Sáng nay Yến dậy hơi trễ mà lại còn ngáp ngắn ngáp dài vì tối qua hai vợ chồng đi dự đám cưới nên đi ngủ trễ. Tuy vậy tôi có thói quen vẫn dậy sớm từ sáu giờ sáng để uống cà phê nên không thể ngũ thêm được. Vừa sà xuống ngồi Yến đã bắt đầu cái thói quen hàng ngày là nếu không "anh à…" thì cũng phải "anh ơi":
- Em chịu cái đám cưới hôm qua mau mắn khai mạc đúng giờ và không phải ôm cái bụng cồn cào để chờ cho xong các màn lỉnh kỉnh cả hàng tiếng đồng hồ…
Biết Yến có lý nhưng tôi cố ý chọc:
- Đi ăn đám cưới thì phải chịu đựng chứ khiếu nại cái gì. Những đám cưới trước kia ai bảo em đi sớm rồi kêu. Anh đã nói người ta mời sáu giờ chiều thì bẩy rưỡi đi cũng vừa vì ai cũng khoảng tám giờ mới tới nên gia chủ mới có thể khai mạc rồi giới thiệu phù dâu phù rể, bà con ruột thị rồi họ hàng bên này tới bên kia khoảng gần 100 người lên sân khấu rồi lại từng người đi xuống nữa thì em đói bụng là phải…
Yến gắt:
- Nói như anh thì ai cũng đi trễ cho nên bắt người khác phải chịu cực hình. Em mà làm đám cưới cho con ấy à em cứ khai mạc đúng giờ…
- Em khai mạc đúng giờ thì có ai cấm em. Nhưng khai mạc với bàn ghế trống vì mới có lác đác vài người thì coi sao được…
Coi bộ yếu lý nên Yến đáng trống lãng:
- Cái cậu Tánh chú rể hôm qua là người có nhân có nghĩa nhỉ. Con người ta không bố mẹ mà sao ngoan ngoãn học hành thành tài mà còn biết trả ân trả nghĩa chả hiểu con mình có được như vậy không"
- Con mình nó giống tôi thì chắc chắn cũng thuộc loại nhớ ơn nhớ nghĩa chứ còn thắc mắc gì nữa. Tôi còn ở với bà tới ngày hôm nay không đủ chứng mình cho bà điều ấy hay sao"
Yến lườm tôi ngoảng mặt đi không thèm nói chuyện nữa. Chẳng là cái đám cưới này có nhiều bất ngờ lắm. Tụi tôi cũng chỉ quen cô giáo Hạnh thôi, Yến thì khoái cô là người điềm đạm hiền lành nên mỗi khi gặp ở chợ búa thì niềm nở hỏi han. Con cái cô đều ra riêng hết, vậy mà khi không tôi nhận được thiệp mời dự đám cưới, địa chỉ người gửi là cô giáo Hạnh mà họ tên của chú rể cô dâu lạ hoắc chẳng liên hệ gì tới họ của cô giáo Hạnh gì cả. Yến tò mò gọi hỏi thăm thì cô chỉ cười nói rằng đấy là thằng cháu nuôi ấy mà; nó chẳng có thân thuộc nhiều nên mời bạn bè đến dự cho vui có sao đâu.
Đám cưới khai mạc đúng giờ, không có màn lỉnh kỉnk lòng thòng nên mấy "mệ" ngồi cùng bàn kể cả Yến đều gật gù coi bộ thoải mái lắm. Có điều họ ngạc nhiên là bên họ nhà trai chỉ có cô giáo Hạnh và cũng là chủ hôn luôn. Khi nghe chú rể Tánh cầm máy nói với cô giáo Hạnh:
- Cám ơn cô đã dành cho con sự sự tin tưởng. Con cám ơn cô rất nhiều vì cô đã giúp cho con cảm thấy yêu đời và hướng dẫn cho con trở thành người hữu dụng. Cô đúng là thày dậy tuyệt vời có một không hai trong suốt đời con.
Cô giáo Hạnh đáp lời rằng:
- Cháu Tánh. Cô không có công ơn gì cả mà thật ra chính cháu là người đã khiến cô hiểu thế nào là một thầy giáo đúng nghĩa. Chỉ sau khi gặp cháu, cô mới hiểu muốn làm một cô giáo đúng nghĩa thì phải làm như thế nào.
