Hôm nay,  

Giới Thiệu Sách Mới Của Cung Đình Thanh

29/03/200400:00:00(Xem: 5810)
LTS của VB: Bài sau đây được đăng tải để mở thêm một dư luận đối với một số bài viết trên trang web này đã được dùng để chỉ trích GS Cung Đình Thanh. VB hy vọng những cuộc tranh luận nên tập trung vào học thuật, và tương lai xin tránh việc chỉ trích cá nhân. Trân trọng.

Tìm về nguồn gốc
VĂN MINH VIỆT NAM
Dưới ánh sáng mới của khoa học

Tôi có duyên may văn học được gặp tác giả cuốn biên khảo nghiên cứu "Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM dưới ánh sáng mới của khoa học", viết tắt là VMVN, và nói chuyện với ông suốt một buổi chiều, ngồi ở vườn hoa trong căn nhà của chúng tôi ở Đào thôn, nằm dưới Thung Lũng Hoa Vàng. Ông Cung Đình Thanh từ Úc châu tới, và trong một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, sau buổi nói chuyện ở Viện Việt Học ở Nam Cali, ông lên miền Bắc để thăm bằng hữu và quyến thuộc. Trong tinh thần phụng sự văn hóa và giáo dục, mà chúng tôi cùng theo đuổi trong nhiều năm qua, ông ghé thăm tôi để bàn chuyện và cũng để giới thiệu bản thảo cuốn VMVN mà ông đã dầy công biên khảo, sau khi đã dựa vào nhiều công trình nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả quan tâm đến việc truy tầm nguồn gốc dân tộc Việt Nam và cùng một lúc tìm hiểu về nguồn gốc nền Văn Minh Việt Nam. Đây là một điều mà chúng ta ai cũng muốn biết, vì dựa theo huyền thuyết từ ngàn năm lưu lại, lúc nào chúng ta cũng cảm thấy hãnh diện là con Rồng cháu Tiên, và muốn tìm hiểu thêm về gốc gác của mình. Được ông trao cho tập bản thảo dầy cộm, với nhiều chi tiết dựa theo khoa học, tôi đã theo thói quen, khi cầm một cuốn sách khảo cứu mới, là đọc những trang mở đầu rồi sau đó đọc tiếp theo phần trích dẫn tài liệu và chú thích cuối sách, thì tôi thấy ngay đây là một công trình rất mực hàn lâm, và tác giả phải làm việc miệt mài trong nhiều năm trời mới thực hiện được. Mới đây tôi đã vui mừng khi nhận được cuốn sách mới in ra còn thơm mùi mực ông Cung Đình Thanh đã từ Úc Châu gửi tặng. Nghĩ đến tâm lực của tác giả, vì sự hãnh diện chung của dân tộc khi qua những khám phá mới chứng tỏ được rằng châu thổ Sông Hồng là cái nôi đầu tiên của nền văn minh Đông Á, mà đã tận tụy làm việc đêm ngày để đưa ra cuốn sách, nay đã đuợc ấn loát đẹp đẽ với nhiều hình ảnh cùng đồ bản rõ ràng, tôi thấy bổn phận đóng góp vào việc này của mình là phải giới thiệu cuốn sách tới độc giả ở năm châu.

Vài nét về tác giả

Nếu biết chút ít về cuộc đời của tác giả, chúng ta sẽ hiểu thêm đuợc vì sao người bạn tôi, ông đã dấn thân để làm những công trình đòi hỏi môït sự kiên trì vô bờ bến, ngoài cái căn bản học vấn cần thiết của mình. Ông Cung Đình Thanh, chính quán tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông là một làng có truyền thống văn học, đã nẩy sinh ra những văn tài như Nguyễn Văn Siêu là người cùng với thi tài Cao Bá Quát đuợc người đuơng thời gọi là thần Siêu, thánh Quát và vua Tự Đức nói đến trong hai câu thơ:

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng Tuy, thất thịnh Đường.

