Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

18/06/200700:00:00(Xem: 3038)

(Tiếp theo...)

Lực xách cái thùng gỗ đựng đồ nghề đánh giày đi từ sáng đến mãi trưa mà chẳng có ma "Việt kiều" hay khách nước ngoài nào gọi vào cho nó làm việc hết. Mặt trời ban trưa nhả những khối nhiệt hừng hực xuống trần thế, nóng đến nỗi chất nhựa hắc ín đen tráng đường đã bị hun nhũn mềm ra. Khi đôi bàn chân Lực vừa bước xuống, nó đã giật bắn người kêu oái, rồi nhảy trở lại lên lề, ngồi tựa vào một gốc cây sao kéo bàn chân lên xuýt xoa. Sống ở xứ biển miền Bắc quanh năm khí hậu khá ôn hòa, lần đầu tiên Lực được thưởng thức cái nóng khủng khiếp của thành phố Sài Gòn. Giờ đây, thằng bé đã hiểu tại sao những con người đang cỡi xe gắn máy và xe đạp chạy đầy trên đường phố, người nào người ấy đều cột một cái khăn che kín gần hết khuôn mặt, chỉ chừa có mỗi đôi mắt. Nhưng cũng có nhiều người mang luôn cả kính dâm, nên lắm lúc Lực tự cười phì với chính nó, bởi trông những con người ấy kỳ dị quá đi, gần giống như những cái xác người di động.
Đàn ông đã thế mà giới phụ nữ càng kỳ quái hơn, nhiều người từ đầu đến chân cứ là trùm kín mít hết, không chừa một mảnh da thịt nào ra dưới ánh mặt trời, thằng bé hiểu ngay rằng họ sợ cháy da, sắc đẹp bị hỏng mất, mặt nám da đen thì còn có ma nào đeo đuổi nữa. Ngay cả những chị quét đường đang quần quật bên những đống lá khô cũng thế. Thấp thoáng dưới chiếc nón lá rách, phía trên mảnh khăn quàng trắng che đến tận mũi, những đôi mắt hấp háy dưới cơn lửa nhiệt và bầu không khí mù đục. Lực cảm thấy ngực nằng nặng như treo đá, mùi khói bụi thành phố khen khét, hăng hăng xộc vào mũi rồi chui tọt vào buồng phổi teo tóp của nó đã tạo ra cái cảm giác váng vất khó chịu đó. Giữa trưa mà thành phố chìm ngập trong một cái chụp đầy sương khói mờ mịt. Có đâu được bầu trời xanh trong, lảng đảng những cụm mây trắng nõn như bông, mùi gió biển thơm nồng vị mặn của muối, quyện lấy mùi hương hoa dại trong lành ở miền biển quê nghèo của Lực.
Buổi sáng hôm sau, từ cái đêm ngủ say sưa trong cái hành lang giữa hai tòa cao ốc, Lực đang nằm co người như một con tôm chìm sâu trong một giấc mộng đẹp, với cái dạ dày đã được chăm sóc bằng khúc bánh mì tình nghĩa của anh em thằng Hiền, thì bỗng dưng, Lực giật mình chồm dậy, bởi mông nó bị một bàn chân của ai đó đạp cho một cái đau điếng. Thằng bé người Quảng Ninh ngơ ngác nhìn quanh, đôi mắt cay sè như bị ớt xát vào, nó đưa tay lên dụi để nhận ra gương mặt của thằng Hiền. Hiền chăm chú nhìn thằng bé lạ, tay giật chiếc chiếu rách:
-Sáng rồi, mầy đi đâu thì đi, tao cuốn chiếu.
Lực ngẩn ngơ đứng lên, trong lòng còn tiếc giấc ngủ no tròn, nó đứng ké né một bên nhìn hai anh em con Lành thu xếp đồ ngủ. Thằng Hiền cuốn chiếc chiếu bó hai cái bao gối đầu của anh em nó thành một cái gói tròn như một khúc bánh tét, lấy một sợi dây vải trắng dẹp cột chặt. Thằng anh Hai ôm cái gói chiếu lạ lùng ấy bước vào sâu bên trong đặt xuống bên cạnh một người đàn bà đang ôm một đứa con nhỏ trong lòng:
-Má Tư cho con gởi cái chiếu.
