Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Cơ Hội Mua Nhà Cho Năm Đinh Hợi 2007

15/01/200700:00:00(Xem: 2107)

Thời Sự nước Úc: Cơ Hội Mua Nhà Cho Năm Đinh Hợi 2007

LND: Theo nhật báo The Australian ngày 08/01/07 vừa qua thì sự gia tăng số công ăn việc làm trong tháng 12/06 ở Hoa Kỳ cao hơn dự liệu và như thế sẽ tạo ảnh hưởng bất lợi cho những người dân Úc đang mượn tiền mua nhà vì nguy cơ Tổng Nha Ngân Khố Quốc Gia Úc (Reserve Bank) có thể nâng lãi suất để phòng ngừa nạn lạm phát. Lý do vì chỉ số này là dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới đang phát triển mạnh, và do vậy giới hữu trách càng phải kềm giữ chặt chẽ giây cương để lạm phát không có cơ hội bộc phát. Tưởng cũng nên nhắc lại là từ tháng 5/02 cho đến nay, Tổng Nha Ngân Khố đã tăng lãi suất tổng cộng 8 lần, và hội đồng quản trị Tổng Nha sẽ nhóm họp vào 6/2/07 tới đây để công bố quyết định có tiếp tục tăng lãi suất hay không vào ngày 07/02/07. Tuy lãi suất gia tăng liên tục như thế, nhưng, cũng theo trang web của nhật báo The Australian, thống kê mới nhất của ABS (Australian Bureau of Statistics - Sở Thống Kê Úc) cho thấy tổng số đơn xin xây cất được chấp thuận ở Úc trong tháng 11/06 gia tăng 4.1%, cao hơn mức dự đoán của giới kinh tế gia là 1%. Nếu vậy, tương lai nhà đất ở Úc trong năm mới 2007 sẽ ra sao" Xin mời quý độc giả theo dõi bài viết của ông John Symond, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc công ty tài chánh Aussie Home Loans, tựa đề "Real Estate Opportunities For The Prudent and Well-Advised" (Nhiều Cơ Hội Về Địa Ốc Dành Cho Những Người Thận Trọng Và Được Cố Vấn Cẩn Thận).

*

Năm 2007 sẽ là một năm mà kỹ nghệ cho mượn tiền mua nhà cùng với giới mua địa ốc cùng sở hữu chủ nhà đất sẽ phải gặp khá nhiều thử thách. Tình hình có lẽ sẽ sáng sủa hơn cho người mua nhà để ở vì tôi tin rằng lãi suất đã lên đến tột đỉnh và nó có thể đi xuống trong tương lai, có lẽ vào khoảng giữa năm. Sự tiên đoán này của tôi dựa vào điều kiện quan trọng là tốc độ lạm phát không nhảy vọt một cách bất ngờ - điều này có vẻ khó xảy ra vì đà phát triển của kinh tế đang chậm dần từ những ảnh hưởng của hạn hán.
Mức lãi suất ổn định mang đến nhiều tin tốt cho giới mua nhà cửa bởi vì họ vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ mức lãi suất không cao lắm so với lãi suất thấp kỷ lục trong hơn 30 năm qua. Tôi cũng tin rằng giá nhà đất cũng đang được ổn định và do đó sẽ làm giảm thiểu nguy cơ địa ốc bị phá giá trầm trọng dẫn đến khủng hoảng. Thị trường địa ốc vẫn còn rất khỏe mạnh nhờ vào tỷ lệ người có việc làm rất cao và mức lãi suất thấp. Đặc biệt ở vùng duyên hải miền Đông nước Úc vẫn còn nhiều cơ hội tốt cho người mua nhà để ở hoặc đầu tư. Tuy nhiên, sự thận trọng cũng như việc tìm kiếm cố vấn giỏi, độc lập, vẫn là điều quan trọng bởi vì tình hình vẫn còn khá phức tạp.
Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng cũng như các công ty cho vay mượn tiền bạc khác sẽ tiếp tục trong suốt năm 2007 mang đến nhiều cơ hội tốt cho những người mượn tiền, thế nhưng, đối với những người không chuẩn bị bài vở cẩn thận thì họ vẫn có nhiều nguy hiểm. Người mượn tiền bây giờ có thể mượn đến 100% trị giá của bất động sản mà họ muốn mua, và khi mượn nhiều như thế, họ sẽ gặp nhiều nguy cơ, đặc biệt làddối với những người mới mua căn nhà đầu tiên.
Đại đa số những người đã vay mượn tiền trong vài năm qua mà chỉ đặt cọc một ít hoặc không đặt cọc gì cả bây giờ gặp phải một khó khăn là "negative equity" - có nghĩa là họ mang nợ nhiều hơn giá trị hiện nay của căn nhà. Trong trường hợp họ cần phải bán bất động sản đi thì sẽ có thiếu hụt, và từ đó, đưa đến nhiều khó khăn trầm trọng. Mặc dù thị trường địa ốc đã được ổn định, tôi không tin, giá cả sẽ gia tăng trong tương lai dài.


