Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (07/30/2007)

30/07/200700:00:00(Xem: 2165)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Và để chủ động, tôi tiếp tục:
- Chị bị bắt lâu chưa, về tội gì"
- Hơn tháng rồi. Tôi là đoàn trưởng Đoàn Thanh Niên Lao Công của xứ đạo. Họ bắt tôi phải từ bỏ việc làm của tôi, để gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Tôi không đồng ý, nên họ ghép tội tôi là phần tử phản cách mạng, họ bắt.
Tôi thấy chị tỏ ra cởi mở, không giữ gìn, dễ tin người. Nhưng, cũng có thể chị đã có cái nhìn tinh tế về tôi, nên mới vậy chăng" Tôi tiếp tục:
- Còn anh Thời"
Chị nói nhỏ:
- Tôi không biết rõ lắm!
Tôi hơi cao giọng:
- Tôi có lời chào và thăm hỏi anh Thời!
Tiếng nói từ một buồng phía xa:
- Chào anh bạn, anh mới bị bắt vào hỉ"
Thấy xa xôi quá, phải nói to không tiện. Nói to trong đêm khuya là một điều bất lợi. Lại tiếng chị Nguyệt nho nhỏ:
- Anh bị bắt vì tội gì" Trông anh ốm lắm!
Tôi cũng hạ giọng:
- Xin cảm ơn sự quan tâm… Chị nhìn tôi có rõ lắm không" Thế mà tôi chả biết chị như thế nào"
Một tiếng cười khẽ:
- Người ta hỏi lại cứ tảng lờ!
Cô này có vẻ đáo để và khôn ngoan. Để khỏi phiền toái những hậu họa vô ích, tôi thủng thẳng:
- Tôi là giáo viên cấp II ở Hà Nội, tội vượt tuyến.
Một lúc im lặng, rồi với một giọng thắc mắc:
- Vượt tuyến gì mà lại cùm hai chân"
Ghê nhỉ! Phụ nữ cũng không vừa. Nghĩ vậy, tôi thản nhiên:
- Có gì đâu, trong lúc bị vây bắt, tôi đã đánh cán bộ.
Lại một tiếng cười khẽ:
- Dữ nhỉ! Anh hay đánh người lắm hỉ"
Để khỏa lấp chuyện đó, tôi hỏi:
- Ở đây có mấy buồng xà lim" Nói chuyện thế này, có khi nào bị cán bộ rình bắt cùm không"
- Ở đây có 8 buồng. Nói chuyện nhỏ thế này từ 10 giờ đêm trở đi, không sợ. Thỉnh thoảng nghe tiếng chân cán bộ đi kiểm tra, mình im luôn.
Tôi nghĩ bụng, nói chuyện thế này, những lúc hứng câu chuyện, làm sao nghe được tiếng chân. Hơn nữa, gặp phải một tên cán bộ quái, nghe tiếng chân sao nổi. Tuy vậy, tôi cũng không nói ra, tôi nói như than thở:
- Sao ở đây nhiều rệp thế, tôi không thể nằm được!
Lại tiếng cười xìn xịt. Sao hay cười thế! Hết cười, cô mới như an ủi:
- Ngày mai, anh báo cáo cán bộ trực xà lim, xin ít dầu lửa đổ vào các khe gỗ.
Tôi nghĩ thầm, ngày mai tôi có còn ở đây nữa đâu. Tuy vậy, tôi im lặng.
Cũng quá nửa đêm rồi, tôi đứng lên ngồi xuống nhiều lần đã mỏi quá. Thôi, cũng đành như đêm qua, đành mời mọc hiến dâng cho những con rệp, con muỗi một bữa no nê nữa. Máu của tao, khổ cực đói khát quá, nên vừa hôi tanh, vừa loãng lắm. Lũ chúng mày chỉ có thể hút máu những người nghèo khổ cùng cực, chứ những loại máu thơm ngon bổ béo của những người giầu, chúng mày đừng hòng. Người ta có mùng mền sạch sẽ, và có nhiều loại thuốc để trị chúng mày! Giống như đồng chí của chúng mày vậy, chúng chỉ có thể hút máu mủ, những đám dân nghèo nàn lạc hậu, chứ những nước giầu có văn minh, người ta có hở cơ ra, chúng mày cũng chỉ “khạp” được một miếng mà thôi.
