Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Nỗi Oan Tình (03/06/2007)

06/03/200700:00:00(Xem: 2979)

Trang Phạm Phong Dinh: Nỗi Oan Tình (Cảm tác tiếp theo truyện Niềm Vui Bất Ngờ trong tập truyện Lời Tình Trong Lửa Đỏ sắp xuất bản)

(Tiếp theo...)

Tuy rằng đất nước đang chìm đắm trong một cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng thành phố Sài Gòn vẫn không ngừng phát triển và vươn lên, Việt Nam lớn mạnh trong vị thế của một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Trên đại lộ Nguyễn Huệ, nhiều cao ốc đã được xây dựng để làm những trung tâm thương mại, giao dịch, ngân hàng và văn phòng công kỹ nghệ. Công ty xuất nhập khẩu Thành Lợi mướn hẳn một tòa nhà bốn tầng làm văn phòng. Kho hàng khổng lồ của công ty nằm dưới bến Chương Dương để trực tiếp bốc dở hàng hóa từ những chuyến tàu nước ngoài hay các tỉnh khác chở vào, đồng thời cho hàng lên những con tàu viễn dương của các công ty tàu biển Việt Nam hay của các công ty ngoại quốc. Hàng ngày, các loại xe hàng trong thành phố và từ các tỉnh ra vào tấp nập ở con đường phía sau kho Chương Dương nhận hàng. Công việc của công ty thật bề bộn, dưới tay ông Thành Lợi có đến trên dưới hai mươi nhân viên, mỗi người chịu trách nhiệm một công việc trong guồng máy điều hành của công ty, ấy thế mà trong những tháng cuối năm, các nhân viên vẫn tất bật như điên.
Ông Thành Lợi có một người cháu trai gọi ông bằng chú mà ông dưỡng nuôi từ thuở nhỏ. Ông Thành Lợi có một người em trai là quân nhân quân đội cộng hòa đã hy sinh ngoài mặt trận, để lại người vợ với sáu đứa con nhỏ. Ông bà Thành Lợi nhận nuôi đứa con trai lớn là Nghĩa, cho được ăn học thành tài, rồi ông giao cho Nghĩa chức vụ giám đốc điều hành công ty. Thỉnh thoảng ông Thành Lợi cũng chu cấp ít nhiều cho người em dâu, bởi tiền quả phụ tử sĩ và cô nhi trong thời buổi kinh tế khó khăn không đủ vào đâu cả, khiến cho cuộc sống của mấy mẹ con hết sức chật vật. Nghĩa cũng trích ra trong tiền lương giám đốc khá hậu hỉ của chàng mỗi tháng gửi cho mẹ và các em. Con Ba và thằng Tư đang học đại học, Nghĩa hứa sẽ xin ông bác cho chúng nó vào làm trong công ty khi đã tốt nghiệp. Ông Thành Lợi rất sẵn sàng chấp thuận, bởi ông đang có một chương trình bành trướng công ty ra đến tận Đà Nẵng và xuống đến Cần Thơ, rất cần nhiều nhân viên có bằng cấp đại học và nhiều năng lực, mà chúng lại là cháu ruột của ông nữa. Ông dự định giao cho Nghĩa chi nhánh Đà Nẵng và Long trông coi chi nhánh Cần Thơ. Hải cảng Đà Nẵng lớn vào hàng thứ nhì sau thương cảng Sài Gòn, nên mở một trung tâm xuất nhập cảng ở thành phố ấy là một cao kiến, một tầm nhìn xa trông rộng hơn người của ông Thành Lợi, vì ông có thể với tay đến tận vương quốc Ai Lao. Cũng với cái nhìn chiến lược ấy, thương cảng Cần Thơ ở Trà Nóc đang trên đà hình thành, Long có nhiệm vụ bao quát luôn khả năng kinh tế tiềm tàng của nước Cao Miên.
