Hôm nay,  

Đối Thoại Hoa-Mỹ

30/05/200700:00:00(Xem: 7673)

...chế độ vắt sức dân để củng cố quyền lực nhà nước, với hậu quả là bất mãn gia tăng...

Tại thủ đô Washington D.C., tuần qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có vòng đàm phán thứ hai của cơ chế Đối thoại Kinh tế Chiến lược giữa các cấp cao nhất về kinh tế tài chính của hai nước. Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu về bối cảnh và kết quả của việc đối thoại đó qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong chương trình chuyên đề hôm nay, chúng tôi xin đề nghị là chúng ta cùng phân tách quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhân dịp hai nước đã có cuộc đối thoại họ gọi là kinh tế chiến lược vào tuần qua. Đề mục đầu tiên là xin ông trình bày sơ qua về bối cảnh của mối quan hệ này.

- Đề tài này có nhiều khía cạnh phức tạp mà chúng ta cố tổng hợp trong một chương trình.

Hoa Kỳ có nền kinh tế giàu nhất thế giới, với sức tiêu thụ chiếm đến 70% tổng sản lượng quốc gia và tỷ lệ tiết kiệm mấp mé số không, chưa bằng 1% lợi tức. Vì vậy, Hoa Kỳ cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, nhưng bị nhập siêu nặng. Như năm ngoái xuất khẩu được hơn hai trăm tỷ hàng hoá và dịch vụ thì lại nhập khẩu hơn một ngàn tỷ nên bị thiếu hụt mậu dịch hơn 800 tỷ Mỹ kim. Bên kia, Trung Quốc là nước đông dân và dồn sức xuất khẩu với giá cực rẻ để tạo công ăn việc làm cho dân chúng hầu gìn giữ ổn định. Trong số nhập siêu của Mỹ, riêng Trung Quốc chiếm hơn 30%, lên tới hơn 230 tỷ. Do đó, trong quan hệ kinh tế đôi bên, thâm thủng mậu dịch là vấn đề gây sôi nổi nhất trên bề mặt.

Đào sâu vào bên dưới, người ta thấy chế độ ngoại hối cố định của Trung Quốc có thể là một lý do. Bắc Kinh giàng giá đồng Nhân dân tệ của họ vào tiền Mỹ theo tỷ giá thấp và bị công kích là cố tình định giá đồng tiền thật rẻ để bán hàng rẻ và gây nhập siêu cho Mỹ trong khi tích lũy khối dự trữ ngoại tệ nay tương đương với 1.200 tỷ Mỹ kim và cho Mỹ vay lại bằng cách mua công khố phiếu Hoa Kỳ và lại trở thành chủ nợ của Mỹ.

Đã thế, nhìn ra ngoài lãnh vực kinh tế, phía Hoa Kỳ còn thấy Trung Quốc dồn sức vào việc bành trướng quân sự và ảnh hưởng ngoại giao, với ngân sách quốc phòng thực tế có thể lên tới hơn 100 tỷ Mỹ kim một năm, dù chính thức thì chưa đến 50 tỷ. Cộng với nhiều vấn đề khác như đàn áp nhân quyền, không bảo vệ môi sinh hay quyền lợi lao động, bán hàng thiếu vệ sinh và chẳng tôn trọng tác quyền, v.v... Trung Quốc trở thành một nước có vấn đề với Hoa Kỳ, từ nhiều giác độ khác nhau.

- Hỏi: Phải chăng vì vậy mà hai nước mới lập ra một diễn đàn đối thoại để khắc phục các vấn đề ấy"

- Xuất phát từ sự hoài nghi đó về an ninh, khi Tổng thống Bush nhậm chức vào đầu năm 2001, Hoa Kỳ đã trù tính một đối sách cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng lại bị vướng vào vụ khủng bố và các chiến dịch đối phó, nhất là hồ sơ Iraq. Tới cuối năm kia, Chính quyền Bush mới thực sự đề ra chính sách tương đối ôn hoà hơn những dự tính ban đầu. Đó là tăng cường hợp tác để giúp Trung Quốc chuyển hoá thành một cường quốc biết điều và có trách nhiệm trên trường quốc tế. Sau khi gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào năm ngoái, Tổng thống George W. Bush bèn đề nghị thành lập một cơ chế đối thoại có nội dung chiến lược, mà ta có thể hiểu là rộng lớn hơn các vấn đề ngoại thương hay kinh tế.