Mới mờ sáng hôm sau, tên công an trực trại đã vào mở cửa, mở cùm bảo tôi ra. Có lẽ lúc này cô Nguyệt còn ngủ, hoặc có thức, tôi cũng không làm sao lên tiếng chào một người “chiến hữu hai đêm”. Lợi dụng lúc tên công an quay lưng đi ra, tôi gõ nhè nhẹ tay vào tường hai cái, gọi là để giã từ người bạn mới có lòng.
Cái buổi từ Hỏa Lò ra đi, đã ruột gan đòi đoạn từng cơn. Bây giờ trở về, dù được chúng thông cảm khóa tay ra phía trước, nhưng trong lòng tôi như không còn một chút nhựa sống. Xe long lóc, người tôi ngả nghiêng; vật vờ, rũ rượi, như những chiếc lá úa trước những trận Thu phong cuối mùa.
Xe càng chạy trở về, tôi thấy lòng càng quặn thắt, xa dần miền Nam thương yêu. Lần lượt, những hình ảnh bạn bè, họ hàng ruột thịt chan chứa, đầm ấm hiền hòa hiện ra trong óc tôi. Qua khe hở của chiếc mui xe, tôi rõi mắt nhìn một mảnh trời hình tam giác lệch, về hướng Nam. Một mảnh trời xanh xanh mơ hồ, vời vợi, rõ ràng nét mặt của mẹ tôi, với đôi mắt sầu ngấn lệ, nhìn tôi đăm đăm. Một âm vang rền rĩ trong óc: Mẹ ơi! Cách trở ngàn trùng. Hướng về nơi mẹ, ngập ngừng… lệ rơi!
Tôi nhắm mắt lại để ngăn giòng lệ khỏi trào ra, uất nghẹn dồn về trái tim đen thẫm.
Xe chạy qua Vinh, trên đường đi Thanh Hóa. Hai bên đường ngập lúa chín vàng. Những sóng lúa dập dờn theo chiều gió, những làn hương đồng nội ngất ngây phả khắp không gian, cũng không làm giảm được nỗi buồn héo hắt trong lòng tôi.
Xe từ từ ngừng lại ở mé đường. Tôi liếc nhìn ra khi hai tên Thành và Nhuận xuống xe. Nhìn theo con đường đất chạy dài mãi vào nơi làng xóm xa xôi. Mãi trong phía xa, khoảng 200 mét cách đường nhựa nơi xe đậu, tôi thấy có 3, 4 thanh niên và mấy em nho nhỏ, hầu hết là quần đùi, chân đất đang chạy ra phía chiếc xe. Khi các em chạy đến, qua một vài câu trao hỏi, tôi mới hiểu đây là quê hương của tên Thành. Chắc Thành đã viết thư từ trước. Lâu ngày đi làm việc ở Hà Nội xa, may có dịp công tác qua quê nhà, nên y hẹn các em, các cháu ra hỏi han tin nhà, và cũng là để vẻ vang với xóm làng.
Mấy thanh niên và các em nhỏ tò mò nhìn vào trong xe. Chẳng biết chúng sẽ suy nghĩ gì với những cái đầu óc bị bao vây trong lũy tre làng! Lũ thanh niên và Thành hỏi han nhau tíu tít, nào là:
- Anh Thành ơi! Anh A đã vào chiến trường B rồi (theo miền Bắc lúc ấy: Chiến trường “A” là miền Bắc, “B” là miền Nam và “C” là Lào).
- Chị B lên huyện làm y tá.
