Hôm nay,  

Quần Thảo Trên Hàng Rào

25/03/200400:00:00(Xem: 4645)
“Mất bò rồi mới lo rào giậu”, bị khủng bố tấn công rồi Mỹ mới nghĩ tới cách phản công. Nhưng, ngay giữa cuộc phản công, người ta còn tranh luận về kiểu dáng của hàng rào.....
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn “hồi ký” của Richard Clarke lại xuất hiện vào lúc này, khi “Ủy ban 9-11” đang mời các nhân vật hữu trách về an ninh, quân sự và ngoại giao của Mỹ từ 10 năm nay ra điều trần. Là người được đề cử vào chức vụ thấp so với tự ái rất cao, ông Clarke đảo ngược lập trường và chủ yếu tấn công cách thức chính quyền Bush phản ứng đối với vụ khủng bố. Chúng ta không mất nhiều thời giờ phân tách vì từ mấy ngày qua và những ngày tới truyền thông Mỹ còn loan tải và bình luận hàng ngày, hàng giờ đề tài đó.
Nhưng, xuyên qua hai buổi điều trần ngày 23 và 24 của các nhân vật phụ trách về an ninh đối ngoại của hai chính quyền kế tiếp, Clinton và Bush, ta có thể rút tỉa được những gì"
*
Trước nhất là về khuôn khổ cuộc điều trần. Hoa Kỳ là nền dân chủ hiếm hoi trên địa cầu dám công khai thảo luận loại vấn đề “nhạy cảm” là an ninh và khủng bố, trước sự phán xét của truyền thông và nghe ngóng của.... quân khủng bố. Lý do “an ninh quốc gia” không thể đứng vững trước một nhu cầu lớn hơn của người dân: tìm hiểu vì sao lãnh đạo lại để xảy ra một tai họa như vậy. Chúng ta tự hỏi bao giờ người Việt được nghe lãnh đạo trình bày về những quyết định đưa tới trận Mậu Thân 1968 hay vụ thảm sát tại Huế (dù những người trong cuộc đều đã mất). Có họa thỏ mọc sừng.
Nhưng, nội dung cuộc điều trần và ý kiến của Ủy ban Điều tra độc lập do Tổng thống Bush bổ nhiệm mới thực sự là điều đáng chú ý.
Hoa Kỳ đang có cuộc tranh cử, là cơ hội khiến mọi vấn đề đều có thể từ bé xé ra to thành đề tài tranh luận giữa hai đảng. Huống hồ vấn đề an ninh. Vấn đề này xuất hiện công khai lần đầu vào tháng Hai năm 1993 (vụ tấn công World Trade Center làm sáu người chết, ngàn người bị thương), khi chính quyền Clinton vừa nhậm chức. Vấn đề kéo dài cho đến nay, nên trở thành cơ hội tranh luận khó bỏ qua, lại còn được hâm nóng bằng cuốn sách và lời tố giác của Richard Clarke. Chúng ta không nên vì đó mà tìm hiểu xem chính quyền Clinton có trách nhiệm lớn hơn sau tám năm cầm quyền, hay chính quyền Bush mới đáng trách, khi để vụ 9-11 xảy ra tám tháng sau khi nhậm chức.
Chúng ta chú ý đến các yếu tố tâm lý, xã hội, ngoại giao và chính trị khiến một siêu cường dồi dào phương tiện vẫn bị khủng bố tấn công, và ngàn ngày sau vụ tấn công vẫn còn loay hoay cãi cọ xem là lỗi tại ai. “Mất bò mới lo rào giậu”. Sự đời vốn dĩ như vậy. Nhưng siêu cường số một đang ngồi trên hàng rào cãi lộn về cách đối phó.
Điều này có thể là phù phiếm khôi hài nhưng thực ra lại rất quan trọng. Cuộc tranh luận về chuyện đã qua không chỉ chi phối hình ảnh của Bill Clinton đối với lịch sử (là chuyện thực ra không đáng kể), nó còn quyết định khả năng ứng phó của ông Bush đối với tương lai, trong các địa hạt ngoại giao và an ninh. Đây mới là chuyện đáng kể.