Sự xuất hiện ồ ạt của các công ty tài chánh cho mượn tiền trong khoảng 5 năm vừa qua - vì gần như không có bất cứ rào cản nào ngăn cấm người ta nhảy vào kỹ nghệ này - đã khiến cho người tiêu thụ có được nhiều sự chọn lựa hơn và được phục vụ tốt đẹp hơn. Thế nhưng, việc xả rào này cũng đã mở rộng cửa cho một thiểu số những tay cao bồi thiếu lương tâm (nhảy vào kỹ nghệ). Chính phủ ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang cần phải nhanh chóng ban hành luật lệ hầu ngăn chận những kẻ gian manh trong giới cho mượn tiền mua nhà (dishonest mortgage operators) vốn sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để hoàn tất thương vụ và thường xuyên làm những chuyện gian manh phạm pháp (often commiting fraud). Phần lớn giới cho vay tiền đều chỉ làm việc thuần túy vì quyền lợi của khách hàng, nhưng như trong tất cả mọi kỹ nghệ, trong kỹ nghệ này cũng có nhiều người chơi bẩn.
Vấn nạn một phần là do việc nhiều người trong giới trung gian - kế toán gia, luật sư, chuyên viên địa ốc và thậm chí ngay cả ông hàng thịt đầu ngõ - đều nhận lãnh huê hồng và không tiết lộ những món lợi nhuận này cho khách hàng của họ biết. Tôi hy vọng  trong năm 2007, chính phủ các cấp sẽ xiết chắt luật pháp và thủ tục cấp giấy phép cho kỹ nghệ cung cấp dịch vụ mượn tiền mua bất động sản (mortgage industry).
Một trong những nguy hiểm lớn nhất trong năm 2007, là việc quản trị mức nợ kỷ lục mà dân Úc đã tích tụ lại. Trong khoảng 15 năm qua, mức nợ của giới tiêu thụ (consumer debt) toàn quốc đã tăng lên 400%, với NSW dẫn đầu ở mức 500%. Giới tiêu thụ đã quá lơ là về chuyện nợ nần của mình và thường xem tiền bạc như bất kỳ một mặt hàng nào khác. Thế hệ mới của những người mượn tiền ngày nay có thể không nhớ được những sự kiện kinh khủng của những năm cuối thập niên 880 khi lãi suất tăng vọt lên đến 20% và hàng ngàn gia đình bị mất đi nhà cửa.
Trong 10 năm qua số tiền trung bình trả nợ mua nhà tại nhiều tiểu bang đã nhảy vọt từ 34% lương trung bình mỗi tuần lên 50% số tiền lương hàng tuần. Và món nợ trung bình để mua nhà đã từ $91,000 trong năm 1994 nhảy lên hơn $250,000 hiện nay.
Người tiêu thụ, chủ nhà và chủ các căn chung cư đang chơi một trò chơi hết sức đắt tiền mà đại đa số không biết được rằng họ đang trả ở mức lãi suất nào cho món nợ của họ. Điều mà họ nên làm là lập tức kiểm tra thật rõ rệt tình hình tài chánh của họ và lập tức đối phó với bất kỳ một khó khăn tài chánh nào mà họ phải, hoặc sẽ phải, đối diện nếu tình trạng cá nhân của họ bị thay đổi tệ hại hơn trước - chẳng hạn như hôn nhân tan vỡ hoặc bị mất việc làm. Tôi tin rằng người mượn nợ hiện nay phải trả nợ quá nhiều, hoặc bị trói buộc vào một loại nợ không thích hợp với nhu cầu, ý thích hoặc mức thu nhập của họ. Tuy nhiên, trước khi thay đổi nợ, người tiêu thụ nên tìm sự cố vấn có nghiên cứu cẩn thận từ người môi giới (broker) hoặc người cho vay khả tín bởi vì, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến người ta hao tổn nhiều ngàn đồng.
Trong năm 2007 chúng ta sẽ thấy có sự phát triển nhanh chóng của hai loại nợ mới, vốn nẩy sinh từ những điều kiện của thị trường và từ sự già nua dần dần của dân số. Loại thứ nhất là loại nợ cho phép cha mẹ có thể giúp đỡ con em hoặc những thành viên khác trong gia đình củng cố nợ nần hoặc né tránh không cần phải mượn 100% giá trị bất động sản. Loại thứ nhì nhắm vào việc giúp cho những người về hưu có thể chuyển thành tiền mặt một phần trị giá của bất động sản vốn đã được gầy dựng trong lúc họ làm việc. Mặc dù sẽ còn rất nhiều tranh cãi ồn ào về hai loại nợ này, nhưng tôi tin chắc rằng các khó khăn sẽ được giải quyết thỏa đáng trong năm nay.
Trong tình hình như thế, tôi khuyên những người mua nhà cũng như chủ nhà nên khảo giá, điều đình thật kỹ lưỡng để có thể tìm được những món nợ thích hợp với các công ty cho vay nợ có uy tín, đã được thành lập từ lâu và hãy quên đi những tay tài chính cao bồi cùng lũ mãi võ sơn đông ồn ào (rogue traders and spruikers) trong thị trường cho vay tiền mua nhà.
Xu hướng thiên cư về vùng biển và miền quê sẽ càng phát triển nhiều hơn nữa trong năm 2007 vì ngày càng có nhiều người mượn tiền biết suy tính và hành động thích hợp với khó hkăn của họ và chọn lựa một lối sống bình dân hơn, ít tốn kém hơn hoặc chọn lựa vượt thoát khỏi chốn thị thành.
Nói tóm lại trong năm 2007 giới mua nhà có thể cải thiện hoàn cảnh tài chính cũng như hoàn cảnh sống của cá nhân và gia đình qua sự nghiên cứu cẩn trọng và quyết tâm thay đổi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.