Hôm nay,  

Suy Nghĩ Về Cuộc Bầu Cử Quốc Hội Năm 2007

17/12/200600:00:00(Xem: 7444)

Suy Nghĩ Về Cuộc Bầu Cử Quốc Hội Năm 2007

(LTS: Bài này của tác giả Trần Lâm, viết từ Hà Nội, đăng trên số 7 bán nguyệt san Tổ Quốc, một tờ báo chui quốc nội ấn hành vì dân chủ VN. Còn có điạ chỉ mạng www.to-quoc.net/).

1. Lịch năm 2007 đã bày bán khắp nơi. Năm 2007 là năm bầu cử Quốc Hội.

Trước, trong và sau Đại Hội, phong trào đòi tự do, dân chủ khởi sắc. Nó nhanh chóng làm rung động những người ít quan tâm đến chính trị, nó lại lôi kéo thêm được nhiều người và nó thâm nhập vào Đảng, vào các cơ quan nhà nước. Như thế tự do dân chủ đã lên tiếng rộng rãi.

Phong trào tự do, dân chủ cứ tiến bước với các bước chậm chạp nhưng chắc nịch. Hơn nữa, việc Việt Nam gia nhập WTO và viễn tượng bầu cử quốc hội sẽ là những động cơ khiến phong trào trở thêm bức súc hơn, đòi hỏi một bước tiến nhanh hơn. Không khí trở nên sôi động. Người ta, bao gồm cả những người tử tế ở trong Đảng, không ai chấp nhận lối bầu cử "đảng cử, dân bầu " đã lỗi thời và kệch cỡm. Gần như mọi người đều đòi hỏi cấp bách phải sửa ngay.

Dù bận trăm công nghìn việc, việc chưa đặt ra một số vấn đề xoay quanh cuộc bầu cử quốc hội phải được xem là chậm trễ. Phải nhận thấy rằng đây là cái chìa khoá để giải quyết các bức bối khác: Chống tham nhũng, chấn chỉnh bộ máy đảng và nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội...

2. Một vài suy nghĩ về cuộc bầu cử năm 2007 Nếu chúng ta không thay đổi tận gốc nhiệm vụ, mục đích, phương pháp để có một cuộc bầu cử đích thực thì cuộc bầu cử 2007 sẽ đi vào bế tắc: Tuy chưa có gì để quả quyết rằng sẽ có những cuộc phá hoại nổi dậy, nhưng dấu hiệu "tẩy chay", "bất hợp tác" (có nghĩa là người ta không đi bầu) là một dự đoán có cơ sở. Xã hội hiện đang tích lũy nhiều bức bối, nếu lại thêm bức bối này nữa thì mọi người sẽ uể oải chán nản. Một xã hội mất lòng tin và chứa đựng nhiều phản kháng sẽ nhấn chìm tất cả.

Thoát thai từ chế độ phong kiến, thuộc địa, rồi chiến tranh liên miên, rồi bao cấp, xã hội ta chưa có được một ngày dân chủ thực sự. Với học thuyết ngoại lai, chúng ta nói dân chủ nhưng lại nhấn mạnh tập trung. Tập trung lại được hiểu là: "Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, quyền lực là không chia sẻ"... Có thể đây là một sự hiểu lầm và cũng có thể là một dụng ý xấu, nhưng đến ngày hôm nay việc điểm lại đã bước đầu được bàn bạc phanh phui. Dân chủ đích thực có định nghĩa là "lắng nghe những điều trái ngược, cùng nhau bàn bạc, cùng nhau tìm ra phương sách tốt nhất để hoá giải mọi mâu thuẫn, để làm cho cái chung được phát triển". Đó là một định nghĩa của thời hiện đại, của hoà bình và đầy nhân tính.

Đã nói đến sự khác nhau là phải bàn bạc, phải đấu tranh để tìm ra chân lý. Thế thì tất yếu là phải có đối trọng... Tuy nhiên, hiện nay phong trào dân chủ không có đại diện công khai, không có đảng đối lập. Đã có các đảng, các phong trào nhưng còn manh nha. Các tổ chức khác mà ta định gán cho vai trò đối trọng cũng chỉ là "ảo". Như vậy, nên chăng, mở một đợt góp ý về việc bầu cử quốc hội, trong toàn đảng, toàn dân.

Dẫu sao đi nữa, cuối cùng sự sáng suốt nhậy bén, mạnh dạn với tấm lòng vì nước, vì dân của Bộ Chính Trị vẫn giữ vai trò quyết định trong việc đổi mới hay không của cuộc bầu cử quốc hội năm 2007.

Bầu cử quốc hội, xây dựng hiến pháp, thường hàm chứa việc phân chia quyền lực. Đảng ban bố và kiên định điều 4 Hiến pháp đã minh định khái niệm này.