Ông ra đời tại chân núi Yên Tử, tại đồn điền của gia đình tọa lạc gần thị xã Uông Bí, thuộc tỉnh Quảng Yên, vào năm Giáp Tuất (1934) và khi lớn lên theo học Văn Khoa và Luật Khoa ở Việt Nam và sau này học thêm về khoa Quản Trị và Lãnh Đạo ở Đại Học Connecticut ở Hoa Kỳ. Trước khi du học tác giả cuốn biên khảo VMVN đã là luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon (1961), và đồng thời cũng ở trong Ban Giảng Huấn Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1963). Sau khi ở Hoa Kỳ về, luật sư Cung Đình Thanh như thấy rõ thế cuộc nước nhà trên bàn cờ quốc tế nên không tham chính mà chỉ dồn tâm lực vào việc phát triển văn hoá và giáo dục. Ông là Tổng Giám Đốc các Trường Bách Khoa Bình Dân và các Trung Tâm Tráng Niên Giáo Dục tại Saigon và các tỉnh miền Nam (1967-1975) thuộc Hiệp Hội tư, và là Chủ Tịch Ban Quản Trị Trung Ương Hội Văn Hoá Bình Dân (1968-1975). Cũng trong những hoạt động hăng say về văn hóa và giáo dục mà luật sư Cung Đình Thanh đã sáng lập Câu Lạc Bộ Làng Văn và thiết lập chương trình truyền hình Làng Văn do nhạc sĩ Hùng Lân điều khiển. Ông đã cùng với các bạn đồng chí hướng lập ra Trung Tâm Văn Học Nghệ Thuật Phan Kế Bính, và các Làng Văn Hóa, Giáo Dục, Ngoại Giao Yên Tử và phát hành Tập San Phát Triển Văn Hóa. Trong ngành chuyên môn của mình, trước năm 1975, ông từng là Hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục và cũng là Hội viên Hội Đồng Luật Sư (Conseil de L'ordre) Luật Sư Đoàn Toà Thượng Thẩm Saigon (1974-1975). Sau năm 1975, luật sư Cung Đình Thanh tạm ngưng mọi hoạt động công khai và dành thì giờ để đọc sách, và sưu tầm tài liệu về nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam.
Năm 1989 ông Cung Đình Thanh rời nước sang Úc Châu và, khởi đầu hoạt động như là cư dân mới, tác giả dạy văn hoá tại Đại Học Sydney miền Tây (MacArthur). Với năng động trở lại và đã có sẵn kinh nghiệm khi xưa ông thành lập Hội Phát Triển Văn Hóa Việt tại Hải Ngoại (Vietnam International Culture Develoment Inc.). Dùng tiền lương dạy học của mình, ông phát hành Tập San Tư Tưởng Việt Học và qua tập san nghiên cứu định kỳ này tác giả đã liên lạc được với một số những nhà trí thức Việt Nam và những người Việt đồng điệu khác hiện đang sống rải rác trên nhiều quốc gia trên thế giới để thực hiện một dự án có tên là Tủ sách Nghiên Cứu Việt Học. Vào tháng Chín năm 2000 tác giả cuốn sách khảo cứu VMVN tới thăm Hoa Kỳ và được ân cầøn tiếp đón tại Viện Việt Học ở miền Nam California. Trong một buổi tiếp tân tại nhà GS thạc sĩ y khoa Trần Ngọc Ninh, ông đã được gặp ông Viện Trưởng Nguyễn Khắc Hoạch và những nhà hoạt động văn hóa có tầm vóc như các giáo sư Lâm Lễ Trinh, Phạm Cao Dương, Lê Văn và nhiều vị chủ nhiệm những nguyệt san văn học ở miền này. Lên miền Bắc, ông Cung Đình Thanh đã tiếp xúc với các sinh viên Việt tại Đại Học California ở Berkeley qua sự giới thiệu của kinh tế gia trẻ Trương Bội Tài. Lần đi này là lần đi cầu hiền, kêu gọi nhân tài đóng góp cho dự án viết "Lịch Sử Tư Tưởng Việt" nên trong một chuyến đi Houston ông Cung Đình Thanh cũng tới thăm những giáo sư Đào Văn Dương và Doãn Quốc Sĩ và nhiều nhà làm văn hóa khác. Vì thời gian cho chuyến Mỹ du có giới hạn, không tới đưọc miền Đông nhưng ông cũng đã dùng điện thoại viễn liên để tiếp xúc với những nhà nghiên cứu văn hóa Viêït như các giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Mạnh Hùng và Tạ Văn Tài ... Những sự đóng góp ý kiến và lời khuyến khích cũa những nhà làm văn hóa trong chuyến thăm viếng Hoa Kỳ này đã giúp cho luật sư Cung Đình Thanh, tưởng như là một người cô đơn muốn làm một công việc vĩ đại, tưởng như đội đá vá trời, khi ông mới tới Úc Châu hơn mười năm trước đây, nay trở thành một cột trụ kiên cường dể làm nơi tập hợp cũa những học giả, những nhà làm văn hóa, và tất cả những ngưòi nào còn lưu tâm đến nguồn gốc, đến sự thật trong quá khứ và sự phát triển trong tương lai của Văn Minh Việt Nam.
Trong buổi mạn đàm với chúng tôi ở San Jose trước khi trở lại Úc Châu, ông Cung Đình Thanh đã cho biết là sau khi phát hành cuốn "Tìm về nguồn gốc VĂN MINH VIỆT NAM dưới ánh sáng mới của khoa học" để mở đầu cho Tủ Sách Nghiên Cứu Việt Học, nhóm Tư Tưởng Việt sẽ có nhiều ngưòi viết để cho ra dần những tập sách mỏng về nhiều đề tài và dùng làm căn bản cho hai bộ sách "Lịch Sử Tư Tưởng Việt" và "Việt Học Toàn Thư".