*
Theo diễn biến thời sự và nhận định của Ủy ban 9-11, thì trong tám năm cầm quyền, chính quyền Clinton đã hụt gần hai chục cơ hội để tiêu diệt al-Qaeda, Osama bin Laden và chặn đứng những vụ khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ (trong và ngoài lãnh thổ). Cuối cùng thì tám tháng sau khi Hoa Kỳ có chính quyền mới, vụ 9-11 đã xảy ra làm hơn 3.000 người thiệt mạng.
Ta có thể suy diễn ra nguyên do chính từ lời phân trần của ban tham mưu an ninh đối ngoại của Bill Clinton (Ngoại trưởng Madeleine Albright, Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen, Cố vấn An ninh Samuel Berger và Giám đốc CIA George Tenet) lẫn của chính quyền Bush: chính quyền Clinton không thể có giải pháp dứt khoát về quân sự vì các điều kiện ngoại giao và tâm lý không thuận tiện.
Lý do thực tế có lẽ rắc rối hơn vậy.
Tâm lý của chính Bill Clinton, nội các của ông và tinh thần phổ biến trong đảng Dân chủ là coi việc chống khủng bố là phần vụ nội an trật tự, trong khuôn khổ hợp pháp. Nói cho dễ hiểu, nếu đảng Cộng hòa và chính quyền Bush cho rằng bộ Quốc phòng là cơ quan chính yếu phụ trách việc diệt trừ khủng bố thì bên đảng Dân chủ (kể cả chủ trương của John Kerry ngày nay và Bill Clinton ngày trước) lại cho rằng bộ Tư pháp mới là cơ quan thẩm quyền. Và trong cuộc chiến chống khủng bố, theo tâm lý Clinton, Hoa Kỳ phải có chính danh, hợp pháp và phải được hậu thuẫn của quốc tế.

Đó là về lý do tâm lý hay “triết lý chính trị”.
Ngoài ra, còn một lý do khác đáng chú ý: ông Clinton không thoải mái với bộ Quốc phòng và quân đội (và ngược lại, quân đội cũng không tin cậy ông ta) nên không dám lấy trách nhiệm của Tổng tư lệnh là đưa quân tham chiến. Ông chỉ điều động quân đội một cách miễn cưỡng, trong những vụ ít rủi ro (Haiti) hoặc theo phương thức “sạch” là không tập. Clinton tránh né xua quân vào trận địa vì e sợ tổn thất và sự bất đồng của Quốc phòng. Tàn dư của tuổi trẻ phản chiến có chi phối đối sách khủng bố của Bill Clinton.
Tâm lý lẫn tư thế của ông khiến Hoa Kỳ loại bỏ giải pháp táo bạo đối với quân khủng bố, nên chính quyền ông chỉ thể ngăn ngừa chứ không tiêu diệt được khủng bố.
Chính quyền Bush thì khác.
Ông Bush cho rằng thái độ cẩn trọng và dụng lễ hơn dụng binh của chính quyền trước là một cám dỗ lớn cho quân khủng bố vì bị họ lầm tưởng đó là sự nhu nhược của Hoa Kỳ. Vì vậy, ông có lập trường đối phó dứt khoát hơn, kể cả quyết định “tiên hạ thủ” mà nhiều chính quyền Mỹ lẫn các nước khác đều có lúc áp dụng nhưng lại bị đả kích dữ dội hiện nay. Bỏ bên ngoài lời thị phi về lẽ đúng sai, tám tháng sau khi nhậm chức, ông Bush quyết định sẽ tấn công hậu cứ của al-Qaeda là chế độ Taliban tại Afghanistan. Cái ngày chính quyền ông lấy quyết định lịch sử đó là mùng 10 tháng Chín. Một ngày trước vụ khủng bố 9-11. Nghĩa là quá trễ, dĩ nhiên. Dù sao, đó cũng là lý do mà chỉ một tháng sau vụ khủng bố, Mỹ tấn công Afghanistan (10 tháng 10, năm 2001).