Chương trình xem chừng rất khả thi và có nhiều triển vọng thành công lớn, ngoại trừ một cái lỗ hổng nhỏ. Nghĩa và Long đi rồi thì trung tâm ở Sài Gòn thiếu một giám đốc điều hành, mà sức khỏe của ông Thành Lợi thời gian gần đây không cho phép ông tiêu hao nhiều sức lực và tâm trí, trong khi đó thì Thúy Anh và Thúy Ái còn đang học, chưa thể cáng đáng nổi công việc. Còn đang bối rối, thì bỗng dưng ông Thành Lợi chộp được Thái. Ông giấu kín ý định dìu dắt và nâng đỡ Thái, để đưa chàng lên một chức vụ xứng đáng trong công ty ở Sài Gòn, vì vẫn đang cân nhắc giữa Thái và Mỹ Phương, một nữ nhân viên rất mẫn cán đang ở năm cuối đại học luật, làm phụ tá cho Nghĩa, để chọn một người nắm quyền điều hành. Điều đó giải thích tại sao ông Thành Lợi cố đưa Thái về ở gần bên, để ông có nhiều thì giờ quan sát khả năng và huấn luyện chàng. Ngoài ra, còn một điều khác mà ông Thành Lợi ấp ủ tận đáy lòng, đến bà Thành Lợi cũng không được hé cho một lời. Ông giống như một nhà đạo diễn đang dàn dựng một tấn kịch lớn, kiên nhẫn chờ đợi những diễn tiến sẽ từ từ hiện lên trên màn ảnh theo trình tự, mà người viết phân cảnh là ông.
Ngày đầu tiên nhận việc, Thái được ông Thành Lợi niềm nở giới thiệu những con người có mặt trong tòa nhà bốn tầng trên đường Nguyễn Huệ. Nghĩa, như thường lệ, trong cương vị một giám đốc, chàng khề khà đến muộn một tí. Trong thời gian Nghĩa vắng mặt vì đi công tác xa hay bởi bất cứ lý do gì, thì Mỹ Phương là người tạm quyền cáng đáng mọi công việc điều hành trong tòa nhà Thành Lợi này. Mỹ Phương, một cô gái trong độ tuổi chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu, có khuôn mặt đẹp, nhưng phải cái hơi nghiêm nghị, có lẽ do ảnh hưởng vị thế nghề nghiệp của nàng chăng. Bàn tay mềm mại của nàng bắt lấy bàn tay Thái, không vồn vã quá, nhưng cũng không lạnh nhạt, để cho người đối diện vẫn có được một cảm giác ấm áp và tin cậy. Thoạt nhìn, dù không phải nhà tướng học, nhưng Thái cũng có thể nghĩ ngay rằng, Mỹ Phương đúng là một con người có khả năng chỉ huy và có rất nhiều năng lực, chàng lựa lời xã giao:
-Tôi mới vào làm, sẽ không tránh khỏi nhiều khuyết điểm, phải cần học hỏi rất nhiều từ chị.
Nghe chàng nhún nhường như thế, ông Thành Lợi xoa tay hài lòng. Mỹ Phương mỉm cười, trong lòng dào dạt một niềm vui, bởi có người đàn bà nào không thích được người ta khen ngợi và coi trọng:
-Anh nói thế chứ tôi không dám.
-Dám quá đi chứ, tôi còn biết chị là dân luật sắp sửa ra trường nữa...
Ông Thành Lợi xen ngay vào:
-Thầy Thái cũng đang học luật đấy cô Phương!
-Đúng thế, khi rãnh rỗi, tôi còn phải thỉnh giáo chị nhiều về những ngóc ngách bí hiểm của ngày thi cử.
Mỹ Phương xem chừng bắt đầu có cảm tình với anh chàng biết cách ăn nói và rất khiêm tốn này:
-Hỏi có khi không phải, anh đang ở năm thứ mấy rồi"
-Chị hỏi càng làm tôi đau lòng, è ạch mãi chỉ mới trèo được lên năm thứ hai.
Thái rất vui khi nhận thấy nụ cười trong ánh mắt long lanh của nàng:
-Nếu vậy thì chúng ta là đồng môn rồi.
-Khi nào chị có mở văn phòng thì xin nghĩ tình đồng sở nhận tôi vào làm tập sự nhé.
Mỹ Phương lắc đầu cười:
-Thân tôi tự lo chưa xong, có đâu đến phần anh, mỗi năm có đến mấy mươi cô cậu luật sư ra trường chạy tìm chỗ xin thực tập mà không tìm đâu ra đấy.
