Hôm nay,  

Trang Kinh Dị: Người Vợ Câm (05/29/2007)

29/05/200700:00:00(Xem: 4114)

(Bắt đầu từ số 508...)

Đã khuya lắm rồi mà ông bá hộ vẫn không thể ngủ được, ông nằm im trên giường trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Chiếc đèn dầu nhỏ đặt trên bàn leo lét một ánh sáng mờ nhạt, vì sợi tim đã lụn dần. Ánh đèn tù mù chập chờn phủ lên cái thân bất động của ông bá, trông như như một cái thây ma đang chờ giờ tẩm liệm. Trong cơn mơ màng, hồn phách dật dờ chưa chịu chìm vào cõi mộng, ông bá còn nghe thoang thoảng tiếng côn trùng, dun dế rỉ rả trong những bụi cỏ rậm đằng sau khung cửa sổ.
Được một lúc, ông bá gần như thiếp đi vào giấc ngủ sâu mà ông đã cố nuôi lấy từ đầu hôm, thì đột nhiên một tiếng động khẽ từ phía cửa sổ vọng vào, làm ông già giật mình choàng tỉnh. Một luồng gió lạnh từ ngoài thổi vào đập mạnh vô cánh cửa tạo nên thành những âm thanh kỳ dị, giống như có bàn tay một con người nào đang giở nó lên. Ông bá rên lên trong lòng. Trời ơi, bọn kẻ ăn người ở trong nhà đâu hết rồi, chúng nó lười đến nỗi không khép kín cửa lại giùm cho. Con tim ông bá quặn thắt một nỗi cay đắng đau đớn, như có một mũi gai nhọn đâm sâu vào. Trở thành con người tàn phế, cái vị trí và quyền lực của ông xuống thấp đến cùng cực, vợ chồng Nhơn tàn nhẫn thì không cần nói đến nữa, cả bọn tôi tớ chúng cũng coi thường, không thèm ngó ngàng gì đến ông chủ nữa. Ông bá chấp hai tay lên ngực thở dài trong bóng tối, hồi tưởng lại những khoảng đời trong quá khứ. Có lẽ nào ngày xưa ông đã quá khắc nghiệt với người ở trong nhà, ông đã gieo một cái nhân xấu, thì giờ đây ông phải hái toàn những quả đắng.
Cái lưng của ông rêm nhức quá, nằm mãi một chỗ gần mười năm dài, ông già có cái cảm giác rằng những mảnh da lưng của ông đã mục nát đến tận xương. Những khi có người đem cơm nước vào, thường thường là thằng bé Cọt với cái thân hình gầy còm và làn da đen nhẻm, thật không còn cái tên gì diễn tả thật đúng cái con người thảm não của nó bằng chữ Cọt, ông bá van nài nó giúp ông trở mình cho đỡ mỏi. Thằng Cọt đã mười mấy tuổi rồi mà thân xác nó vẫn co rút như một đứa bé mới lên bảy, tám . Cọt khó khăn và vất vả xoay trở sức nặng hơn một tạ của cái thân thể dềnh dàng của ông chủ. Ngày xưa, lúc còn khỏe mạnh, ông bá to béo, phương phi như một ông hộ pháp, nhưng giờ đây, bị vợ chồng Nhơn bạc đãi, sự căm hận và nỗi phiền muộn đã đục khoét sức sống trong người, da thịt teo tóp dần, ông bá chỉ còn có thể nằm đếm thời gian chờ chết. Ông bá nghe thằng nhỏ thở phì phò vì cố gắng quá sức, khiến ông cũng chạnh lòng. Trong cái nhà đang suy sụp dần này, chỉ có thằng Cọt là người bạn duy nhất còn ban bố cho ông chút tình cảm. Nhưng thật khổ, thằng bé chẳng chịu nói năng gì, cứ như là một người câm, ông bảo gì nó cũng làm, nói gì nó cũng nghe, ông muốn tâm sự kể lể nỗi lòng cho nó thật nhiều để giải tỏa những ẩn ức trong lòng, thì thằng bé chỉ ngồi lặng thinh gà gật trên chiếc ghế.