Nội Dung của VMVN

Tôi phải nói ngay cuốn sách VMVN là một cuốn sách biên khảo viết rất công phu, dầy 628 trang và có rất nhiều tài liệu. Tuy là sách viết về tư tưởng thiên về triết học, phối hợp với các lý thuyết khoa học về nguồn gốc văn minh mà chủ yếu là cổ nhân chủng học, ngôn ngữ học, sinh hoá học, nhưng người đọc chắc chắn sẽ thấy thoải mái vì lời văn viết rất nhẹ nhàng. Hơn nữa, VMVN gồm có 14 chương và 4 phụ lục, cộng thêm một bài cuối viết thay lời kết luận thì tuy sự sắp xếp chương mục đã theo một hệ thống để thành một cuốn biên khảo có chủ đề, nhưng ở mỗi chương tác giả lại trình bầy một vấn đề riêng biệt và trọn vẹn, làm cho người đọc có thể lấy bất kỳ một chương sách nào để đọc và hiểu biết thấu đáo về đề tài trình bầy trong chương sách. Thật vậy, trừ ra chương 1 tác giả viết về khái niệm đại cương về khảo cổ học và các giai đoạn tiến hóa của người cổ như là một chương mở đầu chung cho bất kỳ một cuốn sách nào về nhân chủng học, những chương sau đều là những bài đã được đăng trên Tập San Tư Tưởng, do tác giả làm chủ bút, trong những năm 1999-2002. Những bài viết này cùng một chủ đề là "Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam" nay được góp lại, không theo thứ tự năm tháng đã viết nhưng theo lối bố cục của cuốn sách "The Origins of Chinese Civilization", gồm nhiều bài của nhiều tác giả thuộc nhiều quốc gia với mầu sắc chính trị khác nhau, được GS David N. Keightley của Trường Đại HoÏc California ở Berkeley tổng hợp lại. Công việc chủ biên này thường thường là khó khăn vì phải lựa chọn bài và xếp lớp lang sao cho phù hợp, nhất là cần phải tránh không làm phật lòng những người đóng góp bài vở. Cho cuốn VMVN, sự xếp đặt này đã thật hoàn mỹ vì tương đối đã dễ dàng hơn khi tác giả đã là người chấp bút cho tất cả các bài viết. Nội dung cuốn sách được chia làm bốn phần gồm có

Phần I. Khái Niệm Đại Cương
Phần II. Cội Nguồn Văn Minh
Phàn III. Nguồn Gốc Dân Tộc
Phần IV. Hình Thành Đất Nước.

Trong Phần I tác giả đã trình bầy những khái niệm đại cương về khảo cổ học để hướng dẫn người đọc chưa am tường vấn đề và đưa ra những thuyết lý về ảnh hưởng của mực nước cao hay thấp của mặt bể qua những thời kỳ biến đổi của mặt địa cầu, một hiện tượng quan trọng mà ông Cung Đình Thanh gọi là "hiêïn tượng biển tiến". Hiện tượng này đã được những nhà địa chất học và nhân chủng học viết và thảo luận rất nhiều vì có thể dùng để giải thích những cuộc di dân theo đất liền, từ châu nọ sang châu kia, khi mà những châu thổ chưa bị đại dương tách rời ra. Trong những trang sách mở đầu này, như để khuyến khích độc giả không phải là chuyên gia nên đọc tiếp theo mà không sợ bị những lý thuyết khô khan làm nản lòng, tác giả đã chen vào những câu thơ bình dân như

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

trích trong Truyệïn Kiều của Nguyễn Du để nói về việc nương dâu trên đất liền nay biến thành biển rộng, hay nhắc đến những câu ca dao

Lậy Trời mưa xuống.
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cầy,
Lấy đầy bát cơm

khi bàn đến tư duy của người Việt khi trồng lúa nước đã thần linh hóa mặt trời.

Trong Phần II là phần mà tôi chắc nhiều người thích đọc, tác giả đã gồm lại những bài viết về thời đại đồ đá trong đó nói về những nguồn gốc chính, tuy không phải là kế tiếp nhau, là những Văn Hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn và Văn Hóa Ngườm. Những bài kế tiếp trong phần này là những bài tham luận về đồ gốm cổ, về thời đại đồ đồng, về trống đồng Đông Sơn và sự tranh luận về chủ quyền trống đồng giữa những học giả Hoa và Việt.