Câu chuyện đang đi dần đến chỗ thân tình như thế, thì cánh cửa văn phòng xịch mở, một thanh niên mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao khệnh khạng bước vào. Mỹ Phương hân hoan bước đến, giọng dịu dàng:
-Kìa anh Nghĩa, anh mới đến, hôm nay có nhân viên mới đó.
Trong bộ veste may rất khéo, Nghĩa cố tạo cái dáng vẻ của một ông giám đốc công ty lớn, nhưng phải cái chàng ăn diện đỏm đáng quá, khiến cho người ta cứ tưởng chàng là một công tử con nhà giàu lo ăn chơi hơn là chí thú làm ăn. Nghĩa có một gương mặt xương xương thật đẹp như một bức tượng Hy Lạp, mái tóc chải dầu bóng mướt, được uốn lượn cẩn thận để cái chỏm tóc trên trán nổi gồ lên thành một cái gợn sóng nhỏ kiểu tài tử Alain Delon của màn bạc Pháp. Nếu Long có nét đẹp thầm kín rất dễ thu hút được những cảm tình lần đầu tiên của người đối diện, thì khuôn mặt của Nghĩa phát tiết ra quá nhiều nét tinh anh không cần thiết, làm chàng nổi bật lên rất rõ ràng giữa công chúng. Chính điều đó mới là cái khuyết điểm chết người của Nghĩa, vì người chung quanh không thích thân cận với chàng, bởi ít nhiều có mặc cảm thua sút. Thái cảm nhận được dễ dàng cái bắt tay hờ hững của Nghĩa. Điều đó cũng đúng, vì dưới mắt anh ta, Thái chẳng là cái gì hết, chỉ là một anh thư ký kế toán quèn ngồi gò lưng sau chồng sổ sách dầy cộm và có lẽ cạo giấy đến suốt đời. Giám đốc Nghĩa nhìn Thái chỉ với nửa con mắt:
-Chào anh, anh là Thái, người kế toán mới mà bác tôi đã nói cho tôi nghe"
-Thưa anh đúng như thế, xin anh chỉ định công việc hôm nay cho tôi có được không"
Nghĩa xoay qua Mỹ Phương ra lệnh:
-Cô Phương chỉ cho anh Thái sổ sách tháng chạp năm rồi, ai thiếu thì mình đòi, mình thiếu thì thu xếp thanh toán cho người ta.
Không buồn nhìn Thái lần thứ hai, Nghĩa kéo ông bác vào trong căn phòng trang hoàng sang trọng của chàng:
-Bác vào đây, cháu bàn với bác mấy cú làm ăn lớn...
Mỹ Phương và Thái cùng nhìn theo cái dáng dong dỏng cao của ông giám đốc trẻ và cái đầu hói chỉ đến mang tai Nghĩa của ông Thành Lợi. Ông Thành Lợi có một căn phòng làm việc cũng to lớn như thế nhưng không hào nhoáng nhiều như của cậu cháu, vì bản tính ông ưa chuộng sự giản đị. Mỹ Phương hướng dẫn Thái đến một chiếc bàn trống có rất nhiều sổ sách, một chiếc ghế bọc da cũ nhưng đối với chàng thì vẫn còn êm ái chán. Một ông già trong độ tuổi chắc cũng phải trên dưới sáu mươi đang gõ lạch cạch những cái nút trên máy đánh chữ ở bàn bên cạnh ngước lên nhìn, cái kính lão trệ xuống sống mũi. Mỹ Phương giới thiệu:
-Anh Thái, đây là bác Nhiều, nhân viên kiểm kê hóa đơn xuất nhập. Bác ơi, còn đây là anh Thái, nhân viên kế toán mới của công ty mình.
Ông già vồn vã đưa cả hai tay ra nắm chặt lấy bàn tay chàng trai:
-Chào cậu Thái, có cậu ngồi kế bên tôi vui lắm.
-Dạ kính chào bác, cháu cũng vậy, có gì thì bác chỉ dẫn thêm cho cháu nhé.