- Anh C đã làm tiểu đội trưởng du kích, v.v…
Đột nhiên, một thanh niên giọng háo hức:
- Anh Thành ạ, anh Lương làng mình đã mua được một chiếc xe đạp rồi đấy. “Bình bầu” mãi! 280 đồng giá cung cấp. Hai cái tay “phanh” sáng loáng. Hôm nọ, nói mãi anh ấy mới cho em đi thử một vòng ở sân hợp tác xã, êm như ru, sướng lắm!
Tôi nghĩ thầm. Một chiếc xe đạp! Bao nhiêu lâu anh em mới gặp nhau có mươi, mười lăm phút, mà khoe “một chiếc xe đạp”, lại là của người khác cho mượn. Tôi cảm thấy, ở miền Nam, chuyện mua một chiếc ô tô cũng không đến nỗi chiếm vào cái thời giờ ngắn ngủi, mà bao nhiêu chuyện gia đình cần nói.
Sự việc này, cho phép tôi hiểu hơn một chút về cảnh sống của người dân miền Bắc. Đám thanh niên, trẻ con còn rờ, còn mó chiếc xe ô tô như một thứ kỳ vĩ lạ lùng. Với đầu óc ngây thơ hạn hẹp của họ, đúng là Liên Xô, Trung Quốc vĩ đại thực, vô địch thực! Nghĩ cho cùng, nếu tôi phải sống như họ, thì tôi cũng chẳng khác gì họ. Vậy, lỗi này đâu có phải tại họ!
Mười lăm phút sau, xe lại chạy, những đứa trẻ con còn cố chạy theo để rờ, mó chiếc xe như thể tiếc rẻ chưa rờ đã!
ba mươi: Người Mong Không Gặp, NgườiGặp Không Mong
Về tới Hà Nội đã 5, 6 giờ chiều. Trời đã lành lạnh buổi đầu Đông. Khi xe vào cổng Hỏa Lò, trời đã chập choạng. Vào phòng, sau khi mở khóa, tên Thành mở cặp lấy ra hai gói thuốc lá “Trường Sơn” và một bao diêm:
- Đây là tiêu chuẩn tiền ăn đi đường 2 ngày của anh, còn thừa 5 hào, tôi bỏ thêm hai hào để mua cho anh.
Tôi sáng mắt cám ơn. Tên Thành thật tâm lý. 7 hào bạc, bất cứ nó mua cho tôi thứ gì cũng không quý bằng thuốc lá. Tôi thấy trong lòng hân hoan hẳn lên. Một số ngày sắp tới như được hứa hẹn có một người bạn hiền, thật chung thủy, gắn bó, chia sẻ, an ủi thông cảm với tôi trong những lúc đắng cay cùng khổ của một kiếp …tù.
Tên Bằng dẫn tôi về xà lim, vẫn trở về buồng cũ, buồng số 5 xà lim III. Giờ này, tên Nhiễm trực đã nghỉ, vì thế tên Bằng mở cửa buồng. Trong buồng, ngoài bộ quần áo sọc cũ của tôi, bây giờ đã có chăn chiếu. Thật là mừng! Đã cuối tháng 11, trời lạnh nhiều, các cán bộ ở Hỏa Lò đã thay đổi quần áo mùa Đông. Sau khi cùm xong, tên Bằng ra khóa cửa lại.
Trong lòng còn đang mải mê niềm hân hoan với thuốc lá, với chăn chiếu, tôi quên bẵng không báo cáo với tên Bằng là chiều nay, tôi chưa ăn cơm. Thật là lú lẫn đáng trách. Từ 11 giờ sáng, ăn hai nắm xôi, mỗi nắm 2 hào ở Vinh, tới bây giờ chả có gì trong bụng cả. Tôi lục đục trải chiếu, cái cùm hôm nay thật lạnh buốt. Đói, lạnh thế này không thể ngủ được. Hơn nữa, mất suất cơm lúc này là cả một vấn đề. Tôi phải dũng cảm! Khi đó, chắc khoảng 7 giờ. Tôi lựa thế đứng một chân xuống nền, cố với miệng ra gần cửa nhỏ, tôi hô to:
- Buồng số 5 báo cáo cán bộ!