Người đàn bà quẳng cái gia sản gần như vô sản của anh em Hiền chồng lên những cuộn chiếu vô sản khác, chắc là của những đứa trẻ đã ngủ la liệt dưới mái hiên đêm qua. Một số đã biến mất, chắc chúng dậy sớm và ra đi từ lúc mặt trời còn nấn ná giấc ngủ sau những ngọn cây xanh. Má Tư, một người đàn bà trong độ tuổi bốn mươi, hơn hay kém, cứ nhàn nhã ngồi ở nhà, tức cái hốc kín ở tận cùng cái hành lang, chẳng cần làm gì mà cũng có đồng vào. Bọn trẻ cứ sáng đi, gởi chiếu, tối khuya mờ mịt trở về nhận lại chiếu và trả tiền dịch vụ giữ đồ cho má Tư. Công chuyện làm ăn của má Tư đang hồi phát đạt và rất được bọn trẻ giang hồ tín nhiệm, vì chẳng bao giờ bị mất mát hay nhầm lẫn. Má Tư có một trí nhớ rất tốt, do yêu cầu của dịch vụ cần phải thế, cứ đứa nào chường mặt về, không cần nhìn, má Tư chộp lấy một bó chiếu thảy cho nó, là đúng ngay phong phóc.
Thằng nhỏ nằm trong lòng người đàn bà ngậm chặt lấy cái núm vú đen sì dài nhì nhằng như một mảnh cao su, chiếc áo bà ba nâu bạc thếch vén lên quá ngực một chút, để lộ bầu vú trắng mốc nhờn nhợt chằng chịt những sợi gân máu màu xanh nhạt. Bắt gặp đôi mắt của thằng Hiền với tia nhìn hau háu rơi lên khoảng da thịt hở, Má Tư rứt thằng bé ra khỏi ngực, đưa tay kéo cái vạt áo xuống, rồi nạt:
-Nhìn cái gì, chưa mở mắt mà đã muốn nhìn vú đàn bà rồi hả mậy"
Người đàn bà bỗng cất tiếng cười giòn:
-Không được đâu con ơi, cái này dành riêng cho dượng Tư với thằng cục cưng này thôi.
Thằng nhỏ đang mê đắm với mạch sữa thân thương, những ngón tay mũm mĩm của nó xoa nhẹ phía ngực bên kia của mẹ, bị giật mất nguồn khoái cảm, nó há miệng rên ư ử muốn chúi đầu vào, nhưng người mẹ đã cương quyết đẩy ra. Thằng Hiền đỏ bừng mặt gãi đầu, lúng túng như một đứa trẻ ăn vụng:
-Dạ... dạ... con đâu có... Con chỉ đợi hỏi má Tư thằng nhỏ này.
Trước khi quay đầu đi, Hiền vẫn còn cố len lén lướt mắt qua cái vùng ngực áo ướt đẫm chất sữa thừa của người đàn bà, làm hiện lên cái vết hằn của cái nịt vú dưới làn vải. Người đàn bà không chộp được ánh mắt tội lỗi đó, hoặc vả có biết nhưng nàng cứ làm ngơ. Cái bọn trẻ côi cút này bị ném ra ngoài cõi đời sớm, nên chúng trưởng thành trước tuổi, lúc nào cũng khao khát muốn tìm hiểu cặn kẻ về những con người và sự vật chung quanh với sự háo hức bồng bột, như những chú ngựa non tràn trề nhựa sống thèm thuồng một con ngựa cái, dù là một con ngựa già. Thôi cứ cho nó ngắm một tí để biết chút da thịt của đàn bà, có mất mát gì đâu. Từ tận đáy lòng, má Tư cũng hãnh diện lắm chứ, ở cái tuổi ngoài bốn mươi này mà nhan sắc vẫn còn quyến rũ được bọn trai trẻ, ánh mắt soi mói của chúng lắm lúc làm cho nàng rờn rợn, những mạch máu căng phồng lên trong thân thể, làm dậy lên một thôi thúc dục tình. Cũng có thể trong thế giới nhỏ bé của cái hành lang này, như người chột ở giữa đám người mù, cái thân thể mơn mởn của má Tư nổi bật lên giữa đám con gái nhỏ còi cọc xấu xí, đã thu lấy hết những sự chú ý và chiêm ngưỡng của bọn trẻ. Dưới mắt chúng, má Tư vừa là một người mẹ, dù là mẹ hờ, bảo bọc cai quản đàn con nhỏ, mà cũng là một người đàn bà để mỗi đứa tự dệt lấy và chôn chặc trong tim một nỗi si mê vụng về và tuyệt vọng. Tình thực thì ở cái tuổi xế chiều, Tư làm sao có thể sánh nổi với những cô gái đẹp đẽ mỹ miều đầy dẫy trên đường phố ngoài kia, nhưng cái nước da màu chì của Tư phủ lên thân thể nàng một nét quyến rũ man dại như sức hút của một thỏi nam châm, đôi môi dầy tươi bóng với cái môi dưới hơi trề ra như mời gọi một nụ hôn nhục dục cháy bỏng.
