Hôm nay,  

Bầu cử NSW và bài học cho hai đảng

02/04/200700:00:00(Xem: 1721)

Thời sự nước Úc: Bầu cử NSW và bài học cho hai đảng

LND: Theo như hầu hết giới bình luận gia chính trị Úc thì có hai nguyên do chính dẫn đến sự thất bại của phe liên đảng, đặc biệt là đảng Tự Do, trong kỳ bầu cử tiểu bang NSW vừa qua. Thứ nhất là sự bất tài của lãnh tụ đối lập tiểu bang Peter Debnam. Thứ nhì, quan trọng hơn cả việc cử tri không ưa ông Debnam, là việc cử tri muốn bày tỏ sự bất mãn của mình đối với chính sách quan hệ lao tư Work Choices của thủ tướng John Howard. Chính thủ hiến Morris Iemma trong bài diễn văn chiến thắng của mình đã nhấn mạnh rằng cử tri NSW đã lên tiếng chống lại Work Choices bằng lá phiếu của mình và nếu thủ tướng John Howard không lắng nghe dân ý thì ông sẽ phải nhận lãnh hậu quả đáng kể. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài phân tích của nữ bỉnh bút Jennifer Hewett về tình hình chính trường liên bang nhan đề "A State Of Failure: Howard's Battlers May Bolt" được đăng tải trên nhật báo Australian Financial Review ngày 26/3/07 vừa qua.

*

John Howard thích khẳng định rằng cử tri thường phân biệt giữa những vấn đề của tiểu bang và liên bang cũng như các chiến dịch vận động bầu cử ở hai cấp chính phủ này. Thế nhưng, khi ông quan sát tình hình u ám của đảng Tự Do trên toàn quốc gia, ông phải nhận thức được rằng chỉ còn có một cuộc bầu cử nữa - kỳ bầu cử liên bang sắp tới - là đảng của ông phải đối diện với một sự tàn phá lâu dài và toàn diện của họ.
Sự thất bại của đảng Tự Do NSW trong cuộc bầu cử vừa qua là một chứng cớ thật nhục nhã về tình trạng nguy kịch hiểm nghèo của đảng Tự Do trên toàn quốc hiện nay: không nắm được chính quyền ở bất kỳ một tiểu bang nào, bị xáo trộn nội bộ trầm trọng tại tất cả mọi tiểu bang và có nhiều nguy cơ bị thất cử trên bình diện quốc gia.
Dường như là đảng Tự Do vẫn không hề tìm được một lối đi vững chãi nào để chiếm được lòng tin của cử tri cho dù chính phủ Lao động ở cấp tiểu bang có tệ hại đến cách nào đi nữa. Và điều này lại dẫn đến những chuyện chia rẽ, cấu xé, tự hủy diệt trong nội bộ. (LND: Hôm thứ Hai 26/03/07 vừa qua, chỉ hai ngày sau kỳ bầu cử là phó lãnh tụ đảng Tự Do, ông Barry O'Farrell đã họp báo tuyên bố sẽ tranh chức lãnh tụ đảng, và lãnh tụ đối lập tiểu bang. Và ông Debnam cũng vội vã tuyên bố ông sẽ chiến đấu để giữ chức vụ này!)
Lãnh tụ đối lập NSW, ông Peter Debnam, mặc dầu chỉ nắm chức vụ này trong 19 tháng qua, hiện là lãnh tụ Tự Do lâu đời nhất ở cấp tiểu bang! Và ông đang có nhiều nguy cơ bị đẩy ra khỏi chức vụ này!
Thế nhưng, vấn đề sẽ được thảo luận nhiều nhất trong năm nay sẽ là tương lai của John Howard trong vai trò lãnh tụ lâu dài của đảng Tự Do liên bang. Và nó cũng sẽ định đoạt vĩnh viễn về di sản mà ông để lại cho mai sau. Chuông đã điểm và kết quả cuộc bầu cử tiểu bang NSW đã đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy những nguy cơ sắp đến cho đảng Tự Do liên bang.
