Hôm nay,  

Úc Cần Trở Lại Đúng Đường

19/03/200700:00:00(Xem: 1728)

Thời sự Úc: Úc Cần Trở Lại Đúng Đường

LND: Tuần qua, một dữ kiện khá quan trọng đã xẩy ra trên chính trường liên bang Úc nhưng hầu như không được giới truyền thông, và qua đó, đa số quần chúng Úc, để ý đến. Đó là việc 5 công đoàn cấp tiến - bao gồm AMWU - đại diện cho công nhân sản xuất, LHMU - đại diện cho người làm việc trong nhiều kỹ nghệ như bia rượu, dịch vụ lau chùi, giữ trẻ, trông nom người già, sản xuất sơn, khách sạn, thẩm mỹ viện; CFMEU - đại diện cho những ngành xây cất, đẳn gỗ, hầm mỏ và năng lượng; AEU - đại diện cho giáo chức tiểu và trung học; và CPSU - đại diện cho công chức - phát hành một văn kiện tựa đề "Back On Track - A Way Forward For Australia" (Trở Lại Đúng Đường - Một Lối Tiến Cho Úc Đại Lợi) nhằm đưa ra quan điểm và lập trường của họ về nhiều vấn đề quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân Úc. Mục đích của 5 công đoàn này là nhằm tạo ra một cuộc thảo luận sâu rộng chẳng những trong nội bộ phong trào công đoàn mà còn cả trong quảng đại quần chúng về những vấn đề này. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản phỏng dịch bài viết nhan đề "Unions' Vision Offers Alternative Way Forward" - Viễn Kiến Của Công Đoàn Vạch Ra Một Hướng Đi Mới Để Tiến Lên - của ông Kenneth Davidson, bỉnh bút Kinh Tế Thương Mại của nhật báo The Age, đăng tải ngày 12/03/07 vừa qua.

*

Bản chất chủ yếu của một hệ thống chính trị lành mạnh, vững chãi là việc các chính đảng tranh giành quyền lập chính phủ có thể đưa ra nhiều viễn kiến khác nhau về kinh tế và xã hội cho người dân có thể lựa chọn. Một điều kiện khác không kém phần quan trọng cho sự lành mạnh này là khả năng của cử tri trong việc so sánh, cân nhắc những chính sách đối nghịch bằng những tiêu chuẩn vốn cân bằng giữa lợi ích quốc gia và quyền lợi cá nhân họ.
Một khi mà các cuộc tranh cãi chính trị lại trở nên những việc tấn công cá nhân như chúng ta đã chứng kiến trong vài tuần qua thì điều này có nghĩa là không có nhiều khác biệt giữa chính sách của các chính đảng lớn. (LND: Việc tấn công cá nhân được nêu lên ở đây là vụ chính phủ Howard tìm cách bôi bẩn, hạ uy tín lãnh tụ đối lập liên bang Kevin Rudd vì đã gặp gỡ với cựu thủ hiến Tây Úc Brian Burke, một người từng bị thụ án vì tham nhũng, và hiện đang tạo nhiều xì-căng-đan ở tiểu bang này - chi tiết trang 18).