Nhìn cái vẻ ngượng nghịu của thằng bé, má Tư dịu giọng:
-Hôm nay đến lượt con Lành được ẵm thằng cu A Ca, tụi mày có mướn không"
Hiền vội trả lời ngay, vì nó sợ má Tư còn phiền lòng cái nhìn hỗn của nó, sẽ cho con bé khác đoạt lấy thằng A Ca:
-Dạ, mướn chớ má Tư, để con kêu con Hiền vô ẵm em A Ca.
Sài Gòn một thời người ta mê phim loạt phim Hoàn Châu Cách Cách của bà Quỳnh Dao, má Tư không bỏ sót một đêm nào. Khi cùng với dượng Tư sinh được thằng nhỏ, má Tư nhớ đến chàng tài tử đóng vai Ngũ A Ca. A Ca là hoàng tử, nói theo cách của người Mãn Châu. Mê anh kép đẹp và cũng để ấp ủ mãi hình ảnh ấy trong tim, má Tư đặt tên cho con là A Ca, nghe êm ái và hay hay. Nhưng dượng Tư thì không thích chút nào, bởi dượng nghĩ đến một ý nghĩa khác:
-Bà đặt cái tên nghe ghê thấy mẹ, giống như súng A Ka bốn bảy của mấy vả...
Má Tư xì một tiếng thật dài:
-Giờ nầy mà còn A Ka bốn bảy gì nữa, xưa quá rồi ông ơi. A Ca là hoàng tử nhà Thanh chớ súng đạn gì.
Dượng Tư chỉ cười ruồi không nói gì. Ôi, một khi đàn bà họ đã quyết định thế thì ta cứ đồng ý như thế, chẳng phải tốt đẹp hơn sao, còn hơn là bị chì chiết nhức buốt thấu xương về sau này.
Hiền vẫy tay gọi con em:
-Lành, mầy vô đây ẳm A Ca, trễ rồi.
Con bé Lành đang đứng cắn ngón tay nhìn thằng nhỏ người Bắc tiu nghỉu bước chầm chậm ra khỏi cái hành lang, nó ái ngại trông theo cái dáng thiểu não của Lực. Lực đứng tựa vào cây cột đèn đường nhìn dòng xe cộ chạy ầm ĩ, lòng tự hỏi sẽ đi về nơi chốn nào và bắt đầu một ngày mới bằng cái gì. Lực quay đầu lại thèm thuồng nhìn bọn trẻ bụi đời đang tíu tít cười nói, chuẩn bị đồ nghề, thùng, giỏ, cần xé và nhiều thứ bà lằng khác, mỗi đứa một công việc, mà Lực biết chắc rằng sẽ hết sức vất vả và cay đắng để được sinh tồn. Thằng bé ao ước tìm được một cái nghề nào đó trong những cái mà bọn trẻ đang chia tay tan tác mỗi đứa một hướng kia. Trong lòng Lực trào dâng một nỗi buồn tủi, tấm thân gầy guộc cùng khuôn mặt sầu não của mẹ chợt hiện lên trong ý nghĩ, Lực biết đôi mắt nó đã cay xé. Mười ba tuổi đời, lặn lội mấy nghìn cây số vào đến thành phố miền Nam này đã là một chuyện phi thường đối với một đứa trẻ con như nó, nhưng giờ đây Lực thấy mình đang đối diện với một cái ngõ cụt không lối thoát, nó không biết phải làm gì nữa. Ăn xin chăng" Lực chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện đó, bởi nó còn mấy tờ giấy bạc của mẹ trong túi. Thằng nhỏ rùng mình nghĩ đến hình ảnh những đứa bé rách rưới, đói khát xúm quanh những cái bàn ăn liếm láp những chất cặn bã gớm ghiếc, như những con ruồi cố đậu vào một miếng đường cũ. Lực cay đắng nhận ra rằng, rồi cũng đến lúc nó sẽ biến thành một con ruồi như thế, nếu không có một phép mầu nhiệm nào cứu vớt cuộc đời nó, bởi đói quá thì đầu gối phải bò, còn nơi nào đáng bò tới nữa, ngoài những quán ăn và nhà hàng.