Đêm khuya, từng luồng gió cứ đập cành cạch vào cánh cửa sổ làm cho ông bá khó chịu vô cùng. Sợ hãi, ông muốn gọi thật to lên để bọn người ở vào chốt chặc nó, nhưng lại thôi, vì cũng hoài công, chẳng có con ma nào chịu chui ra khỏi chiếc giường ấm mò vào căn phòng lạnh lẽo này lúc nửa đêm. Gió đã ngừng thổi, nhưng bỗng dưng từ khung cửa sổ phát ra những tiếng kèn kẹt kỳ dị. Ông bá rùng mình mở mắt nhìn trừng trừng về phía cánh cửa. Những giọt dầu trong chiếc đèn đang cạn đến đáy, chiếc tim lụn chỉ tỏa ra một thứ ánh vàng thoi thóp. Căn phòng tràn ngập một màu xám đen, nhưng cũng đủ cho ông già trông thấy, trời ơi, một bàn tay đen đủi đang giở cánh cửa lên. Máu trong một nửa tấm thân còn sống của ông bá chảy nhộn nhạo như muốn lộn ngược về tim, từng sợi tế bào rần rật một nỗi tê điếng như có hàng ngàn mũi kim chích vào. Ông bá sợ, trái tim đập loạn xạ như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực. Ông bá chưa từng thấy ma hay quỷ bao giờ, nhưng trong giây phút này, ông run rẩy tin chắc rằng ông đang đối diện chúng. Cái bàn tay ấy thò sâu vào bên trong phòng, tiếp theo một cánh tay dài ngoằng run rẩy mò mẫm trong bóng tối. Ông già khốn khổ ú ớ kêu cứu trong một chuỗi âm thanh khằng khặc:
-Ma… ma… Cứu tôi…
Cõi không gian chung quanh im ắng lạ lùng. Đến lũ ếch nhái đang ồm oàm điệp khúc đêm trường cũng lặng thinh. Chiếc tim đèn còn gắng gượng kéo dài hơi tàn, từ chút ánh sáng mờ như những sợi tơ, ông bá chết cứng người nhìn thấy một cái đầu với mái tóc dài phủ lòa xòa che hết khuôn mặt, rồi lại thêm một cánh tay nữa hiện ra, cả hai bàn tay chống lên sàn nhà đỡ lấy một cái thân nhỏ dài trườn vào. Ông bá nhắm nghiền mắt kéo chiếc mền mỏng lên phủ đầu, hãi hùng tưởng tượng, rằng ông đang chìm trong một cơn ác mộng, chứ không phải ở giữa thực tại. Đến một lúc ông sẽ giật mình tỉnh giấc, và con ma tóc dài sẽ tan loãng mất vào cõi đêm. Ông già khốn khổ mong cho mình được ngất đi, hay bất cứ trạng thái nào mà ông không còn cảm nhận, nghe biết tiếng sột soạt kéo lê trên mặt đất, càng lúc càng lớn dần về phía chiếc giường. Lông tóc gáy dựng đứng lên, da dẻ gờn gợn những gai ốc, trái tim nhộn nhạo như muốn vỡ tung theo cùng với hơi thở đứt đoạn của ông già. Từ bên dưới tấm chăn, ông bá lắng nghe chuỗi âm thanh sàn sạt, giống như có một người đang chà xát môt tấm vải trên nền đất. Đột nhiên, không còn một tiếng động nào, căn phòng chìm sâu vào môt cõi tịch mịch dị thường. Ông bá run run kéo tấm mền mỏng xuống ngang chỏm mũi từ từ mở hé mắt ra nhìn, chợt ông rú lên:
-Trời… Là con hả Dung… Ối… sao mày… bóp…