Đến đây thì mọi người mới "Ồ" lên và hiểu cô Hạnh là cô giáo của Tánh ngày xưa nhưng vẫn không hiểu tình tiết của những lời này ra làm sao. Mụ Thạch ngồi cạnh Yến mau miệng như sợ người khác chốp mất giành mất :
- Qúy zị chưa hiểu rõ câu chuyện đâu. Hôm nọ cô Hạnh có kể tui nghe về cậu Tánh này rồi. Cậu ấy nên người là nhờ cô giáo Hạnh đó…
*
Chuyện này bắt đầu từ nhiều năm trước khi cậu Tánh còn học lớp năm tại trường tiểu học với cô giáo Hạnh. Mỗi khi đứng trước các học trò bé nhỏ cô giáo Hạnh thường nói rằng cô yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Cô ấy kể chuyện và thú nhận rằng khi nói câu này thì cô biết là cô đã tự dối mình vì cô biết cô có ác cảm với một học sinh ngồi hàng đầu trong lớp cô. Cậu bé đó là Tánh.
Cô Hạnh đã quan sát cậu học trò tên Tánh suốt mấy tuần sau ngày nhập học thì thấy Tánh ngồi với bộ mặt bí xị không được vui, nhiều lúc như ngủ gục trong giờ học. Đã vậy Tánh không hòa đồng giỡn chơi với các học trò khác trong lớp và quần áo Tánh thì dơ dáy nhìn thấy là muốn bắt Tánh đi tắm rửa. Các bài làm của tánh hầu như là đều bị cho điểm F nên cô giáo Hạnh bắt buộc phải bận tâm.
Vì nhiệm vụ của giáo viên đòi hỏi phải theo dõi quá trình tiến triển của học sinh bằng cách coi lại học bạ của các năm trước để ước định biện pháp giáo dục thích hợp cho từng em nên cô Hạnh phải tham khảo các hồ sơ của những năm trước của Tánh. Và cô rất ngạc nhiên thấy rằng hồ sơ lớp Một của Tánh thày giáo đã phê: "Tánh là một đứa trẻ thông minh, bài làm nào cũng cẩn thận và sạch sẽ. Em lúc nào cũng tươi cười thân thiện với bạn cùng lớp nên các em khác thích chơi với Tánh". Học bạ lớp Hai cô giáo phê rằng: "Tánh là một học sinh xuất sắc và nhiều bạn cùng lớp ưa thích, nhưng em đã gặp phiền toái tại gia đình vì mẹ em đã bị bệnh nan y có thể em đang bị giao động vì lo lắng cho mẹ em". Học bạ Lớp ba cô giáo phê: "Mẹ em mới qua đời nên đây có thể là cái "sóc" lớn đối với em. Có vẻ em đã cố gắng hết sức mình nhưng được biết cha em không quan tâm đến em lắm, sợ rằng chuyện gia đình sẽ ảnh hướng lớn đến việc học của em nếu không ai giúp em trải qua khó khăn này". Học bạ lớp Tư thì cô giáo phê: "Tánh đã trở thành một học sinh thiếu năng động, tiêu cực không quan tâm nhiều đến chuyện học hành. Em lủi thủi một mình không chơi với các bạn và nhiều lần ngủ trong giờ học."
*
Kể tới đây mụ Thạch hẩy mặt về phía cô Hạnh nói:
- Mấy bà thấy không. Nhìn kỹ kìa. Hồi nẫy tôi lại chào cổ tôi thấy cô ấy đeo chiếc vòng tay cũ kỹ nạm kim cương giả với vài hột đã rụng mất. Cái đó là của cậu Tánh tặng quà giáng sinh cho cổ mười tám năm trước đó. Cái mùi nước hoa cô sức chắc cũng chỉ có Tánh là thấy quen thuộc.
Yến cười góp ý:
- Khi cô ấy nói, "chính cháu là người đã khiến cô hiểu thế nào là một thầy giáo đúng nghĩa. Chỉ sau khi gặp cháu, cô mới hiểu muốn làm một cô giáo đúng nghĩa thì phải làm như thế nào", chắc là cô nói thật chứ không dối lòng mình nữa.