Lực ngồi xuống dựa lưng vào chân cột nhìn theo cái hoạt cảnh tấp nập đang diễn ra nhộn nhịp trước mắt, nó cố nặn óc suy nghĩ tìm một cách kiếm tiền, dù là chỉ một vài nghìn bạc thôi để tạm sống trong ngày hôm nay, mà không làm vơi đi chút nào cái gói tiền của mẹ, vì trong thâm tâm, Lực cố hứa với lòng nó sẽ không chạm đến những đồng tiền đã đẫm nước mắt của mẹ trong giây phút phân ly bên bờ cát buổi sáng còn lạnh hơi sương. Thảm thương chưa, Lực còn muốn gởi ngược về cho mẹ gói tiền này. Nhưng chưa phải là bây giờ, Lực kiên nhẫn chờ đợi đến cái ngày làm ra tiền, ước ao chỉ ngày được hai khúc bánh mì nhỏ, bằng cái mà Hiền cho đêm qua, uống nước máy cho bụng phềnh to ra trong một cơn no giả tạo, thì nó sẽ gởi ngay gói tiền về cho mẹ. Có lẽ Lực sẽ nói dối với bà, rằng đó là những đồng tiền đầu tiên nó kiếm được ở xứ người.
Má Tư giúp con Lành buộc cái yếm choàng thằng A Ca trước ngực thật chặt phía sau lưng. Lành đang chuẩn bị xuống đường trong vai trò của một con bé ăn xin phải nuôi đứa em nhỏ mới năm, bảy tháng tuổi, vì cha mẹ hai chị em đã chết hết rồi. Lành khoác lên người bộ quần áo rách nát, thể hiện cuộc sống khổ ải cùng cực của một kiếp người ở tận đáy xã hội. Thằng A Ca thì càng tội hơn, nó trần truồng nằm cựa quậy trong lòng con chị hờ đòi ăn, hai cái ống chân đen nhẻm thò ra khỏi cái yếm dãy dụa trong một trạng thái tuyệt vọng. A Ca sẽ đói thật, vì nó chỉ được Tư cho bú một cú ân huệ trước khi ra đi, phần thời gian còn lại của một ngày thì tùy thuộc vào một con bé nào đó đèo nó trước ngực. Đứa nào có thương thì đút cho A Ca chút cơm canh, phở thừa xin được, nếu không thì A Ca đành... chịu, nó chỉ còn có thể khóc la ầm ĩ để gợi lên sự thương cảm của người đời, nhưng đến một lúc mệt lả, A Ca sẽ lịm người nằm bất động như trong cơn hấp hối. Đó là cái kịch bản không chỉ riêng Lành, mà những con bé bụi đời khác với thằng A Ca trước ngực sẽ nhai đi nhai lại cái điệp khúc thê thảm: "Lạy ông, lạy bà, lạy cô, lạy chú cho con xin chút lòng nhân để con nuôi đứa em con. Ba má chúng con bị xe lật chết hết rồi... Em con đói sữa đã mấy ngày..." Nói đến đây, Lành sẽ khóc nức nở, nước mắt chảy đầm đìa trên đôi má lem luốc, bởi má Tư đã hóa trang cho nó bằng lọ nghẹ trộn với đất cát. Lúc đầu thì con bé chỉ tự cho là khóc giả vờ, nhưng khi nhắc đến cái chết của ba má, thì Lành khóc thật, vì nghĩ đến thân phận côi cút của anh em nó. Lành diễn xuất thật quá, làm nhiều người cũng rơi nước mắt theo, nhất là là quý bà, quý cô, nên hôm nào đến lượt Lành được "mướn" thằng A Ca, thì nó kiếm được khá tiền.


