Hôm nay,  

Truyện kinh dị: Người Vợ Câm

21/05/200700:00:00(Xem: 3689)

(Bắt đầu từ số 508...)

Sáu theo con đường đá nhỏ đi vào xóm, anh đã trông thấy buổi họp chợ sáng trên một khoảnh đất trống bên đường. Ánh bình minh mới vừa lên khỏi đỉnh đèo, thì cái chợ nhỏ bé tí cũng hình thành. Người dân từ trong xóm bày những mặt hàng dọc theo hai bên lề, quang gánh ngỗn ngang trên những khóm cỏ vàng cháy. Buổi chợ càng nhộn nhịp hơn, khi cả những người ở thôn làng gần bên cũng gồng gánh đến tham dự . Sáu cảm khái bước chầm chậm trong cái khung cảnh thân thương mà anh không bao giờ quên được, dù đã quá xa trong quá khứ. Đã mấy mươi năm rồi mà dường như cảnh vật trên con đường làng này chẳng có gì thay đổi, có chăng là con người. Những người già hẳn đã về trời, những người ít tuổi hơn thì đã trở thành người già. Sáu cố tìm những khuôn mặt quen thuộc, nhưng rất thất vọng vì chẳng còn ai, hoặc vả những nhát chém chằng chịt của thời gian trên những làn da mặt nhăn nheo đen đúa của những con người đang ngồi bệt bên đường đã làm cho anh không thể nhận ra. Xen lẫn vào trong cái hoạt cảnh tưng bừng ấy, Sáu bắt gặp những con người miền núi trong chiếc áo ngắn hở tay của những người đàn ông Thượng và những chiếc váy vải dệt thô nhiều màu sọc ngang, cùng những chiếc gùi chứa sản vật của những người đàn bà và các cô gái. Tiếng rao hàng, những cuộc trả giá ầm ĩ, cùng những tràng cười nô đùa của bọn trẻ con làm thành một bức tranh sinh động miền quê, hòa cùng với sức sống của thiên nhiên trong một ngày mới.
Sáu đi ngang qua một gánh bán hàng ăn đang bốc khói thơm lừng, một bà ngồi trên chiếc ghế thấp lên tiếng mời chào:
-Cậu ơi, mở hàng cho dì một tô mì quảng đi!
Bà bán hàng gầy tóp teo, đôi má hóp thụt sâu vào làm cho cái môi trên của bà chìa ra phía trước trông thật thảm hại. Cái hình hài đã vậy, rồi còn được phủ lên bởi chiếc áo cũ bạc phếch màu ngà loang lổ những vệt vàng ố, cùng chiếc quần đen đã ngã sang màu nâu đỏ, đã nói lên được cái nghèo khổ của bà. Chợt một cô gái đầu tóc rối như một cái tổ chim, trong những mảnh y phục xơ xác từ trong một góc đường chạy đến sà xuống chẳng nói năng gì, nàng đưa tay ra định bốc lấy một nhúm sợi bánh bột, nhưng bà bán hàng đã chộp lấy một chiếc đũa tre lớn đập vào bàn tay nàng hét to trong một sự bực dọc:
-Đi đi, cái con điên này, mới tảng sáng chưa ai mở hàng, mầy muốn ám bà hử"
Cô gái rụt tay về ôm lấy, khuôn mặt lem lấm bụi đất nhăn nhó, đôi mắt to đen nhánh đã rưng rưng ngấn lệ, nàng cúi đầu lùi ra xa, nhưng không chịu bỏ đi hẳn, chỉ ngồi bệt xuống trên mặt đất nhìn trừng trừng vào cái nồi nhôm đang tỏa mùi thơm quyến rũ với vẻ thèm thuồng. Mì quảng là một món đặc sản độc đáo của miền Trung, từ miền cực Nam là Bình Thuận ra đến tận chân đèo Hải Vân của tỉnh Quảng Nam, trong bất cứ hàng quán lớn hay nhỏ hay những quang gánh trong những cái chợ thôn làng đều có sự hiện diện của món ăn này. Nếu so với loại mì Tàu và hủ tíu, thì cách thức nấu mì quảng cầu kỳ hơn nhiều. Nguyên liệu chính vẫn là xương heo và thịt heo, với thịt đùi và thịt giò. Nước súp mì được pha thêm những gia vị đặc biệt và hột màu, nên nó có màu đỏ nhạt, được bao phủ bên trên bởi một lớp váng mỡ vàng ối tuôn ra từ những chiếc giò đã chín rục. Những thỏi thịt vuông lớn hợp cùng những khoanh thịt giò bọc trong lớp da nâu thẫm theo luồng mhiệt chuyển động trong nồi súp trồi lên trên mặt chất nước sóng sánh như mời gọi, rồi lại chìm xuống dưới đáy sâu. Với những kỹ thuật bí truyền lớp da bọc những khoanh giò chín rục nhưng không rệu rã mà lại rất dòn, cắn miếng nào nó ra miếng ấy, vỡ tan sừng sực giữa hai hàm răng. Có lẽ loại nước giếng miền Trung với vị lờ lợ đã làm săn chắc những miếng da thịt giò chăng.