-Dĩ nhiên rồi, cậu cần gì cứ hỏi tôi.
Khi Thái đã yên ổn trong chiếc ghế da, quan sát cái bàn mà giờ đây là cái thế giới riêng tư của chàng, Phương ngồi ghé vào một góc căn dặn:
-Tuần này anh rà lại hết các sổ sách tháng Chạp, chúng ta sẽ cố gắng làm sạch sẽ, để bước qua tháng Giêng bắt đầu một chu kỳ mới.
Thái không khỏi ngạc nhiên:
-Bây giờ là cuối tháng Hai tây rồi, đáng lẽ công ty phải làm việc này cho xong trong tháng Giêng trước Tết chứ"
-Đó là lý do tại sao chúng tôi cho anh ngồi vào đây, hy vọng tháng Chạp năm tới anh sẽ làm được khá hơn...
Mỹ Phương còn muốn nói thêm, thì chiếc điện thoại trên bàn của nàng reo mấy tiếng. Mỹ Phương bước vội trở về nhấc ống nghe lên:
-Vâng, tôi là Mỹ Phương, phụ tá giám đốc, xin lỗi quý vị nào gọi ạ"
Chợt nàng tươi ngay nét mặt:
-Bác Trường Sinh hở"... Dạ sao ạ... chưa thanh toán" Dạ được, để chúng tôi xem lại và giải quyết cho bác ngay nhé!
Trong lúc Mỹ Phương đang nói, thì Thái tìm ngay cái mục lục tàu Trường Sinh. Thái đã từng làm công việc này nhiều lần khi còn ở hãng Vạn Phát. Nghe loáng thoáng mấy câu của Mỹ Phương, Thái đoán đến chín mươi phần trăm, rằng ông Trường Sinh đang đòi tiền chuyên chở hàng hóa. Thuở còn làm cho hãng Vạn Phát, Thái luôn thanh toán tiền chuyên chở cho ông Trường Sinh nếu không sớm hơn, thì cũng đúng kỳ hạn, vì chàng quan niệm rằng, công việc hãng có ăn nên làm ra một phần cũng nhờ tàu người ta chở hàng hóa đến cho mình. Đội hàng hải thương thuyền của người Việt Nam hãy còn ít, mà khách hàng nội địa thì nhiều, làm phật lòng những ông chủ tàu, họ sẽ bỏ sang ký hợp đồng chuyên chở với những hãng khác. Lúc ấy, dù muốn hay không cũng phải mướn tàu ngoại quốc từ các nước Đại Hàn, Đài Loan hay Hongkong, với phí tổn cao hơn.
Đây rồi, Thái đã tìm thấy những trang giao dịch với con tàu Trường Sinh. Mẹ ơi, công ty chàng, tức Thành Lợi, còn thiếu ông Trường Sinh đến gần bốn triệu bạc, thiếu gì mà thiếu dữ thế nhỉ. Thái thử sang khu vực của những hãng giao dịch khác. Đột nhiên, Thái nhận ra rằng chứng từ hãng Mỹ Hảo giao dịch với hãng Thành Lợi sau hãng Trường Sinh hai tuần, nhưng đã được thanh toán hết. Thái tò mò lật đến hãng Vạn Phát cũ, thì cũng được nhận chuyển tài khoản vào trương mục của họ rồi. Thật kỳ lạ, chẳng lẽ trong công ty Thành Lợi này đang nảy sinh một cái tệ nạn bên trọng bên khinh, mà sẽ gây ra rất nhiều bất lợi trong công cuộc làm ăn sau này. Thái đang suy nghĩ miên man như thế thì Mỹ Phương đã vẫy tay gọi chàng sang bàn của nàng. Khi xếp đã gọi thì Thái phải đứng dậy lển mển đi qua, chàng không quên ôm cuốn sổ kế toán dầy cộm kè kè bên hông. Mỹ Phương chỉ vào chiếc ghế đối diện mà những khách hàng vẫn thường ngồi:
-Anh ngồi xuống đi!


Thái hỏi ngay:
-Chị cần tôi rà lại sổ sách của tàu Trường Sinh phải không"
-Đúng vậy, mình thanh toán chậm coi bộ ông ấy hơi phiền, nhưng khổ nỗi nhiều chỗ nợ mình họ chưa chuyển tài khoản vào chương mục công ty mình.