Đến cuối ngày, khi đã trả A Ca lại cho má Tư thì anh em Lành dẫn nhau ra một cái xe hủ tiếu bình dân tự thưởng cho mỗi đứa một tô lớn. Hủ tiếu bình dân của chú Hên ăn cốt cho no vì chú cho nhiều cái, chứ nước lèo nhạt thếch như nước ốc, anh em Hiền phải xịt thêm nước tương vào. Thịt thà thì chỉ lèo tèo vài miếng mỏng như tờ giấy, nhai mấy cái chúng đã biến mất cái vèo dưới đáy bao tử, có cũng như không. Tiền nào của ấy, chỉ có hai ngàn một tô mà đòi như cao lương mỹ vị được sao, ngày nào có được một tô hủ tíu chú Hên là sung sướng ngây ngất lắm rồi. Những ngày không có thằng A Ca thì anh em Lành ăn qua quít bằng thức ăn thừa mà con bé xin được và chứa trong cái lon nhôm mang trước ngực.
Vợ chồng má Tư sống nhởn nhơ trên mồ hôi nước mắt của bọn trẻ giang hồ bằng nhiều thứ dịch vụ kỳ quái mà chỉ hiện hữu dưới cái chế độ quái vật này. Triết gia Pascal của Pháp đã chẳng từng nói rằng:"Trong con người có một ông thánh và một con thú", ông thánh tượng trưng cho đạo đức và lương tri, con thú biểu hiện bản năng của con người. Cái chế độ xưng là xã hội chủ nghĩa duy vật chủ trương hủy diệt phần tâm linh của con người, nên ông thánh phải đội nón ra đi, dung bồi cho phần bản năng thú tính của con người được nảy nở tự do và phát triển lên đến mức cao nhất, vì nó thuộc về phạm trù vật chất, là duy vật. Trong cái chế độ quái đản đó, người ta sống bằng bản năng chứ không sống bằng đạo đức và lý trí. Người sống bằng bản năng sẽ cười vào mũi những người sống bằng lương năng là những thằng... ngu, khi họ dừng lại trước đèn đỏ chờ đèn xanh bật lên. Được trang bị, gieo trồng bằng cái quan niệm đó, một người sống bằng bản năng có dịp sang nước Mỹ hay Canada, hoặc bất cứ nước phương Tây nào, lúc nửa đêm trông thấy một người sống bằng lương năng chịu khó dừng xe trước cái bảng STOP ở một ngã tư chừng ba giây rồi mới lái xe đi tiếp, dẫu lúc ấy đường sá vắng tẻo tèo teo, sẽ cho người ấy là thằng... điên. Tỉnh hay điên được diễn giải từ nhiều khía cạnh khác nhau của những con người hấp thụ những nền giáo dục khác biệt. Cho nên những gì mà vợ chồng dượng Tư đang nghĩ và làm, thuộc về phạm trù bản năng, rất phù hợp với và là sản phẩm của nền triết lý duy vật của chủ nghĩa xã hội. Trong xã hội của xã hội chủ nghĩa, những gì mà vợ chồng Tư làm đều được coi là tỉnh, còn trái lại là điên.