Giữa ánh đèn vàng tờ mờ, gương mặt tím xanh, với đôi mắt mở to hết mức của Dung chập chờn phía sau mái tóc rối bời cúi xuống nhìn trừng trừng. Hơi thở lạnh lẽo, tanh tưởi mùi thối của xác súc vật chết từ cái miệng mở rộng với cái lưỡi nhỏ máu ròng ròng phả vào mũi ông già, rồi hai bàn tay với những ngón tay dài ngoằng xương xẩu bóp chặc lấy cổ ông siết chặc. Đôi nhãn cầu lồi ra như hai cái hạt nhãn, chiếc lưỡi của ông bá lè dài trong hơi thở phì phò, hai bàn tay ông chộp lấy cái cổ dài ngoằng của Dung cấu mạnh trong một phản xạ tự vệ, nhưng ông ú ớ giật về, vì nó lạnh buốt đến tận xương tủy . Dung há miệng thè chiếc lưỡi đã cụt hết một nửa phun vào mặt người cha của nàng một ngụm máu tươi, cùng với một tràng tiếng khèn khẹt uất nghẹn:
-Ày… ải… ết…
Hơi thở ngắn dần, ông bá không còn trông rõ được gương mặt ma quái của Dung nữa, vì đôi thủy tinh thể đã bị bao phủ bởi một đám mây trắng đục. Trong cơn dẫy chết, bàn tay của ông già vung vẫy trong tuyệt vọng, chạm phải chiếc đèn dầu trên bàn, hất nó rơi xuống đất vỡ nát tan tành. Tiếng bể vỡ giữa đêm khuya rền vang như tiếng sấm, thằng Cọt đang ngủ trong cái vựa chứa đồ cũ trong khu vườn sau gần bên cửa sổ chân thấp chân cao chạy sang đưa mặt vào khung cửa hỏi lớn:
-Ông chủ, ông chủ, có chuyện gì vậy.
Cọt cố nhìn sâu vào màu tối đen trong căn phòng, chiếc áo bà ba lụa trắng của ông bá nổi lên lờ mờ. Cọt nghe tiếng ông bá run run gọi ra:
-Cọt, mày vào đây với ông ngay…
Thằng bé thót một cái như một con khỉ nhỏ đã nhảy vào phòng. Nó quờ quạng đi từng bước về phía giường ông chủ như một người mù, vừa đi vừa hỏi:
-Sao tối quá vậy ông chủ, cái đèn đâu rồi"
-Rớt xuống đất bể rồi.
Ở nhà trên nghe tiếng động, vợ chồng Nhơn giật mình thức giấc, Nhơn choàng dậy bảo vợ:
-Dường như có người vào nhà, chắc ăn trộm, em ở trong phòng khóa cửa để tui ra coi thử.
Nga ôm chặc lấy cánh tay chồng:
-Đừng bỏ em một mình, em sợ…
Là người có võ nghệ, Nhơn không sợ bọn trộm nhãi nhép, hắn gật đầu:
-Ừ, mình đi theo tui.
Nhơn mở cái hộc tủ chiếc bàn nhỏ tìm cây đèn pin, hai vợ chồng dìu nhau đi xuống nhà dưới. Nhơn thì thầm vào tia vợ:
-Phải đi nhè nhẹ cho tên trộm không nghe biết, tui mà nắm được nó thì có mà nhừ đòn.
Nghe tiếng người xầm xì trong phòng ông bá, vợ chồng Nhơn nhìn nhau kinh ngạc. Hóa ra tiếng động chát chúa vừa rồi xuất phát từ phòng ông già, chứ chẳng phải do bọn trộm cắp gì hết. Tuy vậy, Nhơn vẫn nép sát người bên vách, thận trọng lắng nghe.
-Cọt, mày chạy lên nhà trên xin cậu một cây đèn khác, coi chừng dẫm lên mảnh chai nghe.
-Dạ, ông nằm đây chờ con.
