Hôm nay,  

Hoa Kỳ và Tây Tạng

26/02/200700:00:00(Xem: 3688)

Hoa Kỳ và Tây Tạng

Cháu Nội Văn Hào Nga Tolstoi Mở Đường Cho Mỹ Vào Tây Tạng

(Trích báo xuân Việt Báo Tết Đinh Hợi, 2007)

Phái đoàn Mỹ qua Tây Tạng 1942-1943 - Tolstoy và Dolan

Một thất bại khác của Hoa Kỳ tại Á Châu mà ít người biết, chính là Tây Tạng.

Chính quyền của Tổng thống Franklin D. Roosevelt không chỉ bị ngạc nhiên tại Á châu với vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng ngày bảy tháng 11 năm 1941. Ông còn bị ngạc nhiên về Tây Tạng.

Lúc đó, với Hoa Kỳ, Á châu vẫn còn là một lục địa xa lạ.

Hoa Kỳ mới là một cường quốc toàn cầu từ sau Thế chiến I và chỉ tìm hiểu nhiều hơn về Á châu từ Thế chiến II, từ vụ Trân Châu Cảng Pearl Harbor. Khi Nhật Bản trở thành mối đe dọa cho toàn khu vực Đông Á, người Mỹ lật đật đi học về địa dư Á châu và các nhà chiến lược quân sự mới đi vẽ địa đồ. Chuyện ấy trở thành cấp bách khi quân Nhật vào tới Miến Điện và cắt đường liên lạc từ Nam Á vào Hoa Lục.

Dolan tại Lhasa cùng hai nhà quý tộc Tây Tạng năm 1942.
Nếu muốn chặn đà bành trướng của Phát xít Nhật, có khi Hoa Kỳ phải yểm trợ cho Trung Quốc và một con đường tiếp vận khác có thể là từ Ấn Độ vào Hoa Lục. Vì chuyện Hoa-Ấn, người Mỹ mới quan tâm đến một quốc gia trung lập nằm giữa hai nước là Tây Tạng. Với các nhà chiến lược gia Hoa Kỳ, bản đồ Tây Tạng lúc ấy là một khoảng trống bát ngát, trắng toát. Chẳng phải vì tuyết phủ mà vì họ không biết ghi những chi tiết gì lên trên.

Những ngươi làm chánh sách của Hoa Kỳ khi ấy mới đọc sách của các học giả để biết lờ mờ rằng quốc gia huyền bí đó theo đạo Phật, được cai trị bởi một thằng bé lên sáu mà dân chúng gọi là Phật vương hay Phật sống gì đó. Với các nhà chiến lược gia Hoa Kỳ, Tây Tạng là một nước khép kín, không muốn tiếp xúc với bên ngoài, và nói về Tây Tạng, người Trung Hoa gọi đó là chư hầu của họ. Muốn kiếm đường yểm trợ Trung Quốc qua Ấn Độ và Tây Tạng thì có khi nói thẳng với Trung Quốc là hay nhất!

Hỏi Trung Quốc là hỏi chính quyền của Tổng thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc, đang vừa chống Phát xít Nhật vừa tấn công quân Cộng sản của Mao Trạch Đông. May quá! Họ Tưởng cho biết rằng ông kiểm soát được tình hình Tây Tạng và cán bộ của ông có thể hướng dẫn một phái đoàn của Hoa Kỳ tiếp xúc với triều đình Tây Tạng tại Lhasa. Thế là Mỹ yên tâm.

Nói chuyện với "người lớn" xong là mọi việc coi như xong!

Lá cờ Mỹ đầu tiên trên đất Tây Tạng - 1942
Hoa Kỳ khi ấy cũng mới học bài Tây Tạng như Đế quốc Anh trước đó nửa thế kỷ.

Và cũng phạm sai lầm tương tự.

Năm 1893, nước Anh ký với nhà Đại Thanh một hòa ước về Tây Tạng rồi chưng hửng phát giác là sự thật lại không đơn giản như thế. Nhà Đại Thanh không kiểm soát được Tây Tạng và cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên đất Tây Tạng là một huyền thoại xuất phát từ tinh thần chủ quan Đại Hán!