Một lần, im lặng. Hai lần, rồi lần thứ ba, vẫn im lặng. Tôi thấy ngần ngừ, nhưng cái bụng bắt buộc tôi phải dũng cảm tiến lên. Tôi cố hô thật to một lần nữa. Vừa hô được nửa câu thì cửa sổ nhỏ xịch mở, làm tôi giật mình. Chắc rằng, tôi hô từ nãy, y đã từ đâu mò đến, khe khẽ nghe ngóng, tôi đâu có biết, y quát:
- Báo cáo cái gì"
Tiếng la của một người lạ, tôi không nghe giọng quen. Tôi dõng dạc:
- Báo cáo ông, chiều nay tôi chưa được ăn cơm.
Y gằn giọng:
- Sao không được ăn cơm"
- Tôi đi từ Hà Tĩnh mới về, từ sáng tới giờ chưa ăn.
Cửa sổ nhỏ đóng lại. Chừng 15 phút sau, cửa sổ lại mở. Lần này là tên Bằng. Y còn hỏi:
- Anh chưa ăn cơm à"
Tù bây giờ vào hết trong buồng rồi. Y đi mươi phút, có lẽ xuống bếp. Một lúc sau, y mở cửa, đưa vào cho tôi một bát đầy cơm, với một bát con có ít muối trắng. Y nói có vẻ dìu dịu:
- Canh không còn, anh ăn với muối vậy.
Tên này mắt lồi, trông dữ tướng, vậy mà tử tế tệ. Tôi mừng hết chỗ nói. Bát cơm gấp rưỡi mọi khi. Chẳng cần đũa, dùng 10 chiếc đũa trời cho mà tuyệt vời. Vừa ăn, vừa ngẫm nghĩ, nếu mình không dũng cảm lên tiếng, cứ do dự ngại ngần, làm gì có cơm ăn. Vậy trong cuộc đời, nhiều khi phải liều mới đạt kết quả. Hôm nay, tôi thấy lòng vui hẳn lên. Nhiều cái may, thuốc lá này, chăn chiếu này, bây giờ lại bát cơm đầy. Thế mới biết, hạnh phúc của con người chẳng có tiêu chuẩn quái nào cả. Vì thế, Cộng Sản đã triệt để lợi dụng khía cạnh này, để du hoặc lòng người.


Khoảng 15 phút sau, tên Bằng trở lại mở cùm, tôi đem bát ra trả và múc gáo nước. Theo quy định ở xà lim, không được để bát trong buồng. Cùm xong, tôi loay hoay tính toán.Cái chân trong cùm lạnh quá, mình sẽ chiếu cố đặc biệt cho nó. Tôi lồng hai ống một chiếc quần cũ lại, lựa luồn lách vào lỗ cùm, vừa lót, vừa cuốn cho cái chân ngăn cách với sắt. Trải chiếu ra, nằm vẫn buốt lưng, tôi phải gấp lại làm tư, chỉ lót từ mông đến vai. Tôi mặc hai áo, lấy chăn cuộn để hai chăn giáp chéo sang nhau ở dưới lưng (như vậy cũng như nằm lên hai lượt chăn). Nằm xuống, thấy tương đối dễ chịu, tuy sờ hai vai và từ đùi trở xuống vẫn lạnh, nhưng với mức độ lạnh thế này vẫn chịu được. Chỉ còn cái đầu, không có cái gì để gối lên một tí. Khó khăn đẻ ra sáng kiến! Lục lọi, tìm tòi trong óc, cuối cùng tôi nhớ tới mấy bó cuống chổi thanh hao, vẫn thường cọ rửa thùng phân, dựng ở mé tường chỗ vòi nước. Để ngày mai, tôi tính cả một kế hoạch, cho làm sao để có “một chiếc gối đầu”.