Thằng Cọt mở cửa phòng lao ra ngoài, Nhơn túm lấy ngực áo của thằng bé:
-Cọt, nửa đêm mày vào phòng ông chủ làm gì"
Đôi mắt Nhơn lóe lên những tia hung bạo như muốn nuốt sống thằng nhỏ, Cọt mếu máo, run bần bật:
-Dạ… dạ… ông chủ làm rớt đèn, con thức dậy chạy vào…
Nhơn kéo thằng bé đi trở vào phòng, hắn rọi ánh đèn pin thẳng về phía chiếc giường một cách thật xấc xược. Ông bá đưa hai bàn tay lên che mặt rên rỉ:
-Trời ơi, mầy hả Nhơn, mày làm ơn rọi đèn chỗ khác, chói mắt tao quá.
Nhơn hởi cộc lốc:
-Có chuyện gì mà cha làm ầm ĩ lên vậy, khuya quá rồi mà cha không chịu cho mọi người ngủ nghê gì hết sao"
Luồng ánh sáng như một dải lụa trắng chiếu xiên lên mặt đất, Nhơn nhận ra những mảnh thủy tinh nằm vương vãi.
-Cha làm bể cây đèn này à"
Trong lòng tràn ngạp một nỗi buồn rầu tủi nhục vì thái độ mất dạy của thằng con, ông già nhẫn nhịn nói nhỏ:
-Tao… tao… bị con… Dung nhảy vào bóp cổ, nên tao… Nó mới vừa nhảy ra ngoài chạy mất rồi.
Nhơn chiếu đèn vào mặt người cha khốn khổ để tìm sự thành thật, trông thấy gương mặt nhăn nhó thảm não của ông già, hắn tin ông không nói dối, nhưng vẫn tìm lời áp đảo:
-Cha nói vô lý, con Dung là con gái của cha, nó lại muốn giết cha à"
Nga giật tay áo chồng đay nghiến đổ thêm dầu vào lửa:
-Trời ơi, nó là con điên thì chuyện gì nó không dám làm, tui đã nói nhiều lần là mình đuổi nó đi mà mình cứ dung dưỡng cho nó ở trong nhà. Hừ, có ngày nó cũng bóp cổ tui với mình.
Dẫu sao Nhơn cũng là một con người còn có chút nhân tính, hắn thả thằng Cọt ra:
-Mày đi lấy một cây đèn khác cho ông chủ rồi đi ngủ đi.
Nhơn dẫn vợ bước ra khỏi phòng:
-Thôi cha ngủ đi, đừng có làm phiền mọi người nữa.
Nhơn kéo tay vợ đi xuống nhà bếp, rút chiếc quẹt lửa ra thắp sáng cây đèn dầu lớn đặt trên chiếc bàn vuông cũ. Nhơn bước đến gần cánh cửa dẫn ra chuồng gia súc đưa tay kéo cái chốt, nhưng Nga đã chận lại:
-Cái con điên tà nhập đó nó hung dữ lắm, coi chừng nó bóp mình chết bây giờ.
Nhơn khịt mũi cười nhạt:
-Đàn bà ốm yếu mà sợ gì, để tui ra chuồng ngựa xem thử, em ở đây hay là đi theo.
Nga rùng mình ôm lấy chồng:
-Thôi, mình đi đâu thì tui theo đó, một mình tui sợ, rủi ma nó hiện ra bắt tui đem giấu thì chắc tui chết.
Nhơn cùng vợ lò dò đi về phía cái chuồng ngựa mục nát theo vạch ánh sáng của chiếc đèn. Nhơn tựa người vào mấy thanh gỗ chuồng ngựa nhìn vào gọi khe khẽ:
-Dung ơi, mày ngủ chưa"
Im lặng, không có tiếng trả lời. Nga run run nép vào phía sau tấm lưng to rộng như một tấm phản của chồng, nàng cứ nơm nớp lo sợ những cái móng vuốt của con ma trong thân xác Dung sẽ cấu lấy vào cổ, bởi cái mặc cảm hung ác, tàn nhẫn mà Nga đối xử tồi tệ với Dung hằng ngày. Nhơn nhoài một nửa người sâu vào cái chuồng, mùi hôi hám của rơm rạ cũ và phân ngựa bốc lên, hắn bịt mũi rọi đèn vào tìm. Ánh đèn loang loáng quét vào góc chuồng. Dung đang nằm co rút người, hai cánh tay vòng quanh gối trong một giấc ngủ đậm sâu, chẳng có gì chứng tỏ là nàng vừa mới chạy vào đây cả. Nhơn vỗ tay bồm bộp lên thành gỗ gọi lớn:


-Dung! Mày ngủ chưa"
Cô gái giật mình nhỏm dậy, đôi mắt ngây dại đảo tròn nhìn quanh, như một con nai tơ đánh hơi sự hung hiểm, nàng ngồi xổm lên trong tư thế sẵn sàng chạy trốn, trước đôi mắt đỏ khé của người anh. Nhơn dịu giọng, dẫu sao vẫn còn chút tình thương dành cho em gái, bởi nàng chẳng có ân oán nhân quả gì với hắn:
-Dung, anh đây, đừng sợ, mày ngủ đi!