Mười năm sau, Đại tá Francis Younghusband mới cầm đầu một phái bộ ngoại giao mà thực chết là một đơn vị viễn chinh của Đế quốc Anh đặt chân vào Tây Tạng trong tinh thần của Francis Garnier và Henri Rivière của Pháp tại Việt Nam. Uy hiếp để khống chế. Mục tiêu của Anh khi ấy là để chặn đường... Đế quốc Nga trong "ván cờ lớn" giữa Anh và Nga tại Trung Á.

Giờ đây, Hoa Kỳ mới rõ là Tây Tạng đã đuổi các viên chức Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ và tuyên bố độc lập từ khi nhà Đại Thanh sụp đổ sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911! Còn cán bộ của Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lèo tèo phái vào thì đã bị gạt ra. Lhasa than phiền sự xâm nhập ấy và quyết liệt bảo vệ chủ quyền của mình! Chân rết của Tưởng Giới Thạch không hề duỗi đến vùng đất heo hút này. Lập trường của Nội các Lhasa, gọi là Kashag, là đón nhận Phái bộ của Hoa Kỳ thì được, nhưng qua sự thu xếp của người Tây Tạng, chứ không qua cán bộ của họ Tưởng!

Tổng thống Roosevelt bèn yêu cầu Chuẩn tướng "Wild Bill" Donovan, người chỉ huy cơ quan Office of Strategic Services (tiền thân của CIA) tìm cách lập đường giây tiếp xúc. Hai người được Donovan phái vào nói chuyện với Nội các Kashag của Tây Tạng và họ đến Lhasa vào tháng 12 năm 1942, một năm sau vụ Trân Châu Cảng. Mật hiệu của dự án liên lạc ấy là FE-2, một công tác tình báo do Roosevelt chấp thuận vào tháng Năm 1942, với một lá thư của Tổng thống Mỹ gửi tới đức Đạt Lai Lạt Ma với danh hiệu "Tăng thống", lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng chứ không phải là lãnh đạo quốc gia Tây Tạng! Cho an toàn về ngoại giao!

Cuộc đào thoát làm rung chuyển đế quốc đỏ - Đức Đạt Lai Lạt Ma trên bìa báo Time - 1959
Viên chức Mỹ cầm đầu phái bộ này là Đại úy gốc Nga, Ilya Tolstoy - cháu nội văn hào Tolstoy -  người vẫn hãnh diện giữ tước vị Bá tước của Nga và có quen biết với giới quý tộc Anh tại Ấn Độ!

Sinh năm 1903, ông tốt nghiệp trường Nông lâm súc tại Moscow, sau lưu vong qua Mỹ, học canh nông tại trường Iowa State University. Người kia là Trung Úy Brooke Dolan II, sinh năm 1908, một sĩ quan uyên bác, tốt nghiệp Princeton và Harvard, am hiểu Tạng ngữ, Hán ngữ và Phật học. Mười năm trước, ông đã từng thám hiểm vùng Đông Bắc Tây Tạng và miền Tây Trung Quốc cho Hàn lâm viện Khoa học Tự nhiên của Philadelphia. Ông là người đầu tiên đem ra một con gấu trúc giant panda và sau này tử nạn năm 1945 khi vào cứu đồng đội rớt máy bay đằng sau phòng tuyến địch tại Trùng Khánh!

Tướng Donovan thực đã chọn đúng người cho phái bộ đầu tiên này. Họ vào đến Tây Tạng và ăn Tết Quý Mùi 1943 tại Lhasa sau khi gặp nhiều giới chức Tây Tạng.

Tháng Ba năm ấy, Donovan tường trình lên Tổng thống rằng phái bộ đã hoàn tất mỹ mãn cuộc tiếp xúc. Nội các Kashag đồng ý cho phép Mỹ chuyển quân cụ qua Tây Tạng để yểm trợ Trung Quốc; đổi lại, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao để công nhận nền độc lập Tây Tạng. Hay ít ra, Nội các Kashag nghĩ như thế.

Sự thật không hẳn như vậy.