Phần III là phần dành cho những bài nói về nguồn gốc dân tộc Việt theo nhiều lối nhìn khác nhau. Trong chương mở đầu của phần này, và dựa theo khoa học, tác giả phân tách nguồn gốc của giống nòi theo cổ sử, theo nhân chủng học và theo khảo cổ học. Chương tiếp theo nói về nguồn gốc theo tập tục cổ truyền như tục xâm mình, tục thờ cúng tổ tiên, tục kén vợ gả chồng, ... , tóm lại những tập tục đã làm dân tộc Việt khác với những người ở phương Bắc hay phương Nam, để cho mình có một nguồn gốc tiên khởi. Hai chương tiếp theo trong Phần III mà tôi cho là rất quan trọng trong cuốn sách là Chương 10 nói về "Nguồn Gốc Dân Tộc Theo Tiếng Nói và Chữ Viết" và Chương 11 về "Nguồn Gốc Dân Tộc theo những Khám Phá mới về Di Truyền Học". Có thể nói là ông Cung Đình Thanh đã rất phấn khởi khi đi tìm nguồn gốc của dân Việt dưới ánh sáng mới của khoa học sau khi được đọc những công trình khám phá mới về nguồn gốc người Á Đông qua di truyền học của nhà bác học người Hoa J. Y. Chu và các bạn đồng nghiệp.

Ba chương cuối cùng về lịch sử Vua Hùng dựng nước, về Đạo Học Đông Phương và về Cốt Lõi Tư Tưởng Việt Nam và vấn đề Tam Giáo (Phật-Nho-Lão) đuợc gom lại ở Phần IV.

Tuy ý chính của cuốn biên khảo VMVN được trình bầy trong những phần đã mô tả ở trên, nhưng để giải thích thêm về luận đề và những tư tưởng đã đưa ra, ở phần sau của cuốn sách ông Cung Đình Thanh đã dành 200 trang cho phần phụ lục và phần chú thích và chỉ dẫn. Những phụ lục là những bài viết của các nhà biên khảo ngoại quốc nay được các bạn cộng sự cũa tác giả hoặc chuyển sang Việt ngữ hoặc dựa theo để viết lại, và thêm một bài viết của chính tác giả về những chứng cớ khoa học đã soi sáng thêm nguồn gốc văn minh và nguồn gốc dân tộc Việt. Phần chú thích có vào khoảng 100 trang, và theo tác giả thì tuy có vẻ dài hơn thường lệ, nhưng ngoại lệ này lại rất cần thiết vì tính cách biện minh và giải thích thêm. Trong sách đã đề cập đến nhiều điểm khác biệt, nhiều khi trái ngược với những tài liệu công bố trước đây, những điều mà các nhà làm văn hoá thủ cựu đã coi như là những tín điều bất di bất dịch.

Mục Đích của VMVN
Là người nặng lòng với Tư Tưởng Việt, tác giả cuốn VMVN đã miệt mài, và cho đến gần đây thì hình như là đơn độc, dành thì giờ tìm về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam. Dựa trên những khám phá mới, chỉ được công bố cách đây chưa đến mười năm, tác giả đã vững lòng tin rằng người ở vùng Đông Nam Á, mà khởi đầu có lẽ là ở châu thổ Sông Hồng, đã có trước người Đông Bắc Á, và người Hải đảo Thái Bình Dương. Nếu đúng như vậy thì ta có thể khẳng định được là đất Cổ Việt là cái nôi đầu tiên của nền văn minh Đông Á.
Ông Cung Đình Thanh đã đưa ra cuốn sách như là một tài liệu căn bản, để kết hợp những bậc thức giả đồng điệu, trong đó có thể có số đông độc giả, tuy không phải là chuyên gia về nhân chủng học, ngôn ngữ học hay di truyền học, nhưng muốn tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc Việt, và ông đã hy vọng rằng sau khi đọc xong cuốn sách chúng ta sẽ cùng nhau bàn bạc để hầu thực hiện được Tủ sách Nghiên Cứu Việt Học. Những bài viết do tất cả mọi người cùng đóng góp, nay đã bắt đầu đưa ra từng tập mỏng trong dự án thực hiện Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt để chuẩn bị cho việc sau này viết Bộ Việt Học Toàn Thư. Công trình này tôi nghĩ không quá tầm tay của những bậc thức giả Việt Nam ở Hải ngoại vì chúng ta đã có một người sẵn lòng đứng giữ cây cột trụ đồng làm mốc là ông Cung Đình Thanh. Mọi liên lạc xin gửi về: tutuong@telstra.com

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.