Hôm nay,  

Thắng Mỹ Không Khó

29/03/200400:00:00(Xem: 4357)
Quân khủng bố có thể kết luận như vậy khi theo dõi cuộc điều trần về khủng bố tại Hoa Kỳ trong tuần qua. Vụ khủng bố 11 tháng Chín năm 2001 (gọi tắt là vụ 9-11) là biến cố bất ngờ, có tầm quan trọng lịch sử đối với Hoa Kỳ và cần phải được nghiên cứu tường tận. Nhưng, ngay sau vụ khủng bố, Hoa Kỳ đã mở ra cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, và cuộc chiến đó chưa kết thúc. Bây giờ, ngay giữa cuộc chiến, Hoa Kỳ đã làm một việc vô tiền khoáng hậu, là công khai điều tra và tranh luận về những nguyên nhân dẫn đến khủng bố lẫn phương thức đối phó của hai chính quyền liên tiếp.
Năm 1941, ngày bảy tháng 12, Hoa Kỳ đã bị tấn công bất ngờ trong một biến cố lịch sử là trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Y như trong vụ 9-11, thất bại về tình báo của Hoa Kỳ là một vấn đề cần tìm hiểu để có biện pháp phòng ngừa. Y như trong vụ 9-11, sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ đã khai chiến. Việc điều tra về vụ Trân Châu Cảng được tiến hành trong vòng bí mật, với kết quả chỉ được công bố rất trễ, vào tháng Bảy năm 1946, một năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Lần này, đối phó với một kẻ thù muôn mặt mà vô hình và vô nhân đạo, Hoa Kỳ vừa lâm chiến vừa mở cuộc điều tra, và lại điều tra ngay giữa năm tranh cử. Kết quả là siêu cường này bị loạn chiêu và phơi bày những nhược điểm tất nhiên được al-Qaeda khai thác.
Hoa Kỳ có thể là siêu cường số một, nhưng al-Qaeda không coi là vô địch và còn kết luận rằng “Thắng Mỹ không khó”. Và có khi họ không lầm.
*
Đầu tiên, mình hãy nói về thời điểm điều tra.
Không ai biết cuộc chiến chống khủng bố bao giờ mới kết thúc, cho nên đợi đến lúc đó mới điều tra thì có khi quá trễ. Nhưng, ai có thể biết là bao giờ một cuộc chiến chấm dứt" Những người có trách nhiệm luôn luôn dự phòng giả thuyết bi quan nhất và coi như chiến tranh sẽ kéo dài rất lâu, như trong hai Thế chiến của thế kỷ trước lẫn cuộc chiến hiện tại. Vì vậy, nhu cầu ứng chiến vẫn đòi hỏi một số quyết định cấp thời và thay thế những người có trách nhiệm đã không thấy trước được tai họa. Quyết định đó có thể là oan uổng cho người hữu trách về tình báo hay quân sự, là trường hợp đã xảy ra sau vụ Trân Châu Cảng. Lần này, chính quyền Bush không làm vậy mà duy trì các viên chức tình báo kế thừa từ chính quyền trước, trong đó có Giám đốc CIA George Tenet và chuyên viên chống khủng bố Richard Clarke, ngôi sao tuần qua của truyền thông Mỹ. Quyết định đó có thể chính đáng, đang vượt sông không ai đổi ngựa.
Nhưng, cũng quyết định ấy khiến giới tình báo Mỹ không ý thức được là phải thay đổi trọn vẹn phương cách hoạt động của mình. Không có bộ phận lãnh đạo mới thì khó có được tinh thần làm việc mới. Đấy là điều đáng nói, và có thể là đáng trách, của ông Bush, vốn là người trọng nguyên tắc và không nỡ có quyết định nặng nề với những người cộng sự do đảng Dân chủ để lại. Người ta có thể tìm ra hai lý do giải thích thái độ này của ông.
Rút tỉa kinh nghiệm hợp tác lưỡng đảng khi làm Thống đốc Texas, ông Bush tưởng rằng mình sẽ duy trì được tinh thần đó khi làm Tổng thống. Ông cũng biết kết quả bầu cử khít khao năm 2000 khiến đảng Dân chủ cho là bị cưỡng đoạt mất ghế tổng thống và có thái độ gắy gắt hơn với tòa Bạch Ốc, nên không muốn dứt khoát cắt cầu với phe đối lập. Tuy nhiên, ông vẫn bị nhược điểm của một người quá lương thiện và nguyên tắc.
Là người lãnh đạo, đáng lẽ ông Bush phải cải tổ hệ thống tình báo, thay thế nhân sự và lập tức chỉ định một ủy ban điều tra độc lập về vụ 9-11 để khi thuận lợi thì công bố kết quả. Ngay trước mắt, ủy ban này đã có thể giúp ông thấy rõ hơn những đòi hỏi về tình báo trong cuộc chiến đang tiến hành. Sau vụ khủng bố, ông Bush có sai lầm, nhưng sai lầm đó phải được đảng Dân chủ chia sẻ, vì họ vẫn coi như không có vụ 9-11, vẫn triệt để khai thác đòn phép chính trị sau tám năm cầm quyền đã cho al-Qaeda cơ hội tấn công nước Mỹ.
