Hôm nay,  

Iraq Giống Việt Nam

15/04/200400:00:00(Xem: 4363)
Mỗi khi lính Mỹ rút súng, người Việt lại bị nhục mạ. Hoa Kỳ có thể đạp vào vũng nước sau nhà mà cũng trượt vào một vũng lầy Việt Nam nữa. Vì hệ thống chính trị của họ.
Sau buổi họp báo hôm Thứ Tư 13, người ta đoán rằng Tổng thống Bush có thể thất cử. Vấn đề là những gì sẽ xảy ra sau đó.
Ông Bush dành 17 phút để đọc một bài diễn văn dưới hai ngàn chữ, với tốc độ chậm và quá nhiều vấp váp như người ứng khẩu. Bài thuyết trình tập trung vào vấn đề Iraq – trong khi dư luận đang chú ý đến những chuyện xảy ra trước và sau vụ khủng bố 9-11 – và ông nhấn mạnh đến chủ điểm chính là dưới sự lãnh đạo của ông, Hoa Kỳ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tại Iraq. Sự khả tín, đáng tin, của một siêu cường, qua quyết tâm của người lãnh đạo, là điều quan trọng, và ông Bush đặt vận mệnh chính trị của mình vào quyết tâm đó.
Mọi cử tri bình thường, dù có chống Bush, cũng có thể cho là ông thành thực trong sự chọn lựa đó, như một người sùng tín không bao giờ chối bỏ tôn giáo của mình. Nhưng, khi đặt sự nghiệp lãnh đạo của mình vào một cuộc chiến vẫn còn có quá nhiều bất trắc, kể cả phản ứng thất thường của các lực lượng trong cuộc, ông Bush cần thuyết phục thêm rằng sự chọn lựa này là chính đáng về đạo lý và khả thi (tất thắng) về thực tế.
Trong 17 phút đầu và qua 50 phút trả lời báo chí sau đó, ông Bush không đưa ra kế sách nào khác về Iraq ngoài lịch trình tiến hành việc dân chủ hóa đã được quyết định trước: ngày 30 tháng Sáu sẽ bàn giao quyền lực, sáu tháng sau sẽ bầu quốc hội, ngày 15 tháng 12 năm 2005 Iraq sẽ có chính quyền dân cử đầu tiên, v.v... Trong suốt giai đoạn này, binh lính liên quân, chủ yếu là Hoa Kỳ, vẫn phải có mặt, và bị bắn, như một lực lượng “chiếm đóng” - chữ của chính ông Bush - dưới con mắt của dân Iraq.
Người ta thấy hai vấn đề trong cuộc họp báo liên quan đến mục tiêu vào Iraq.
Thứ nhất, mối liên hệ giữa khủng bố (al-Qaeda, Osama bin Laden, sự an nguy của nước Mỹ, v.v...) với việc đưa quân vào Iraq không được Bush trình bày cho rõ ràng hơn trong khi dư luận đang quan tâm đến vấn đề đó vì phương cách vô trách nhiệm của Ủy ban điều tra vụ 9-11 đã chính trị hóa đề tài chống khủng bố. Ông Bush mang tiếng là “tách rời khỏi thực tế” là không oan vì không thuyết phục được dân Mỹ về lý do vào Iraq: chống khủng bố. Ông nhấn mạnh đến tự do của dân Iraq.
Tự do của một dân tộc là điều dân Mỹ nên quan tâm và hỗ trợ, điều đó không sai. Nhưng, vào phòng phiếu, cử tri có thể tự hỏi là “có đáng không khi binh lính mình phải hy sinh" Mà tại sao Iraq" Thiếu gì dân tộc hiện không có tự do" Vì tự do của nhân loại, Hoa Kỳ sẽ mở cuộc thánh chiến toàn cầu chăng"” Họ không tự hỏi thì đối thủ của ông cũng sẽ nhắc. Và ông Bush có thể thất cử vì Iraq chứ không vì kinh tế hay thất nghiệp, là điều cột báo này có dự đoán từ tháng Bảy năm ngoái.
Vấn đề thứ hai là sự thuần nhất về chiến lược khi mở chiến dịch Iraq. Đầu năm ngoái, ông Bush trình với dân rằng cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố khởi sự tại Afghanistan và sẽ tiếp tục tại Iraq, như một chiến dịch kế tiếp. Dân Mỹ khó ưa loại phim trinh thám chậm rãi và đầy não tính theo kiểu Âu châu, họ cần những pha gay cấn xen kẽ trong sự bố trí dàn dựng để đẩy câu chuyện đến đoạn kết. Đoạn kết trong trận chiến chống khủng bố hiện đang bị nhòa trong khói lửa Iraq: dân Mỹ không nhìn ra quan hệ giữa đòn phép vừa đánh vừa đàm của tàn dư Sunni hay lực lượng Shia với khủng bố, với al-Qaeda (chưa bị diệt tại Afghanistan và có thể hồi sinh nhờ khủng hoảng chính trị sắp tới tại Pakistan).

