Hôm nay,  

Quê Hương Trong Ngấn Lệ

30/11/200600:00:00(Xem: 4482)

Bình Thuận: Quê Hương Trong Ngấn Lệ

Sinh trưởng và có mặt khắp các nẻo đường Bình Thuận từ mấy chục năm qua, nên tụ nhiên thấy náo nức, khi đối diện với quê hương mình. Đây cũng là vùng biển mặn, khiến cho người xóm biển cứ bâng quơ tìm về đất trời quê củ. Rồi cũng bắt đầu từ đó, qua nổi vui của một kẻ tha hương, bổng cảm thấy thật ấm áp với mùi biển muối mặn mòi, làm như mình có nợ với Phan Thiết, nên cứ nhớ, viết và lâng lâng đi lạc trong mảnh vườn ấu thơ, kỷ niệm của một thời.

Trong mùi hương của cảm nhận, người tha phương lại dừng chân trước khoảnh khắc của thời gian, vào những lúc bình minh, ban trưa, hoàng hôn và đêm tối, rồi theo âm vang của sóng biển, những cánh chim lưng trời hát vang khi bay về núi, mà nhớ. Quê tôi là thế đó, nên yêu tha thiết, từ cái mùi nước mắm mằn mặn thơm thơm, cho tới cái âm thanh bất tận của sóng biển, hình bóng thân quen của những tàu thuyền đánh cá, con đò ngang lắt lẻo trên sông, các phiên chợ tỉnh hay quê đều đầy ắp tiếng người, hàng dừa xanh gió lộng, đồi cát trắng im lìm, tiếng chào hỏi trên đường, vó câu của những xe thổ mộ và nổi ngậm ngùi của bóng đèn chài trong màn sương khói, bảng lảng lúc ra khơi.

Cũng trên cái nền xưa tháp củ này, qua lớp vôi tường của dân tộc, khiến ta phải náo nức trước cái màu xanh bất chợt của đất trời rực nắng thơm hương, đã trải dài qua những con đường quê, mà lặng lẽ xúc động. Tất cả làm nhớ một thời chinh chiến củ, bước chân lính giẫm mòn núi rừng sông biển quê hương, rồi hôm nay phải chạm mặt với Phan Thiết, đang say tỉnh trong vùng giặc chiếm, qua lớp sơn yên ả thanh bình. Tháp nước cứ sừng sững giữa trời ẩm ướt, làm cho kẻ xa nhà mỗi lần nhớ quê lại khóc. Phố biển muôn đời hò hẹn với dòng sông Cà Ty hiền hòa, mơ mộng, lúc ngồi thuyền xuôi nước, có thể ngửi được cái hương vị bánh căn truyền thống của Phan Thành, để khách nghe được tiếng lòng xao động.

Đường về Mũi Né, Hòn Rơm, ngang qua tháp Chàm và lầu ông Hoàng mặc trầm cổ kính, tưởng như đâu đó vang vang vó ngựa trận một thời chinh chiến và giọng ngâm thơ tha thiết của chàng thi sĩ đa tình, làm cho Phan Thiết bổng đi vào Văn học sử với câu chuyện thương sầu hận nhớ của Hàn Mạc Tử và Mộng Cầm, mà tới nay vẫn chưa mờ nhạt. Tới Sông Quao khiến nhớ Kà Tót, trại tù cũng là mồ chôn không biết bao nhiêu trai trẻ của Bình Thuận, khi lọt vào tay Việt Cộng. Xa hơn là đường về bốn quận miền bắc trên quốc lộ 1, Tà Dôn, Khu Lê, Lương Sơn, Sông Lũy.. giờ vườn cây đào, thanh long, mía, đậu phông, bộng vải và ruộng lúa, cùng với những cô gái Chàm ngồi dệt thổ cẩm và làm gốm.. màu hồn nhiên trắng nõn của hoa thanh long và màu mắt đen láy của người thiếu nữ gợi tình, nhưng cũng không khỏi bâng khuâng nhớ thuở dép râu, mủ tai bèo, chôn mìn, đắp mô, chận xe thu tiền, trên đoạn đường, đang thăng hoa khi hết Việt Cộng . Tóm lại quê tôi là miền gió cát và biển sóng, cho nên con người ở đây luôn ôm ấp cái khát vọng là sống bình yên và tự do phóng khoáng nhưng tới nay vẫn cũng vẫn là khát vọng miên trường.