Má Tư cho bọn con gái thay nhau "mướn" thằng A Ca mỗi đứa một ngày, cứ thế xoay vòng, vì có thằng nhỏ theo sẽ kiếm nhiều tiền hơn là đi xin một mình. Tiền xin được trong một ngày phải trình ra hết cho má Tư, nàng đâu có lấy nhiều nhặn gì cho cam, chỉ sáu phần mười số tiền ấy. Bọn trẻ biết là bị chèn ép bóc lột, nhưng chúng đâu có khả năng phản kháng, vì chúng sợ đôi mắt trợn trừng của dượng Tư, cái thân xác dềnh dàng, với làn da đen bóng như đồng đen, mà mỗi lần dượng cởi áo, mẹ ơi, bọn trẻ lè lưỡi kinh khiếp nhìn những cái hình xâm tục tĩu chằng chịt từ trước ngực lan ra đến sau lưng, thậm chí chạy dài xuống hai bên bắp đùi chắc nịch. Bọn trẻ trai chúng nó thích những cái hình xâm đó lắm, mỗi lần dượng Tư nổi hứng cởi trần, thì bọn chúng hau háu dán mắt vào những cái hình đàn bà khỏa thân trong mọi tư thế dâm dục nhất. Vợ chồng Tư cũng dễ dãi, cho phép đứa nào bất mãn muốn bỏ đi thì đi, nhưng chỉ được một đôi ngày thì chúng cũng mò trở về xin nương náu dưới sự che chở của họ, vì đi đâu thì cũng thế thôi. Ở cái thành phố hào nhoáng nhưng đầy dẫy những cảnh đời đau khổ này, có hằng hà sa số những loại người như vợ chồng má Tư, với những kịch bản giống hệt nhau. Thằng A Ca còn có diễm phúc được sinh ra dưới một ngôi sao... sáng và tốt lành, chứ những thằng A Ca bạc phước khác, mới vừa chào đời đã bị cha mẹ chúng đâm cho mù mắt, bẻ gãy tay chân cho lê lết trên hè phố, trầm mình trong những vũng bùn sình gớm ghiếc gợi xin từng đồng tiền của lòng nhân con người đem về cho cha mẹ của chúng.
Anh em Hiền cùng với thằng A Ca bước ra bên ngoài, Lành rụt rè chỉ về phía thằng nhỏ Bắc kỳ:
-Anh Hai, cái anh đó thấy tội nghiệp quá, anh nói với má Tư kiếm cho ảnh một việc gì làm đi.
Hiền nhìn em chằm chằm:
-Cái phận mầy ăn xin còn lo chưa xong, hơi đâu lo cho nó...
Lành phụng phịu:
-Mình ở trong này đã quen, còn anh đó mới vào chắc đói lắm, anh đã từng giúp nhiều anh từ ngoài đó vào lắm mà.
Hiền gãi đầu suy nghĩ:
-Mầy làm như anh Hai mầy là triệu phú không bằng.
Lành chợt reo lên:
-Ừ, tại sao anh không nói má Tư cho ảnh mướn cái thùng đồ nghề đánh giày.
Hiền lắc đầu:
-Nó đâu có biết đánh giày.
-Thì anh Hai dạy cho ảnh.
Không chờ câu trả lời của thằng anh, Lành chạy đến bên Lực đặt nhẹ bàn tay lên vai nó:
-Anh Lực!
Lực giật mình nhìn lên, nhận ra con bé mới quen đêm qua, nó mừng rỡ đứng lên:
-Chị Lành!
Lành cười tươi:
-Anh đừng kêu em bằng chị, kỳ lắm, cứ gọi tên em là được rồi.
Lực đan hai bàn tay vào nhau rụt rè:
-Dạ em không dám ạ...
Thằng bé nhớ lúc mẹ đến nhà những ông bà chủ vựa cá làm việc vặt thường hay kính cẩn gọi họ bằng bác và xưng con, mặc dù ông bà chủ còn trẻ tuổi hơn mẹ nhiều, gọi cô bé này bằng chị thì đã nhằm nhò gì. Lành cười hích hích:
-Anh nói chuyện mắc cười quá hà, anh tính đi đâu đó"
Lực nhăn nhó gãi ót bối rối:
-Dạ, em cũng chưa biết.
-Mầy muốn đi đánh giầy không"
Thằng Hiền đã bước đến lên tiếng hỏi. Lực ngơ ngẩn tưởng là nó đã nghe lầm:
-Dạ, anh nói sao ạ, anh cho em một chân đánh giày hở"
Hiền gật đầu:
-Ừ, mầy chịu không"
Trời ơi, cái anh này còn hỏi muốn hay không, Lực đang thèm chết được một công việc làm, cái gì cũng được, trừ ăn xin và ăn cắp, thằng bé nắm lấy bàn tay thằng anh Hai siết chặc:
-Vâng, vâng, em chịu, em chịu... em đội ơn anh.
