Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Mùa Giáng Sinh, Mùa Của Dân Giầu Tiêu Sàu Thả Dàn!

25/12/200600:00:00(Xem: 1900)

Thời sự nước Úc: Mùa Giáng Sinh, mùa của dân giầu tiêu sàu thả dàn!

LND: Giáng Sinh vốn là một lễ thuần túy tôn giáo nhằm nhắc nhở cho Kitô Hữu về tình yêu thương mà Thượng Đế dành cho con người qua việc Đức Giê-Su giáng sinh để sau đó chịu chết hầu rửa đi tội lỗi cho chúng ta. Dần dần, Giáng Sinh trở thành một dịp để cho mọi gia đình, ngay cả những người không có đạo, có dịp tề tựu xum họp sau một năm làm việc mệt nhọc để chúc phúc, chúc lành cho nhau, chuẩn bị cho một năm mới, tặng nhau những món quà nho nhỏ như một cách bày tỏ sự yêu thương lẫn nhau. Rồi con người sử dụng huyền thoại Saint Nick để tạo dựng hình ảnh Santa Claus hàng năm tính sổ xem trẻ em nào ngoan ngoãn, để tặng quà còn những đứa bé nào không biết vâng lời mẹ cha thì đừng mong được gì cả vào dịp Giáng Sinh. Thế nhưng, Giáng Sinh ngày càng mất đi ý nghĩa tôn giáo truyền thống của nó, và càng trở nên một dịp để cho con buôn tha hồ hốt bạc. Tệ hại hơn nữa, ở Úc, trong khoảng vài năm trở lại đây, Giáng Sinh là một dịp để người ta phung phí tiền bạc một cách thật ích kỷ để mua sắm những món đồ xa xỉ. Sau đây, xin mời qúy độc giả theo dõi bài viết tựa đề Excesses of Success của Simon Canning, ký giả đặc trách các vấn đề về khuyến mãi và quảng cáo đăng trên nhật báo The Australian hôm thứ Ba 19/12/06 vừa qua.

*

Năm nay, Santa không chui xuống ống khói nữa. Ông phải dùng xe hàng để chở quà bởi vì xe nai của ông không tải nổi cái TV plasma trị giá $4,000 cùng với giàn hi-fi âm thanh nổi cồng kềnh. Giáng Sinh bây giờ không phải dành cho trẻ con nữa. Nó dành cho quý vị trung niên thừa tiền lắm bạc, cho những kẻ mà con cái đã trưởng thành và dọn ra ở riêng, cho những cặp vợ chồng được mệnh danh là DINKS (Double Income No Kids - hai đầu lương và không con). Những người này được mời mọc rượu champagne miễn phí trong những chuyến đi mua đồ cực sang dành cho dân VIP (Very Important People) khi họ mua cho nhau, và cho chính họ, những món quà hết sức xa xỉ.
Ngày xưa, vào buổi sáng Giáng Sinh thì trẻ con ngây thơ chạy vội ra dưới cây thông Giáng Sinh để thấy đồ chơi bầy biện dưới gốc cây. Bây giờ thì dưới những gốc cây này không còn chỗ cho đồ chơi trẻ con nữa bởi vì chung quanh cây đầy dẫy những dàn âm thanh đắt tiền, những iPod tân kỳ, y phục thời trang ”hàng hiệu” cùng vô số nữ trang óng ánh sặc sỡ.
Giáo sư ngành khuyến mãi tại đại học NSW, ông Mark Uncles, vốn đang nghiên cứu về thói tiêu xài của những người trên 40 tuổi, cho biết rằng Giáng Sinh đã biến thái thành một sự ngụy biện hoàn hảo nhất để người ta có dịp tự mua đồ cho mình một cách thỏa thuê. Ông nói: "Bây giờ thì người ta sống lâu hơn, có ít con hơn, có nhiều lợi tức để tiêu xài hơn. Họ có thể tiêu xài những món tiền này để làm ích lợi cho người khác, hoặc họ có thể dùng chúng để hưởng thụ. Và càng ngày, người ta càng hưởng thụ nhiều hơn trong mùa Giáng Sinh”.
Trong lúc rất nhiều người tung tiền mua các món đồ điện tử, y phục thời trang và nữ trang các loại, GS Uncles cho biết, danh mục các mặt hàng được mua trong dịp Giáng Sinh ngày càng dài hơn. Ông nói: "Danh mục đó nên được cộng thêm những món như những chuyến nghỉ mát ngắn hạn. Lãnh vực này đang bộc phát mãnh liệt. Một cách mà người ta có thể định danh những mặt hàng điện tử ngày càng được nhiều người mua trong dịp này là đồ chơi điện tử. Vâng, đồ chơi, nhưng mà là đồ chơi cho người lớn”.
Thế nhưng, trong danh mục những món quà tặng mà người lớn ao ước được tặng, tự tặng cho mình hoặc tặng cho nhau, còn có thêm nhiều món khác nữa. GS Uncles nói thêm: "Còn có nhiều thứ đắt tiền hơn nữa, chẳng hạn như giải phẫu thẩm mỹ. Đây là một việc mà người ta thường tự thưởng cho mình. Đối với họ, đấy là một phần thưởng mà họ có thể hưởng thụ được, một dịp để có thể cảm thấy hài lòng với chính mình. Nếu tặng cho người bạn tình hoặc người bạn đời thì thường là nữ trang - không ai lại nỡ tặng bạn tình một cuộc giải phẫu thẩm mỹ đâu”.