Bình Thuận muôn đời là vậy, chẳng khác gì loài Dông hiền lành tội nghiệp, cứ phải ẩn mình trong cát, dưới những tán rừng ô rô mà nhẫn nhục để sống. Bởi vậy về Bình Thuận, phải đi vào những ngõ ngách lẩn khuất của các xóm khu bình dân, lao động, những xóm chài, động giá, ngõ hẹp quanh co của khu vực nhà lều nước mắm thênh thang giàu sang của Đức Thắng, Lac Đạo, mới biết được thế nào là miếng ăn của người nghèo, đã được đổi bằng mồ hôi trên đòn gánh hay cánh tay khẳng khiu của người. Đức Thắng là chốn bình yên thiên thu, chẳng những có từ khi khi con cháu Nguyễn Thông, Trà Quý Bình tạo nghiệp qua công ty Liên Thành sản xuất nước mắm, mà ngay thời Pháp thuộc, Việt Minh, Việt Nam Cộng Hòa, đều mặc nhiên ký kết, công nhận là an toàn khu không phe nào được phá hoại. Nguyên nhân cũng chỉ là tiền, vì tất cả hàm hộ, phú gia, đầu nậu, những chủ nhân ông của rừng vàng biển bạc, đều đóng thuế cho hai phe, ta và địch.

Ba trăm năm qua rồi, cuộc đời cũng chỉ thế thôi. Sau ngày 30-4-1975, Việt gian dẫn cọng sản quốc tế Hà Nội về Bình Thuận, công khai chỉ một lần, vơ vét hết tài sản của hàm hộ và hoa kiều, nhà giàu, chủ ghe, thương gia, nông dân, các mẹ chiến sĩ Việt Cộng từng nuôi dưởng, giấu diếm, xây mả, lập miếu thờ chúng. Cũng chỉ một lần, phá tan tành khu sản xuất nước mắm Đưc Thắng, bắt bỏ tù hay đầy đi kinh tế mới hầu hết nhà giàu, ngoại trừ những người nhanh chân chạy ra nước ngoài.

Kể chuyện Bình Thuận, để nhớ người nghèo sống nơi, bị đời gán cho ‘ quê hương miền biển mặn, hay chốn rừng tiền biển bạc gì gì đó’, thật ra cũng chỉ dành cho ai, chứ hầu hết dân nghèo lao động chỉ tự mình ngoi lên và tồn tại bằng chính máu và nước mắt của mình. Cho nên không thể trách họ là đã theo phe này phe nọ, chống đối hoặc hoan hô, vì thực tế, người dân chỉ là kẻ tha nhân bên vệ đường thời gian mà thôi. Chính quyền thời nào cũng vậy, chỉ hoàn toàn đứng chung phe với người giàu. Cho nên đừng trách thời Pháp thuộc sao có ít người Bình Thuận thành danh " bởi vì cơm không đủ ăn thì chớ, vậy tiền đâu mà học tại Sài Gòn, Pháp.. để thành tiến sĩ, giáo sư, kỹ sư, bác sỹ. Phải cám ơn Việt Cộng vào, để có phong trào vượt biển và nhờ đó, Bình Thuận mới có đầy trí thức, khoa bảng như hôm nay đi đâu cũng chen chân không lọt, vì ai cũng nói mình là khoa bảng hết. Nhiều người danh vọng quá, đến nổi báo Đảng tai Bình Thuận, cũng ăn ké vinh danh một nhà bác học ở Nam CA, về những phát minh Hóa Học, làm cho ai cũng phải ngở ngàn, vì sự thật đâu có ai tài ba như vậy.