*
Thứ hai, hãy nói về đối sách của Mỹ.
Trong hơn 10 năm, từ 1993 đến 2003, hai chính quyền Clinton và Bush đều tập trung vào một hồ sơ dang dở do chính quyền Bush Bố để lại là Iraq. Bill Clinton muốn thay đổi chế độ tại Baghdad mà không thể làm gì hơn là phong tỏa kinh tế, duy trì áp lực không tập trên không trung Iraq và tài trợ các giải pháp thay thế Saddam Hussein. George W. Bush cũng vậy và biết rằng những việc đó không đủ, nhưng khi nhậm chức, có lẽ ông chú ý đến một mối nguy khác, đó là Trung Quốc: chúng ta không quên vụ máy bay trinh sát Mỹ bị áp lực hạ cánh xuống đảo Hải Nam vào tháng Tư năm 2001. Ngày nay, nếu ông bị đả kích là quá chú ý đến Iraq thì lời đả kích đó chỉ có giá trị trong một mùa tranh cử, nghĩa là rất thấp, vì Bill Clinton cũng không khác.
Vụ khủng bố 9-11 và hồ sơ Iraq dang dở trên tay mới khiến chính quyền Bush nhìn ra rủi ro rất lớn của sự liên kết giữa al-Qaeda và Saddam Hussein và dồn vốn giải quyết một hồ sơ tồn đọng, đồng thời gióng chuông cảnh báo thế giới Hồi giáo là các giải pháp chống Mỹ sẽ không ăn. Ông đang tiêu dần vốn liếng vì tình hình Iraq, nhưng nếu có như vậy thì cũng vì bộ tham mưu của ông, cho đến nay, vẫn chưa xác định được ảnh hưởng của khủng bố xâm nhập từ ngoài vào Iraq để phá vỡ mọi nỗ lực bình định của Hoa Kỳ.
Nói cách khác, cuộc chiến chống al-Qaeda vẫn tiếp tục, trên trận địa Iraq, bên ngoài Afghanistan.

Và riêng về al-Qaeda thì cả tình báo lẫn quần chúng Mỹ đều vẫn còn mơ hồ chưa hiểu. Họ cứ tưởng rằng đó là cánh tay nối dài của phong trào khủng bố xuất hiện từ những năm 70-80 và tìm cách đối phó với những giải pháp đã áp dụng – và thất bại – trong thập niên 90. Dư luận Mỹ còn quên rằng trong thập niên đó, ngân sách về quốc phòng, an ninh và chống khủng bố đã bị cắt, với sự tham gia tích cực của John Kerry. Với tinh thần quốc dân như vậy, Bill Clinton không thể quyết liệt mở cuộc chiến chống khủng bố, nhất là khi bản thân còn mang nặng mặc cảm phản chiến thời trẻ.
Sau khi lãnh nạn, chính quyền Bush bắt đầu thấy ra nhược điểm về tai mắt của mình và tìm cách cải sửa thì lại lâm vào ba trận tuyến, tại Afghansitan, Iraq và Washington DC. Trận tuyến thứ ba - chính trị mùa bầu cử - đang cản trở kết quả ở hai nơi kia và trên toàn cầu, trong khi phe Dân chủ thì mong ông Bush sẽ thất bại để họ chinh phục lại tòa Bạch Ốc.
*
Thứ ba, hãy nói về nạn chính trị hóa một vấn đề sinh tử cho an ninh xứ sở.
Vụ 9-11 là một thất bại không thể chối cãi của Hoa Kỳ, nhất là sau hàng loạt những hành động khủng bố liên tục dưới hai nhiệm kỳ Clinton, đó là những vụ xảy ra năm 1993, 1996, 1998 và 2000, cho thấy bàn tay của các nhóm Hồi giáo cực đoan và trên cùng là al-Qaeda.
Đa số truyền thông Hoa Kỳ theo xu hướng thiên tả nên vẫn có thiện cảm với Bill Clinton hơn George W. Bush và ít khi so sánh tám năm của Clinton với tám tháng của Bush. Các tờ báo địa phương và nhất là đài phát thanh địa phương thì bảo thủ hơn. Nhưng, tạo ra dư luận toàn quốc vẫn là các nhật báo, tuần báo và hệ thống truyền hình toàn quốc.
Khi làm Tổng thống, ông Clinton không đặt nặng vai trò của tình báo và trong hai năm liền đã không gặp riêng Giám đốc CIA, trong khi ông Bush vừa nhậm chức là mỗi sáng lại gặp Giám đốc George Tenet để hàng ngày hỏi han tin tức về an ninh và khủng bố. Ông gây sức ép về tình báo nặng hơn người tiền nhiệm, dù vụ 9-11 chưa xảy ra.
