Hôm nay,  

Thiệt Vậy Sao Cha

08/05/200700:00:00(Xem: 2272)

 Quản Thiên, người nước Lỗ, sống bằng nghề thợ nhuộm, nên thường đi chỗ nọ chỗ kia, để kiếm hàng bắt mối. Ngày nọ, Thiên đến đất Trường An, bất chợt có người đưa ra hai cái áo, mà nói rằng:
-  Ta muốn một cái màu đỏ, một cái màu tím, thì phải làm sao"
Thiên vội vã đáp:
- Nhúng vào màu nào thì biến ngay ra màu ấy. Tỉ như nhúng vào màu xanh thì có xanh. Nhúng vào màu vàng thì có vàng, nên trước khi nhuộm phải suy tính thiệt hơn. Chớ không thể nửa đàng… Tao không muốn!
Người ấy cười cười nói:
- Được! Được! Nếu bây giờ ta muốn màu xanh lá cây thì ngươi làm sao"
Thiên mạnh dạn đáp:
- Trước nhuộm màu xanh dương, sau nhúng vào màu vàng, thì sẽ được như điều ông mong muốn.
Người ấy nghe Thiên nói vậy bèn suy nghĩ một chút, rồi lẩm bẩm mà rằng:
- Tưởng là nhuộm áo quần. Hóa ra cũng giống… tha nhân, bởi người ta tiêm nhiễm với nhau cũng mần y như thế. Chẳng vậy mà làm bạn với người hay thì được hay. Bạn với kẻ dở thì thành dở, nên khi quyết định kết bạn với ai, phải dày công suy xét.
Nay nói về Nghiêu Tử, là hàng xóm của Thiên, bởi chồng chết nên trở thành góa bụa, lại chửa có con, nên sớm tối thường van vái với Cậu Bà nhúng vô đường duyên nợ. Môt hôm, trời đổ mưa ào ạt, khiến nhà của Nghiêu Tử bị dột tứ tung, không làm sao ngủ được, bèn lấy cây dù rồi chạy qua nhà của Thiên. Lắp bắp nói:
- Thiếp cần ngủ, nhưng nhà thiếp hiện thời không ở được. Vậy thiếp có thể ngủ tạm tối này có đặng không đây"
Thiên hoảng hốt đáp:
- Trai đơn gái chiếc mà ở chung một nhà, thì chẳng khác nào mua vui cho thiên hạ, bàn ra tán vào. Chừng lúc ấy, yên được hay sao"
Nghiêu Tử bực mình gắt:
- Thấy người hoạn nạn mà không cứu là cái hạng bất nhân. Thấy người hàng xóm mà giả bộ chưa quen là cái đồ bất nghĩa. Chàng bảnh tỏn là vậy, mà thiếu nghĩa thiếu nhân, thì biết khi mô mới thành người quân tử"
Thiên, đầu thì lắc, tay xua lịa xua lia, khẳng khái đáp:
- Việc gì cũng vậy, phải tùy theo khả năng mà đòi hỏi. Bắt người ta làm một việc không thể được - thì sự bắt buộc ấy dù có phải đến đâu - cũng thành ra vô ích.
Nghiêu Tử. Phần thì lạnh, phần thì đói, phần đứng ngoài sợ… ma, lại nghe thêm ba cái lời tầm bậy, bèn to tiếng nói:
- Chàng đi nhiều, hiểu nhiều, thì lẽ ra phải rộng lượng bao dung. Chớ có đâu lại đóng cửa cài then như thế"
Thiên cương quyết đáp:
- Người xưa có dạy rằng: Đàn ông, đàn bà, nếu không phải là vợ chồng, thì phải sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay ta và ngươi đều còn trẻ, thì không thể ở chung. Bởi như thế sẽ khiến… tổ tiên phải nhức đầu nhức óc.
Tử bực bội đáp:
- Chàng làm nghề thợ nhuộm, ắt hiểu người xưa dạy hổng phải cái gì cũng đúng. Lại nữa, cũng phải tùy chuyện, tùy việc, mà nới lỏng đi. Tỉ như thời Xuân thu, có ông Liễu Hạ Huệ, bỗng gặp một thiếu nữ nằm bên vệ đường, thân thể tím ngắt đi vì lạnh. Huệ liền bồng ngay cô ấy ủ vào lòng, mà có mang tai tiếng cái mụ nội gì đâu" Còn chàng, được người hàng xóm qua ngủ nhờ, mà cứ lạng quạng tới lui, thì thiệt không biết… sướng may gì hết cả!