Nhớ về Bình Thuận, điều làm cho ta sung sướng nhất là lúc được sống hồn nhiên trong thế giới của người nghèo, không lọc lừa bưng bợ lại chẳng cần đóng kịch trí thức hay trưởng giả, bởi người nghèo Bình Thuận ăn ngay nói thật, không cần lớp hào nhoáng bên ngoài. Có gì vui hơn buổi sáng được ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp lè tè, để nhâm nhi ly cà phê đen của quán cà phê Phú Ngữ, ọp ẹt nằm đầu đường Ngô Sĩ Liên, sát chùa ông Phan Thiết, để vừa hít mùi thơm của cà phê, vừa đọc ngấu nghiến những tin tức giựt gân đăng trên tờ Sóng Thần hay Điện Tín, trong đó có một số thợ viết nguòi đia phương, tự vạch lá tìm sâu, moi móc những chuyện dưới biển trên trời, để tố xấu nơi chôn nhao cắt rún của chính mình. Buổi trưa hay chiều tối, đâu cần phải vào các tửu lầu cao sang Kim Sơn, Hai Mọi.. mới có cái ăn vì khắp Phan Thiết, đâu cũng có những hàng cơm bình dân, tốn vài ba đồng ăn no mệt nghĩ. Còn gì vui hơn tiếng rao hàng khắp ngỏ, của chị bán bánh tráng mắm ruốc, bà bán xôi, gánh chí màu hũ, chè, chuối chiên.. kể luôn bác thiến heo, anh thợ hớt tóc dạo và mấy ông ba Tàu mua ve chai lông vịt. Nay đã xa rồi, nhưng tiếng phèng la beng beng cùng cái giọng lớ ngớ của mấy chàng sơn đông mãi võ bán dạo thuốc, cũng như những hình ảnh của các nhân vật dân gian dễ thương trên, đã trở thành những kỷ niệm thân thướng diễm tuyệt trong đời.

Qua những nẻo đường Bình Thuận, làm sao quên được những hàng cây cổ thụ khắp thành phố " bởi vì mỗi thứ cây đều có những kỷ niệm riêng của nó, chẳng hạn như cây keo tại ngã tư Lý Thường Kiệt-Nguyễn Thái Học kế vòng tường nhà bà giáo Quyền, được truyền tụng là cây keo ma, vì ở đây thời chin năm kháng Pháp (1946-1954), Việt Minh thường về ám sát và ngược lại Pháp cũng đem Việt Minh cột bắn ở nơi này. Thêm vào đó, kế cận lại có một tiệm bán hòm và quanh vùng là những nhà làm vôi.. khiến cho ban đêm, ít có ai dám lai vãng, ngoại trừ mấy tên lính Tây hay những kẻ ham vui lui tới cái động gái kế đó. Tuy nhiên nhớ nhất vẫn là những hàng phượng ven đường và rừng vông cao ngất trong vườn hoa độc lập trước Tiểu Khu, bên bờ sông Cà Ty, giữa có Lầu nước cao lêu khêu, sáng chiều soi mình trên mặt nước Mường Giang thơ mộng. Lang thang trong đêm thành phố hay bất cứ một vùng quê nào trên miền biển mặn, cũng chỉ là hồn ta với bóng, khi tiếng rao hàng đã im bặt từ lúc nào. Đó là đêm của hôm trươc hay sáng của ngày sau, đối với những người lang thang trong đêm đi tìm cái sống. Chỉ có âm thanh của im lặng, nói với lặng im của mông lung vắng vẻ trong một thành phố đang bôi phấn làm dáng, trong lúc con người muốn gục xuống như lá héo trước những tiếng cười xì xoà

Hỡi ơi, Phan Thiết càng ngày càng trẻ trung rộng mở, còn ta thì già theo tuổi đời của ba trăm năm Bình Thuận, bởi vì quê hương chẳng bao giờ phụ ai hết, mà chỉ có con người bao đời phụ rảy tàn phá mảnh đất thân thương này. Ở đây, không có ai bị đối xử tệ bac, dù cho họ có là người Hoa, Nùng, người Bắc di cư hay Nam tha phương lập nghiệp. Tất cả đều là người Bình Thuận-Phan Thiết, dù là người Chàm đã sống quen, sống lâu ở đây hay là dân Đại Việt mới tới lập nghiệp, rồi quen dần và vô tình nhận nơi này là quê hương của mình.