Nhưng, vì quyết định của ông là duy trì nhân sự về tình báo của chính quyền trước, những người này ở vào một tư thế bất ổn là vừa cố phản công trên trận tuyến chống khủng bố vừa tìm cách tự vệ trên trận tuyến hành chánh. Mục tiêu là để khỏi bị phê phán là điều khiển bộ máy tình báo mà để xảy ra vụ 9-11. Nghĩa là ông Bush giữ lại những người đã để xảy ra thất bại 9-11 và nay họ có thể tìm cách khỏa lấp lỗi lầm đó hơn là truy lùng khủng bố.
Và kẻ có tham vọng mà ít lương tâm, trường hợp Richard Clarke, còn cố cản trở nỗ lực chống khủng bố, bằng cách chính trị hóa vấn đề.
Là người theo đảng Cộng hòa, đã làm việc tám năm dưới chính quyền Dân chủ của Bill Clinton và muốn làm Thứ trưởng Nội an không được, Clarke nuôi oán thù, đặc biệt với thượng cấp là Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice. Năm qua, Clarke tích cực chi tiền ủng hộ phe Dân chủ. Tài lộc ông thu được từ cuốn sách vừa ra mắt dĩ nhiên vượt xa phần đóng góp của ông cho đảng Dân chủ, nhưng, ông ta còn mua được tờ bảo hiểm là sự bảo vệ của phe Dân chủ lẫn truyền thông, nếu như có bị phe Cộng hòa truy tố. Điều đáng buồn là sự khôn ngoan đó của Clarke không dành cho quân khủng bố mà lại xoay vào trong.
Nhưng, chính quyền Bush đáng lý phải ý thức được đặc tính của truyền thông, đảng Dân chủ lẫn loại phản ứng phá hoại như của Richard Clarke. Vì chủ quan, lý tưởng, vì trọng nguyên tắc hoặc vì quá tập trung vào khủng bố, ông Bush quên mất thế thủ về chính trị đối nội.
Ông Bush khẳng định là Hoa Kỳ đang lâm chiến mà không gây được ấn tượng về một nội các chiến tranh và một bộ tham mưu mới về tình báo. Ông lên cầm quyền với ý chí cải tổ bộ máy quốc phòng để đối phó với một hình thái chiến tranh mới của thế kỷ 21, nhưng đối với dư luận, việc cải tổ đó bị khỏa lấp bởi cuộc chiến Iraq, trong khi hệ thống tình báo của ông vẫn mù lòa về al-Qaeda. Việc thành lập Bộ Nội an tiến hành quá chậm, đảng Dân chủ thì tố cáo đạo luật Patriot Act vi phạm tự do công dân và dư luận không thấy kết quả là Mỹ hết bị khủng bố tấn công từ vụ 9-11 mà chỉ thấy ông Bush vất vả đối phó mọi mặt.
Không đồng ý với chủ trương và cách làm việc của Bộ trưởng Ngân khố Paul O’Neill, Bush không nói thẳng ra và thay thế ông ra mà lại để Phó Tổng thống Dick Cheney thông báo điều đó cho O’Neill. Cũng vậy, nếu cải tổ toàn bộ hệ thống tình báo ngay từ khi xảy ra nạn khủng bố, ông đã tránh được cái gai Richard Clarke. Hậu quả là O’Neill rồi Clarke chọn đúng thời điểm viết sách tố ngược khiến ngày nay chính quyền và thuộc cấp về an ninh đối ngoại của ông bị tấn công tới tấp trong khi cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa ngã ngũ.
Đã vậy, cũng vì nguyên tắc phân quyền giữa Hành pháp và Lập pháp mà không linh động đối phó với một vụ thất bại về an ninh bị chính trị hóa, Tổng thống Bush không muốn Cố vấn Condoleezza Rice ra điều trần công khai trước Ủy ban 9-11. Bà Rice đã gặp riêng Ủy ban và đồng ý sẽ gặp lại nhưng không có báo chí. Nhờ vậy, đảng Dân chủ lại tìm ra đề tài khai thác mới, là yêu cầu Condi Rice xuất hiện công khai trước Ủy ban 9-11. Dư luận thấy khó đồng ý với Hành pháp khi bà Rice từ chối không ra trước Ủy ban điều tra mà lại xuất hiện trước báo chí để phản pháo!
Rốt cuộc, ông Bush để hở sườn cho đối thủ tấn công. Là người lãnh đạo, ông phải chịu trách nhiệm khi tạo ra nhược điểm cho đối phương khai thác trong mùa bầu cử và nhất là làm cho đảng Dân chủ và dư luận vô tâm có phản ứng đúng như khủng bố dự đoán.
*
Sau kết quả ngoạn mục tại Madrid - vụ đặt bom khủng bố trực tiếp chi phối bầu cử Tây Ban Nha và quan hệ ngoại giao của Âu châu - tổ chức al-Qaeda có thể chuyển mục tiêu vào Hoa Kỳ, với lời tự nhủ rằng thắng Mỹ không khó. Theo dõi cuộc tranh luận về khủng bố và chống khủng bố đang chuyển thành sự cãi vã giữa hai đảng tại thủ đô Hoa Kỳ, quân khủng bố quả là đã được một sự cổ võ đáng kể.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.