Thiên bình tĩnh đáp:
- Ông Liễu Hạ Huệ thì được, nhưng ta thì chưa thể được. Ví như ta cho ngươi vào, mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ - thì thà rằng - ta không cho ngươi vào để khỏi vướng điều tai tiếng. Thế chẳng phải là ta không cần bắt chước Liễu Hạ Huệ, mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư"
Nghiêu Tử nghe Thiên dông dài như vậy, bèn bực bội quay về. Vừa đi vừa nói:
- Trong cõi trăm năm của con người, hơn nhau ở chỗ biết dùng cái thân mình để làm lợi cho nhân quần xã hội. Biết rằng đời người ai cũng chết, nhưng có kẻ khi chết đi, đã để lại cho đời nhưng công đức không thể nào quên được. Còn có kẻ chết đi thiên hạ lại mừng, bởi thoát được ai tai, ngàn hôm sóng gió. Người nam này, nhắm mắt ôm… đồ cổ - mà quay lưng với nỗi bất hạnh của người ta - thì không nói cũng biết hung nhiều kiết ít.
Mấy ngày sau, có Thúy Vân là chị em bạn dì tới chơi, thấy mắt của Nghiêu Tử thâm quầng đến mấy lượt, bèn hết sức ngạc nhiên. Trố mắt nói:
- Con mắt là cửa sổ linh hồn, mà thất sắc làm vậy, là cớ làm sao"
Nghiêu Tử mặt buồn rười rượi, bèn đem chuyện ngủ nhờ ra mà kể. Lúc kể xong, mới buồn thiu nói:
- Từ trước tới nay, chị thường tin rằng: Gái một con trông mòn con mắt. Chị tuy thiếu một… con, nhưng quyến rũ cuốn lôi không thể nào thiếu được, mà nay đứng trước thằng này - lại chẳng ép phê - thì không biết sức hấp dẫn còn không đây nữa"
Thúy Vân lặng người đi nhìn chị. Quan sát ngược xuôi, rồi ưu tư nói:


- Hôm trước qua nhà người ta. Chị chưng diện thế nào" Có thể đôi lời cho thấu rõ được chăng"
Nghiêu Tử lầu bầu đáp:
- Hôm ấy chị mặc bộ đồ đen, che dù đen, mang dép đen. Tóm tắt là đen tuyền hết cả.
Thúy Vân nghe Tử nói vậy, bèn lắc nhẹ mấy lần, rồi mới thủng thẳng giải phân điều hơn thiệt:
- Chị qua nhà người ta vào buổi tối, mà lại mặc đồ đen, thì cho dẫu có nguyệt thẹn chim sa cũng không sao bắt mắt người ta được, là một cái thua. Chê trách người ta trong khi mình đang nhờ cậy, là hai cái thua. Đem chuyện của ông Liễu Hạ Huệ ra mà so sánh, để bắt người ta phải nhất dạ noi theo, mà quên đi cái tự ái của người ta đang lần hồi bị xúc phạm, là ba cái thua. Người ta dù là láng giềng, nhưng cũng là người dưng, thì không thể lên mặt dạy người ta như là với… chồng vậy, là bốn cái thua. Đàn ông. Dẫu có bằng Tiểu học, nhưng tự thâm tâm vẫn muốn là bóng mát, để phái nữ trọn đời được yên trí chở che. Chớ không thích… bị thế chỗ chút nào hết cả. Chị không hiểu cho điều đó, mà lại dùng lời nặng nhẹ với người ta, thì không nói cũng biết tan tành theo xác pháo…
Nghiêu Tử nghe em tán cho một hồi, bèn rúng động tâm can. Hơ hãi nói:
- Vậy chị phải làm sao"
Vân đáp:
- Ngoài cái ăn diện. Chị còn phải để ý tới sự quan hệ giữa đôi bên, hầu vun quén, mà một khi tình cảm được vun quén, thì sự thân tình sẽ nẩy sinh như… cỏ ngoài sân vậy. Chừng ấy, chẳng những chị qua ngủ nhờ lúc nào cũng được, mà hổng chừng người ta sẽ sửa nhà cho nữa. Chẳng đã hơn ư"
Rồi dừng lại, ngẫm nghĩ một chút, mà nói rằng:
- Dù chỉ có một chút hy vong mong manh, cũng quyết không bao giờ buông bỏ. Nếu chị muốn đặt điều hảo cảm, quan hệ dài lâu, thì phải sửa đổi lời ăn tiếng nói ngay liền mới được. Chớ lạng quạng kiểu  này, thì e nhà sập cũng chẳng mạng nào chạy qua, rồi không khéo chữ phu thê cũng mờ căm không thấy!