Trước đây khi chưa có quỷ vương loạn pháp và thiên đàng xã nghĩa, người Bình Thuận đã có một phong cách bản địa đặc trưng , đó là cách ăn nói tự nhiên, dễ dãi, không quen dàn dựng, tính toán. Cho nên dù mang tiếng là người Trung, nhưng cách sống lại gần gũi với người Sài Gòn và lục tỉnh, không khúm núm hay một chút tự ti mặc cảm. Tóm lại đây là đất lành nên ngày xưa lúc cọng sản chưa về thành, nơi nào cũng có cái ăn trước mặt, dưới biển thì tôm cá, còn trên rừng thì thú cầm và chim chóc, cho nên đứng ở đâu thời đó, cũng thấy Phan Thiết rất dễ thương và trân quý.

Cả trăm năm qua, Phan Thiết đã là thủ phủ của tỉnh Bình Thuận, chưa cần vào thành phố, mà chỉ mới đặt chân tới Lò Tỉm Đức Long hay bến bắc Sở Muối, là đã ngửi ngay cái mùi đặc biệt của bản địa, mùi nước mắm thơm nồng lan tỏa khắp không gian, không muốn thưởng thức cũng đành chịu. Từ lâu đời, nước mắm Phan Thết đã nổi tiếng thơm ngon và khoa học. Trong mâm cơm hàng ngày, chén nước mắm dầm ớt cay, là một biểu tượng thân thương , làm đậm đà thêm hương vị cho bữa ăn, vì vậy mọi người bảo nước mắm là món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Đến Phan Thiết hay những người nhà giàu địa phương, một lúc hay một đời chỉ loay hoay quẩn quanh vài ba con phố, thì làm sao cảm nhận được nỗi đau cực cùng tận của kiếp nghèo. Người ta chỉ nói tới một Phan Thiết đang vương lên trong sự êm ả hiền hòa, nhưng ít người chịu khó thức đêm cùng với cái đám dân đen bán đời đổi gạo trong sự tĩnh lặng của đêm trường. Thời gian này, Phan Thiết thuộc về thế giới của những con đường con hẻm ngõ cụt quanh quẩn khu vực nhà lều nước mắm Đức Thắng, từ Cồn Chà chạy suốt đường Ngư Oạng, Trưng Trắc, qua các ngỏ vắng Duy Tân, Đinh Công Tráng, Hàm Nghi, Nguyễn Công Trứ, Đào Duy Từ.. Còn nửa, đó là nhà ga, vỉa hè, sạp bán hàng trong chợ.. nơi con người hoạt động suốt đêm. Phan Thiết không phải thuộc về những biệt thự, nhà phố hay khách sạn năm bảy sao nguy nga lộng lẫy, hay các nhà hàng tửu điếm thừa mứa thịt rượu, mà là thế giới của những dân chài trên thuyền, không bao giờ biết ngũ trễ, không có gối êm nệm ấm hay những cơn ác mộng sau một cuộc rượu quá đêm say mệt vì nhảy nhót loạn cuồng hoặc vùi đầu trong những trận sát phạt đỏ đen do tiền bạc kiếm không bằng mồ hôi nước mắt.

Đêm Phan Thiết trời thường se lạnh vì sương núi khiến cho các cành lá ven đường luôn trĩu nặng nhưng mặc kệ vì tại một vài khúc đường vắng, vẫn có một vài kẽ không nhà nằm co quắp trong giấc ngủ trước hiên người. Trong khi đó vẫn không thiếu những người lủi thủi bước trong đêm với bao, móc sắt để moi bươi các thùng rác.. kiếm cơm cho một ngày sống sắp tới.