Cô gái điên trừng trừng nhìn ông anh với ánh mắt nửa nghi ngại nửa sợ hãi, nàng co người rút vào góc chuồng. Nhơn thương hại khoát tay quay lưng bỏ đi. Nga bỏ chạy lên trước lải nhải bên tai chồng:
-Ngày mai mình đuổi nó đi đi, tui sợ có ngày nó giết tui.
Nhơn bực bội:
-Em với nó có thù oán gì mà cứ buộc tui đuổi nó đi hoài vậy, dù sao nó cũng là em ruột của tui mà. Vợ chồng mình bỏ đói nó gần chết như thế mà em chưa vừa lòng sao"
Lần đầu tiên Nga bị chồng nặng lời, nàng sửng sốt không tin những gì vừa nghe thấy, nhưng là một người đàn bà gian xảo, Nga biết tự kiềm chế không dồn Nhơn vào thế khó xử, nàng đành lặng thinh đi theo chồng vào nhà, trong lòng nảy sinh những toan tính độc ác khác…
Sáng hôm sau, trong lúc vợ chồng cả Nhơn cắt đặt công việc của ngày mới cho mấy người tôi tớ trong nhà, thì thằng Cọt chạy vào báo có một người khách lạ muốn xin gặp ông bá hộ. Nhơn xua tay ra hiệu cho bọn người làm tản mác đi, rồi quay lại hỏi thằng bé:
-Khách lạ hay quen"
Cọt gãi đầu bối rối:
-Dạ con không biết, nhưng chắc là lạ vì con chưa từng thấy chú ấy bao giờ .
Nhơn trừng mắt:
-Như vậy là lạ rồi, mày ngốc quá, ông khách đó muốn gặp ông bá hộ làm gì"
Cọt lùi lại mấy bước, đôi mắt lấm lét, vì nó sợ ăn đòn:
-Con không có hỏi.
Nhơn lắc đầu cười gằn:
-Cái thằng khờ, được rồi, mày ra kêu cái thằng cha đó vào đây tao nói chuyện.
Cọt chạy biến đi, chẳng mấy chốc mà nó đã đưa người khách lạ vào. Cậu cả Nhơn ngồi chễm chệ trên bộ trường kỷ đóng bằng loại gỗ mun, sau mấy mươi năm đã lên nước bóng loáng, hắn không buồn đứng dậy chào khách, chỉ hỏi cộc lốc, một phần cũng do cái tánh hách dịch của một câu công tử con nhà quyền thế:
-Anh là ai, ở đâu đến, muốn gặp cha tôi làm gì"
Người khách lạ có một vóc dáng cao to và hùng dũng chẳng kém gỉ cậu cả Nhơn, nước da đen đúa nhưng trông khuôn mặt chất phác trung hậu, đôi mắt sáng như sao của anh nhìn thẳng vào cậu cả. Không trả lời câu hỏi, tia nhìn của người khách rơi lên chiếc ghế trống bên bộ trường kỷ. Cậu cả Nhơn hiểu cái nhìn đầy ngụ ý đó, hắn buộc phải dịu giọng:
-Mời anh ngồi, tôi bảo trẻ pha trà rồi mình nói chuyện.