Mục kích chuyện lạ, nhìn thoáng qua trông cô gái cũng quen quen, trong lòng Sáu gờn gợn một nỗi xốn xang kỳ dị, anh dừng chân lại hỏi bà mì quảng:
-Dì ơi, cô gái này là con nhà ai, ở đâu mà trông ngây dại quá vậy"
Bà già chăm chú nhìn người khách lạ:
-Tui trông cậu không phải là người xứ này thì phải"
Sáu ngồi xổm xuống cười tươi:
-Trái lại cháu chính là người sinh trưởng ngay tại cái ấp Bình Khê Tây này đó dì.
Bà dì mở to mắt nhìn Sáu trân trối, như để tìm kiếm những đường nét quen thuộc, bà lắc đầu:
-Tui không nhận ra cậu, già cả lú lẫn rồi!
Sáu kéo chiếc ghế ngồi lên:
-Cháu thấy đói rồi, dì cho cháu một tô, rồi dì cháu mình nói chuyện.
Bà già hân hoan lấy chiếc tô sành đang nằm ngoan ngoãn cùng chúng bạn trong cái thúng kẹp giữa cái quang gánh chắp bằng những sợi da tre dẻo. Bà bốc một nhúm giá cho vào trước, tiếp theo là những sợi bột gạo trắng ngần trông rất giống sợi hủ tíu Tàu nhưng bề bản lớn hơn nhiều, sau cùng là một lớp rau thơm xanh gồm húng, quế, ngò, được tô điểm thêm vài khoanh ớt đỏ mướt và một nhúm đậu phọng giã béo ngậy. Khi chất nước súp đượm mỡ vàng bóng được chiếc môi rót vào, bà già đã gần như hoàn thành một tác phẩm đầy màu sắc hài hòa, cực quyến rũ, khiến Sáu chưa ăn mà nước bọt đã ứa đầy lưỡi mất rồi.
-Cậu muốn thịt đùi hay thịt giò"
-Xin dì cả hai.
Bà dì đảo chiếc môi trong cái nồi nước sôi sùng sục, mãi sau đã tìm được hai thỏi thịt to gần bằng nhau. Bà lão trao cho Sáu tô mì quảng với ánh mắt tự hào:
-Cậu ăn mì quảng tui nấu là cậu sẽ nhớ suốt đời.
Sáu tiếp lấy đôi đũa tre đã lên nước nâu sẫm định gắp một nhúm mì quảng, thì cô gái đang ngồi phía xa đã lết tới bằng chiếc mông của nàng, những ngón tay cắn giữa đôi môi nhỏ nhưng thâm đen với vẻ thèm thuồng. Sáu động lòng không muốn ăn nữa, anh đưa cái tô cho cô gái. Bà dì vội kêu lên:
-Úy, cậu đừng cho nó...
