Hôm nay,  

Lợi Ích Thiền Tập: Quan Điểm Của Phật Giáo Về Thiền

25/03/200400:00:00(Xem: 5092)
LTS: Bài dưới đây của Thầy Thích Trí Châu, nêu lên lợi ích của Thiền Tông, và ảnh hưởng của pháp môn này trên cá nhân và xã hội hiện đại. Thầy Trí Châu là người Việt Nam, nhưng đã tu pháp Thiền Tông ở Trung Quốc, được truyền thừa Tâm Ấn từ tông phái Vân Môn, là thiền giả đời thứ 14, sau Vân Môn Văn Yển 13 đời và là đệ tử của thiền sư Phật Nguyên Diệu Tâm. Thiền sư Phật Nguyên khi xưa là thị giả của ngài Hư Vân, từng là trụ trì Nam Hoa Thiền Tự ở Tào Khê và hiện đang là viện chủ Vân Môn Thiền Tự ở Thẩm Quyến thuộc Quảng Châu bên Trung Hoa.
Thầy Thích Trí Châu hiện đang dạy Thiền tại Quận Cam, mỗi sáng thứ bẩy từ 9:30AM đến 11:30AM, và mỗi tối thứ tư từ 7:00PM đến 9:00PM tại 12441A Magnolia St., Garden Grove, CA (góc tây bắc của Magnolia và Lampson).
Đồng bào muốn tập Thiền, vì số chỗ có giới hạn xin gọi số (714) 839-2579 nhắn lại tên và số điện thoại. Sẽ thông báo sự tham dự.
Dưới đây là bài viết.
*
Hôm nay tôi xin trích dịch một số dữ kiện được ký giả Joel Stein viết về Thiền trong báo Time số ra ngày 4 tháng 8 năm 2003, rồi từ đó giới thiệu sơ lược về Thiền Tông của Phật giáo.
Joel Stein viết, các nhà khoa học nghiên cứu thiền, các bác sĩ khuyên nên thực tập thiền, hàng triệu người Mỹ thực hành thiền. Tại sao thế" Vì thiền đem lại nhiều lợi ích. Không những nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thiền làm cho hệ thống miễn nhiễm hoạt động mạnh hơn, mà kết quả phân hình não bộ còn cho thấy thiền có khả năng nối lại các đường giây thần kinh để làm giảm đi sự căng thẳng. Bây giờ có cả hàng chục triệu người Mỹ nói rằng họ đang thực tập một phương pháp thiền nào đó. Ngày nay người ta không còn phải vào trong rừng kiếm mấy ông thầy guru râu ria xồm xoàm để học thiền vì thiền đã được dậy trong các trường học, nhà thương, các văn phòng luật, trong các cơ quan chính quyền, các hãng xưởng và ngay cả trong nhà tù.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc đàm luận với các nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh có nói: "Thật thích thú được biết những nghiên cứu mới đây cho thấy thiền có khả năng điều hòa tâm trí và tái cấu trúc bộ não." Những thử nghiệm mới với các máy phân hình tân kỳ cho thấy thiền có thể chỉnh lại bộ óc, làm cho nó hết tắc nghẽn và lưu thông trở lại. Và điều đáng nói là ngồi thiền thì an toàn và ít tốn kém hơn nhiều so với việc giải phẫu.
Bill Ford, giám đốc hãng xe hơi Ford của Mỹ, tu tập thiền. Cựu giám đốc mật vụ Anh quốc MI-5, cựu phu nhân tổng thống Mỹ Hillary Clinton, vợ chồng cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore cũng tu tập thiền. Gore nói: "Chúng tôi đều hằng ngày cầu nguyện, nhưng với thiền, thật cá biệt, tôi đặc biệt đề nghị tu tập."
Càng ngày càng nhiều bác sĩ y khoa đề nghị giải pháp thực hành thiền để phòng ngừa, làm chậm lại hay ít ra là có thể kềm chế được các cơn đau do các bệnh mãn tính, như bệnh tim, aids, ung thư và chữa bệnh hiếm muộn. Thiền cũng đem lại sự quân bình cho các bệnh căng thẳng, trầm cảm, bệnh hiếu động và bệnh lãng trí.
Có một đời sống hài hòa và thoải mái thì thật thú vị nhưng thêm vào đó với thiền ta sẽ sống lâu hơn, ít bệnh tật hơn và đỡ tốn kém tiền thuốc men rất nhiều, nhất là bây giờ với sự cắt giảm quỹ tài trợ tiền thuốc men cho người già.
Thiền trong các tôn giáo khác phần nhiều đều có mục đích tiếp cận được với các thần linh ở cõi vô hình, họ mơ ước được chứng kiến một sự mặc khải, họ tu cho cái tiểu ngã được nhập về với cái đại ngã, hoặc được tiếp cận với thượng đế của tôn giáo họ. Phật giáo không có mục đích hội nhập vào bất cứ vị thần linh hay thượng đế nào mà là vượt trên mọi cảnh giới để thực chứng rằng mọi hiện tướng chỉ là tùy duyên hiện khởi, chuyển biến liên tục, không có cái gì có cái ngã tướng chân thật và do đó sẽ không khởi ra một ước nguyện mong cầu, nên đạt được cái cảnh giới tịch tĩnh tạm gọi là Niết Bàn, để từ đó đạt tới được cái chân thật nơi tâm thức gọi là Chân Tâm hay là Phật Tánh.