Nhơn hất hàm ra hiệu cho thằng bé đang đứng khoanh tay dựa bên chiếc cột nhà tròn lớn, Cọt chạy biến vào nhà dưới. Nhơn kín đáo quan sát người đàn ông, thầm nhận định rằng anh ta cũng chỉ khoảng độ tuổi của mình. Chàng tráng niên chậm rãi đặt chiếc ba lô nhà binh bạc màu lên trường kỷ, giả vờ không nhìn thấy vẻ khó chịu của người chủ nhà. Mãi sau anh mới đủng đỉnh lên tiếng :
-Chào cậu cả, tui cũng là dân sinh quán ở đây, tui xa quê lâu quá nên chắc cậu không nhận ra tui.
Nhơn gật đầu, ngần ngừ:
-Trông anh cũng quen quen, nhưng tình thực thì tôi không thể nhớ được.
Người khách đảo mắt nhìn quanh căn phòng, cảm khái thở dài:
-Nhanh thật, mới đấy mà đã hai mươi năm tui xa rời ngôi nhà này…
Nhơn lạ lùng nhìn người đàn ông từ đầu đến chân, cố nhớ xem cái anh chàng này là ai. Thằng Cọt lễ mễ bưng ra lên một cái mâm thau bóng loáng, bên trên có một bình trà và hai cái chung nhỏ, tất cả đều làm bằng sứ tráng men tuyệt đẹp. Thằng bé mãi mê, tò mò nhìn trộm người khách, đến nỗi nó bịt trợt chân ngã sóng soài ra đất, chiếc mâm trong tay bắn tung lên cao. Cả hai người đàn ông đều cùng có một phản xạ rất nhanh, cậu cả Nhơn vừa muốn đứng dậy, thì người khách đã nhanh hơn, anh nhảy tung người lên đón được cái mâm, nhẹ nhàng đặt nó lên cái mặt bàn tròn khảm xà cừ. Cậu cả Nhơn nghệch mặt sững sờ, cậu có thể cứu được cái mâm rơi, nhưng người khách vượt trội hơn với một công phu tuyệt mỹ. Không nhịn được, cậu cả vỗ tay khen ngợi:
-Hay lắm, anh thật đại tài. Nếu tôi xét không lầm, thì anh vừa biểu diễn loại công phu Võ Đang thì phải.
Người khách đưa tay ra với vẻ khiêm nhường:
-Chẳng đủ làm trò cười cho cậu, nhưng tui ráng sức để cứu cái mông của thằng bé vậy thôi.
Nhơn cười xòa:
-Anh thật là con người nhân hậu, anh nói đúng, chắc chắn thằng bé này sẽ no đòn.
Người khách cúi xuống kéo thằng bé mặt mũi tái xanh đứng dậy trong lúc cậu cả Nhơn rót trà:
-Mời anh dùng trà, cha tôi từ mười năm nay nằm liệt giường nên không thể ra đây tiếp anh được.
Chàng tráng niên đón lấy chung trà:
-Cám ơn cậu cả, tui đã nghe làng xóm người ta nói thế. Chà, trà thơm và ngọt quá, hai mươi năm rồi mà nhà ta vẫn dùng loại trà này.
Nhơn lại nhìn khách với ánh mắt dò hỏi:
-Vậy hóa ra anh là người trong nhà này" Anh là thân quyến bên phía mẹ tôi thì phải"
-Dạ không, tui nói ngay để cậu khỏi suy nghĩ, cậu còn nhớ thằng bé Sáu chăn trâu cho nhà cậu cách đây hai mươi năm không"
Nhơn vỗ đánh bốp, hắn đứng dậy kêu lên:
-À, mày… anh… là thằng Sáu chăn trâu đây mà, thảo nào tao… tôi cứ trông mày… à… anh rất quen.