Nhưng cô gái đã nhanh chóng chộp lấy. Trước đôi mắt ngỡ ngàng của Sáu, cô gái điên quăng chiếc đũa xuống đất, bàn tay nàng nhúng vào bốc lấy nhúm hủ tíu đưa lên miệng hối hả nuốt lấy. Nước súp hãy còn nóng lắm, cô gái vẫn bất chấp, nàng cứ nhét từng mảng hủ tíu vào miệng, đưa chiếc tô lên húp xì xụp, trông có vẻ nàng đã nhịn đói từ nhiều ngày lắm rồi. Trong một cái nháy mắt, những thành phần nghệ thuật của bà dì mì quảng nằm trong cái tô sành đã trôi hết vào tận đáy bao tử của cô gái điên, nhưng nàng vẫn khư khư ôm chiếc tô trong lòng, đôi mắt nhìn chằm chằm lên cái đáy trơn nhẵn, như để tìm kiếm chút cặn còn sót lại. Sáu cảm động nói với bà lão:
-Chắc cô này đói đã lâu, dì làm thêm cho cô ấy tô nữa đi.
Bà mì quảng thở dài:
-Cậu không biết đâu, cô này là con nhà danh giá đấy, là tiểu thư lá ngọc cành vàng chớ đâu phải con gái nhà dân dã, bị bệnh tà mới ra nông nỗi.
Sáu giật mình nhảy nhỏm dậy như dẫm phải than hồng, anh thảng thốt kêu lên:
-Trời ơi, nếu vậy cô gái này là cô... Ba Dung con ông bá hộ Dương phải không"
Trong ký ức của Sáu hiện lên hình ảnh cô bé Dung xinh xắn ngây thơ ngồi vắt vẻo trên lưng trâu trong tiếng cười ríu rít của ngày nào. Bà dì thở ra gật đầu:
-Ừ, là cô ba Dung đó. Tội nghiệp... hà... người ta nói cô Ba bị ma tà ma nhập làm cho câm và khùng điên, cô Ba hiền hậu dễ thương, bà con thôn xóm ai cũng mến. Ông bà bá hộ buồn rầu lắm, chạy thầy chạy thuốc mãi không hết. Bên đàng trai ông huyện muốn dạm hỏi cô Ba, thấy cô bị bệnh người ta rút lui, bà bá hộ buồn rầu quá sinh bệnh qua đời...
Bà già lấy cái ống nhổ đưa lên phun một bãi trầu vào:
-Người ta nói phước trùng lai, họa vô đơn chí đúng quá cậu. Bà bá hộ nhơn đức là thế mà quy tiên sớm, đến lượt ông bá hộ trúng gió bán thân bất toại nằm liệt giường mười mấy năm nay.
Sáu bồn chồn quan sát cô gái có nét mặt ngớ ngẩn, đôi mắt vô hồn đang nhìn trừng trừng vào cái tô rỗng:
-Nhà ông bá hộ đâu phải nghèo kém gì mà để cô Ba lang thang như thế này"
Bà dì xua tay vẻ bất mãn:
-Thôi cậu ơi, cậu nhắc càng làm tui khó chịu, cậu cả Nhơn thì còn thương em chút đỉnh, nhưng kẹt sợ bà la sát là mợ cả nên nghe lời đuổi xô cô Ba Dung ra khỏi nhà. Ông bá hộ thì nằm một chỗ trong phòng kín đâu có biết chuyện hoành hành tác tệ của con dâu. Cô Ba đói quá đụng gì ăn nấy, lúc đầu hàng xóm cảm thương có chia sớt ít nhiều, nhưng... hà... ai cũng nặng gánh gia đình và nghèo đói, đâu có cưu mang cô Ba mãi được.
Sáu nghẹn ngào nhìn người bạn cũ trong hình hài thảm thương, anh biết đôi mắt mình đang đẫm đầy lệ:
-Chẳng lẽ cô Ba cứ lang thang ngoài rừng núi như thế này sao"
-Không, cậu cả lén cho cô Ba ở trong cái chuồng ngựa cũ của ông bá, thỉnh thoảng nhờ người đem ra cho chút cơm thừa canh cặn. Mợ cả cũng biết, nhưng cái chuồng mục nát chẳng đáng gì nên làm ngơ mặc cho cô Ba sống làm sao thì sống, miễn đừng làm phiền đến mợ là được…
Sáu không ghìm được tiếng rên rỉ:
-Trời ơi, tàn nhẫn đến thế là cùng!