Rõ ràng là đảng Lao động liên bang, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Beazley trước đây, và ông Kevin Rudd hiện nay, đã không thể đưa ra cho cử tri một viễn kiến nào mới lạ cả. Nó đã trở thành một đảng bị ly dị, bị tách rời quá xa với nguồn gốc và đảng viên của nó. Những phương thức dân chủ để tuyển chọn ứng cử viên cho những đơn vị có thể thắng đã bị một tập đoàn tự tái lập (self perpetuating oligarchy) tước đoạt. Tập đoàn này vốn xem đảng Xanh và những thành phần thuộc cánh "Tả" của đảng là kẻ thù đích thực (hơn là đảng Tự Do) bởi vì những thành phần này là một sự nhắc nhớ khiến người ta khó chịu về nguồn gốc và lý tưởng thuở xưa của đảng Lao Động.
Tuần qua, năm công đoàn, đại diện hơn 700,000 công nhân viên chức (Liquor Hospitality & Miscellaneous Union, Australian Manufacturing Workers' Union, Construction Forestry Mining & Energy Union, Australian Education Union và Community & Public Sector Union) đã đưa ra một viễn kiến khác (Back On Track - A Way Forward For Australia).
Nếu người ta gạt bỏ văn kiện này qua một bên chỉ vì nó phát xuất từ các công đoàn này thì quả thật là một chuyện vô cùng đáng tiếc. Những đề nghị trong văn kiện này đáng được thảo luận dựa trên căn bản giá trị của chúng, đặc biệt là khi không có một cuộc thảo luận bàn cãi chính sách kinh tế nào từ cả hai cấp tiểu bang và liên bang (của đảng Lao động) lại không đặc sệt những giá trị và ngôn ngữ của chủ thuyết tân-tự-do (neo-liberalism).
Phương cách thu nhỏ mục tiêu này vốn được đề ra vì đảng Lao động muốn vượt qua được sự nhận xét phiến diện rằng phe Liên đảng có khả năng quản trị kinh tế giỏi hơn họ. Thế nhưng, phương thức này không có hiệu quả và đảng Lao Động đối lập liên bang phải đối diện với sự thật là trừ phi họ có thể đưa ra được một viễn kiến khác về kinh tế, họ không thể nào đưa ra được một chính sách xã hội khả tín dựa trên nền tảng công bình kinh tế (based on economic justice).
Văn kiện "Back On Track" nhắc đến ở trên đưa ra chính sách về một số vấn đề quan trọng bao gồm gia cư, giữ trẻ, giáo dục, thuế khóa, chính sách về kỹ nghệ và hạ tầng cơ sở. "Những chính sách này tạo dựng một nền tảng cho một chương trình tái kiến thiết quốc gia vốn có thể đưa nước Úc tiến nhanh trên con đường khả năng cao, lương cao với công ăn việc làm vững chãi hơn, một hệ thống y tế công cộng miễn phí bền vững, một dịch vụ giáo dục bao quát, và một xã hội công bình hơn. Chương trình này là một sự tương phản thật rõ rệt với chương trình của Howard vốn tuần túy là một sự cạnh tranh dựa trên căn bản giảm lương và điều kiện làm việc, một cuộc chạy đua xuống đáy vực, công việc bấp bênh thiếu an toàn, tư hữu hóa và sự phân cách ngày càng rộng lớn hơn giữa người nghèo và kẻ giầu".