Nhơn ngồi xuống, nét mặt hằn lên vẻ u buồn, hoặc vả hắn giả vờ thế:
-Anh về đây không phải lúc, nhà tôi liên tiếp gặp nhiều tai họa, cha tôi bị té liệt người, em gái tôi bị tà ma nhập dở điên dở khùng, hà… mà lại bị câm nữa. Con gái gần ba mươi tuổi rồi mà nào có ai đến xin hỏi cưới gì đâu.
-Chính vì những chuyện đau buồn đó mà tui đến đây!
Nhơn ngạc nhiên vô cùng:
- Anh nói gì tôi không hiểu.
Sáu uống cạn hết chung trà, đặt nó lên bàn, anh nghiêm nghị nói với cậu cả:
-Tui muốn xin cậu cho tui vào thăm ông bá hộ trước cái đã, sau đó tui sẽ nói chuyện phải quấy với cậu sau!
Nhơn rùng mình, câu nói của Sáu dường như ẩn chứa một hàm ý không lành, cậu ấp úng:
-Anh muốn… gặp thì… gặp… nhưng liệu anh có tài cán gì…
Sáu co cái bàn tay to tướng của anh, cố ý cho cậu cả trông thấy:
-Tui còn có một lời xin nữa, là từ nay, cậu cho phép tui được chăm sóc cô Dung, không cần cậu với mợ lo nghĩ nữa.
Nhơn xua tay rối rít:
-Không, cứ để con Dung nó ở đây với chúng tôi, không cần đến người ngoài đâu.
Sáu cố kềm cơn giận đang sôi sục trong lòng:
-Nói xin lỗi cậu, chính quyền mà biết được cái cách cậu mợ đối xử với cô Dung, thì chắc cậu mợ đi tù rục xương. Tôi khuyên cậu tốt hơn hết nên cho tui được chăm nom cô Dung. Nói cho cùng thì dưới mắt cậu mợ, cô Ba đã chết từ lâu rồi!
Trước lý lẽ cứng rắn của đối phương, Nhơn ngồi thừ người không còn có thể bài bác gì được nữa, nhưng hắn vẫn cố tỏ vẻ gàn bướng để đo lường mức độ phản ứng của khách:
-Anh là cái gì mà xen vào chuyện gia đình tôi, cùng lắm anh chỉ là một thằng, e hèm…
Sáu đứng dậy dộng nắm tay lên bàn, khiến Nhơn phải chồm dậy thủ thế.
-Thằng chăn trâu phải không. Tui ngứa mắt vì hành vi độc ác của cậu đối với ông bá hộ và cô Dung, tui nhảy ra gánh vác chuyện bất bình được không"
Nhơn chỉ ngón tay vào mặt Sáu lắp bắp:
-Tôi sẽ thưa anh ra cảnh sát…
Sáu khoanh tay ngạo nghễ:
-Tui thách cậu thưa, tui đi hầu. Chẳng những thế mà tui sẽ viết đơn kiện ngược lại cậu mợ, xem ai mới là bị cáo trước vành móng ngựa.
Hai người đàn ông gườm gườm như muốn ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, thì thằng Cọt chạy ra khoanh tay:
-Dạ thưa cậu, ông chủ muốn gặp chú này ạ, ông chủ nói cậu cho chú vào.
Nhơn trợn mắt đưa tay lên muốn tát thằng bé một cái:
-Thằng khốn, mày là thằng lẽo miệng, để rồi mày biết tay tao.
Nhơn nói đúng, trong lúc hắn giằng co với Sáu, thì Cọt là đã chạy vào thuật chuyện cho ông bá nghe. Sáu kéo thằng nhỏ nép vào sau lưng:
-Cậu đừng có ngang tàng, cái thời cường hào của nhà cậu không còn nữa, bây giờ nhà nước có kỷ cương, có luật pháp, không dễ gì húng hiếp người được nữa đâu.
Nhơn chán nản xua tay:
-Thôi, mày muốn gặp ai thì gặp, rồi mày đem con Dung đi đâu thì đi cho khuất mắt tao…
Sáu bùi ngùi ngồi bên giường nhìn cái thân hình tàn tạ của ông bá hộ. Hai mươi năm xa chủ, giờ đây trước mắt anh, ông bá già xọp như một bộ xương. Anh cảm động nắm lấy bàn tay nhăn nheo của ông già:
-Ông chủ nhận ra con không, con là thằng Sáu chăn trâu ngày xưa đây.