Cho nên, nếu có việc phân chia quyền lực trong việc bầu quốc hội lần này thì cũng không nên lấy gì làm lạ, và ngược lại lúc nào cũng phải quan tâm đến điểm này.

Lãnh đạo không phải là độc quyền mà chỉ thi hành nghị quyết của đa số, chịu sự giám sát phản biện của thiểu số. Đa số và thiểu số đều phải gồng mình để tiến bộ : Các cá thể phải giữ được đạo đức, phải nâng cao năng lực, một lòng phục vụ, bởi vì có giám sát, có cạnh tranh. Đa số và thiểu số, trong cuộc cọ sát, luôn luôn tiến bộ không ngừng. Phân chia quyền lực khiến ai cũng phải có trách nhiệm với cái chung, lẽ công bằng được thực hiện, cho nên phân chia quyền lực lại là cơ sở của đoàn kết.

Không thể đòi hỏi tổ chức bầu cử quy mô như các nước phương tây vì không có thời gian, không đủ người, không đủ kiến thức, không có tập quán lại thiếu tiền bạc. Không cần phải có giám sát quốc tế vì ở ta làm gì có những cuộc tranh đấu gian lận đến mức rối ren.

Điểm then chốt là liệu đảng CS có thực lòng muốn có một Quốc Hội đích thực hay không. Một Quốc Hội gồm những người xứng đáng nhất, phù hợp nhất, kể cả trong Đảng, ngoài Đảng và Đảng từ bỏ vai trò toàn trị như hiện nay. Đảng chỉ giữ việc để xuất đường lối, phản biện, giám sát các công tác của Quốc Hội, của Chính Phủ, của ban ngành tư pháp. Đảng giữ cái gì, Đảng giao cái gì, mức độ đến đâu cũng phải cho thật rành mạch vì nó thuộc lĩnh vực quyền lực như đã nói trên.

*

3. Liệu phương án sau đây có thể chấp nhận được không"

a. Mục tiêu đề ra là bầu một quốc hội 2/3 là người đảng cử, 1/3 là người dân cử. Như vậy quốc hội với đa số vẫn tuyệt đối thuộc về Đảng. Quốc hội phản ảnh đúng tương quan lực lượng đảng đang cầm quyền, không có đảng đối lập. Dân thì muốn Đảng không toàn trị, muốn phản biện, muốn tham gia vào việc chọn lựa các người lãnh đạo... Không ít đảng viên cũng suy nghĩ, cũng đòi hỏi như vậy. Tính đối lập, trên một mức độ nào đó là đã rõ ràng.

b. Về mặt kỹ thuật thì có 2 danh sách ứng cử viên: Một do đảng cử bầu lấy tỷ lệ 2, một danh sách do dân cử bầu lấy tỷ lệ 1. Cộng lại, từng khu vực bầu cử và toàn quốc, đều có tỷ lệ 2 trên 1. Danh sách ứng cử viên phải có số lượng ít nhất bằng 150% so với số cần bầu, để cử tri được tự do lựa chọn và được tự do bỏ phiếu. Danh sách đảng cử là việc nội bộ của đảng. Danh sách dân cử có nhiều việc cần làm nhằm mục đích tìm đúng người, vừa hợp lòng dân, vừa có hiệu quả thực tế. Sẽ nói riêng một mục sau.

c. Có người cho là một phương án hơi "lạ", hơi "kỳ".

Từ cổ chí kim từ đông sang tây, trong việc phân chia quyền lực cũng đã xảy ra nhiều việc như: "buông rèm nhiếp chính", Hiến pháp đầu tiên của Mỹ đề cao tự do, dân chủ, nhân quyền thế mà vẫn có một điều khoản: Công nhận buôn bán nô lệ. Thuỵ Điển dân chủ nhất vẫn có vua, Nhật Bản mất nhiều thì giờ bàn bạc nữ hoàng không" Malaysia thì các Thống đốc bang thay nhau làm quốc vương. Campuchia có một chính phủ có đồng Thủ Tướng, đồng Bộ Trưởng. Nhiều nước các ông Nghị "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", cảnh sát phải vào can thiệp. Và ở ta, năm 1946 Cụ Hồ mời vào Quốc Hội đến 70 người là Việt Nam Quốc Dân đảng, VN Phục Quốc Đồng Minh Hội, mời cả vua làm cố vấn Chính Phủ. Và ngay bây giờ, "đảng cử dân bầu", xét cho cùng cũng là không kém "kỳ" không kém "lạ".