Anh tiếp lấy tô mì quảng đưa cho Dung, cô gái quẳng cái tô cũ xuống vồ lấy cái tô mới nghiến ngấu. Bà dì lạ lùng nhìn Sáu:
-Cậu có quen biết nhà ông bá hộ à"
Sáu run lẩy bẩy trong cơn xúc động tột cùng, mà cũng vì phẫn nộ tình người độc ác:
-Cháu là thằng Sáu chăn trâu cho nhà ông bá ngày xưa.
Bà dì vỗ đùi kêu lên:
-Mèn ơi, là cậu à, tui nhớ man mán nhà ông bá có nuôi một thằ... ơ hơ... một cậu nhỏ chăn trâu, hóa ra là cậu Sáu đây mà.
-Dì có dư bộ quần áo nào thì xin cho cháu mua lại cho cô Ba, chớ để cô ăn mặc rách rưới thế này...
Bà lão sốt sắng kêu một con bé đang ngồi lặt rau bên một cái thau nước:
-Nhàn, con dẫn cậu Sáu đến nhà bà Bảy cho ngoại.
Bà già quay sang Sáu:
-Bà Bảy trong xóm bán quần áo với vải, cậu vô đó hỏi mua.
Sáu móc lấy một nửa tờ giấy bạc trao cho bà mì quảng:
-Bây nhiêu đây đủ trả cho dì chưa"
-Còn dư đó cậu.
-Thôi, dì cứ lấy hết đi.
Bà dì nhét vội mảnh tiền giấy vào túi chiếc áo the nâu bên trong chiếc áo ngà, cứ ngai ngái sợ Sáu đổi ý đòi lấy tiền thối:
-Cậu tốt quá, cám ơn cậu mở hàng.


Bà dì còn định nói thêm nhiều lời lấy lòng Sáu, nhân có một vài người vừa ngồi xuống, anh đã nắm lấy cánh tay của Dung kéo đứng lên, dịu dàng nói với nàng:
-Cô Ba đi theo tui, tui cho cô Ba ăn thêm.
Thật lạ lùng, dở điên dở dại là thế, nhưng cô gái vẫn còn nghe biết được những gì Sáu nói, nàng ngoan ngoãn đi theo anh. Sáu móc ra một đồng xu lẻ ấn vào tay con bé Nhàn:
-Chú cho cháu ăn bánh.
Con bé khoanh tay lễ phép:
-Con cám ơn chú, để con dẫn cô chú đến nhà bà Bảy.
Mua được mấy bộ quần áo ưng ý, Sáu dẫn Dung ra khúc sông vắng bên bìa rừng, cái nơi mà hai mươi năm trước anh với nàng thường dẫn trâu đến cho chúng uống nước, cho chúng trầm mình trong những buổi trưa hè oi bức bởi những cơn gió Lào khô nóng. Sáu cởi chiếc ba lô để lên tảng đá, hai bàn tay to lớn của anh đặt nhẹ lên đôi vai gầy trơ xương của cô bạn nhỏ, ánh mắt chan chứa một nỗi thương cảm:
-Bé Dung, anh không biết em có nhớ anh Sáu của em ngày xưa, và em có hiểu những gì anh nói, nhưng anh xin phép em cho anh được chăm sóc em như thằng Sáu chăm sóc bé Dung lúc chúng mình còn nô đùa bên nhau.
Dung ngơ ngác nhìn Sáu, đôi môi phát ra một tràng âm thanh vô nghĩa:
-Ư... ư...
