Hôm nay,  

Những Oái Ăm Của Chính Trị Mỹ: Phần 3

07/07/200700:00:00(Xem: 6338)

...Tốt nhất là chọn… nữ minh tinh Paris Hilton làm đại sứ lưu động...
Được hỏi về vai trò của cựu Tổng Thống Bill Clinton trong tương lai, tất cả tám ứng viên tổng thống bên đảng Dân Chủ đều đồng ý bổ nhiệm ông làm đại sứ thiện chí lưu động. Nhiệm vụ là đi khắp thế giới lấy lại cảm tình cho nước Mỹ, sau khi cả thế giới đã phẫn nộ với chính sách đối ngoại của đương kim TT Bush. Dĩ nhiên tất cả 12 ứng viên Cộng Hòa, ngược lại, đều đồng ý mua tặng ông Clinton cần câu để ông ngồi nhà vui thú điền viên.

Đại sứ lưu động đi khắp thế giới" Kể cũng lạ! Một vị tổng thống chẳng có thành tích gì đặc biệt để lưu danh sử sách. Ngoại trừ sự kiện ông là tổng thống thứ nhì trong lịch sử Mỹ bị quốc hội xử tội và xém bị truất phế, vì những lời khai hữu thệ (under oath) mà bất nhất sau một chuyện bê bối về tình dục - với định nghĩa rất phiêu hốt về chữ dục (sex) đó. Vậy mà là biểu tượng cho Đại Cường Cờ Hoa"

Một tác giả bảo thủ, ông Rich Lowry, đã viết một cuốn sách rắt dầy, phân tích gia tài của TT Clinton và đã kết luận ông này sẽ đi vào lịch sử như một dấu ký chú (asterisk), ghi nhận một triều đại thầm lặng tẻ nhạt, chẳng có biến cố gì, cũng chẳng có một công trình vĩ đại nào, hay một quyết định quan trọng để lại một dấu ấn gì trong lịch sử nước Mỹ. Đó là cái nhìn của những người không ưa Clinton.
Đối với giới ái mộ Clinton thì trái lại, sự trầm lặng đó chính là hình ảnh của một tổng thống thành công. Bằng chứng" Trong hơn 30 năm kẻ viết này sống ở Mỹ, đọc báo mỗi ngày mà chẳng bao giờ thấy tin tức gì của… Thụy Sĩ. Trong khi nước này là nước có an bình thịnh trị. Tất cả mọi chuyện đều yên ổn, vui vẻ, chẳng có gì đáng nói. Như vậy tám năm triều đại Clinton cũng không có gì đáng nói, tức là tám năm an bình thịnh trị. Và đó mới là mẫu mực của sách lược an dân trị quốc bình thiên hạ. Kinh tế tà tà, ngân sách cân bằng, dotcom bay bổng khiến thiên hạ tối tăm mặt mũi kiếm tiền mà chẳng ai thắc mắc tổng thống đang làm gì, thế giới bình yên. Nói theo Mỹ, “Be Happy!”

Nhìn lại đương kim TT Bush thì ta thấy một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Trong hơn sáu năm dưới triều đại Bush, toàn là những chuyện dao to búa lớn.

Vừa nhậm chức được vài tháng là Bush đã cải tổ quy mô chính sách giáo dục (No Child Left Behind) bắt các trường học phải chịu trách nhiệm về thành quả học hành của các học sinh. Rồi sau đó là biến cố 9/11, đưa đến bộ luật mới về an ninh (Patriot Act), việc thành lập Bộ An Ninh Nội Địa (Homeland Security), rồi đến cuộc cải tố thuế khoá lớn nhất lịch sử Mỹ. Chưa hết, luật di trú mới giải quyết vấn đề 12 triệu di dân bất hợp pháp được đưa ra, và chương trình cải tổ quy mô chính sách an sinh xã hội vẫn còn đó tuy việc thực hiện còn xa vời.

Đối ngoại thì dĩ nhiên là đã có hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq để mang lại dân chủ cho cả Trung Đông và chấm dứt đầu mối của đại nạn khủng bố Hồi Giáo quá khích trên toàn thế giới. Chưa kể những tính toán cải tổ hai định chế quốc tế lâu đời là Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới qua việc bổ nhiệm hai người bảo thủ diều hâu là ông John Bolton làm đại sứ ở LHQ và ông Paul Wolfowitz làm Chủ Tịch NHTG, nhưng bị thất bại. Ngân sách thâm thủng bạc tỷ, chiến tranh liên miên,…

Vì muốn làm chuyện lớn nên ông Bush phải gặp những nhức đầu lớn. Chỉ có một phần ba dân Mỹ ủng hộ. Hầu như cả thế giới chống đối, ngoại trừ các nước Đông Âu đón rước linh đình. (Có lẽ chỉ những dân đã bị nhốt quá lâu trong tù cộng sản mới hiểu được và hoan nghênh chủ trương phát huy dân chủ và tự do của Bush, còn dân Mỹ và Tây Âu là loại “dửng mỡ, ấm cật”, hưởng thụ tự do dân chủ quá lâu rồi nên không hiểu đó là những thứ xa xỉ phẩm rất đắt giá, nhiều khi phải có chiến tranh mới có được).