Những người hiểu biết như Tolstoy và Dolan kính trọng Tây Tạng chừng nào thì Tổng thống Mỹ lại coi thường Tây Tạng chừng đó. Phái bộ hai người nàykhông có thẩm quyền về ngoại giao, là chuyện còn có thể điều chỉnh được. Chuyện không điều chỉnh được là cái nhìn nông cạn đầy miệt thị của Tổng thống Roosevelt.

Ngày 26 tháng Ba 1943, ông trả lời cho tờ trình của vị chỉ huy tình báo Mỹ về kế hoạch tiếp xúc với Tây Tạng như sau:

Anh Bill thân:

Cám ơn đã gửi lá thư của Kashag. Tôi chưa hề thấy một con Kashag. Tôi không bao giờ muốn thấy. Nhưng lần này thì tôi biết, và biết rõ, rằng thà gặp một con còn hơn là một con!

Gởi anh lời chúc tốt đẹp nhất,

Ký tên Franklin D. Roosevelt

Ngày 22-11-2005, tại Bạch Ốc, TT Bush nhận khăn Tây Tạng do Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng. Sau đó khi đi Bắc Kinh ông công khai nói chủ tịch Hồ Cẩm Đào nên gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Cuối thư, Tổng thống Mỹ ghi thêm ở đoạn tái bút: Tôi mới biết rằng Kashag là một Nội các. Nhưng những nhận xét ở trên vẫn có giá trị.

Phải có lời bình giải về lối chơi chữ tưởng là có duyên của Roosevelt. Thời ấy, dân Mỹ có một thành ngữ phổ biến từ bài thơ "Con Bò Tím" -  Purple Cow - của Gelett Hurgess: "Tôi chưa hề thấy một con bò tím, và không hề mong thấy nó".

Sự thản nhiên và vô tâm của một người lãnh đạo nước Mỹ trong thời chiến sẽ còn được nhiều thế hệ lãnh đạo nối tiếp duy trì. Đúng ba mươi năm sau, Richard Nixon cũng sẵn sàng giành cho các nước nhỏ của Á châu số phận của con vật tế thần khi cần hợp tác với Trung Quốc.

Vì vậy, việc Trung Quốc xâm lăng hay vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng có thể được thấy trước, từ 1942. Từ 65 năm trước!

Khi lãnh đạo Hoa Kỳ thờ ơ với Tây Tạng như vậy thì việc làm đầu tiên của Mao Trạch Đông sau khi giải phóng Hoa Lục là giải phóng luôn Tây Tạng! Tháng 10 năm 1950, Hồng quân của Mao chiếm luôn các tỉnh miền Đông của xứ này. Tây Tạng vốn là kho tài nguyên khoáng sản và lâm sản vô tận trên một diện tích thực ra lớn bằng Tây Âu, mà lại chỉ có vài triệu dân rất thưa thớt. Sau này, người ta còn biết thêm là Tây Tạng có cả dầu hỏa, borax và một trữ lượng đáng kể, có thể nhiều nhất thế giới, về... uranium, nguyên liệu chế bom nguyên tử!

Trong khi thế giới bên ngoài quay lưng lại thảm họa "cách mạng" kiểu Mao tại Hoa Lục - khiến vài chục triệu người thiệt mạng - thì người dân Tây Tạng cũng chịu chung số phận: Cải cách ruộng đất, Bước nhảy vọt vĩ đại, Cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại, v.v... Cùng với việc xâm chiếm và tàn sát dân Tây Tạng từ 1950 đến 1959, cuộc cách mạng vô sản - và vô thần - của Mao sau đấy đã khiến một triệu người Tây Tạng bị hy sinh trên một dân số chỉ có vài triệu.

Mười năm sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, Tây Tạng vẫn là một thuộc địa bị khai thác tàn tệ khiến một viên Bí thư đảng của "Đặc khu tự trị" này phải giật mình. Ông ta là Hồ Cẩm Đảo và chỉ bắt đầu trùng tu hạ tầng của vùng đất này từ năm 1985. Việc nới lỏng ách cai trị hà khắc khiến dân Tây Tạng thất đôi chút hy vọng hồi sinh. Nhưng cuộc nổi dậy của họ vào tháng 10 năm 1987 bị thẳng tay đàn áp. Người có công trong đợt trấn áp đó là đương kim Chủ tịch Trung Quốc, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào.