Đối với Phật giáo, tất cả mọi cảnh giới trên cái thế giới này đều bị chi phối bởi luật nhân quả, lý nhân duyên. Đã là chúng sanh, là phải có sanh, già, bệnh và chết tức là Sanh, Lão, Bệnh và Tử. Các quốc độ hay là thế giới và vũ trụ thì có Thành, Trụ, Hoại và Không. Tất cả những tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm, vui, buồn, nhớ mong, khổ đau hay sung sướng cũng phải trải qua các thời kỳ Sanh, Trụ, Dị và Diệt tức là sanh khởi, tăng trưởng, biến đổi và diệt tịch. Tất cả đều chuyển biến, tùy theo các nghiệp đã tạo tác trong quá khứ mà ta lúc thì hưởng được nhiều may mắn, lúc gặp vận xui xẻo, có lúc làm ăn phát đạt có một đời sống tốt đẹp, có khi thất bại sống trong nghèo khó và khổ đau, có khi khoẻ mạnh và vui vẻ, có lúc bệnh tật và chán chường.
Trong cái thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống đây, không có gì có cái tánh chất riêng biệt, độc lập, thường còn và bất biến tức là không có cái gì có cái tự tánh chân thật, cố định, thường còn, không thay đổi như trong kinh Phật thường nói, tất cả các pháp đều Không Tánh.
Mọi cảnh giới, mọi tư tưởng, mọi sự việc đều nương vào những cái khác để thành lập. Tôi không thể hiện hữu một mình nếu không có anh, không có thế giới, vũ trụ và tất cả các sinh vật xung quanh. Tôi cũng không có cái tánh chất riêng biệt cố định mà là do sự hòa hợp của ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc lại gồm có đất, nước, gió lửa tạo nên cái thân tứ đại. Thọ, tưởng, hành và thức tạo nên cái tâm thức với những cảm thọ vui buồn, khổ đau và sung sướng; với những vận hành suy nghĩ, nhớ tưởng và quyết định. Tất cả những thứ đó cũng không thể hiện hữu nếu không có hư không. Tôi thật sự chẳng có cái gì là đặc thể, ngã thểå riêng mà là do tất cả những cái không phải là tôi chuyển biến tương quan, tương tức, tương tục nên nói tôi là Vô Thường và tôi là Vô Ngã. Tương tự như thế mọi sự mọi vật đều Vô Ngã và Vô Thường.

Khoa học hiện đại chứng minh rằng thế giới, vũ trụ và muôn loài được bắt đầu bằng một Đại Bùng Nổ Big Bang, trong đó hư không được nở rộng ra, vô lượng các hạt bụi lượng tử được phóng ra, cấu kết lại và chuyển động không ngưng nghỉ tạo thành các giải ngân hà, những hành tinh, định tinh mà ta thường gọi là vũ trụ và tinh cầu, rồi từ đó phát sinh ra các nguyên tố hêli (helium) và khinh khí hydrô (hydrogen) nhờ đó có sự hình thành của biển cả, sông hồ, núi rừng và muôn loài chúng sanh. Tất cả sự hiện hữu đó đều do sự cấu kết của các vi trần, là những lượng tử thật nhỏ nhiệm luôn luôn chuyển động chớp nhoáng, bành trướng rồi lại co rút lại, khi bành trướng thì tỏa ra như những làn sóng, khi co rút lại thì như một vi trần tức là như một hạt bụi thật nhỏ nhiệm. Vi trần ví như hình ảnh một hòn sỏi, làn sóng vi ba ví như những vòng tròn sóng tỏa ra trên mặt hồ khi ném hòn sỏi xuống hồ. Khi co rút như hạt bụi thì là sắc, khi tỏa ra thì là những làn sóng vi ba không hình tướng. Cả sắc và không đó cứ chuyển biến liên tục không thể tách rời nhau ra được.
Không biết tôi có làm sáng tỏ điều mà đức Phật nói là sắc bất dị không, không bất dị sắc hay là sắc tức thị không, không tức thị sắc trong Bát Nhã Tâm Kinh không" Hay là tôi lại làm hỏa mù lên cái thật đơn giản là không có cái không thì làm sao ta biết được cái có (sắc) và không có cái có (sắc) làm sao ta nhận biết được cái không. Cái không thì hiển bày ra cái sắc, cái sắc thì hiển bầy được cái không. Không có khổ đau thì làm sao ta biết được giá trị của hạnh phúc, không kinh qua những giây phút tuyệt vời làm sao ta thật sự cảm giác cái đau khổ thấm thía và sự tiếc nuối triền miên khi bị mất mát. Tất cả sắc và không dù có thấy rõ ràng, những đau khổ xẩy đến và những hạnh phúc được hưởng dù có sâu xa và tuyệt vời đến chừng nào thì cũng chỉ là giả thôi. Thiên đường, phạm thiên hay cực lạc chẳng qua đều là vọng tưởng, chỉ là dùng thuốc mê để chữa bệnh huyễn khổ nơi trần gian. Tất cả chỉ là như huyễn. Đã là như huyễn thì ai thèm nắm bắt làm gì, và nếu không thèm nắm bắt thì làm gì có sự đố kỵ, tranh giành, làm gì có chiến tranh. Thấu rõ được như vậy thì ở đâu cũng hài hòa, thông cảm và thương yêu. Ngay giây phút này thì đây là cực lạc, đây là niết bàn và đây là thế giới của an vui và giải thoát.