Hiền cười nhạt thương hại thằng nhỏ, đánh giày là một trong những cái nghề mạt hạng và vất vả nhất, không thằng bé Sài Gòn nào muốn dính vào, chỉ khi cùng cực không còn con đường nào để sống nữa thì bọn chúng mới đành xách cái hộp gỗ đi lang thang khắp phố phường tìm vận may mà thôi. Hiền quay qua bảo con em:
-Mầy vừa lòng chưa, thôi đi đi, để thằng này tao lo.
Thằng A Ca vẫn còn thèm thuồng bầu sữa mẹ, nó bắt đầu cựa quậy khóc đòi bú. Nhưng làm gì có chuyện không tưởng đó, con Lành đã vội vã chạy băng băng về hướng cái chợ Bến Thành. Thằng bé càng khóc thì Lành mới có cơ hội diễn xuất và kiếm được nhiều tiền. Thằng Hiền bước trở vào gặp má Tư thì thầm to nhỏ, đưa tay chỉ về Lực. Má Tư vẫy thằng bé vào. Lực cóm róm vòng tay:
-Dạ chào bà ạ...
Tư rủ người xuống cười dòn:
-Bà gì mà bà, tao già lắm sao"
Hiền đứng bên nhắc khéo:
-Mầy cứ thưa là má Tư được rồi.
-Dạ cháu thưa má Tư.
Tư với tay kéo một cái hộp gỗ nhỏ đưa cho Lực:
-Đây là cái thùng đồ nghề của mầy, thằng Hiền sẽ dạy mầy cách đánh giày. Nhưng mầy có biết thể lệ ăn chia của má Tư chưa.
Lực ngẩn người rụt rè:
-Dạ chưa ạ.
Tư hắng giọng:
-Luật chơi của tao ở đây là chia bốn sáu, mầy bốn tao sáu, tiền kiếm được trong ngày không được giấu, nếu mày giấu dượng Tư bắt được thì đời mầy tàn. Hôm nay thằng Hiền dạy mày kỹ thuật đánh giày, nên mày phải trả công cho nó bốn, phần tao sáu. Ngày mai mầy đi làm một mình thì tao ăn chia thẳng với mầy, mày phải trả thêm cho tao tiền xi ra, khăn và bàn chải đánh giày, mỗi ngày tao trừ thêm một phần nữa, tao bảy mày ba đến khi mày trả hết tiền dụng cụ thì thôi. Mầy có ý kiến gì không"
Lực đón lấy cái thùng gục đầu tiu nghỉu như một con mèo bị ướt mưa, nó còn biết có ý kiến gì nữa:
-Vậy hôm nay cháu không có gì để ăn à"
Tư nhìn thằng bé ốm đói với đôi mắt ánh lên chút vẻ thương hại:
-Tối mày về tao kiếm chút gì cho mầy ăn, mầy chịu chưa"
Lực hiểu rằng, hôm nay nó sẽ nhịn đói suốt ngày, vì số tiền kiếm được, nếu có, đã vào tay Hiền và má Tư hết rồi, thằng bé ngao ngán nghĩ đến cái bụng lép kẹp liệu có kiếm được chút gì cho vào, hay là cứ lại uống nước trừ bữa, và đôi chân trần của nó lê la trên khắp đường phố đến mỏi nhừ mà không chắc có ăn được cái giải gì không.
Hiền dẫn thằng bạn mới đi ra ngoài đầu cái hành lang, tìm một cái gờ xi măng khá cao rồi ấn nó ngồi xuống:
-Mầy ngồi đây tao dạy mày cách đánh giày...
Hiền chưa nói hết thì Lực đã lo lắng hỏi chen vào:
-Có khó không anh"
Hiền xua tay:
-Dễ ợt như mầy ăn phở vậy đó!
Lực gãi đầu:
-Dễ với anh, chứ ngoài em một năm em chưa nhìn thấy tô phở nữa là!