Tuy việc ông Morris Iemma giữ vững được chính quyền một lần nữa cho thấy ảnh hưởng lớn lao của sự tại chức cho bất kỳ một chính phủ nào, nhưng đảng Lao động NSW đã vận động bầu cử rất mạnh mẽ về vấn đề quan hệ lao tư, một vấn đề của liên bang hơn là của tiểu bang. Chuyện này chứng thực được sự hữu hiệu của lối tấn công trong việc chống lại một thủ tướng đang chuẩn bị cho kỳ thử thách gay go nhất.
Một sách lược gia thâm niên của đảng Lao động cho biết: "Work Choices đã làm thay đổi hình ảnh của John Howard đối với những người được xem là Howard's Battlers (người thuộc giai cấp lao động, lương thấp nhưng đầu phiều cho John Howard trong những kỳ bầu cử tiểu bang trước đây). Và họ bây giờ có khuynh hướng suy nghĩ rằng, thật ra ông Howard chỉ quan tâm đến bản thân của ông, những dự định của ông và bằng hữu của ông trong giới doanh nhân hơn là để ý đến quyền lợi của họ hoặc lợi ích của quốc gia.
Việc chính sách quan hệ lao tư được những cử tri đã từng yểm trợ cho John Howard xem là biểu tượng của "sự phản bội" quả thật là một nguy hiểm cho chính phủ Howard, đặc biệt là khi nó được kết hợp với nhận định rằng ngài thủ tướng không còn lắng nghe những mối quan tâm của giới lao động vất vả nữa. Tuy nhiên, ấn tượng này sẽ dễ dàng được xóa bỏ nếu ông Howard chỉ phải đối phó với Kim Beazley. Còn với ông Kevin Rudd, rõ ràng John Howard đã gặp một đối thủ sắc bén hơn nhiều.
Với tỷ lệ thất nghiệp tại Úc ở mức thấp nhất trong suốt 30 năm qua, ông Rudd đã nhanh nhẹn giới thiệu chính sách quan hệ lao tư của đảng Lao động như một sự bảo đảm cho giá trị của gia đình cùng bảo vệ sự cân bằng giữa công việc làm và thời gian dành cho gia đình.
Trong dịp cùng xuất hiện với ông Morris Iemma để vận động bầu cử cho chính phủ Lao động tiểu bang, ông Rudd luôn nhấn mạnh về sự công bình. Trước một đám đông quần chúng ở miền Tây Sydney, ông nói: "Tôi không thể nào nghĩ đến một sự tương phản nào khác rõ rệt hơn giữa quan điểm hai đảng, giữa hai phe, hơn là việc này. Chúng tôi tranh đấu cho sự công bằng cũng như sự uyển chuyển tại nơi làm việc. Phe bên kia chỉ đại diện cho một bộ luật duy nhất, dồn hết quyền lực vào tay một giới thôi và đấy là tay của giới chủ nhân".
Đấy là chiến thuật nhắm thẳng vào những cử tri rất quan trọng ở miền Tây Sydney vốn luôn bỏ phiếu cho John Howard ở cấp liên bang và ở cấp tiểu bang luôn bầu cho Bob Car thuở xưa cũng như cho ông Iemma bây giờ. Và chiến thuật này dường như hữu hiệu, với một vài đơn vị, thí dụ như Penrith, cho thấy số cử tri tín nhiệm Lao động gia tăng. Tuy nhiêu, lập luận này của đảng Lao động liên bang rõ ràng không có được sự thu hút đồng đều ở tất cả mọi tiểu bang.


