thấy chị T. quay người vào phía trong, úp mặt vào hai bàn tay...
Tôi bồi hồi xúc động, chân bước thấp bước cao, đi dọc theo con hẻm hẹp bê ngang khoảng 80 phân, nằm giữa hai bức tường cao, trên mặt hẻm đầy gạch, vữa, lá cây bao phủ cả chục năm trời. Đúng ra, nói đây là con hẻm cũng không đúng, vì xưa nay, không hề có ai qua lại con hẻm này. Nhìn lên, tôi chỉ thấy hai bức tường gạch kín mít, không có một cửa sổ nào, và cũng chẳng thấy có chiếc cửa nào lạ lùng như chiếc cửa của nhà chị Ba. Âu đó cũng là sự may mắn, run rủi khiến tôi chạy ngay vào căn nhà của chị. Nếu tôi chạy vô một căn nhà khác, dù được mọi người trong gia đình tận tình giúp đỡ, chưa chắc gì tôi đã chạy thoát ra ngoài bằng con hẻm hiếm hoi và đặc biệt này. Và như vậy, biết đâu giờ này tôi đã chẳng bị mấy tên vệ binh bắt lại" (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.