TT Bush rõ ràng khác hẳn TT Clinton. Nhưng đây cũng chính là cái oái ăm của chính trị cận đại Mỹ.

Đảng Dân Chủ là đảng chủ trương “nhập thế”, bành trướng tối đa vai trò của Nhà Nước, để Nhà Nước can thiệp vào đủ mọi lãnh vực trong cuộc sống của người dân: xã hội, kinh tế, y tế, giáo dục, an sinh, với những chương trình vĩ đại đòi hỏi người dân đóng thuế chết bỏ. Ví dụ như TT Roosevelt với chế độ an sinh toàn diện; TT Kennedy với kế hoạch chấm dứt nạn kỳ thị da màu tại Mỹ, chương trình “Tân Biên” (New Frontier), và cuộc chạy đua lên mặt trăng; TT Johnson với chương trình “Đại Xã” (Great Society); TT Carter với  những ưu tư về nhân quyền trên cả thế giới.

Đối ngoại thì Dân Chủ cũng chủ trương can thiệp thẳng tay. Ví dụ như TT Roosevelt đưa Mỹ vào Đệ Nhị Thế Chiến; TT Truman mang quân vào Triều Tiên; và chỉ vài tháng sau khi nhậm chức là TT Kennedy đã cho kháng chiến Cuba đổ bộ vào Vịnh Con Heo để tính chuyện lật đổ Fidel Castro. Dù thất bại, ông vẫn không ngừng cố gắng lật đổ và ám sát Castro trong mấy năm nắm quyền. TT Kennedy cũng là người bắt đầu gửi cố vấn qua VN, và TT Johnson cho lính đổ bộ vào Đà Nẵng và thả bom Bắc Việt. TT Carter bắt đầu gửi võ khí giúp kháng chiến quân Afghanistan.
Đến TT Clinton thi hoàn toàn trái ngược. Không những ông chẳng làm gì ghê gớm đối nội cũng như đối ngoại như mấy vị tiền nhiệm Dân Chủ, lại còn dõng dạc tuyên bố “chế độ an sinh như chúng ta vẫn biết đã không còn nữa” (Welfare as we know it no longer exists), và “thời đại của Nhà Nước vĩ đại [vì ôm đồm- VL] đã cáo chung” (The era of big government has ended). Ông cắt giảm chi tiêu tối đa đưa đến quân bằng ngân sách. Thế giới lộn xộn, ông hoàn toàn làm ngơ. Chẳng có gì là “nhập thế” hết.


Trong khi đó, đảng Cộng Hòa, là đảng chủ trương “xuất thế”, thu hẹp tối đa vai trò của chính quyền, Nhà Nước can dự càng ít càng tốt, cần kiệm tối đa để có thể cắt thuế thật nhiều để mọi người tự lo lấy thân. Điển hình là chẳng có chương trình kinh tế xã hội vĩ đại nào được thực hiện dưới mấy đời tổng thống Cộng Hòa, ngoại trừ việc giảm thuế quy mô của TT Reagan. Đối ngoại thì Cộng Hòa chủ trương về nhà đóng cửa để thiên hạ tự lo chuyện mình. TT Eisenhower chủ trương chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, rút quân Mỹ về. Ông cũng là người từ chối giúp Pháp đánh Việt Minh tại Điện Biên Phủ, đưa đến Hiệp Định Geneve chia đôi Việt Nam. TT Nixon ký Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh VN, và TT Ford tiếp tục cuộc tháo chạy.
Nhưng đến TT Bush thì mọi chuyện lại bị đảo lộn.

Như vừa nêu ở phần trên, ông phát động những chương trình cải cách nội bộ lớn lao chưa từng thấy, tiêu xài vung vít đưa đến thâm thủng ngân quỹ tối đa, rồi tung quân vào Afghanistan và Iraq. Chẳng có gì là “xuất thế” cả.

Rõ ràng TT Clinton là hình ảnh tiêu biểu cho Cộng Hòa với quan niệm một Nhà Nước “vi mô” đóng cửa diện bích càng làm ít càng tốt, và TT Bush tiêu biểu cho Dân Chủ với quan niệm trái ngược, một Nhà Nước “vĩ mô” mở cửa đi ra vác ngà voi! Không oái ăm thì là gì bây giờ" Hay là kẻ viết bài này đã bị quáng gà, nhìn gà hoá quốc"
Đối với thế giới, hình ảnh của hai người cũng là hai thái cực.

Clinton được thế giới chấp nhận như là một tổng thống xuề xòa, bình dân, với những phút “yếu lòng” của một người bình thường. Từ chấp nhận đến được cảm tình chẳng mấy chốc. Trong khi Bush tạo được sự nể nang, như là một TT uy nghi, nghiêm trang, xa rời quần chúng, đến độ cao ngạo. Từ nể nang đến oán ghét chẳng bao xa.