Sáu thở dài bế Dung lên. Thân thể nàng nhẹ tênh như một nhúm bông. Sáu đi lần xuống lòng nước, bãi cát mịn mềm lạo xạo dưới chân. Đặt cô gái ngồi lên một tảng đá to nhú lên gần bên bờ sông, Sáu lấy chiếc khăn lông nhỏ rửa mặt và tay chân cho Dung, trong lòng dạt dào một nỗi xốn xang:
-Quần áo em rách hết rồi, em cho phép anh thay cái mới cho em, nếu em hiểu thì gật đầu xem nào"
Sáu hoàn toàn thất vọng, vì Dung vẫn ngẫn ngơ như một tượng đá vô hồn. Sáu đành bế nàng trở lên tìm một chỗ khuất vắng. Trong lòng xem Dung như cô em gái, nên Sáu không còn ngượng ngùng hay có cảm giác tội lỗi khi anh buộc phải va chạm đến thân thể của nàng. Nhưng thật kỳ dị, khi Sáu đưa tay định cởi mấy cái nút áo trên chiếc áo rách hở da thịt của nàng, thì bỗng nhiên Dung đỏ bừng mặt giật lấy bộ quần áo mới trong tay Sáu bỏ chạy vào một cái bụi rậm. Sáu ngạc nhiên đứng nhìn theo gãi đầu không hiểu gì hết. Có lẽ nào cái bản năng thiên phú của một người con gái nguyên trinh đã sống dậy, phản ứng trong vô thức nhưng lại rất đúng lúc để bảo vệ thân xác của mình trước bàn tay va chạm của người đàn ông. Hay, Sáu chợt rùng mình nổi gai ốc, có phải, nếu thực sự là đã có một cái hồn ma nhập vào xác thân Dung, thì cái vong hồn đó nó cũng biết cảm nhận sự xấu hổ khi buộc phải trần truồng trước mặt anh. Nếu Sáu đoán đúng, thì con ma trong thân xác Dung phải là một người phụ nữ. Cái vấn đề gai góc là tìm ra mối oan khiên nào mà đã khiến cho nó chọn Dung làm nạn nhân, mà không phải là ai khác. Sáu phải lần ra cho được căn nguyên, tìm cách trục cái hồn ma ra khỏi Dung, thì nàng sẽ hết bệnh và sẽ trở lại với con người thật và cái thế giới bình thường của nàng.
Nghĩ đến đó, từ đáy tim Sáu dâng trào một nỗi phấn chấn, như một chiến sĩ sắp ra mặt trận đối diện với quân thù. Từng va chạm với tất cả những loài ma ghê gớm nhất trên miền thượng du Bắc Việt, rồi mới đây, bọn ma nữ ăn thịt người trên đỉnh đèo Bình Khê, thì chẳng lẽ nào Sáu cam chịu bó tay không cứu được cô bé Dung, người bạn gái thân thương nhất trong đời của anh sao. Trong lúc Sáu suy nghĩ miên man như thế, thì Dung từ trong bụi bước ra, mặt đỏ bừng, bẽn lẽn cúi đầu. Sáu há hốc mồm nhìn, không tin là cô gái điên đã lột xác và xinh đẹp đến thế. Sau hai mươi năm, giờ đây Dung cũng đã xấp xỉ gần ba mươi tuổi, nhưng những đường nét thanh xuân vẫn còn phơi phới trên tấm thân mảnh mai yểu điệu của nàng. Đôi môi đen xạm vì bụi bẩn được nước sông gột rửa đã đỏ màu tươi thắm. Sáu lục tìm trong ba lô chiếc lược, anh đưa cho Dung:
-Em chải đầu đi, tóc em rối bù kia kìa, em có nhớ ngày xưa anh em mình chải đầu cho nhau không"
Cô gái điên đón lấy chiếc lược làm bằng đồi mồi đưa lên ngang tầm mắt ngắm nghía một cách thích thú. Cái thiên tính làm đẹp của người đàn bà trỗi dậy, nàng lội nước ra đến tảng đá giữa sông ngồi xuống, hẳn là để tránh cái nhìn đăm đắm của Sáu, đưa chiếc lược vào mớ tóc xơ xác như những sợi cỏ cháy khô kéo một đường dài xuống tận bờ vai. Bàn tay gầy guộc nhưng với những ngón tay thon dài của nàng té nước lên mái tóc cho nó ướt sũng, cây lược lướt nhẹ nhàng giữa vùng tóc giờ đã thấy chút màu bóng mướt. Sáu đứng bên bờ cát sững người nhìn cái dáng cô gái chải tóc trên sông, rất giống những bức tranh tố nữ soi bóng bên gương mà anh thấy nhiều khi còn cùng thầy bôn ba trên đất Tàu. Sáu không thể hiểu được, một cô gái ngây dại như thế mà lại biết dùng hai bàn tay hứng lấy mái tóc nâng dài lên hong khô trước những cơn gió gợn nhè nhẹ trên mặt sông. Nếu chỉ mới gặp nàng lần đầu tiên ngồi chải tóc và hong tóc trên dòng nước, nào ai dám nghĩ Dung là một cô gái điên bao giờ.