Hoa Kỳ có nhiều lý do để vào Iraq, nhưng lý do chính là làm một cuộc chứng minh đáng tin trong vùng đất dữ Trung Đông, để thay đổi cách ứng xử của các quốc gia Hồi giáo. Điều đó có lợi cho cuộc chiến chống khủng bố. Iraq chỉ là một chiến trường – ông Bush có nói vậy trong cuộc họp báo, nhưng không trình bày được toàn cảnh, trong một nỗ lực toàn cầu. Tâm lý ông bị sa lầy tại Iraq, trong khi đối thủ của ông, trên chính trường Mỹ và trên thế giới, đều nói đến những mục tiêu thầm kín của vụ Iraq: vì dầu hỏa vì sự thúc đẩy của tài phiệt Do Thái, vì mối thù của gia đình Bush với Saddam Hussein...
Rốt cuộc là ban tham mưu về an ninh, quân sự và đối ngoại của Tổng thống Bush không làm tròn nhiệm vụ. Bên trong, không trù hoạch nổi một chiến lược tất thắng tại Iraq, để còn diệt trừ khủng bố ở nơi khác, vốn là điều chính. Bên ngoài, không thuyết phục nổi dư luận về lẽ sinh tử khi vào Iraq là khủng bố. Rốt cuộc là sự nghiệp chính trị của ông Bush tùy thuộc vào nhịp độ ổn định (hay dân chủ hóa, còn khó khăn hơn) Iraq.
Tình hình Iraq sẽ lắng dịu trong vài tuần tới, nhưng nền dân chủ Iraq còn gặp sóng gió và sóng gió đó được các đối thủ khai thác ở nhà khiến ông Bush thất cử.
Hai tuần qua, dư luận lại được nhắc nhở về “một vụ Việt Nam khác”.
Nghị sĩ Edward Kennedy đã nhục mạ thiên hạ khi mạt sát ông Bush là gian trá và so sánh Iraq với Việt Nam. Vụ Việt Nam xảy ra từ quyết định gian trá của người anh là John Kennedy, khi đưa quân vào Việt Nam vì lý do tranh cử và gây bao thảm họa cho xứ này sau đó, vì sự bất tài của ban tham mưu an ninh và đối ngoại của Kennedy do Lyndon Johnson lưu dụng. Ai cũng có quyền không đồng ý với Bush và nhắc nhở đến thảm bại Việt Nam, nhưng người cuối cùng nên nói đến điều đó là Edward Kennedy.
Tuy nhiên, vì đặc tính của chính trị Mỹ, Hoa Kỳ vẫn có thể gặp một vụ Việt Nam tại bất cứ nơi nào trên thế giới (một trong những đặc tính đó là sự tồn tại của Kennedy).
Thời gian al-Qaeda chuẩn bị tấn công Hoa Kỳ lâu dài hơn một cuộc tranh cử tại Mỹ, cuộc chiến chống khủng bố cũng vậy. Nhưng các chính khách Mỹ không nhìn xa hơn tấm lịch tranh cử và truyền thông Mỹ nói chung cũng không thể giải thích tường tận trong thời khắc nhất định giữa hai đợt quảng cáo. Tinh hoa nước Mỹ được dồn vào lãnh vực quảng cáo mà bại liệt trong lãnh vực kế cận là thông tin và tuyên truyền. Chuyện sinh tử là chống khủng bố, hoặc nước Mỹ đang lâm chiến, bị khỏa lấp trong nhu cầu tranh cử và chính trị nhất thời, đến nỗi một ủy ban điều tra cũng tự biến ra gánh xiếc, dưới sự soi mói của truyền thông và sự khai thác của các chính trị gia.
Nhớ đến vụ Mậu Thân tại Việt Nam, ta thấy ra kịch bản là Bush sẽ thắng tại Iraq mà thua tại sân nhà, và như vậy John Kerry sẽ làm tổng thống.
Hai tuần qua, ông Kerry khéo tránh sai lầm của Howard Dean nên không đề nghị rút quân khỏi Iraq hoặc kêu gọi tạm quên mối nguy khủng bố để chỉ lo đến thất nghiệp. Nhưng, ngoài sự khôn khéo đó, ông không có chủ trương nào khả tín hơn. Quốc tế hóa hay “Liên hiệp quốc hóa” vấn đề Iraq thì cũng chỉ là một cách tháo chạy. Liên hiệp quốc ngày nay chỉ là một tổ chức cán sự xã hội quốc tế không thực lực và không giải quyết nổi việc dân chủ hóa Iraq, chưa nói gì đến nạn khủng bố.
Ông Bush có thể thất cử vì thiếu chiến lược mạch lạc đủ sức thuyết phục. John Kerry có thể đắc cử nhờ chả liên hệ gì đến nạn khủng bố (trách nhiệm của Bush 41, Clinton và Bush 43) mà còn có giải pháp “gây mê” tại Iraq. Nước Mỹ sẽ ca khúc khải hoàn, coi như đạt hòa bình trong danh dự tại Iraq nhờ Kerry phủi tay tháo khoán cho Liên hiệp quốc. Với hệ thống chính trị này, Hoa Kỳ có thể sa lầy trong vũng nước, từ Haiti đến Colombia, chưa nói đến Afghanistan hay Iraq. Kịch bản thảm bại Việt Nam sẽ lại thành hình.
Sau đó mới là thảm kịch cho Hoa Kỳ và là thời của khủng bố. Vụ 9-11 sẽ còn tái diễn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.