‘ một con ngựa gầy vào thành phố

trên lưng chở mùa xuân hoa vàng ‘

Hai câu thơ của một tác giả nào đó, đã nhắc tới chiếc xe ngựa thân quen một đời tại quê xưa mà nhớ nhất là những ngày sắp tết, đã chở đầy hoa quả từ các làng mạc ven ô về Phan Thiết. Buổi đó, hai cây cầu Mỹ và cầu quan trên sông Cà Ty còn lót ván, nên khi xe qua cầu, tiếng vó ngựa lộp cộp gây tiếng động khắp một vùng, khiến cho lũ chim én đang ngủ kỹ trên cành, cũng thức giấc và cất tiếng báo hiệu mùa xuân

Hình ảnh con ngựa gầy kéo chiếc xe cũ kỹ năm xưa, giờ đây được thay thế bằng những chiếc xe rác thô sơ hai bánh, có càng kéo bởi con ngựa người. Xe qua khắp các nẻo đường, gập ghềnh chao đảo bởi hai bánh gỗ khẳng khiu và sức nặng từ những bao rác khiến xe rên rỉ theo dòng mồ hôi của người kéo, theo tiếng nghiến kin kít của bánh xe đời. Họ là công nhân vệ sinh, thành phần làm chủ đất nước trong thiên đàng xã nghĩa, qua bộ quần áo rách rưới vá chằng, mà kiếp sống cũng giống như đôi giầy đang mang há mồm xơ xác. Kiếp nghèo là vậy đó, nên bảo làm sao họ không bị Việt Cộng tuyên truyền dụ dỗ làm giặc, mới may ra được giàu có như cán bộ đảng ngày nay.

Nhưng dễ thương nhất cũng vẫn là mấy xe bánh mì bán trễ, dọn sớm ở một vài góc phố, dành cho những nguời làm đêm. Ở đâu cũng có người, nhất là những con đường đổ về hướng chợ lớn Phan Thiết. Nào xe đạp, xe gắn máy, ba gác, xe lam kể luôn xe ngựa, thứ nào cũng chất đầy hàng hoá trong những giỏ cần xé to lớn cao nghệu. Ai cũng hối hả chạy vùn vụt về chợ để mua hàng hay mở tiệm, dù lúc đó trời vẫn còn khuya khoắt nhưng mọi người lại sợ trời mau sáng.

Trên sông Cà Ty, bóng đêm vẫn phủ mờ mặt nước nhưng cảnh lại rất nhộn nhịp bởi tiếng máy ghe đang tách bến ra biển. Cực nhọc như vậy, mới có cá mắm, để người Phan Thiết có miếng ăn ngon và phương tiện làm giàu mọi thời. Trong lúc đó, phố sang, người giàu cửa ngõ kín mít, họ đâu có cần biết tới cảnh đời lao nhao, bát nháo của cái đám dân đen đang quằn quặt kiếm sống từng ngày.

Phan Thiết đâu chỉ nhà lầu san sát của người Hoa người giàu trên đường Gia Long, Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng hay các chủ hàm hộ nước mắm ghe bầu ghe nốt thợ mành ở Đức Thắng, Bình Hưng, Hưng Long.. Phan Thiết cũng không phải là chùa, nhà thờ hay trường trung học này nọ, mà chính là đời sống của người nghèo trong hàng cùng ngõ hẹp khắp mọi nẻo đường phố thị.

Có đi sâu vào trong đó, mới biết được thế nào là Bình Thuận biển bạc rừng vàng. Có thể nói mỗi con hẻm trong xóm là một Phan Thiết thu nhỏ, có sống trong đó mới biết tại sao thời chin năm kháng chiến, thanh niên nam nữ bỏ theo Việt Minh chống Pháp. Có ở trong xóm đó, mới biết tại sao thời VNCH, người ta không theo Việt Cộng, nên khiến chúng đã thất bại thê thảm sau bốn lần tấn công Phan Thiết trong tết Mậu Thân 1968 và những ngày cuối cùng tháng 4-1975 mất nước.