Dung lội bì bỏm trở vào thẹn thùng đến trước mặt Sáu, chìa tay định trả chiếc lược đồi mồi cho anh, nhưng nàng bỗng dưng đổi ý rụt về, những ngón tay đan vào nhau ấp ủ chiếc lược vào ngực. Sáu cười, dịu dàng bảo:
-Em cứ giữ lấy đi, anh đem từ bên Tàu về cho em đó.
Sáu kéo Dung ngồi xuống trên tảng đá bên cạnh chiếc ba lô:
-Em ngồi xuống đây, đừng sợ, từ nay em đã có anh bên cạnh, không ai có thể ăn hiếp em được nữa, anh sẽ chăm sóc cho em đến suốt cuộc đời anh. Anh nói em có hiểu được gì không"
Dung trân trối nhìn Sáu không tỏ thái độ gì. Sáu thở dài nhìn xoáy vào đôi mắt đen nhánh của nàng:
-Thôi được, tui tin là có một vong hồn đang nương náu trong thân xác cô ba Dung. Tôi hứa sẽ giúp hồn giải được mối oan khiên, nhưng với điều kiện hồn phải nói chuyện với tui, hồn có đồng ý không"
Trước sự ngạc nhiênn cùng cực của Sáu, vì anh chỉ đoán mò và hỏi cầu may thế thôi, nào ngờ Dung nhè nhẹ gật đầu, Sáu đọc thấy vẻ vui mừng trong ánh mắt nàng. Sáu hít vào một hơi thở dài:
-Nếu hồn đã chịu nói chuyện thì xin cho tui biết hồn là người nam hay người nữ, tại sao hồn làm cho cô Ba Dung bị câm"
Khuôn mặt Dung biến sang vẻ sầu não ủ ê, nàng chỉ vào miệng ấp úng những tiếng ngọng nghịu rất khó nghe:
-Ui...ắ... ưỡi...
Sáu hơi chồm người đến gần Dung:
-Hồn thè lưỡi cho tui coi.
Dung buồn bã lắc đầu:
-Ut... ồi...
-Hồn hé miệng ra đi.
Sáu định đưa tay lên môi Dung vạch lấy để xem, nhưng đột nhiên cô gái trợn trừng mắt giận dữ, đôi tròng đỏ ngầu, chiếc lược trong tay nàng cào mạnh lên mặt Sáu. Là tay giỏi võ nghệ, trong lúc bất ngờ mà Sáu đã ngửa người tránh được ngay, nhưng Dung nhân cơ hội đó đã chồm dậy nhảy ra xa, rồi nàng quay lưng chạy vào khu rừng thưa bên bờ sông nhanh như một con hoẵng. Sáu búng người dậy như một cái lò xo, anh chộp lấy chiếc ba lô phóng theo. Những tưởng là chỉ mấy bước sẽ tóm được cô gái, nhưng Sáu hố to. Dung trông mảnh khảnh, gầy còm và ốm đói là vậy, nhưng nàng len lỏi giữa những thân cây rừng lẹ làng, khéo léo như một con báo hoa, Sáu co giò cố sức đuổi theo. Được một lúc, Sáu đuối dần trong tiếng thở hổn hển, anh tuyệt vọng nhìn theo chiếc áo bông cúc vàng mới tinh chìm mất vào khu rừng thẳm. Sáu ngồi lên một thân gỗ mục vuốt ngực thở, anh tin chắc rằng chỉ có ma nó mới chạy nhanh như thế, chứ một cô gái ẻo lả như Dung đâu có thể nào thoát khỏi đôi chân cứng nhắc của anh được. Nhưng cũng không sao, Sáu đã biết Dung đang ở trong chuồng ngựa sau nhà ông bá hộ, cứ mặc nàng ở yên đó, anh phải đi tìm ông bá hộ với cậu cả Nhơn trước, để hỏi tận tường chuyện tà ma từ nguyên thủy.