-Công ty mình có thiết lập một tài khoản đặc biệt gọi là cứu nguy dân tộc không"
Nghiêm nghị là thế mà Mỹ Phương cũng phải phì cười, đôi môi bôi một lớp son hồng của nàng ngậm hờ cục gôm trên đầu cây viết chì:
-Tình hình vậy mà anh còn tếu được à"
-Không, tôi hỏi nghiêm chỉnh. Nếu có thì mình chuyển ngay phân nửa cho Trường Sinh, phân nửa kia tôi sẽ cấp tốc đòi các con nợ.
Mỹ Phương hơi chồm người đến trước, đôi mắt chằm chằm nhìn vào Thái:
-Trong lúc cấp bách này mà anh đòi được sao"
-Có thể, tôi có dở xem qua danh mục các con nợ, thấy bạn quen cũng nhiều, để tôi bảo họ mỗi chỗ trả cho chúng ta một nửa.
-Anh làm cách nào buộc họ trả nợ cho công ty mình"
Thái muốn thử xem khả năng xoay sở của bà xếp chàng ra sao, nên hỏi dò:
-Theo chị thì mình làm thế nào"
Thái đã có cách giải quyết riêng, nhưng chàng không muốn làm phật lòng Mỹ Phương, nếu chàng bộc lộ kinh nghiệm quá sớm, e nàng hiểu lầm chàng muốn vượt trội. Mỹ Phương vô tình trước quả bóng thăm dò của người phụ tá, nàng cắn môi suy nghĩ:
-Theo tôi thì... Mình còn nhiều mặt hàng nóng trong kho mà nhu cầu thị trường đang cần, tôi đã có một danh sách các công ty tiêu thụ những mặt hàng này giống như những con nợ, họ cũng đang gọi hỏi công ty mình. Tôi cần anh gọi cho các công ty nợ nói khéo, rằng mình buộc phải giao số hàng nóng ấy cho các công ty khác để nhập hàng mới vào. Tôi nghĩ... khi nghe anh báo động họ sẽ...
Thái cảm thấy nể phục quyết định sáng suốt của bà xếp, thật là một con người có nhiều sáng kiến, bởi Thái cũng có cùng phương pháp như nàng, chàng nói tiếp theo ngay:
-Họ sẽ chạy vắt giò lên cổ trả nợ cho mình để giành lấy số hàng đó phải không"
Mỹ Phương nheo mắt gật gù:
-Khá lắm, anh là con người xài được đây, vậy nhờ anh ra tay giúp giùm cho.
-Chị cứ tin ở tôi.
Thái xoay người định trở về bàn thì Mỹ Phương gọi theo:
-Trưa nay anh ăn ở đâu thế"
Thái ngần ngừ không muốn tiết lộ cuộc sống đơn sơ của mình, nhưng chàng vẫn trả lời:
-Buổi trưa thì qua loa cái gì đó, một khúc bánh mì thịt và một ly trà đá chẳng hạn, buổi tối tôi trở về quán ăn quen ở đường Vườn Chuối.
-Còn tôi thì đặt cơm tháng người ta đem đến cho tôi ngay tại đây.
-Chị thế mà sướng nhỉ, có người dâng cơm nước tận miệng.
Mỹ Phương chợt nhìn vào cánh cửa văn phòng ông giám đốc, từ đôi thủy tinh nâu trong của nàng ánh lên một niềm vui:
-Thỉnh thoảng anh Nghĩa mời tôi đi ăn nhà hàng Tây ở gần công trường quốc hội.
-Thế còn ông tổng giám đốc"
-Có tài xế đến chở về nhà dùng cơm. Nhưng hôm nay chính tôi sẽ mời anh với anh Nghĩa ra ngoài dùng cơm với tôi để đánh dấu ngày đầu tiên anh làm việc với chúng tôi, anh nghĩ sao"
-Bà xếp đã ra lệnh như thế còn ai dám phản đối nữa!
Trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau đó của buổi sáng, Thái đã gặt hái một số thành quả đáng kể. Những bạn bè quen của chàng làm trong những công ty con nợ sốt sắng xúc tiến việc chuyển tài khoản ngay. Họ làm thế cũng không hẳn vì mối giao tình với Thái, mà là vì lợi nhuận cho công ty họ thì đúng hớn. Không nhanh tay thu vào những mặt hàng đang khan hiếm ngoài thị trường, để lọt vào tay các công ty khác, thì công ty họ sẽ thua to. Cuộc tranh đấu trên thương trường chẳng khác nào những trận đánh trên chiến trường, là những cuộc chiến tranh lạnh luôn luôn rất căng thẳng giữa các công ty với nhau. Tiên hạ thủ vi cường. Mỹ Phương đã khéo điểm đúng vào yếu huyệt của họ, không xùy tiền ra là chết, là không có hàng. Cứ cho một thí dụ, dân Sài Gòn đang cần chừng một trăm ngàn máy truyền hình Nhật, mà công ty Thành Lợi đang tồn kho đến hai, ba chục ngàn cái, thử hỏi có công ty nào có thể từ chối một nguồn lợi béo bở như thế. Thái hỏi Mỹ Phương:
-Chị muốn tôi gọi cho ông Trường Sinh không, hay là để việc ấy cho chị"
Mỹ Phương đang bận rộn với những công việc khác của công ty, nàng lắc đầu:
-Anh gọi đi .
-Tôi sẽ báo cho ông ta biết là công ty mình sẽ trả một nửa số tiền nợ và số còn lại sẽ thanh toán vào cuối tuần.
-Ừ, cứ làm thế.
Được cú điện thoại của Thái và nhận ra được giọng nói quen thuộc của chàng, ông Trường Sinh hân hoan lắm. Trong thâm tâm, ông cứ đinh ninh hãng Thành Lợi tìm cách khất nợ, có sớm lắm cũng phải năm, bảy ngày hay hơn. Ngờ đâu công việc lại được giải quyết nhanh vượt ra ngoài sự mong đợi, ông Trường Sinh cao hứng vô cùng:
-Thầy Thái về công ty Thành Lợi lúc nào vậy, thầy không còn làm cho Vạn Phát nữa à"
-Dạ thưa bác, cháu mới vào làm ngày hôm nay, cháu đã nghỉ việc ở Vạn Phát được hơn một tuần.
-Thầy thật là con người nhiều khả năng, mới vào làm mà đã chồng tiền nóng hổi cho chúng tôi rồi.
-Dạ không phải đâu bác, cháu chỉ làm theo lệnh của chị Mỹ Phương thôi. Ngoài ra xin báo bác biết, một nửa số nợ kia sẽ chuyển vào chương mục Trường Sinh vào cuối tuần này
-Cám ơn thầy nhiều lắm, đầu năm mà tiền vào bạc triệu thế này, chắc chúng tôi hên suốt năm.
-Chẳng những hên mà còn chắc chắn phát tài nữa. Bác có thể cho cháu xin cái lịch trình vận chuyển năm mới của tàu Trường Sinh không, để công ty cháu theo dõi và liên lạc ký hợp đồng với công ty của bác.
-Thầy thật là con người chu đáo, tôi sẽ cho người mang đến trong vòng tuần này.
Khi chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường điểm mười hai tiếng báo hiệu giờ ăn trưa, nhân viên công ty được nghỉ một tiếng và được tùy nghi. Bác Nhiều rút từ hộc tủ ra một cái xách nhựa nhỏ nhe hàm răng ám khói thuốc lá cười với Thái:
-Mời cậu ăn trưa với tôi.
Thái xếp mấy cuốn sổ lại mỉm cười với ông già:
-Dạ hôm nay cháu được bà xếp đãi cho bữa ăn trưa, nên xin hẹn bác dịp khác.
Ông già moi từ trong chiếc xách một cái hộp nhôm tròn nhỏ có hai ngăn và một cái muỗng, gật gù:
-Ừ phải, nhân viên mới vào làm đều được mời như thế cả.