Có quen cùng cảnh khổ trong xóm mới hiểu tại sao người ta ùn ùn vượt biên vượt biển sau khi VC về lập cảnh thiên đường. Người giàu sang và trí thức Bình Thuận khi được nổi tiếng hay đổ đạc cao, ít kẻ muốn về quê hương vì trong thâm tâm sợ bị mang tiếng là dân nước mắm, trái lại người nghèo trong xóm cùng ngõ hẹp, khi đắc chí đổi đời, lại muốn quay về cố hương, có thể họ thèm nhớ cái hương vị êm đềm nơi xóm nhỏ, sau khi đã hưởng đủ những thứ cao sang vật chất nơi quê người. Cái khác biệt của giới bình dân và trí thức là vậy đó, cho nên nói Bình Thuận ăn ngay nói thật, hiền hòa khả ái, là nói tới cái lớp dân đen sồng nghèo trong ngỏ cụt đời đời.

Con hẻm cũng như con người, tuy cùng là Phan Thiết nhưng lại mang những nét đặc dị riêng biệt và hầu như không một hẻm một xóm nào giống nhau. Dọc theo con đường xe lứa mang tên Cao Thắng, chạy từ chùa Bình Quang ở ngã ba Huyền Trân tới ga xe lửa , có nhiều hẻm xóm, và hẻm nào cũng có đời sống khác biệt, tuy cùng nằm trên một con đường, một khu phố, chung phường khóm nhưng lại khác ngành nghề. Đó là chưa nói tới những ngõ ngách, đường mòn, lối rẽ ở bên trong, đi vào sẽ bị lạc ngay vì cảnh thiên la địa võng mà chỉ dân bản địa mới biết được.

Tóm lại có sống trong hẻm cụt, mới biết thế nào là sự chịu đựng của đời thường, từ đó thấy người Phan Thiết hơn, để kính phục họ trong sự vươn lên, qua những nghịch cảnh của lịch sử. Xưa nay, trong đời nghèo, dân Phan Thiết lúc nào cũng trọng tình làng nghĩa xóm, hình ảnh cao đẹp của láng giềng nhiều lúc còn mặn nồng hơn bà con cật ruột ở xa phương. Nhưng tất cả gần như bị hủy hoại khi VC về thành. Những gì đã xảy ra ở miền bắc từ 1955-1975 đem vào áp dụng tại vùng đất miền nam bị đô hộ. Chính sách đấu tố cha mẹ, họ hàng, láng giềng được giặc thi hành triệt để. Tình thắm ngày xưa đả nhạt nhẽo như nước ốc, biến mọi người thành người dưng kẽ chợ, mạnh ai nấy sống. Nhiều nhà còn táng tận lương tâm, theo giặc thẳng tay hại bạn láng giềng để cướp giựt tài sản, đất đai hay trả thù những chuyện lặt vặt ngày xưa. Nếp sống quê trong ngõ cụt, hẻm buồn mà ngày xưa gắn bó, san sẻ nay cũng do hoàn cảnh tan biến với sự nghi kỵ thù hằn, làm cho ai cũng phập phồng đề cao cảnh giác, mạng ai nấy giữ thật là thảm thê chưa bao giờ có. Những người dân lao động quê tôi giờ đây đã phương trời tan tác, trở về xóm cũ, chỉ mong nhanh chân vào nhà vì những khuông mặt mới đang quan sát mình một cách đáng ngại, dù họ cũng là hàng xóm láng giềng.

 Ngày xưa kỷ niệm vẫn còn đó, buổi sớm trong cái tĩnh lặng của con hẻm , thỉnh thoảng như có ai gọi nho nhỏ nhẹ nhàng cùng với tiếng gà báo thức mọi người, một ngày mới mẻ, của những con người chỉ sống bằng hai bàn tay chai lỳ kéo neo nắm cuốc. Người Phan Thiết chân thành mộc mạc từ thuở ban đầu, khi mà các đợt lưu dân Đại Việt ban sơ, đầu trần chân đất, từ miệt ngoài vào đây, tập họp lại thành xóm nhỏ ấp thưa, trong cái thành phố Phan Thiết, mà giàu nghèo đã phân ranh qua những hàm học vị kỹ sư bác sỷ, con nhà giàu tốt nghiệp tại Pháp rồi ở lỳ bên Tây và số dân đen trong xóm nghèo không đọc viết nổi tiếng Việt.