Tôi tin chắc rằng nhiều phần của văn kiện này, chẳng hạn như những đoạn về giáo dục, phát triển công nghệ, thuê công nhân ngoại quốc và ngoại thương, sẽ bị những người thuộc cánh hữu trên chính trường Úc bác bỏ cho rằng đấy chỉ là những luận điệu tuyên truyền. Thế nhưng có nhiều đoạn khác không dễ dàng bị bác bỏ, phủi qua một bên, chẳng hạn như những đoạn về gia cư, về thuế khóa trên quỹ hưu bổng và vai trò của các hợp doanh (public private partnerships) trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở. Đây là những lãnh vực mà sự bất công quá rõ rệt đã bào mòn và hủy hoại hiệu quả của nó và không thể nào biện minh được cả.
Về gia cư, bản văn kiện nêu lên nhu cầu thay đổi chính sách về phương pháp giảm thuế negative gearing và capital gains để bảo đảm cho sự đầu tư vào việc xây dựng nhà cửa cho người có lợi tức thấp (affordable housing). Hàng năm, công khố quốc gia bị hao hụt $2,1 tỷ Úc Kim từ negative gearing. Số tiền này dễ dàng giúp cho việc tái tạo hơn 100,000 căn nhà của chính phủ cho người có lợi tức thấp thuê (public housing) vốn đã bị mất đi từ năm 1996 cho đến nay.
Và văn kiện này cũng không rơi vào cái bẫy thường tình của việc nhầm lẫn giữa chuyện gia cư cho người có lợi tức thấp (affordable housing) và sự nổ bùng của giá nhà trung bình (median house pricees). Giá nhà cửa ở ngoại ô thành phố không có nhiều thay đổi. Vấn nạn là sự thiếu thốn phương tiện, hạ tầng cơ sở vốn là nguyên nhân khiến những khu vực ngoại ô này bị cô lập và biến thành những nơi sản sanh ra sự tuyệt vọng dẫn dắt đến tệ nạn thiếu niên phạm pháp, phá hoại. Vấn nạn này đòi hỏi "một phương cách toàn diện trong vấn đề gia cư, một phương cách bao gồm sự liên kết thật chặt chẽ với thiết lập hạ tầng cơ sở về phương tiện giao thông, mục tiêu bảo vệ môi sinh, cơ hội tìm việc làm và những hạ tầng cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội".
Điều này dẫn đến những ưu tiên trong việc xây cất hạ tầng cơ sở. Bản văn kiện xác định rằng mọi người đều đồng ý về nhu cầu xây dựng thêm hạ thầng cơ sở. Vấn đề khác biệt cần tranh cãi là phương pháp để xây dựng chúng.
Theo bản văn kiện này thì "Chúng ta đã thấy nhiều chính phủ rụt rè e ngại không dám mượn tiền và vì thế chấp nhận các dự án hợp doanh PPP (Public Private Partnerships) một cách quá dễ dãi, không suy xét, mặc dù có nhiều cuộc nghiên cứu vốn đã được phổ biến rộng rãi cho thấy những hợp doanh này không phải là rẻ (provide value for money) và, trong đại đa số trường hợp, không làm tăng gia tốc cho việc thiết lập hạ tầng cơ sở".
Bản văn kiện đề nghị "không bước thêm vào bất kỳ một hợp doanh nào nữa, trừ phi có được một cuộc kiểm tra thật toàn diện và kỹ càng về những ảnh hưởng kinh tế và xã hội của một dự án để thẩm định lợi ích cũng như ảnh hưởng tiêu cực của dự án ấy, đặc biệt là về những lựa chọn trong vấn đề tài trợ nó (financing options)".
Bản văn kiện còn đề nghị "thêm vào đó, một cuộc xét nghiệm chính xác và độc lập về trị giá (value for money) phải chứng minh được rằng hơp doanh là phương pháp rẻ nhất để tài trợ cho dự án xây cất hạ tầng cơ sở ấy".
Chi nhánh của Đảng Lao động tại tiểu bang Victoria đã thông qua một quyết nghị rằng những dữ kiện nêu trên và các hợp đồng của những công trình hợp doanh phải được công khai hóa. Trước cuộc tổng tuyển cử tiểu bang năm ngoái thì bộ trưởng tài chính tiểu bang, ông John Brumby, chấp nhận. Cho đến bây giờ, sau kỳ bầu cử đã khá lâu, chính phủ tiểu bang Victoria vẫn chưa công khai hóa hợp đồng hợp doanh xây dựng Exhibition Centre và thẳng thừng từ chối, viện lý do bảo mật nội các (cabinet confidentiality) không chịu phổ biến kết quả của một cuộc nghiên cứu so sánh phí tổn xây cất Eastlink trên căn bản hợp doanh PPP với phí tổn này nếu hoàn toàn do chính phủ đài thọ.
Bản văn kiện "Back On Track" cũng chỉ trích việc chi tiêu $16 tỷ Úc Kim tiền thuế thu được về quỹ hưu trí. Bản văn kiện viết: "Việc giảm thuế mang đầy tính thoái hóa trên quỹ hưu bổng cần phải thay thế bằng một hệ thống bù trừ tiền thuế cho quỹ hưu bổng".
Vì sao một người với mức lợi tức từ $25,000 Úc kim trở xuống lại không được gì hết trong khi những người với mức lương $67,000 một năm lại được nhận nhiều hơn phí tổn mà chính phủ phải chi ra để cấp dưỡng tiền hưu trí cho họ" đối với những người về hưu với mức lương trên $120,000 một năm, phí tổn cho chính phủ từ mức giảm thuế hiện hành sẽ là gấp đôi phí tổn mà chính phủ phải đài thọ toàn bộ cho việc cấp dưỡng tiền hưu trí cho họ. Khả năng tiết kiệm tùy thuộc vào mức lương chứ không phải là một đức tính cần kiệm. Đề nghị của công đoàn sẽ biến việc giảm thuế từ một loại giảm thuế mang tính thoái hóa (regressive) sang loại giảm thuế mang tính định khoản cân xứng (proportional). Đây là một sự cải thiện về cả tính công bằng lẫn hiệu quả của việc giảm thuế này, cho dù sự cải thiện này vẫn chưa thật sự là một sự cải thiện hoàn hảo lý tưởng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.