Mỗi sáng, tôi được 5 phút làm vệ sinh với những động tác sau: chạy lẹ đem bô đổ vào một cái lỗ chỗ đi ỉa; chạy về mở nước đổ tráng lần một, lần hai cho chổi vào cọ sơ, đổ; tranh thủ rửa hai cái tay, vuốt lên mặt mấy cái, rồi ôm bô vào. Ngày mai, tôi sẽ bỏ rửa tay, rửa mặt, để rửa hai đoạn cuống bó chổi thanh hao, vì các buồng họ làm vội, nhiều khi còn vướng những cục phân nhỏ vào những chạc cành phía trong. Tháo một cái lạt, tất cả đút vào bô, đậy nắp, vào buồng là ổn.
Đêm ấy, tôi nằm ngủ tương đối dễ chịu, những chú muỗi đành đứng ngoài khóc. Mùa Đông, càng lạnh càng ít muỗi. Thật là kỳ cục. Giá đổi lại mùa Hè ít muỗi, mùa Đông nhiều muỗi, tôi hạnh phúc biết bao!
Sáng hôm sau, kế hoạch đã tính kỹ, tôi cứ thế thực hiện. Khi vào buồng, tôi gỡ ra, tỉ mẩn bó lại thành một bó tròn đường kính độ 5 phân, dài chừng 20 phân. Tuy là chổi cọ thùng phân, nhưng tôi rửa kỹ nên chỉ hôi mà không thối. Còn ướt quá, tôi cố với người dựng vào phía trong của gầm sàn, tối nay sẽ ráo.
Một lúc, mụ Hoa vào gọi đi cung. Hôm nay lên, tôi gặp tên Nhuận và một tên lạ mặt. Sau một vài câu hỏi xã giao thường lệ, tên Nhuận mở cặp:
- Hôm nay, để thấy được sự thành khẩn của anh với cách mạng, chúng tôi sẽ hỏi anh một số vấn đề.
Y có chừng 20 cái ảnh đen trắng, loại hình 4x6 mà ai mới bị bắt cũng phải chụp để làm hồ sơ. Y đưa từng cái một, hỏi tôi có biết ai không. Trong khi đưa ảnh cho tôi xem, cả hai đứa đều theo dõi nét mặt và ánh mắt của tôi.
Kể cả 20 tấm ảnh gầy ốm, chứng tỏ là ảnh người tù. Tôi không biết một ai. Những dù cho có biết, tôi cũng tảng lờ ngơ ngác không biết. Qua một số thái độ, cách hỏi, cách đưa ảnh, tôi đã ngửi thấy vấn đề. Tôi hiểu trong số 20 tấm hình này, sẽ có từ một đến vài cái là ảnh của những người từ miền Nam ra, nằm trong một màng lưới tình báo nào đó của Sài Gòn đã bị bắt ở miền Bắc. Số còn lại, hầu hết là ảnh của tù hình sự, hoặc của tù nhân không liên quan đến tình báo. Những người trong tình báo của Sài Gòn bị bắt, hoặc còn ở một trại giam tỉnh nào đó, hay ở ngay trong Hỏa Lò, nhưng giam riêng biệt nên không biết nhau. Có rất nhiều điều chúng không biết, chúng cần thẩm tra. Vậy, đây cũng chỉ là một trong những phương pháp chúng thăm dò.