Diễn đàn ấy được Trung Quốc gọi là "Mỹ-Trung Chiến lược Kinh tế Đối thoại", Hoa Kỳ gọi là "Strategic Economic Dialogue" đã khởi động vào cuối năm ngoái, khi Tổng trưởng Ngân khố Henry "Hank" Paulson của Hoa Kỳ cầm đầu một phái đoàn cao cấp qua phó hội tại Bắc Kinh vào tháng 12. Tuần qua, Phó Thủ tướng Ngô Nghi đã dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc gồm lãnh đạo 14 bộ và ngân hàng trung ương qua phó hội trong hai ngày 22 và 23 với phía Hoa Kỳ gồm có 11 bộ và Ngân hàng trung ương. Sau đó, bà Ngô Nghi cũng đã gặp Tổng thống Bush, giới lãnh đạo Quốc hội và cả doanh gia Mỹ.

- Hỏi: Theo ông thấy thì cầm đầu hai phái đoàn hiển nhiên là hai nhân vật có thẩm quyền"

- Ông Paulson là chuyên gia am tường các vấn đề sâu xa của Hoa Lục khi còn điều khiển một tổ hợp đầu tư tài chính của Hoa Kỳ, còn thẩm quyền thì chỉ thu hẹp trong phạm vi Hành pháp và chỉ có thể thuyết phục chứ không thể chi phối được Quốc hội. Bà Ngô Nghi là kỹ sư dầu khí nhưng dày kinh nghiệm về kinh tế đối ngoại và đàm phán từ thời Tổng lý Chu Dung Cơ và đạt thành thích thương thảo cho hồ sơ Trung Quốc vào WTO. Bà còn là Ủy viên Bộ Chính trị và là một trong bốn Phó Thủ tướng, nên có nhiều quyền hạn hơn ông Paulson trong hệ thống lãnh đạo Trung Quốc. Hai người hẳn đã nhiều lần gặp gỡ trong 10 năm qua, biết nhau và hiểu các vấn đề hay đòi hỏi từ cả hai phía. Kỳ họp trước vì ở Bắc Kinh nên ít được dư luận chú ý. Kỳ này tại Mỹ, phái đoàn Bắc Kinh còn tiếp xúc với giới chính trị vào ngày 24 nên cũng tiếp nhận được phản ứng kém vui dù đã chuẩn bị chuyến đi bằng cả một chiến dịch ngoại giao và kinh doanh.

- Hỏi: Ông nói đến việc chuẩn bị, phía Bắc Kinh đã sửa soạn như thế nào"

- Như thông lệ, trước khi phó hội, Bắc Kinh đều tung ra nhiều biện pháp tranh thủ dư luận. Sau khi phóng đại là thả nổi đồng bạc có hạn chế vào tháng Bảy năm kia, Bắc Kinh có điều chỉnh hối suất đồng tiền thật chậm và thật ít và từ đó đến nay đồng Nguyên coi như tăng giá thêm hơn 8% so với Mỹ kim. Ngày 18, Ngân hàng trung ương của họ mở thêm biên độ giao dịch đồng bạc từ 0,3 lên 0,5% để đồng Nguyên của Trung Quốc có thể tăng giá thêm chút đỉnh so với tiền Mỹ. Đấy là để giảm bớt sức ép của Quốc hội Mỹ muốn Bắc Kinh thả nổi đồng bạc hoặc ít ra nâng giá đồng Nguyên thêm từ 27 đến 40%, tùy cách tính. Khi phái đoàn Bắc Kinh đến Mỹ thì có tin là Trung Quốc đã bỏ ra ba tỷ mua gần 10% số vốn của công ty đầu tư kín Blackstone trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu. Để tìm liên minh ngay trong doanh trường Mỹ, phái đoàn Bắc Kinh sửa soạn trước và ký hàng loạt hợp đồng mua hàng Mỹ đến hơn 36 tỷ Mỹ kim với hy vọng là doanh gia Mỹ có lợi khi làm ăn với Hoa lục thì sẽ bênh vực quan điểm của họ. Tuy nhiên, kết quả chuyến đi có thể đã gây thất vọng, chủ yếu là vì Quốc hội Hoa Kỳ nay đã khác năm ngoái.