 Phan Thiết quê tôi nổi tiếng với đời, không phải từ những căn lầu, dãy lều nước mắm hay cái đám khoa bảng ba trợn, học thật nhiều để làm ăn buôn bán với Việt Cộng, đâm sau lưng chiến sĩ VNCH. Người ta về Phan Thiết thăm lại những đia danh xưa như Xóm Chỉ, Xóm Bánh Tráng, Xóm Oãc, Xóm Ghẹ, Xóm Câu, Xóm Biển, Xóm Đầm, Xóm Tỉnh, Cồn Chà, Cồn Cỏ, Chùa Cát, Xóm Giá, động Làng Thiền.. bởi vì nhớ tới những thôn xóm xưa, để nhớ tới công trình dựng nước của tiền nhân từ ba trăm năm trước.   

Mọi người về Bình Thuận-Phan Thiết, không phải để nghe kể những chuyện cũ rich tàng tàng.. hay tới chiêm ngưỡng cái gọi là trường Dục Thanh ba trợn, mà là đi tìm vóc dáng thân thương của những anh hùng liệt nữ, xả thân giúp đời, hy sinh cho nước như Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh, Bùi Hàng, Ung Chiếm, Cao Hành, Vũ Anh Khanh, Lâm Tô Bông.. hay các thế hệ mới đây Huyền Vũ, Trần Thiện Thanh, Dũng Chinh, Thanh Trí Cao, Thích Đức Niệm, Thích Minh Tâm và âm vang của những anh hùng trẻ tuổi xuất thân từ các trường trung tiểu học trong tỉnh, lừng danh một thời chinh chiến như Nguyễn văn Mạnh, Nguyễn Lương Khương, Nguyễn văn Ba, Huỳnh Ngọc Ghênh, Lê văn Trò, Mai Xuân Cúc, Huỳnh văn Quý, Lê Bá Dũng.. học trò của các thầy Nguyễn văn Công, Võ Trác, Lê Tá, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Khắc Anh Vũ.

 Cho nên nói tới Phan Thiết, là thế đó của những năm xưa, đôi khi có mưa bụi lất phất, phải chạy vào tá túc hiên người, để được chiêm ngưỡng cánh mai vàng đang rộ nở trong lung linh đèn nến. Phan Thiết là tiếng của đoàn tàu xe lửa đang rời ga, làm cuộc hành trình trong sương sớm. Là những hàng cà phê buổi sáng cùng với mùi bánh mì nóng mới ra lò, làm cho bụng cồn cào thêm đói. Là những quán xếp bên vệ đường ban đồ nhậu. Sau rốt Phan Thiết buồn rầu theo những cỏ uá trên mộ phần thân nhân bạn bè một thời chinh chiến.

 Phan Thiết giờ thay đổi hết, từ nhà cửa, người kể cả tên đường. Tất cả đều lạ hoắc và xa vắng, kể luôn những nơi chốn một thời đã đi qua. Đất Bình Thuận cổ kính, người Phan Thiết đa sầu nên khi trời nổi gió bấc lại da diết nhớ rồi tưởng tiếc mông lung. Rốt cục nhớ cũng chỉ là nổi nhớ muôn trùng.

Rời quê, xa lìa chốn chôn nhao cắt rún, lầm lũi trên bước tha phương lại càng nhớ nhung vớ vẫn, nhớ lúc bắt đầu buổi học đầu tiên tại trường Nam tiểu học, từ nhà ở đường Tự Đức, đi ngang các con đường Lý Thường Kiệt, Ngô Sĩ Liên, Triệu Quang Phục, Chu văn An vào trường, tay lúc nào cũng nắm chặt vạt áo mẹ không rời. Rồi những ngày bỏ học, trốn nhà theo lũ bạn bè tinh nghịch đi tắm biển, lội sông, đuổi còng, bắt dông, đá dế. Tới khi lớn lên bước vào cõi yêu đương, thì chờ đợi vu vơ nơi hàng vông gốc phượng, trên những nẻo đường im vắng. Rồi gặp cũng chỉ để nhìn hay thầm thì với nhau vài câu chuyện bâng quơ trăng sao mưa nắng. Rốt cục cũng xa nhau và ôm nhớ nhung vương vấn trọn đời.