Thái trông thấy Mỹ Phương từ trong văn phòng giám đốc bước ra, gương mặt nàng phảng phất một nỗi buồn. Mỹ Phương vẫy Thái lại gần nói nhỏ, đôi mắt nàng nhìn xuống mũi giày cao gót:
-Anh Nghĩa bận nhiều chuyện, anh ấy bảo tôi với anh cứ đi, và gởi lời xin lỗi. Anh xuống trước chờ tôi lấy chiếc Dame ra, tôi chở anh đi ăn nhà hàng Tây nghe.
-Không, chị cho tôi cái hân hạnh được chở chị chứ.
Mỹ Phương chợt vỡ lẽ ra:
-Đúng rồi, chứ chẳng lẽ anh lại ôm eo ếch tôi.
Khi ngồi lên cái nệm da của chiếc Honda đen của Long, Mỹ Phương giữ ý tứ, nàng chèn ở giữa hai người cái xách tay để tránh sự va chạm:
-Anh chạy cẩn thận nhé, đừng có lạng lách quá tôi sợ lắm.
Thái cười cười:
-Chị yên tâm, an toàn trên xa lộ mà, chị muốn đi đâu"
-Anh chạy ra Continental đi.
Khách sạn quốc tế Continental nằm ở góc đường Hàm Nghi và Hai Bà Trưng, Thái cũng có đến đó mấy lần. Nhà hàng chuyên nấu các món Tây khá ngon. Từ bên trong những khung cửa kiếng bóng lộn nhìn ra phía công trường Mê Linh là tòa nhà quốc hội, trước tiền đình có bức tượng hai người lính Thủy Quân Lục Chiếc ôm súng trong tư thế xông pha trên chiến trường. Dường như sự vắng mặt của Nghĩa đã biến bữa ăn trưa trở nên tẻ nhạt, vì Mỹ Phương bỗng trở nên dè sẻn từng câu nói, chỉ ậm ừ hay gật đầu cố gượng vui. Mỹ Phương ăn rất ít và rất chậm, chiếc nĩa của nàng chỉ xiên lên một mảnh thịt bít tết nhỏ đưa vào miệng nhấm nháp giữa hai hàm rắng trắng đều như những hạt bắp. Dường như nàng chỉ ngồi nhìn Thái ăn, và ăn để cho Thái được thoải mái thưởng thức món cơm Tây. Thái đã kín đáo nhận ra được điều bất thường đó trong đôi mắt ủ dột của nàng. Trong lòng Mỹ Phương đang giấu kín một niềm tâm sự u ẩn nào đó, mà Thái đã mường tượng liên kết nó với Nghĩa. Chàng nhớ lại vẻ mặt hớn hở của Mỹ Phương lúc buổi sáng khi ông giám đốc trẻ xuất hiện. Linh tính báo cho Thái biết rằng, có thể giữa Nghĩa và Mỹ Phương có một ẩn tình riêng nào đó vượt khỏi cái giới hạn giữa người giám đốc và cô nhân viên. Chức vụ phụ tá giám đốc của Mỹ Phương luôn luôn khiến cho nàng rất nhiều cơ hội và thời gian kề cận bên Nghĩa trong căn phòng kín đáo ấy. Thái không muốn đưa luồng suy đoán của chàng đi xa hơn nữa, bởi những chuyện đó không nằm trong công việc thường ngày của chàng. Vả lại, chàng chỉ mới chân ướt chân ráo có nửa buổi cho ngày làm đầu tiên, Thái không muốn tự đưa mình vào bất cứ một tình thế nào không có liên quan gì đến chàng. Nghĩa và Mỹ Phương có cuộc sống đời tư của họ, chàng có cuộc đời của chàng, mỗi người sống trong cái thế giới riêng của mình, thì bận tâm vướng bận những chuyện từ khoảng không gian khác có ích lợi gì đâu. Nghĩ như thế, nên Thái đã vui vẻ thưởng thức bữa ăn trưa của mình, hay ít nhất chàng đã giả vờ thế để tạo cho Mỹ Phương cái cảm giác an tâm, rằng chàng đã vô tư chẳng để ý gì đến thái độ khác lạ của nàng.
