Hôm nay,  

Đi Xa Về Kể Chuyện Khỉ

30/03/200400:00:00(Xem: 5157)
Trên đường về thăm quê nhà vào dịp Tết Giáp Thân vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan Singapore và Mã Lai. Trước khi đến thủ dô Kuala Lumpur, đoàn chúng tôi được hướng dẫn viên du lịch đưa đi thăm viếng động Batu, một thánh địa nổi tiếng của Ấn Giáo ở vùng Đông Nam Á. Ờ đây chúng tôi được chứng kiến những chú khỉ vừa vươn vai ngáp vừa tụt dần xuống từ những chỗ ngủ cheo leo trên những bức tường đá của động, đùa giỡn với khách hành hương. Những khỉ mẹ đang cho con bú, những khỉ đực gãi tai, những chú khỉ con thì lăng xăng trêu đùa. Sau đó, với nhóm từ hai đến ba con, chúng thong thả đi ngang qua các bậc thang lên xuống, luồn lách giữa bến xe đậu để tới nơi có sẵn những bữa ăn sáng mà người ta đã dành cho chúng. Vùng núi hang động này có rất nhiều khỉ sinh sống. Chúng sống thành bầy đàn rất tự do mà không sợ bị săn bắt hay xua đuổi.
Khỉ là một loại động vật có vú, từ cấu trúc cơ thể cho đến đời sống xã hội của chúng rất gần gũi với loài người. Chúng sống tập đoàn, biết thương yêu, biết săn sóc và biết che chở cho nhau khi có sự đe doạ từ bên ngoài. Tình mẫu tử và tình yêu đôi lứa giống như con người. Khỉ mẹ luôn âu yếm, vuốt ve, che chở cho con. Đặc biệt khi gặp hoạn nạn, khỉ mẹ sẵn sàng quên mình cứu con. Hình ảnh hai mẹ con khỉ âu yếm nhau phản ảnh cảnh sum vầy đầm ấm, hạnh phúc của gia đình khỉ, làm tôi nhớ đến câu chuyện tình của đôi khỉ. Trong lần về thăm quê nhà kỳ trước, khi đi du lịch Vịnh Hạ Long, người hướng dẫn du lịch có kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình của đôi khỉ trên đảo Khỉ ở Vịnh Bái Tử Long khiến mọi người xúc động. Hồi đó, cũng lâu lắm rồi, do nhu cầu nghiên cứu, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã tách dân số khỉ ở đảo Khỉ ra làm hai, một nửa ở lại và một nửa chuyển qua hòn đảo kế cận cách nhau không xa. Đêm ấy cả hai đảo vang lên tiếng rú của đàn khỉ gọi nhau đoàn tụ da diết. Khi chúng đã tìm được đôi, tìm được gia đình của nhau thì tiếng kêu đoàn tụ cũng thưa dần ngoại trừ còn lại tiếng kêu thất thanh lạc đàn, rú lên từng hồi suốt đêm này qua đêm khác và tiếng hú đáp lại vang vọng từ đảo bên kia, ai nghe cũng cảm thấy buồn não ruột. Thế rồi về sau người ta thấy một con khỉ bơi hướng về đảo Khỉ; thì ra đó là chú khỉ bơi về đảo cũ tìm người yêu bị thất lạc khi phân ly. Hai cô chú khỉ đã đoàn tụ với nhau và từ đó người ta không còn nghe thấy tiếng kêu thất thanh và tiếng rú đáp lại vang vọng giữa đêm khuya.
Lần này, khi về đến Saigon, trong lúc đi dạo phố, đến góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Phạm Viết Chánh - Quận 1, chúng tôi thấy tận mắt một nhóm người chuyên bán thú rừng, trong số đó có nhiều chú khỉ rất dễ thương bị nhốt trong lồng... Hỏi thăm thì được biết người bán là những người nhập cư gốc Đồng Nai, đã được bọn buôn lậu thú rừng thuê để bán hộ. Còn người mua thường là một số người có sở thích chơi và ăn thịt thú rừng, họ chỉ cần bỏ ra 150 ngàn đồng là có thể mua được một con khỉ, 10 ngàn đồng để mua một con rùa, 20 ngàn đồng để mua một con sóc…
Tệ nạn buôn lậu thú rừng này không chỉ phát triển tại thành phố Saigon, mà là ở khắp nơi. Quán ăn thú rừng và những người thích ăn thịt thú rừng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng săn bắt chim, khỉ và các thú rừng khác cùng với nạn đốt phá rừng đã phá hoại nghiêm trọng môi truờng sống của nhiều loại động vật hoang dã.
Tình trạng trầm trọng đến nỗi tờ báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật 17. 2. 2004 phải lên tiếng qua một bài phóng sự về món ăn óc khỉ, một đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh. Bài phóng sự tả chân của phóng viên Vũ Toàn đã đánh động lương tâm con người vì sau đó có rất nhiều độc giả gửi thư về toà soạn cho biết họ không ngủ được khi đọc được bài viết và lên án những người ăn thịt khỉ này. Xin trích đoạn:

“… Làm thịt khỉ không có gì khác so với làm thịt chó, ngoại trừ công đoạn đầu tiên là chặt óc khỉ. Sở dĩ phải có công đoạn này là do óc khỉ bán rất chạy cho người thích "ăn óc bổ óc" hoặc người mắc chứng đau đầu kinh niên. Để tránh ăn phải óc khỉ dỏm, khách đều cất công đến tận quán để ăn óc tươi. Cho nên trước khi hóa mình thì con khỉ nào cũng phải chấp nhận bước lên đoạn đầu đài. Đầu đài là cái mặt bàn được chủ quán khoét sẵn một lỗ vừa vặn 1/3 đầu con khỉ nhô từ dưới lên. Khi khách đã ngồi vào bàn tận mắt nhìn thấy con khỉ với đầy đủ rau thơm, gia vị để cạnh thì chủ quán cầm con dao sắc ngọt phạt một nhát ngang chỏm đầu con khỉ.
Tại quán chuyên cháo khỉ mà lão Toản dẫn tôi đến, đoạn đầu đài của khỉ không phải là mặt bàn khoét lỗ sẵn mà là cái cột phía sau hồi nhà. Có một khách bụng phệ đang ngồi chờ sẵn để được ăn óc tươi. Chủ quán tóm cổ con khỉ cỡ 2 kg để buộc vào cột. Cái chuồng bằng lưới sắt bên cạnh có ba chú khỉ mặt đỏ đang chải lông cho nhau vội vàng ré lên rồi co rúm lại. Trên người ba chú khỉ này lở loét những vết thương do chó săn cắn hoặc do dây thép cứa khi bị sập bẫy. Lúc con khỉ sắp bị chặt óc, nó đưa hai tay chắp vào nhau rồi vái lia lịa trước khi ôm cột. Chủ và khách tỏ ra vô cảm do không để ý hoặc đã quá quen với cảnh hành hình này. Phập! Tiếng dao lia qua đầu khỉ. Một tiếng rú man dại như tiếng của đứa con nít thét lên. Vị khách điềm nhiên múc óc khỉ lẫn huyết đỏ tứa ra nuốt tuồn tuột vào bụng cùng với rau húng, lá diếp cá! Lão Toản nói: "Cháo khỉ lời nhất ở bộ óc với giá hơn 100.000 đồng, túi mật: 50.000 đồng, rồi đến thịt: 120.000 đồng/kg…” .
Thật không ngờ món ăn óc khỉ dã man nầy phát xuất từ thời Từ Hi Thái Hậu, đời nhà Thanh Trung Hoa còn tồn tại đến nay trong giới nhiều tiền ăn chơi tại Việt Nam! Ở Tây phương giới y khoa chỉ dùng khỉ trong các việc thí nghiệm tìm thuốc cứu người và nuôi khỉ trong sở thú để mọi người chiêm ngưỡng, không có việc giết và bán thịt khỉ.
Về quê nhà lần này nhằm đúng dịp Tết Giáp Thân, được thấy hai hình ảnh Khỉ tương phản, lòng không khỏi dấy nên niềm thương và nỗi xót xa cho những cô chú khỉ bé nhỏ kia, không biết kiếp trước chúng đã gieo nhân gì để phải chết thảm như vậy và không biết trong ánh mắt van xin tuyệt vọng lẫn căm hờn của chúng trước khi bị hành hình, có mang theo hình ảnh người bắt chúng, người chém đầu chúng và người múc óc chúng ăn không, để rồi một kiếp nào đó tái sanh làm người trả lại oán thù. Không biết ân oán trùng trùng, vay trả trả vay đến khi nào mới dứt...
Trước tình trạng này chúng ta làm sao cứu vớt những động vật hoang dã, trong đó có các cô chú khỉ dễ thương" Vận động với chính quyền Việt Nam ban hành luật cấm không cho săn thú rừng" Hình như đã có luật nhưng các cơ quan chấp hành luật không thi hành" Mua lại chúng để phóng sinh" Giải pháp này cũng hay nhưng liệu những người săn có chịu buông tha chúng, để chúng được sống an ổn nơi núi rừng, để chúng tự do leo trèo, đùa giỡn với chúng bạn hay là sau khi thả khỉ về rừng, người săn khỉ lại tiếp tục lùng bắt và rồi chúng lại bị lên đoạn đầu đài chết thảm" Biện pháp tốt nhất là làm thế nào thuyết phục những người tiêu thụ thôi đừng ăn óc khỉ, đừng ăn thịt khỉ, làm thế nào khơi dậy lòng từ bi của họ thì hy vọng sẽ giảm thiểu nguồn cung ứng khỉ, tức ngăn chận việc ăn thịt khỉ nói riêng và thú rừng nói chung. Chỉ với tấm lòng từ bi thương xót chúng sinh, xem mọi loài chúng sinh đều bình đẳng, đều có quyền sống, đều có quyền chia xẻ một phần trên trái đất này, thì mới mang lại hạnh phúc và an lành cho tất cả muôn loài.
Tịnh Thủy, viết từ Saigon ngày đầu năm Giáp Thân
(www.thuvienhoasen.org)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.