-Hừ, mầy khốn khổ đến thế sao, thôi ráng học nghề đi em.
Khi Hiền đã truyền thụ lại hết cho thằng bạn những tuyệt kỹ trong nghề đánh giày, nó kéo Lực đứng lên:
-Rồi bây giờ, mầy tự đi kiếm mối lấy mà đánh.
Lực dợm bước chân đi, nhưng nó đã quay lại hỏi:
-Em phải đi đến những đâu anh.
-Theo kinh nghiệm của tao thì mày cứ đến trước những cái khách sạn hay nhà hàng lớn, vì ở đó có nhiều khách ngoại quốc và mấy ông Việt kiều. Khi mầy nhìn thấy ông nào có mang giày thì mầy nhào vô dạ thưa lễ phép cho tao.
-Dạ nhưng mà em không biết nói tiếng Tây.
Hiền lúng túng vò đầu cố nhớ lại cái thuở nó cũng chập chững vô nghề như Lực:
-Ừ... để coi. À... gặp mấy ông Mỹ thì mày cứ nói như vầy, e hèm... su su, gút, ô kê...
-Là nghĩa làm sao vậy anh"
Hiền cương bừa:
-Hừm, thì... su su gút có nghĩa là ông đánh giày không, bóng tốt lắm, ô kê là ông chịu nhé!
Được ông thầy dạy dỗ chu đáo đến nơi đến chốn như thế, Lực hớn hở lên đường:
-Em cám ơn anh, tối em về em sẽ giả tiền cho anh.
Hiền xua tay:
-Thôi khỏi, má Tư nói vậy chứ tao lấy tiền của mầy làm gì, nhưng mầy đừng cho bả biết nghe.
Lực sướng rên trong lòng, nó nắm tay Hiền rưng rưng nước mắt:
-Dạ, em sẽ giữ kín, anh tốt với em quá.
Nhìn cái dáng đi lom khom tội nghiệp của thằng nhỏ, Hiền cố giấu một tiếng thở dài, lòng thầm hỏi, liệu hôm nay nó có kiếm được chút tiền lẻ nào không, hay là xách thùng không đem về. Ở cái thành phố này có hàng ngàn thằng đánh giày như Lực, khách đâu cho đủ để mà đánh chứ. Nhưng thôi kệ nó, cứ để nó đói một vài ngày, rồi tự nó sẽ tìm được cái ăn. Hiền động lòng gọi thằng bạn mới trở lại:
-Ê, mày đói không" Ăn sáng chưa"
Lực ngơ ngác quay đầu:
-Dạ... em... không quen ăn sáng ạ...
Hiền cười khì:
-Thôi đừng xạo quá mầy, có muốn thì đi theo tao kiếm chút gì dằn bụng cái đã.
Lực chỉ chờ có thế, chứ có người đói nào mà từ chối cái ăn bao giờ:
-Em nợ anh, tối về em giả!
-Hừ, mầy cứ giả với giả nghe mắc cười quá, trong này tụi tao nói là trả nghe chưa. À mầy bao nhiêu tuổi"
-Dạ mười bốn ạ.
-Mầy nhỏ hơn tao một tuổi, nhưng lớn hơn con Lành một tuổi.
Hiền dẫn thằng bạn mới đi quanh co mấy đỗi đường, bắt gặp một gánh xôi trên lề, nó ghé vào móc tiền mua hai gói. Hiền trao gói xôi lá cẩm màu tím thẫm bốc mùi thơm phưng phức cho Lực. Lực nhìn đăm đăm vào những hạt nếp tím bóng thật bắt mắt, một lớp xác dừa trắng ngần phủ lên trên, được điểm tô thêm bằng một nhúm đậu phọng giả nhỏ vàng lườm ẩn hiện giữa một lớp đường màu ngà thật quyến rũ, chưa ăn mà đã biết xôi nó ngon đến ngần nào. Ôi, miền Nam có nhiều điều kỳ thú quá mà Lực tự hứa với lòng sẽ cất công khám phá cho rõ ràng hơn, để một khi nó có trở về chốn cũ thì cũng có chuyện để mà kể cho mẹ và bác Tuần nghe. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.