- Hỏi: Diễn đàn đối thoại ấy có nghị trình thế nào mà kết quả lại gây thất vọng"

- Từ hội nghị năm ngoái, đôi bên đã đặt ra bốn nguyên tắc hợp tác song phương và đạt một số tiến độ về hợp tác cho tới kỳ này. Tại kỳ hội nghị tuần qua, hai bên cũng đồng ý về một danh sách ưu tiên giải quyết trong sáu tháng tới, cho đến hội nghị kỳ sau vào tháng 12 tại Bắc Kinh. Những ưu tiên ấy tập trung vào sáu loại vấn đề chuyên môn về kinh tế, như ngoại hối, đầu tư, hợp tác siêu kỹ thuật, về năng lượng và môi sinh và về cả cơ chế luật pháp cho thông thoáng hơn. Có vài điểm đáng chú ý trong hội nghị là đôi bên đồng ý cải thiện chế độ ngoại hối Trung Quốc và khuyến khích sức tiết kiệm của Hoa Kỳ và cũng có đề cập tới việc giải tỏa hiểu lầm hay khai thông trở ngại để mở rộng trao đổi về siêu kỹ thuật hay loại giao dịch mang tính chất chiến lược.

Nếu ta hiểu ra nội dung thực tế bên dưới ngôn ngữ ngoại giao thì phía Bắc Kinh đồng ý tiếp tục cải cách chế độ ngoại hối nhưng theo nhịp độ và khả năng của họ. Ngược lại, họ  cũng khéo nhắc một điều nhạy cảm là Bắc Kinh có thể giảm bớt số xuất siêu vào Mỹ nếu được phép nhập khẩu siêu kỹ thuận tiên tiến của Mỹ, cho đến nay vẫn bị ngăn bởi lệnh cấm vận võ khí sau vụ Thiên an môn năm 1989. Đề mục này ít được dư luận chú ý. Cũng vậy, đôi bên đã thỏa thuận về tăng cường hàng không dân dụng với kết quả trước mắt là các hãng hàng không Mỹ sẽ dễ tiến vào thị trường Hoa lục hơn xưa so với sức cạnh tranh rất yếu của các hãng hàng không Trung Quốc. - Hỏi: Nếu vậy thì việc đối thoại cũng có kết quả chứ, vì sao ông lại cho là gây thất vọng"

- Chúng ta phải đi lại từ đầu để có câu giải đáp. Vấn đề chính trong quan hệ kinh tế giữa hai nước là sự chênh lệch về sức tiết kiệm và tiêu thụ. Hoa Kỳ tiết kiệm ít, tiêu thụ nhiều nên bị nhập siêu về ngoại thương. Khoản nhập siêu với Trung Quốc tăng mạnh từ ba năm nay là do sự chuyển dịch trong cơ cấu sản xuất và trao đổi, trước đây là nhập siêu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong, nay số nhập siêu đó dồn qua Trung Quốc. Chưa kể là trong số nhập siêu này có phần đóng góp rất cao, đến 60% đà gia tăng, của các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và xuất khẩu ngược về Mỹ.

Vấn đề tiết kiệm thấp là bài toán mà Hoa Kỳ cần giải quyết nhưng rất khó. Giải pháp ấy, giới kinh tế đều biết mà giới chính trị thì không, hoặc tránh nói tới vì dễ thất nhân tâm. Họ chọn lý cớ là đồng Nhân dân tệ quá thấp của Trung Quốc. Thật ra, dù Bắc Kinh nâng giá đồng bạc thêm 40% thì cũng không làm giảm được nạn khiếm hụt ngoại thương vì Mỹ lại bị nhập siêu với xứ khác, như ta đã thấy với Việt Nam. Khi tiếp xúc với phái đoàn Bắc Kinh, một số lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã nêu vấn đề hối suất lên hàng đầu và coi như đối thoại thất bại vì Bắc Kinh không thể và không muốn thả nổi đồng bạc.