Cứu cánh biện minh cho biện pháp. Nếu như Quốc Hội có công thức 2 và 3 thoả mãn được lòng dân, vừa lòng những đảng viên tử tế, người ngoài không kêu ca, phân chia quyền lực hợp lý... Tất yếu mọi người sẽ phấn khởi, kinh tế và văn hoá-xã hội sẽ phát triển. Đại đoàn kết không phải là câu nói suông. Ta còn đòi hỏi gì hơn. Thế chả là đổi mới thêm một bước.

d. Về việc chọn lựa đại biểu Quốc Hội: Đại biểu Quốc Hội phải trả lời chất vấn của cử tri, phải đối thoại công khai, phải chịu giám sát của cử tri. Có được một danh sách đảng cử từ xã đến trung ương là một thách thức rất khó chịu đối với đảng CS, nhưng cũng là một dịp để rà soát lại đội ngũ, để mình tự hiểu thêm mình.

Danh sách dân cử thật là khó : Người đứng ra đề xuất là ai, nhiều quá thì giải quyết ra sao"

Cần thành lập ngay một ban chỉ đạo bầu cử trung ương để hướng dẫn từ trên xuống. Ban này đứng ra tổ chức hiệp thương. Thành phần có thể theo như nếp cũ, có thêm những người tiêu biểu, những người có khả năng, những người được nhân dân tín nhiệm.

Ở khu vực bầu cử nông thôn thì dễ, ở địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, rất đông người ưu tú, phân bố đủ mọi ngành. Những phần tử này có đầy đủ những tiêu chuẩn của một đại biểu Quốc Hội, mà một Quốc Hội tiến bộ phải có đầy đủ những gương mặt này.

Chúng ta kêu ca về vai trò của Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) nhưng chúng ta cũng phải hiểu là MTTQ không có thực quyền trong việc chọn lựa hay hiệp thương. Nếu nay, khác đi thì MTTQ vẫn có thể giữ đượcvai trò của mình.

Các đại biểu Quốc Hội là nhà chức trách, nếu không là chính khách thì tối thiểu họ cũng am hiểu phần náo về chính trị và pháp luật. Các đại biểu Quốc Hội từng người phải có văn phòng riêng, để tiếp xúc với cử tri, lại phải nghiên cứu các dự án, các dự thảo luật và thi hành các công tác do Quốc Hội giao phó.

Các đại biểu Quốc Hội có thể làm việc suốt đời nếu họ được tái cử. Thôi không làm việc nữa, họ trở lại nơi họ đã ra đi, hoặc hòa mình trong một cuộc sống mới.

Các kiều bào có hai quốc tịch có quyền ứng cử và bầu cử.

*

4. Những suy nghĩ chưa trực tiếp liên quan đến cuộc bầu cử

Sứ mạng của các chính khách thật là cao cả. Làm sao dung hoà được quyền lợi cá nhân, quyền lợi phe nhóm, quyền lợi của Đảng, quyền lợi của dân tộc và coi quyền lợi của dân tộc là trên hết. Các chính khách của ta đã sai lầm trong việc xử lý các mối quan hệ này. Kết quả là tụt hậu và yếu kém.

Việc mở rộng chính trị, trao quyền lực cho nhân dân là bước đi tất yếu của mọi xã hội loài người. Chỉ thấy duy nhất một số quan chức chưa công khai chấp nhận vì họ còn bê bối : Lo sợ phát hiện tham nhũng, phát hiện con đường " làm quan tắt ". Vấn đề là mở rộng dân chủ thế nào, mức độ thế nào.

Hiện nay trong dư luận nhân dân có biết bao nhiêu đòi hỏi. Quốc hộicũng như mặt trận đề xuất việc này việc nọ. Công việc cứ bề bộn. Nên chăng, chúng ta tập trung sức lực để giải quyết tận gốc: Nghiên cứu, xét duyệt, quyết định, ban bố luật bầu cử Quốc Hội mới. Một Quốc Hội có "chính danh", có "thực quyền" thì tất cả các lúng túng đó sẽ được giải quyết một cách mau lẹ.

Bầu cử quốc hội với tinh thần mới, với lề lối mới. Đảng không suy yếu mà mạnh lên: Dân phản biện và giám sát, các đảng viên phải thay đổi, những người "ngồi nhằm ghế" sẽ phải ra đi. Mọi người sẽ không ngừng tiến bộ. Dân được tôn trọng, thấy mình có quyền nên càng dốc sức cho sự phát triển.

*

Đây là tiếng nói của một người, còn thiếu sót rất nhiều đối với một vấn đề quá lớn. Cái mong mỏi duy nhất là một sự lên tiếng có thể kêu gọi nhiều người cùng góp ý.

Trong đặc điểm tình hình của ta hiện nay, cần khẳng định một lần nữa : Quyết định của Bộ Chính Trị sẽ tạo ra thành công hoặc hạn chế trong cuộc bầu cử Quốc Hội 2007.

Hải Phòng 5 tháng 12 năm 2006

Luật sư Trần Lâm

(Trích: Bán nguyệt san Tổ Quốc, Số 7. Web: http://www.to-quoc.net/)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.