Nhưng lúc cùng Thái lên xe ra về, thì Mỹ Phương đã đánh nhẹ tay vào vai chàng:
-Anh Thái, xin lỗi anh vì thái độ lạ lùng của tôi trong nhà hàng, vì bỗng dưng tôi bị một cơn nhức đầu anh ạ, nên trong người hơi ngầy ngật.
-Trời ơi, chị không nói sớm để tôi chở chị về nghỉ ngơi.
-Không anh à, chỉ khó chịu chút vậy thôi.
-Vậy để tôi chợ chị ra một nhà thuốc gần dây mua thuốc nhé.
Mỹ Phương lắc đầu:
-Khỏi anh à, tôi luôn có mang theo vài thứ thuốc trong xách tay rồi.
Chiếc xe phóng trên con đường Hàm Nghi, khi đến Chợ Cũ, nhìn thấy những quầy bán hàng phụ tùng xe gắn máy, Thái sực nhớ đến chiếc Yamaha của Thúy Anh, chàng giảm tay ga quay đầu lại nói với Mỹ Phương:
-Chị làm ơn cho tôi năm phút, tôi ghé vào đây mua ít đồ xe, nhanh lắm.
Thái cho xe tấp vào sát bên một cái quầy phụ tùng, vẫn để máy xe nổ, chàng hỏi ngay người bán hàng:
-Anh có bugi cho xe Yamaha Dame loại tốt nhất không, cho tôi hai cái.
Anh thanh niên bán hàng nhanh chóng mở tấm cửa kính của một cái kệ gỗ lấy ra hai cái hộp giấy nhỏ trao cho Thái:
-Hàng Nhật thứ thiệt đó chú.
Mỹ Phương tò mò hỏi:
-Anh mua cho ai vậy"
Thái vừa móc bóp lấy tiền vừa trả lời:
-Tôi mua giùm cô Hai Thúy Anh để thay cái bugi cũ.
Mỹ Phương đã xuống xe đứng ngắm nghía những món hàng khá quen thuộc, vì nàng cũng có một chiếc Honda Dame, nàng quay qua nhìn Thái bằng ánh mắt nhiều ngụ ý:
-A ha, làm người hùng cho người đẹp phải không"
-Không phải đâu, chị đừng có nhìn tôi như vậy. Mấy cô ấy là học trò chẳng biết xe cộ gì, mình biết thì mình giúp vậy thôi.
-Nếu vậy thì anh làm ơn mua cho tôi cái bugi mới dùng cho xe Honda Dame đi, rồi anh thay giùm tôi được không"
-Còn ai dám từ chối bà xếp mình chứ!
Thái vặn tay ga cho chiếc xe quẹo vào đường Nguyễn Huệ, chợt Mỹ Phương ngồi phía sau reo lên:
-Người đẹp Thúy Anh của Thái kìa!
Thái giật mình nhìn theo hướng tay của Mỹ Phương, chàng trông thấy trước một cái quán kem phía bên kia đường, Thúy Anh và cô em gái Thúy Ái đang ngồi lên chiếc xe màu xanh mực bóng loáng. Chiếc Honda đen của Thái chạy lù lù đến ngay tầm mắt của hai cô gái. Thúy Ái trông thấy Thái trước nhất, nàng hớn hở vẫy tay gọi:
-Anh Thái, anh Thái...
Buổi trưa xe cộ nối đuôi nhau chạy dầy đặc trên đường, Thái không thể dừng lại, chàng chỉ có thể đưa tay lên chào. Thúy Anh đang cho mấy cuốn sách vào chiếc giỏ ngơ ngác nhìn lên, để kịp trông thấy chiếc xe Honda phóng vù qua. Hai chị em sửng sốt mở to mắt nhìn theo cái bóng hồng trong dáng ngồi, trời ơi, rất tình tứ sau lưng chàng thanh niên. Thúy Ái dậm chân kêu lên:
-Chị Mỹ Phương với anh Thái chở nhau đi đâu vậy kìa...
Chiếc Honda đang chìm mất vào dòng xe cộ nghìn nghịt như một đàn kiến, Thúy Anh cắn môi quay mặt đi, trong lòng bỗng dâng trào một nỗi xốn xang, như vừa mới đánh mất một điều gì đó mà nàng không thể xác định được... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.