- Hỏi: Mà vì sao Quốc hội Mỹ nay lại gay gắt hơn về hồ sơ ấy"

- Quốc hội khóa 110 của Mỹ có chủ trương bảo hộ mậu dịch mạnh hơn khoá trước. Trong hai năm của khoá 109, Quốc hội đã đệ nạp 27 dự luật gây sức ép hay trừng phạt Bắc Kinh về mậu dịch mà không dự luật nào được thông qua. Trong bốn tháng đầu của nhiệm kỳ, Quốc hội khóa 110 đã có hơn một chục dự luật và từ nay đến cuối năm có thể sẽ được thông qua với đa số hai phần ba đến nỗi Tổng thống cũng không phủ quyết được. Lý do thật của trào lưu ấy thuộc về chính trị nội bộ của nước Mỹ hơn là thuần túy kinh tế, nhưng trong khuôn khổ một chương trình phát thanh chúng ta sẽ khó trình bày hết.

- Hỏi: Dù sao, thính giả vẫn có thể nêu câu hỏi về điều mà ông gọi là sự chênh lệch trong sức tiết kiệm của hai xã hội Hoa Kỳ và Trung Quốc, một bên là 1% bên kia là gần 50% như ông nói. Vì chính nó mới gây ra nhập siêu và là đầu mối tranh chấp giữa hai nước.

- Ông nêu câu hỏi đó rất là chí lý. Trung Quốc thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu bằng mọi giá và có một trữ lượng ngoại tệ cực lớn. Tỷ giá đồng bạc quá thấp có nghĩa là người dân không được hưởng lợi về công lao tiết kiệm để sản xuất và xuất khẩu, nhưng đảng và nhà nước lại có trữ kim rất nhiều để đầu tư khắp nơi và giương danh cho Trung Quốc và cho đảng. Nếu không tự cải tổ chế độ ngoại hối này, Trung Quốc có thể khủng hoảng, nhưng cải tổ không khéo thì cũng đánh sập hệ thống ngân hàng èo uột của họ. Biến chứng kinh tế của sách lược đó là đầu tư thả giàn và hàng loạt trái bóng đầu cơ đang thành hình. Đó là vấn đề của một chế độ vắt sức dân để củng cố quyền lực nhà nước, với hậu quả là bất mãn gia tăng trên một nền móng kinh tế thật ra bất ổn với nhiều trái bóng sẽ bể.

Ngược lại, Hoa Kỳ cũng phải chấn chỉnh lại nếp văn hoá quá phóng túng trong chi tiêu của dân chúng nhưng giới chính trị không muốn nói đến yêu cầu đó và nhiều người còn đổ lỗi cho Trung Quốc. Mà càng áp lực mạnh thì họ càng gây phản ứng đầy mặc cảm của giới lãnh đạo Bắc Kinh vì coi như xâm phạm vào thể thống quốc gia. Kết quả có thể là Bắc Kinh càng trì hoãn cải cách để nâng cao lợi tức và sức tiêu thụ của quảng đại quần chúng cho nên càng gây bất mãn ở bên dưới. Đây là lý do vì sao mà cuộc đối thoại chiến lược này vẫn bị coi là gây thất vọng. Nói thì ngược đời, nhưng một bên là Trung Quốc cần cho người dân được tiêu thụ nhiều hơn, và bên kia là Hoa Kỳ cần khuyến khích tiết kiệm nhiều hơn, và hai bên đang gặp mâu thuẫn nặng. Cho nên, nếu có một chút lợi lộc gì trong chuyện này thì tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam sẽ hưởng nếu chấp hành cho đúng quy luật trao đổi để bán hàng vào Mỹ nhiều hơn, khi mà xung đột về mậu dịch Mỹ-Hoa sẽ còn gia tăng trong một hai năm tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.