Sau khi nghĩ rằng đã "bang giao" với Lhasa, Hoa Kỳ không hề có phản ứng khi Tây Tạng bị Hồng quân của Mao tấn công năm 1950 - cùng một lập trường với các cường quốc kia là Anh và Ấn. Khi hơn hai chục ngàn "Giải phóng quân" của Mao được phái tới vùng phụ cận của Lhahsa, vào năm 1952, Mỹ cũng không có phản ứng. Có lẽ thái độ này của Hoa Kỳ cũng góp phần khuyến khích Trung Quốc can thiệp mạnh hơn vào Chiến tranh Cao Ly, một cuộc chiến làm Tổng trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Acheson bị bất ngờ!

Nếu vậy, phải nhìn lại Á châu và quan niệm lại việc ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Cùng với việc xây dựng tiền đồn cho Thế giới Tự do tại Đông Nam Á là Việt Nam thì có việc yểm trợ Tây Tạng.

Hoa Kỳ nghĩ đến việc giúp đỡ phong trào kháng chiến của dân Tây Tạng chống đạo quân xâm lược của Trung Quốc. Bằng cách cho cơ quan tình báo CIA kết nạp và huấn luyện các du kích quân Tây Tạng. Căn cứ huấn luyện là một vùng núi cao tại Colorado - cũng hiểm trở như địa hình Tây Tạng - và trước sau họ đào tạo được 300 người. Trước sau là trong vòng 12 năm, từ 1956 đến 1968, dưới ba triều đại Tổng thống là Eisenhower, Kennedy và Johnson.

Thành tích chính thức là lấy được một số tài liệu của quân đội Trung Quốc, nhưng cái giá phải trả là nhiều du kích quân Tây Tạng hy sinh, bị cầm tù và một số nhỏ thì đành sống lưu vong ở ngoài. Họ được gọi là nhửng kẻ Mồ côi của Chiến tranh lạnh.

Và kết quả là mấy ngàn dân Tây Tạng bị Hồng quân tàn sát vì lý cớ "Đế quốc can thiệp vào Lhasa" để mở cuộc tấn công vào Thủ đô Tây Tạng mùa Xuân Kỷ Hợi - dù khi đó chỉ có tám người da trắng có mặt tại Lhasa, hầu hết là các học giả Anh và Hoà Lan. Thành tích thực tế ít nói ra là một số kháng chiến quân Tây Tạng được CIA huấn luyện có kín đáo yểm trợ bằng truyền tin và giao liên vụ đào thoát của đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi Lhasa vào tháng Ba năm 1959.

Thực tế thì trong 12 năm can thiệp ấy, CIA đã có biệt tài được thấy sau này ở khá nhiều nơi khác. Các nhân viên phụ trách việc huấn luyện không hiểu biết gì về văn hoá và lịch sử Tây Tạng, chỉ nghĩ rằng xứ ấy theo đạo Phật mà không nhìn ra Phật giáo cũng là phần hồn của chủ nghĩa quốc gia dân tộc xứ này. Không một người nào trong các nhân viên CIA đã đặt chân lên đất Tây Tạng, chỉ vài một biết đôi chút về Tạng ngữ và bản đồ họ dùng để thả những kháng chiến quân được họ huấn luyện tại Colorado là tác phẩm phác thảo của phái bộ Younghusband của Anh, vào năm 1904!

Thật chẳng khác gì việc CIA huấn luyện Biệt kích miền Nam cho thả toán ra Bắc hay yểm trợ người Hmong trong cuộc chiến trong bóng tối bên lề cuộc chiến Việt Nam!

Chưa hết, hoạt động của CIA cho kháng chiến quân Tây Tạng còn bị cản trở bởi - cũng lại chuyện xưa - bộ Ngoại giao Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ, John Kenneth Galbraith là một đại trí thức và cố vấn thân tín của Tổng thống John Kennedy. Với Galbraith, chỉ có Ấn Độ là đáng kể, Tây Tạng là đáng tởm, man rợ, và rất thiếu vệ sinh. Ông ra sức cản trở kế hoạch yểm trợ, thả toán và thuyết phục được Kennedy về một quyết định quái gở: yểm trợ tối thiếu và chỉ có thể tiếp tục nếu như có sự đồng ý của Chính quyền Ấn, khi ấy lại đang muốn hòa dịu với Bắc Kinh!