 Một trăm năm Phan Thiết cũng đã qua, bóng thời gian giờ chỉ còn phảng phất trong đám mây bềnh bồng trước mặt, một nơi chốn mà ba trăm năm trước từ lúc còn mang tên Thuận Trấn cho tới Bình Thuận về sau, luôn là bãi chiến trường thê thiết. Nơi đã có không biết bao anh hùng thời đại tới rồi đi, dấy lên xô nghiêng sông núi, để chỉ được một tiếng đời minh quân hay bạo chúa, thế thôi. Ngày nay tất cả đã bị đào xới, nên dù sử sách có bao che, bẻ cong hay chưa nói hết, thì miệng đời bia đá cũng không ngớt châm biếm xỏ xiên , như câu chuyện Tây Tà, Việt Minh, Việt Cộng hay thói đời ăn ở bạc của đám thượng lưu suốt ba trăm năm Bình Thuận.

 Qua những nẻo đường quê hương, cái gì cũng thấy mới chỉ riêng đời sống của người dân miền biển mặn vẫn chân lấm tay bùn, dầm mưa chịu sóng trên biển cả. Tóm lại cũng vẫn như năm nào.

 Ba trăm năm đã đi qua, thời gian chỉ còn phảng phất trên những nẻo đường Bình Thuận, trong đám mây bồng bềnh bất chợt đâu đó nơi đỉnh của lầu nước hay nơi tường vách rêu phong của các ngôi tháp Chàm cổ kính muôn thu. Là Phan Thiết trên mặt sông Cà Ty xao xuyến mỗi lúc trời trở gió, làm các cánh phượng ven bờ rụng rơi tơi tả. Là Tánh Linh, nơi có con sông La Ngà buồn hiu quanh năm ngậm ngùi đá sõi, chảy giữa rừng núi muôn trùng, cho tới gần hụt hơi mới về được Biển Lạc. Có ai không bồi hồi khi đứng trên đỉnh nuí Bà cao ngất của một nhánh Trường Sơn, vọng về Ma Lâm, Phan Rí, Phan Thiế, qua những ánh đèn mờ tỏ khi trời đẹp mây trong. Đất làng Long Hương cổ kính, vào lúc dừng quân, khi cơn gió bấc đổ về, mang hơi hướng của Mai Vàng trên đỉnh Đá Chẹt, khiến cho con ngựa Hồ cũng phải hý lên nổi nhớ quê xa. Vào Lê Hồng Phong cát đụn, nhìn những cánh bèo, hoa sen trong đầm, thỉnh thoảng có một vài con cá lạc, làm xao động mặt nước, khiến con mắt không biết phải tìm Phan Thiết ở nơi nào, khi muôn phương chỉ toàn là cát gió. Xa xa ngoài chân mây, lờ mờ ở nơi muôn trùng là hải đảo Phú Quy, cái nôi của nền văn minh Bình Thuận, khi lớp người tiền phong, từ miệt ngoài tơí lập nghiệp ở nơi này.

 Nhưng thôi hãy để sầu buồn thời gian trôi vào dỹ vãng, hãy đối diện với đất trời Bình Thuận bằng nổi náo nức của màu xanh, cho dù đó chỉ là cảm nhận của những ngày hè rực nắng, để trong nổi nhớ đừng lạc điệu, mơ hồ.

 Bỏ tất cả, để đi tìm vẽ đẹp của quê hương đang vang lên trong tình cảm, tình người, khiến như nghe ran trong hồn, tiếng thì thầm của máu mặn, rồi cùng òa khóc cho Bình Thuận yêu dấu, đang xa cách muôn trùng.

Xóm Cồn, Hạ Uy Di

Vào Đông 2006

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.