Còn về phần những người chọn các cuộc nghỉ mát ngắn hạn nho nhỏ thì GS Uncles cho biết: "Đấy là dịp không những để tự hưởng thụ mà còn để chung vui, chia xẻ với những người mà họ thương mến nữa”. GS Uncles nói: "Tại Úc, tỷ lệ tiết kiệm tiền bạc rất thấp. Ở nước này, người ta thường xuyên có đồng nào xài đồng ấy. Và càng ngày thì những thế hệ lớn tuổi là giới có tiền thừa thãi nhiều hơn. Nợ nhà đã trả xong, con cái đã dọn ra riêng và họ vẫn còn năng động, vẫn còn muốn hưởng thụ”.
Chẳng những người ta hưởng thụ khi tặng quà đắt tiền cho nhau, mà ngay cả khi đi mua đồ, chọn đồ người ta cũng hưởng thụ nữa. Trên khắp nước Úc, nhiều thương xá, nhiều cửa tiệm có tổ chức những đêm dành cho dân VIP mua đồ, và chỉ những người được mời mới có quyền tham dự vào những đêm này. Khách sẽ được mời rượu champagne trong lúc thư thả dạo vòng quanh tiệm, sau khi tiệm đã đóng cửa và không còn bóng dáng dân nghèo nữa.
Tuần qua, Ipoh - công ty quản trị thương xá Chifley Plaza và thương xá Queen Victoria Building tại Sydney - đã tổ chức một chương trình đặc biệt tại Chifley Square. Khách thượng lưu miệng nhấm nháp tí caviar, một tay cầm ly champagne, tay kia cầm thẻ tín dụng, khoan thai rảo bước trong thương xá, xem xét các mặt hàng thời trang đắt tiền trong lúc ban nhạc Human Nature trình diễn riêng cho họ. Ông John Klein - giám đốc khuyến mãi của Ipoh cho biết chương trình VIP shopping này đã trở thành một chương trình quan trọng trong mùa Giáng Sinh của công ty. Ông nói: "Mục tiêu chủ yếu của chúng tôi là đẩy vọt số mặt hàng bán được”. Và chính vì thế mà công ty muốn tạo nên một không khí thật thoải mái cho khách hàng để họ dễ dàng tiêu xài hơn. Ngoài ban nhạc Human Nature, trong đêm đó còn có nhiều chuyên viên tẩm quất cũng như một số người bói toán nữa. Ông Klein cho biết rằng thợ đấm bóp cùng thầy bói tạo điều kiện cho khách hàng được thư giãn hơn. Ông nói: "Năm ngoái, chúng tôi dùng xe Maserati mới nhất làm trọng tâm của đêm khiến mọi người náo nức. Năm nay, chúng tôi có hai người thầy bói cùng ba chuyên viên tẩm quất rất được mọi người ưa chuộng”.
Hơn 1000 người tham dự đêm shopping đặc biệt dài 3 giờ đồng hồ ấy, mỗi người tiêu xài trung bình hơn $3,000 tại các cửa hiệu trong thương xá. Ông Klein nói thêm: "Người ta cũng xem đấy như một buổi dạ tiệc đêm Giáng Sinh vậy”.
Bà Gill Walker, thuộc công ty khuyến mãi Evergreen chuyên nhắm vào thế hệ được mệnh danh là baby boomers (những người sinh sau Đệ Nhị Thế Chiến từ lứa tuổi 45 đến 60), cho biết Giáng Sinh là thời điểm mà những người ”boomers” này cho phép mình hưởng thụ bằng cách tiêu xài thỏa thuê cho "những thứ mà tôi hằng ao ước”. Bà nói: "Tôi biết chắc rằng những người boomers này sẽ sung sướng thoải mái tiêu xài cho chính bản thân mình nhiều hơn nữa, theo với cường độ của sự thúc giục khuyến khích từ các quảng cáo khuyến mãi”.
Và những con số không bao giờ sai chạy cả. Công ty nghiên cứu GFK, chuyên theo dõi số bán của các mặt hàng tiêu thụ (consumer goods), cho thấy trong khoảng thời gian tiền Giáng Sinh có sự tăng vọt đáng kể trong số bán những mặt hàng điện tử đắt tiền. Năm ngoái, thị trường các mặt hàng điện tử đắt tiền có tổng số bán là $1,5 tỷ Úc Kim chỉ riêng trong tam cá nguyệt cuối cùng của năm. Giới phân tích thị trường dự đoán rằng năm nay, số bán sẽ cao hơn nhiều.
Trong năm 2004, GFK báo cáo rằng thị trường này tăng $300 triệu trong cùng thời điểm này so với năm trước. Và trong năm 2005 thì nó tăng hơn $400 triệu. Năm nay, GFK dự đoán rằng thị trường sẽ vượt qua mức $1,6 tỷ chỉ trong tam cá nguyệt này.
Mùa Giáng Sinh năm nay là mùa Giáng Sinh thâu nhập cao nhất trong vòng 6 năm qua cho công ty thương xá David Jones, và ông Paul Zahra, tổng giám đốc điều hành của David Jones cho biết nguyên nhân chính của chuyện này là vì người lớn muốn được hưởng thụ. Ông cho biết thêm, trong lúc đồ chơi cho trẻ em vẫn quan trọng, người ta ngày càng bỏ nhiều tiền hơn để mua quà tặng cho người lớn. "Như vậy, chắc chắn đây là Giáng Sinh của người lớn!”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.