Bên ngoài mặt trời đã lên gần đến đỉnh đầu rồi, mà căn phòng ngai ngái mùi mốc của ông bá vẫn chìm trong một cõi ánh sáng mù mờ. Ông bá cố nhướng mắt nhìn vào người khách lạ, cố tìm kiếm những đường nét quen thuộc:-Cậu em là thằng Sáu chăn trâu à"
-Dạ phải, con vẫn còn nhớ mãi cái đêm mưa bão tơi bời, cha mẹ con không may qua đời, ông chủ đã mở lòng nhân từ cứu sống và đem con về nuôi nấng…
Ông bá siết chặc tay Sáu thở dài:
-Thằng Sáu mày nhắc chuyện cũ làm tao hối hận lắm, ngày xưa ông đối xử hà khắc với mày.
Khoảng đời dĩ vãng tối tăm của Sáu lũ lượt hiện về như một đoạn phim cũ người ta tìm được từ một góc kho bụi bậm. Những năm tháng sống dưới mái nhà ông bá hộ là những chuỗi ngày dài cay đắng cơ cực, bởi ông bá luôn sẵn sàng ban roi đòn lên cái thân thể gầy còm của Sáu, mỗi khi thằng bé phạm một cái lỗi nào đó, như thả cho trâu đi lạc vào rừng để chạy theo bọn bạn thả diều, hay nô đùa giữa lòng sông suốt cả ngày. Ông bá hộ đánh đập Sáu tàn nhẫn, với cung cách của một người chủ đối với một thằng nhỏ nô lệ. Nhưng thật lạ lùng, Sáu không bao giờ hờn oán ông bá hộ, bởi dẫu gì mặc lòng, ông đã đem thằng bé về nuôi nấng, nên dưới mắt Sáu, ông tuy là một người cha nghiêm khắc, nhưng vẫn là cha. Lại thêm cái tình bạn thiết tha của cô bé Dung luôn quấn quít dành cho, nên thằng bé Sáu rất vui lòng với cuộc sống của nó.
Sáu lắc đầu:
-Không, ông rất tốt với con, con sống được là nhờ có ông.
Ông bá nhìn Sáu bằng một ánh mắt nửa thân tình nửa soi mói:
-Mày… bây giờ làm gì. Mày về đây sinh sống hay là chỉ thăm ông xong rồi đi.
-Dạ bây giờ con là công chức nhà nước, nên con chỉ ghé thăm ông năm ba ngày rồi con đi.
Sáu chạnh lòng nghe ông già thở dài não nuột trong bóng tối:
-Có mày về ông vui lắm, nhưng mầy đi rồi chắc ông buồn, rồi ông cũng chết sớm thôi.
Sáu nhìn sâu vào mắt ông chủ cũ của mình:
-Con muốn thưa với ông một chuyện, xin phép ông cho con được dẫn cô Ba đi tìm thầy chữa chạy cho cô.
Ông bá chồm nửa thân ngươi dậy lẩy bẩy tìm lấy bàn tay của Sáu:
-Mày nói thật không"
-Dạ thật!
-Ông bằng lòng, mày đem con Dung đi khỏi đây càng sớm càng tốt. Nếu mày thương nó thì… thì… ông bằng lòng gả nó làm vợ mày…
Sáu giật thót người lên xua tay:
-Ông… ông… đừng… nói thế… con không dám…
Ông bá cố nhoài người đến gần ôm chặc lấy đôi vai nở nang của Sáu nghẹn ngào:
-Không, ông nói thật, ông van con dẫn bé Dung đi và cố chữa hết bệnh cho nó… Dung là một đứa con gái nết na, con hãy lấy nó làm vợ, hai đứa hãy ăn ở hạnh phúc với nhau và đừng bao giờ trở lại nơi này… (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.