Mọi người đều đồng ý rằng cho dù al-Qaeda có bị tiêu diệt trước thì vụ 9-11 vẫn xảy ra, vì đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước, và các tay khủng bố đã có mặt trong lãnh thổ Mỹ từ lâu. Vụ 9-11 vì vậy không hoàn toàn thuộc trách nhiệm ông Bush mà là hậu quả của tâm lý của ông Clinton. Sự tàn khốc của vụ khủng bố có thể làm xoay chuyển tâm lý quần chúng (Hoa Kỳ và thế giới), cho nên, nếu như Clinton còn tại chức sau vụ này, có khi ông dám có lập trường quyết liệt hơn, nhưng đó chỉ là giả thuyết về quá khứ.
*
Bây giờ nói chuyện về ông Bush và tương lai.
Khi kế thừa di sản khủng bố sau tám năm cầm quyền của Bill Clinton, George W. Bush cũng tiếp nhận luôn hồ sơ Iraq (quyết định “thay đổi chế độ” tại Baghdad từ thời Bush cha và Clinton, được cả hai đảng ủng hộ, việc kiểm soát vùng “cấm bay” trên lãnh thổ Iraq, yểm trợ các “giải pháp chính trị” chống Saddam Hussein, v.v...). Lỗi lầm của ông, nếu có, là muốn giải quyết một lúc hai chuyện, al-Qaeda và Saddam suy từ lý luận chiến lược là đánh phủ đầu một chế độ Hồi giáo chống Mỹ kịch liệt nhất để làm nhụt chí khủng bố Hồi giáo. Nhưng nếu Hoa Kỳ biết tương đối rõ về Iraq thì lại rất mù mờ về al-Qaeda, cho nên chính quyền Bush gây ra ấn tượng là vừa cầm quyền đã lo trả thù Saddam chứ không lo trừ khử al-Qaeda.
Đấy chỉ là ấn tượng thôi, chứ ngay từ khi nhậm chức, ông Bush đã muốn có một đối sách triệt để chống khủng bố (thay vì cứ tiếp tục “đập ruồi” như trước).
Tuy nhiên, khủng bố al-Qaeda là cái gì đó hoàn toàn mới lạ, khác hẳn các loại khủng bố đã có trước đấy. Chính quyền Bush không chỉ muốn “ngăn ngừa khủng bố” mà muốn tiêu diệt khủng bố, nhưng lại không đủ thông tin về al-Qaeda. Chẳng những Hoa Kỳ không ngăn nổi vụ 9-11 mà một ngàn ngày sau vẫn chưa triệt hạ được bộ phận đầu não của al-Qaeda. Sự yếu kém về tình báo của Hoa Kỳ là điều khó chấp nhận được, nhưng đã có từ thời trước. Trách nhiệm của ông Bush là không kịp cải thiện hệ thống tình báo này trong tám tháng cầm quyền cho đến vụ khủng bố, và sau đó, cho đến ngày nay.
Thành thử, ngoài cuộc tranh luận về phương cách diệt trừ khủng bố theo lối “trong vòng lễ giáo” như Bill Clinton hay theo lối ngang tàng như George W. Bush, người ta vẫn thấy ra một mối nguy khác là Hoa Kỳ chưa biết đích xác về đối thủ và vẫn có thể bị tấn công sau khi đã đánh giá thấp mối nguy của al-Qaeda. Trong khi đó, dân Mỹ cũng chưa ý thức được là Hoa Kỳ hiện đang lao vào một cuộc chiến toàn cầu và toàn diện chống lại một kẻ thù rất mới lạ và kỳ lạ, nên đa số vẫn chú ý đến chuyện kinh tế hay việc làm hơn là an ninh. Và truyền thông thì vẫn lo chấm điểm thắng bại giữa hai phe đang tranh luận trong bối cảnh của cuộc bầu cử.
Đấy mới là kết luận đáng sợ nhất từ vụ đấu khẩu trên hàng rào, vào tuần qua.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.