Tùy theo sự hiểu biết, cũng như quan điểm của những người đã bị bắt, biết đâu, do vô tình, hoặc do thành khẩn, thấy ảnh người quen, nói quen. Chúng sẽ tìm hiểu, điều tra quan ở đâu" Trường hợp nào" Bao nhiêu lần" Đã thấy làm những gì" Hay đi với ai" Thường đến chỗ nào" Thường đi xe gì" Mặc quần áo gì" v.v… Từ đấy, chúng có thể phanh phui ra những điểm mà đối tượng kia còn dấu, hoặc xác nhận chiều hướng chúng có thể tin. Chúng sẽ lấy người này thọc người kia, lấy người kia lại thọc người này. Vì những sự kiện tù nhân khai xảy ra ở trong miền Nam, chúng không thể nắm được trong việc thẩm tra, nên chúng chỉ còn dùng những cách như vậy. Với tôi, những trò đó, đừng hòng. Nhiều khi tôi lại tương kế tựu kế, làm cho chúng rối mù thêm, đưa chúng vào cái mối tơ vò cho chúng tha hồ gỡ. Thời gian ở Hỏa Lò, cũng như sau này đi trại trung ương, tôi thấy chúng thường đột xuất diễn cái trò ấy. Tôi biết, chúng đã đưa ảnh của tôi đi những nơi nào đó mà quá trình khai báo có trùng hợp một không gian, một thời gian, v.v… để chúng nghi người đó có thể biết tôi.
Kỳ này, có khi 2, 3 ngày mới gọi cung. Lúc chúng truy tôi điểm này, lúc điểm khác, lúc sự việc này chưa rõ, lúc việc kia là vô lý, nói láo, v.v…
Trời bước sang tháng 12 càng lạnh dữ, lúc đó cũng là tháng 11 Âm lịch. Một chăn, một chiếu nhưng nằm trên đá và sắt, về mùa Đông bụng càng đói ghê gớm. Không có “ca lô ri” để chống lạnh, suốt đêm hầu như tôi không ngủ được, cứ ngồi co ro. Bốn lượt chiếu, hai lượt chăn mà cái lạnh của sàn xi măng vẫn thấu lên lưng không nằm được. Lúc này tôi, ngày đêm, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới ăn thôi. Nghĩ đến bất cứ cái gì cũng thèm chảy nước dãi ra. Mà quái làm sao, bất cứ nghĩ gì, rồi dần dần cuối cùng lại ra chuyện ăn. Nhiều lần tôi đã giận khùng ngay chính với tôi, tại sao lại chỉ nghĩ đến ăn cho nó thèm. Tôi cương quyết dứt khoát bắt óc tôi không được nghĩ đến ăn nữa. Tôi nghĩ đến một anh bạn thân là Nguyễn Văn Nhượng, anh học khóa 10 Thủ Đức. Cuối tuần, tôi lên trường đón anh xuống Sài Gòn, đi chơi khắp thành phố, để rồi xuống chợ Ông Tạ ăn bún chả, thế là cứ nuốt nước miếng ừng ực. Thậm chí, tôi nghĩ đến những ngày còn nhỏ ở Hà Nội, tôi và một người bạn đạp xe vào Hà Đông, rồi chùa Trầm chơi, ghé vào một quán quê bên đường ăn hai gói xôi đậu đen, nước miếng lại chảy ra đầy mồm. Đôi khi từ một cuộc duyệt binh, một đám đánh nhau, một buổi tập võ…nhưng thế nào rồi cũng đến chỗ ăn.
Ôi! Thằng Marx đã phát hiện ra cái huyệt của thời đại, cái huyệt của con người, nên nó đã nghiên cứu viết tập “Tư Bản Luận”. Học trò của tên Marx chỉ cần nghiên cứu thực nghiệm, lại nghiên cứu bổ sung, cuối cùng sao cho thật tinh vi hết cỡ, làm thế nào đó để khi nó thọc vào huyệt là con người dúm lại, dù người đó là ai, chỉ trừ không phải là… người.