Nay nói về Khổng Tử. Một hôm đi qua nước Lỗ, nghe đặng câu chuyện này, bèn đập tay vào đùi. Cao hứng nói:
- Giỏi! Giỏi! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ, chưa ai được như người nước Lỗ này: Mong làm điều rất phải mà không bắt chước cách làm, mà vẫn làm được. Thế mới thật là khôn. Ngon lành hết ý.
Rồi day qua tả hữu, mà nói rằng:
- Viết ngay vào sách, để mai hậu có đàng mà bắt chước.
Lúc ấy, có Bật Tử Tiện đứng kề bên. Vòng tay nói:
- Thưa thầy. Đêm khuya trời mưa gió, mà không cho người đàn bà đang xuân vào ngủ nhờ. Có bất nhẫn quá chăng"
Khổng Tử vuốt râu đáp:
- Không chịu cứu giúp người góa phụ trong cơn mưa gió, thì thật là bất nhẫn. Nhưng nếu giúp người ta, thì tránh đâu cho khỏi tiếng có tình có ý, rồi hại đến chuyện tái giá của người ta, thì thật là bất nghĩa. Một đàng bất nhẫn. Một đàng bất nghĩa, thì nên chọn cái bất nghĩa hơn, bởi nam nữ phải cách xa mới là đúng bài đúng phép.
Tử Tiện nghệch mặt đi một chút, rồi ấp úng nói:
- Lỡ người ta bị cảm lạnh, rồi chết đi, thì trách nhiệm đó lẽ nào không tính tới"
Khổng Tử cười cười đáp:
- Phần số đã định, thì cho dù có cứu giúp người ta, cũng chẳng canh cải gì được. Có phải vậy chăng"
Tử Tiện, tin là thầy nói phải, nhưng trong ruột lấn cấn như bụng dạ không tiêu, bèn lủi thủi ra sau đứng nhìn trời hiu quạnh, bất chợt có bàn tay để nhẹ lên vai. Tha thiết nói:
- Trời đẹp hoa tươi. Cây cỏ xanh tốt. Sao huynh lại không vui" Chẳng lẽ chốn tâm can có điều chi khúc mắc"
Tử Tiện quay lại, nhận ra là Khổng Miệt, bèn yên tâm nói:
- Vì sợ thiên hạ dị nghị, hàng xóm chê cười, đến độ thấy người ta hoạn nạn mà vòng tay không cứu. Chẳng bậy lắm ư"
Khổng Miệt cẩn trọng đáp:
- Người ta không cứu là vì có lý lẽ riêng của nó. Mình là người ngoài cuộc. Chỉ nhìn thấy mặt nổi mà không thấy được mặt chìm, thì dẫu có bàn luận lung tung, cũng mần răng biết trúng.
Tiện nghe vậy, mặt đượm vẻ đăm chiêu, rồi ngạc nhiên nói:
- Đàn ông gặp người con gái lạ, như quạ thấy gà con, thì lẽ đâu ông Hạ Huệ lại ngồi im không tính"
Khổng Miệt nhỏ giọng đáp:
- Hạ Huệ sở dĩ được người người ca ngợi, là nhờ người ta bị bệnh, chẳng biết trời trăng gì, nên ông Hạ Huệ mới được tiếng thanh cao, dương danh điều nhân nghĩa. Chớ thử người con gái ấy khỏe mạnh mà xem, thì không biết ông Hạ Huệ sẽ mần răng đây nữa" Mà không chỉ Hạ Huệ, bất cứ ai còn có lương tri, rơi vào hoàn cảnh đó, thì không thể thấy người ta sắp chết mà không cứu. Chỉ là Hạ Huệ làm đúng lúc nhiều người qua lại - nên thiên hạ thổi đồn - chuyện nhỏ hóa thành to. Chớ thực ra chẳng ngon gì hết cả!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.