Tây Úc, vốn đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc xuất cảng nguyên liệu, đã chấp nhận AWA (Australian Workplace Agreement - hợp đồng thuê mướn công nhân cho từng cá nhân) một cách nhiệt tâm trong kỹ nghệ hầm mỏ và người ta khó có thể thuyết phục được cử tri ở đấy rằng AWA không cải thiện điều kiện làm việc.
Những ảnh hưởng tệ hại của Work Choices có lẽ cũng khó thuyết phục được cử tri Queensland. Thủ hiến Peter Beattie đã không nhắc đến quan hệ lao tư trong chiến dịch vận động bầu cử tiểu bang hồi năm ngoái, và chỉ lên tiếng đòi hỏi thay đổi sau khi đã an toàn nắm chính quyền một lần nữa.
Thế nhưng, chiến dịch quảng cáo rộng rãi của đảng Lao động về việc ông Peter Debnam muốn giao trọn quyền cho Canberra trong vấn đề quan hệ lao tư đã có hiệu quả thật rõ rệt đối với cử tri tiểu bang NSW. Theo cuộc thăm dò dân ý của ACNielsen một tuần lễ trước ngày bầu cử thì quan hệ lao tư là mối quan ngại lớn lao nhất của cử tri. Sự cam kết của đảng Tự do tiểu bang rằng họ sẽ tiếp tục giữ quy chế tiểu bang cho công chức tiểu bang - kể cả y tá và cảnh sát - đã bị choáng ngợp vì những quảng cáo nói trên của đảng Lao động.
Tổng trưởng quan hệ lao tư liên bang, ông Joe Hockey, lên án loại quảng cáo này, cho rằng chúng là "những loại quảng cáo gian dối nhất" mà ông thấy từ xưa đến nay. Thế nhưng, lời tuyên bố của ông vẫn không ngăn chận được ảnh hưởng của chúng. Theo kết quả thăm dò dân ý của ACNielsen tại nhiều đơn vị quan trọng cho thấy rất nhiều người lớn tuổi, thường là những người ủng hộ John Howard, bày tỏ một sự quan ngại đặc biệt về ảnh hưởng của luật lao tư Work Choices đối với thế hệ con, cháu họ.
Ngay cả ở Victoria, một tiểu bang vốn đã giao trọn quyền về quan hệ lao tư cho chính phủ liên bang từ thời thủ hiến Kennett, một chiến dịch quảng cáo thử nghiệm hồi năm ngoái với chủ đề John Howard đã "đi quá trớn" với Work Choices cũng có nhiều ảnh hưởng đối với quần chúng.
Chính phủ Howard sẽ tiếp tục biện luận rằng đường lối của đảng Lao động biểu hiệu cho việc quay trở lại với thời mà công đoàn nắm ưu thế, với thời mà đình công liên tục xảy ra. Tuần qua, trong buổi nói chuyện hàng tuần trên truyền thanh của ông, John Howard đã tuyên bố: "Sự cải tổ quan hệ chỗ làm việc đã và đang giúp cho nước Úc giữ vững được nền kinh tế thịnh vượng. Kể từ khi Work Choices được áp dụng cho đến bây giờ là một năm, và trong thời gian đó, đã có 263,000 công ăn việc làm mới và mức lương thật sự - lương sau khi trừ hao cho lạm phát - đã tăng lên 1,5%. Nếu Lao động thắng trong kỳ bầu cử liên bang sắp tới và những cải tổ nà bị lật ngược, chúng ta sẽ phải quay trở về thời gian đen tối thuở xưa với đình công và không có sự phát triển công ăn việc làm.".
Một chiến dịch dai dẳng của chính phủ Howard về những nguy hại mà đảng Lao động liên bang có thể mang đến cho sự phồn thịnh kinh tế rõ ràng sẽ tạo nhiều áp lực đối với ông Kevin Rudd hơn là đối với các thủ hiến tiểu bang. Một cố vấn của đảng Lao động cho biết: "John Howard biện luận giỏi hơn các lãnh tụ Tự do cấp liên bang".
John Howard có thể thay đổi chút đỉnh về đạo luật quan hệ lao tư để làm cho nó dễ được quần chúng chấp nhận hơn, nhưng bất kỳ một sự thay đổi quan trọng nào trong lãnh vực này sẽ khiến uy tín của đảng Lao động tăng cao. Một người cao cấp trong đảng Tự do nói: "Đấy là một con dao hai lưỡi. trong lúc Kevin Rudd có vẻ như đã vạch ra được lối đi tương lai cho những vấn đề khác thì mình chỉ có thể giảm thiểu sự khác biệt. Howard phải tiếp tục đưa ra những nghị luận khác nếu không thì ông Rudd sẽ giành được ưu thế".
John Howard cũng sẽ dựa vào một sự việc mang nhiều tính truyền thống: cử tri thường muốn có được một sự cân bằng trong bài toán chính trị của họ - họ thường đầu phiếu cho đảng này ở cấp liên bang trong lúc tín nhiệm đảng kia ở cấp tiểu bang để gia tăng sự kiểm soát lẫn nhau của các cấp chính phủ này. Hiểu rõ điều đó, Tự do sẽ lên tiếng cảnh báo thật trầm trọng về nguy cơ cho nước Úc khi đảng Lao động nắm chính quyền cả tiểu bang lẫn liên bang.
Lịch sử cho thấy rằng chẳng những chỉ trong thời gian gần đây khi thành công của John Howard trên chính trường liên bang đi song song với 21 kỳ thất bại liên tục của đảng Tự Do ở cấp tiểu bang, mà gần như không có thời điểm nào ở Úc - ngoại trừ một thời gian ngắn ngủi là năm năm trong thập niên 1970s, một chính đảng đã nắm trọn chính quyền ở mọi tiểu bang và liên bang cùng một lúc.
Dĩ nhiên là ông Rudd cũng sẽ phản pháo lập luận nói trên bằng cách lý luận rằng cách tốt nhất để đạt được thành quả hữu hiệu cho đất nước là khi các chính phủ đều thuộc phe Lao động để cùng hợp tác làm việc. Ông Rudd cũng chuyên chú vào kết quả nghiên cứu từ cả hai đảng cho thấy cử tri đã chán ngấy "trò đổ thừa" khi Canberra đổ lỗi cho chính phủ tiểu bang và chính phủ tiểu bang tấn công Canberra vì đã quá chậm trễ trong việc giải quyết các vấn nạn.
Trong buổi vận động bầu cử tiểu bang được nhắc đến trước đây, ông Rudd tuyên bố: "Chúng ta có thể chọn phương pháp dựa theo chủ thuyết liên bang hợp tác (co-operative federalism), phương pháp mà tôi tin tưởng, hoặc phương pháp dựa trên chủ thuyết liên bang cưỡng bách (coercive federalism), phương pháp mà họ luôn chơi trò đổ thừa. Khi ông Howard không thể cung cấp được một kết quả khả quan nào thì ông bèn đổ thừa cho tiểu bang. Nếu ngày mai trời không mưa: đổ lỗi cho tiểu bang. Nếu Úc thua cricket: lỗi tại tiểu bang. Lúc nào cũng là lỗi của tiểu bang. Lúc nào cũng là lỗi của người khác". Và đấy là một "Work Choices" cho chính John Howard.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.