Những ai chưa từng bị đói, dứt khoát không thể cảm nhận hết được cái đói đã đành, nhưng kể cả những người đã đói hàng tháng, hàng năm mà còn có một cứu cánh tinh thần như ta sắp hết án, trở về sẽ no; vợ sắp ra tiếp tế cho ta, sẽ có bữa no; tội của ta không có gì, sắp được tha, sẽ no. Ngoài biển khơi, cố gắng chịu đựng vào bờ, sẽ no, v.v… Những người đó vẫn chưa cảm nhận hết cái ghê gớm của đói nên hãy còn có tính cương cường, danh dự, tư cách… Chỉ có những ai đã đói triền miên, năm này qua năm khác, ngửng nhìn khắp 4 phương trời, không còn một hy vọng gì có một ngày sẽ no, lúc đó mới thấy được cái ghê gớm của cái đói ở mức độ nào. Sau này, những thiên tới sẽ có nhiều sự việc, nhân chứng sinh động về vấn đề trên.
Mùa Đông, thường suốt ngày âm u, không có mặt trời. Trong buồng ngồi nhìn chiếc cùm còn không rõ, ở bên ngoài chắc trời âm u xám xịt, như lòng tôi lúc này. Từng đợt, từng đợt gió mùa Đông Bắc theo nhau tràn về, gây lên cái lạnh tái tê. Gió ào ào luồn qua khung cửa sổ bé tít mãi trên trần, gió lách qua những khe hở của những viên ngói trên mái tạo nên những âm thanh vi vu, rên rỉ, nghe càng thê lương ảm đạm trong chốn ngục tù. Những đầu ngón chân, ngón tay của tôi không hiểu sao sưng lên ngứa buốt không chịu nổi. Tôi không hiểu, tôi mắc bịnh gì" Quái lạ! Từ nhỏ tôi không thấy bệnh này, nó sưng đỏ mọng lên, nhức buốt suốt đêm ngày. Nhất là về đêm, nó nhức tôi không thể ngủ được. Tôi cứ ngồi gục đầu xoa nắn ngón chân, ngón tay, lòng hoang mang lo sợ không biết là bệnh gì. Đêm thâu vắng lặng, chỉ nghe có tiếng gió gầm gừ lồng lộn ngoài trời. Lâu lâu, chiếc cửa sổ con lại xịch mở. Tôi ngửng lên, cửa đóng lại. Tôi hiểu đây là cán bộ tuần tra ban đêm, cứ một hoặc hai tiếng lại mở cửa sổ kiểm soát. Sao mà trời già cũng cay độc, toa rập với lũ người khát máu, hành hạ trăm chiều những kiếp người cùng khổ lầm than! Nỗi niềm chảy dài mãi vào đêm thâu tịch mịch. Lúc này, chắc hẳn cũng 2, 3 giờ đêm. Đột nhiên, cửa nhỏ lại xịch mở. Tôi ngửng lên, qua ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn điện trên trần, tôi chỉ thấy một cái mũi và hai đốm mắt long lanh. Lần này, cửa không đóng lại ngay. Một giọng nói phụ nữ chưa bao giờ nghe: "Sao anh không nằm xuống ngủ""
Giữa cảnh âm u, vắng lặng, giọng hỏi han như chứa đựng tình người cảm thông. Tôi trả lời trong một chút xúc động:
- Không hiểu sao ngón chân và tay tôi sưng đỏ lên và buốt lắm, tôi không ngủ được.
Tôi giơ cả mười ngón tay ra chỗ sáng gần cửa sổ. Giọng nói nho nhỏ như tiếng thì thào:
- Anh bị cước đấy!
Tôi chợt nhớ ra ngày xưa khi còn bé, nghe người ta nói trâu bị cước chân, khi đã long móng thì chết. Thế mà các móng chân của tôi, tôi cảm thấy nếu mình kéo mạnh, cũng sẽ bong ra, bởi quanh rìa móng chân mọng đỏ lên như có nước, chỉ vì cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, không có sức đề kháng, vì thiếu quần áo và chăn ấm, vì phải nằm trên cái lạnh của sắt và đá, vì thiếu một ngọn lửa… Nghĩa là, nếu tôi chỉ cần có một trong những thứ trên, chân tay của tôi sẽ không bị như vậy.