Mà bề nào thì đến Richard Nixon, Hoa Kỳ cũng muốn hoà dịu với Bắc Kinh. Khi Ngoại trưởng Henry Kissinger đi đêm với Chu Ấn Lai thì kế hoạch yểm trợ Tây Tạng của CIA mặc nhiên kết thúc, chuyện Việt Nam của Mỹ cũng vậy.

Một người trong cuộc của tấn bi kịch ấy chính là đức Đạt Lai Lạt Ma. Thời ấy, Xuân Kỷ Hợi 1959, Ngài mới 24 và có lẽ không biết chi tiết về dự án của CIA. Người quyết định có thể là vị Tổng quản Phala trong Triều đình Tây Tạng, một nhân vật ái quốc và tuyệt đối trung thành với Ngài.

Sau này - mươi năm về trước - khi được hỏi về chuyện xưa, vị lãnh đạo Tây Tạng ngỏ ý cảm tạ cơ quan CIA đã góp phần yểm trợ các kháng chiến quân giúp Ngài trốn khỏi Lhasa. Điều ấy không sai. Chính nhân viên CIA trong cuộc kể lại gần đây là CIA không hề tổ chức việc đào thoát của đức Đạt Lai Lạt Ma. Kế hoạch đã được một số rất ít người trong Nội các Kashag trù tính và thi hành vào lúc cuối cùng, khi hết hy vọng thỏa hiệp với quân xâm lược. Trong số các chiến binh người Khampa đi bảo vệ đức Đạt Lai Lạt Ma, một vài người đã được CIA huấn luyện và họ dùng phương tiệm truyền tin để liên lạc với nhau trên đường đào thoát.

Còn về kế hoạch yểm trợ của CIA cho kháng chiến quân Tây Tạng" Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: Rằng Chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp vào Tây Tạng không để giúp dân Tây Tạng mà chỉ vì chiến thuật thách đố Trung Quốc trong thời Chiến tranh lạnh mà thôi.

Đấy là chuyện 1959, qua 1969, khi Richard Nixon muốn bắt tay với Trung Quốc rồi thì đến Đài Loan cũng bị bỏ rơi, rồi bị trục xuất khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để nhường chỗ cho Bắc Kinh, nói chi đến Tây Tạng"

Cho đến ngày nay, các Chính quyền Hoa Kỳ vẫn không dám công nhận Tây Tạng và các vị lãnh đạo Mỹ chỉ gặp đức Đạt Lai Lạt Ma với tư cách riêng. Không mấy khác Roosevelt năm xưa.

Dù không nói ra, người Tây Tạng ngày nay đều đã học được bài học vận dụng Hoa Kỳ.

Họ không muốn bị lôi vào những đấu tranh nội bộ của chính trường Mỹ và tránh lấy những lập trường gây mâu thuẫn với quan điểm chính thức của Hoa Kỳ. Nhưng, họ xây dựng sức mạnh từ dưới quần chúng lên, từ người dân Hoa Kỳ. 

Khác với ngày xưa, dư luận Mỹ nay nhìn Tây Tạng với con mắt hiểu biết và nhiệt thành hơn. Họ trở thành một sức ép rất lớn cho Chính quyền. Và chính Tổng Thống Bush đã hoan hỉ nhận khăn Tây Tạng do Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng. Sau đó khi đi Bắc Kinh ông công khai nói chủ tịch Hồ Cẩm Đào nên gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Người làm xoay chuyển tình hình chính là đức Đạt Lai Lạt Ma. Ở vào thế ngoại giao rất yếu, Ngài đã xây dựng được một lực vận động rất mạnh nhờ uy tín và đức độ của mình và nhờ sức đấu tranh bền bỉ của người Tây Tạng lưu vong.

Năm ngoái, Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã trao tặng đức Đạt Lai Lạt Ma huy chương cao quý nhất của Lập pháp Hoa Kỳ, Congressional Gold Medal, tương đương với Presidential Freedom Award của Hành pháp./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.