*

Ông bá nằm thiêm thiếp trên giường, nhắm mắt cố dỗ giấc ngũ mãi mà vẫn không sao mê đi được. Chứng mất ngủ này đã hành hạ ông từ mười mấy năm nay rồi. Mỗi đêm ông chỉ chợp mắt được chừng một vài tiếng đồng hồ sau lúc nửa đêm, khi bọn gà trống trong chuồng sau nhà đập cánh thi đua nhau gáy inh ỏi hiệp thứ nhứt lúc trời còn mờ tối, khoảng chừng ba, bốn giờ sáng thì ông tỉnh giấc luôn. Từ ngày đột ngột ngã lăn đùng ra trên sàn nhà sùi nước dãi, tay chân co quắp và suýt hôn mê, mà người ta gọi là chứng trúng gió, ông bá thoát chết, nhưng một nửa thân đã bất động, đành nằm liệt trên giường. Từ khoảng bụng xuống đến bàn chân, ông bá không còn cảm giác gì nữa. Những ông thầy châm cứu được mời đến, tha hồ châm chích thế nào, ông cũng chẳng cảm nhận được gì. Hoặc vả có lấy dao cứa sâu vào đùi, ông cũng chẳng biết đau nữa là. Một nửa phần trên thân thể ông bá còn cử động được, nhưng cái miệng của ông bị gió giựt kéo xếch lên một bên mang tai, mỗi lần nói phát âm ú ớ rất khó nghe.
Lúc ông bá còn đi đứng mạnh mẽ thì cậu mợ cả còn nể nang ông ít nhiều, nhưng khi ông đã nằm bại xụi một chỗ, họ xem ông như một con người vô dụng thừa thãi trong căn nhà này, chỉ mong ông nhắm mắt cho nhanh để khỏi tốn kém tiền mướn người chăm sóc. Cậu cả Nhơn thật tệ bạc và bất hiếu lắm, thực ra thì cậu cũng không đến nỗi tàn nhẫn thế, nhưng bởi có tính sợ mợ cả quá đáng đến nhu nhược, nên mọi chuyện trong nhà đều nhất nhất làm theo ý mợ hết. Mợ cả cho cha chồng ăn uống đạm bạc lắm, không hơn cả bọn tôi tớ trong nhà nữa. Một chén cơm hẫm, một khoanh cá tanh thiu, vài miếng cà hôi, hay mấy cọng rau muống luộc dai như sợi gân gà. Ông bá dù đói mà vẫn nuốt không trôi, ông căm hận con dâu lắm, những khi cậu cả có vào thăm, ông bá tủi thân kể lể thì cậu gạt đi:
-Nhà mình bây giờ sa sút lắm. Phải chi hồi bốn lăm cha đừng hiến hết tài sản cho Việt Minh thì giờ này cha còn ăn thịt gà mà.
Nghe đứa con bất hiếu nói lời phũ phàng, ông bá cố chồm nửa thân gầm lên: "Khốn kiếp, mày là thằng súc sanh, ra khỏi đây ngay."
Cậu cả cười nhạt không nói gì dũ áo bước ra. Cơn uất ức cuồn cuộn dâng lên từ đáy lòng như một con sóng thần vỗ vào ghềnh đá, ông bá hộc ra một búng máu tươi ngã xuống bất tỉnh... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.