Cửa sổ vẫn mở. Vẫn hai đốm mắt long lanh và chiếc mũi lúc rõ, lúc mờ. Im vắng nặng nề. Hai thái cực, hai trận tuyến nhưng có cái chung cùng là … con người.
Giọng nói êm êm lại cất lên:
- Mai anh báo cáo y tá, xin một tí nước muối rồi ngâm chân tay anh vào.
Ôi, người này không phải thường xuyên ở Hỏa Lò rồi. Nếu như vì lý do nào đó, anh chết thì thôi, chứ làm gì có chuyện cho nước muối để ngâm chân! Hơn nữa, muối lại là điều tối kỵ trong xà lim. Hoặc, có thể người đó cũng hiểu như vậy, nhưng trước cảnh này phải nói thế cho qua chuyện. Dù sao, giọng nói ấy, hai đốm mắt ấy như ẩn tàng một tình người chân chính, cũng vuốt ve phần nào cõi lòng lẻ loi, cô đơn heo hút đang tràn ngập lòng tôi.
Cửa đã đóng rồi. Người đã đi rồi. Chỉ còn tiếng gió gào trên mái. Tôi chợt nhớ đến một bài ca: “Mùa Đông gió, lạnh lùng, gió lạnh lùng. Chim thôi bay, ngoài mưa gió… hãi hùng. Gió hú chi cho thêm đau lòng người chiến sĩ… Trong đêm trường…”
Gió vẫn lồng lộn thét gào, xà lim vẫn âm u, vắng lặng. Tôi thiếp dần vào đêm kinh hoàng.
Bẵng đi 5, 6 ngày không gọi cung. Hôm nay tên Bằng mắt lồi lại gọi. Khi mở cùm, cả bàn chân tôi cũng mọng đỏ lên, vô cùng nhức buốt. Tôi cho chân xuống, xỏ vào đôi dép Thái Lan cũng thấy đau. Tôi đứng dậy, cố gắng khập khiễng đi như người què. Tên Bằng hỏi giọng thờ ơ:
- Chân anh sao thế"
Tôi trả lời nhát gừng:
- Chẳng hiểu sao ngón chân, ngón tay của tôi sưng buốt.
Mỗi bước chân tôi đi như dẫm vào đống mảnh sành. Tôi cố gắng khật khưỡng. Có thể vì máu nóng dồn xuống chân, mặt khác, các mạch máu và những tế bào chân, trước nằm im, bây giờ chuyển động, vì vậy tôi thấy đỡ đau buốt dần.
Hôm nay, tên Bằng lại chỉ đường sang phía dẫy nhà bên kia sân của giàn nho. Dẫy này, tôi chưa hề bao giờ tới. Tên Bằng dẫn tôi đến một căn buồng lớn ở đầu dẫy. Vào buồng, tôi thấy 6, 7 người ngồi. À, đây là phòng giám thị trại, vì tôi thấy Thượng úy Trì, Phó giám thị, người miền Trung, ngồi ở một ghế cạnh “buya rô” lớn, trên có rất nhiều hồ sơ và một là cờ đỏ sao vàng nhỏ.
Ngồi ghế chính giữa là một tên chừng 45 tuổi, mặc một cái áo “vét tông” gần cạnh đấy, là tên Đức và một số người lạ nữa mặc đồ dân sự.
Trong phòng treo một ảnh Hồ Chí Minh lớn ở chính giữa tường, cùng với nhiều khẩu hiệu: đảng, tổ quốc, cách mạng, v.v… đỏ loẹt cả văn phòng. Trước buya rô, vẫn chiếc ghế đẩu chơ vơ của tội nhân. Tên Đức chỉ tay bảo tôi ngồi. Xong, hắn nói tiếp, vẻ trang trọng, đưa mắt về phía người mặc áo “vét”... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.