Khi Clinton đi Việt Nam thì ghé vào trường đại học Hà Nội nói chuyện với sinh viên, rồi “tạt ngang” vào một tiệm phở thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của xứ ta (tuy nói là “tạt ngang”, nhưng thật sự đã có cảnh sát công an chìm nổi bao vây hết cả khu vực chung quanh từ mấy ngày trước - và nồi nước phở chưa nêm đã được nếm cẩn thận!)

Khi Clinton đi thăm Uganda, ông không ở Dinh Quốc Khách mà ở khách sạn Hilton, ngày ngày đi xuống viếng mấy cửa tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách, chụp hình và nói chuyện thân mật với mấy em bán hàng, mua vài thứ như một khách du lịch thật. Rồi ghé thăm một trường tiểu học. Trong khi bà Clinton và cô con gái vỗ tay ca hát với các nữ sinh thì TT Clinton ngồi cùng bàn với các học sinh khác, trò chuyện, xoa đầu, vỗ vai rất tự nhiên, rồi tặng cho mấy em 100 cái computers. Xin nói thêm cho rọ: Sau khi TT Clinton về Mỹ, quả nhiên ít lâu sau Tòa Đại Sứ Mỹ mang đến trường đúng số computers đã hứa, khiến cả trường… bối rối. Chẳng những mấy cái máy này quá “hiện đại” đối với mấy em học sinh tiểu học Uganda, mà trường lại còn là trường làng… không có điện! Kết quả mấy ông quan lớn Uganda lấy máy mang về nhà xài hết, dĩ nhiên là với những lời cám ơn và tâng bốc Clinton cho phải phép. Đây chính là hình ảnh tiêu biểu cho chính sách viện trợ ngớ ngẩn của Mỹ từ mấy chục năm qua. Có những bài học không bao giờ có thể học được!
Trong khi đó thì Bush khi ghé VN, chỉ tham dự các cuộc họp thượng đỉnh, không cần biết phở hay chả giò gì hết. Khi Bush đi Uganda thì tới phi trường, kêu tổng thống Uganda và ba vị tổng thống các nước lân cận (Kenya, Tanzania và Rwanda) đến họp thượng đỉnh tại ngay phi trường, họp vài tiếng, xong ra họp báo, chụp hình, rồi lên máy bay đi về Mỹ. Báo hại dân Uganda sơn nhà, trồng kiểng, sửa đường, lấp cống, để đón rước quốc khách mà chẳng thấy ai tới. 

Nhìn vào những chuyện vừa nêu, ta thấy rõ sự tương phản giữa hai vị tổng thống cận đại của Mỹ.

Đối với dân Mỹ, nhiều người đã nhận định Clinton là “khôn lanh” (smart) nhưng “vô đạo” (ammoral), trong khi Bush là “ngu tối” (idiot) nhưng “có nguyên tắc” (principled). Thông thường thì như vậy thôi, phải có khôn mới gian được, và quân tử tàu thường không thông minh lắm. Trên thực tế, cả hai điểm tiêu cực đều quá đáng. Clinton “ham vui” một chút rồi nói láo để chạy tội chưa thể gọi là vô đạo. Bush hạ đo ván cả Gore lẫn Kerry không thể là người ngu - chưa kể là khi học Yale, điểm số của ông chẳng thua kém gì vị tiền nhiệm cùng tuổi.

Một bên là một tổng thống thụ động, xuề xòa, và bình dân. Muốn hòa mình và được yêu thích, do đó tránh né không làm chuyện rắc rối lớn nào để khỏi gây sóng gió, mâu thuẫn và bị ghét. Một cọp giấy đang ngủ hay vờ ngủ.

Bên kia là một tổng thống năng động, muốn giữ khoảng cách uy nghi của một lãnh tụ, không cần được ai thương yêu, sẵn sàng chấp nhận chống đối để làm chuyện lớn. Một cọp thật có nanh và sẵn sàng cắn khi cần.

Lựa người nào để làm đại sứ lưu động, biểu tượng cho nước Mỹ, đó là sự lựa chọn của mỗi người.

Quan điểm cá nhân của kẻ viết bài này: chức vụ tổng thống Mỹ là một chức vụ có uy quyền cực kỳ lớn lao. Do đó, một tổng thống phải có viễn kiến và bản lãnh để chấp nhận dấn thân làm những chuyện “để đời” có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Như TT Roosevelt với cuộc cách mạng an sinh xã hội, hay TT Kennedy với việc khai phóng dân da màu, hoặc TT Reagan với cố gắng đạp đổ bức tường Bá Linh, v.v…
Nếu chức vụ tổng thống chỉ là một chỗ cho một công chức an thường thủ phận lãnh bổng lộc ngồi hút xì gà với mấy em út, không dám phiền hà ai hết thì thật là… phí của giời!

Hai chức vụ tổng thống và đại sứ lưu động khác nhau một trời một vực. Tốt nhất là chọn một “lãnh tụ” với chí lớn làm tổng thống, và lựa… nữ minh tinh Paris Hilton làm đại sứ lưu động.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.