Câu hỏi được đặt ra là thế thì ai sinh ra cái hiện tượng Big Bang đó" Ai sanh ra các bụi lượng tử đó" Câu hỏi đó là câu hỏi từ thời xa xưa muôn thuở, tương tự như câu hỏi ta từ đâu đến và ta sẽ đi về đâu" Chắc chắn là ta không phải tự nhiên đến vì ta phải do sự cấu kết giữa tinh trùng của cha ta và thai noãn của mẹ ta mà có sự sanh thành, hoặc là như khoa học hiện đại, ta phải hội đủ các yếu tố sinh lý và hóa học để được hình thành trong tiến trình tạo sanh vô tánh.
Ta không phải tự nhiên mà có, không phải tự nhiên mà hiện hữu như các hình tượng do các ảo thuật gia làm huyễn thuật, nhưng ta cũng không phải do một vị thần linh nào đó tạo ra vì nếu vậy nhà sinh học tạo sanh vô tánh là vị thần linh đó sao"
Đức Phật là vị đã giác ngộ, đã nói đến cái thế giới trùng trùng duyên khởi, trong đó mọi hiện tượng và đời sống đều liên quan đến nhau, đức Phật đã nói đến những thế giới khác nhau với những sinh vật khác nhau hiện hữu trong vô số các cõi được gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới mà ngày nay các nhà khoa học càng ngày càng tiến đến một một hiểu biết tương tự.
Chỉ có sự tin tưởng và tu trì theo đường lối Giới Định Huệ mà ta có thể đưa Tâm Thức đến một cảnh giới Vô Thượng, nơi đó đó ta sẽ thâm nhập vào cái cảnh giới bất khả tư nghì, không thể nghĩ bàn của Phật. Chỉ người nào đạt được đến cái cảnh giới đó mới hiểu thôi. Nhà thiền nói đó là cái cảnh giới vô cảnh giới, không thể nói và không thể giải thích, tỷ như ai uống nước thì người ấy biết nóng lạnh hay là ngọt đắng ra sao.
Tất cả kinh điển của Phật là tạo cho ta niềm tin rồi gia công tinh tấn giữ giới và tu thiền. Sự thực tập thiền phải do sự học hỏi nơi các vị chân truyền, có phương pháp được truyền thừa từ các vị tổ sư mới tránh được những sai lầm, lẫn lộn giữa pháp môn của Phật và các pháp môn khác.
Trong lịch sử Phật giáo, sự trao truyền từ đức Phật tới các vị tổ sư, tổ tổ tương truyền được bắt đầu tại hội Linh Sơn nơi đảnh núi Linh Thứu, được nói trong tích Niêm Hoa Vi Tiếu. Các tích truyện về thiền tông gọi là công án. Trong công án này Phật cầm cành hoa sen đưa lên mà không nói môt lời gì, cả hội trường đều im lặng, riêng mình trưởng lão Ca Diếp mỉm miệng cười. Phật bảo ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, nay trao cho Ca Diếp sau này sẽ thay ta truyền bá chánh pháp chớ để cho thất truyền, hãy giữ y bát này để làm bằng, sau này sẽ tiếp tục trao truyền cho A Nan. Sau khi Phật nhập diệt, Ma Ha Ca Diếp trở thành vị Tổ Sư thiền đầu tiên của Phật giáo. Sau khi Ca Diếp tịch A Nan được trao truyền y bát và là vị Tổ thứ hai của thiền tông. Tiếp tục cứ tổ tổ tương truyền, sau này đến thế kỷ thứ 6, Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 bên Ấn Độ. Ngài sang Trung Hoa truyền pháp thiền và trở thành vị Tổ Sư thiền đầu tiên ở Trung Hoa, trao truyền giáo pháp biệt truyền của Phật, vượt trên các giáo lý, chỉ thẳng chân tâm, thấy tánh thành Phật:
Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ chân tâm, Kiến tánh thành Phật
Xin chép một đoạn trong bài Thiền Ca của Bạch Ẩn Thiền Sư:
Pháp môn Tọa Thiền của Đại Thừa
Thật không đủ lời để tán thán
Những pháp hạnh cao quý đều bắt nguồn ở Tọa Thiền
Cho dù chỉ một lần tọa thiền
Cũng đủ tiêu trừ mọi ác nghiệp
Nào thấy đâu hắc đạo nữa
Vì Quốc Độ Thanh Tịnh ở nơi đây.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.