Hôm nay,  

Tự Do Phát Biểu, Báo Chí, In Ấn

28/11/200600:00:00(Xem: 3552)

Trung Tâm Văn Bút Đòi CSVN: Tự Do Phát Biểu, Báo Chí, In Ấn

Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam từ Thụy Sĩ hô hào Đoàn Kết với Nhà Văn và Nhà Báo Dân Chủ Đối Kháng Bênh Vực Nhân Quyền bị trấn áp tại Việt Nam như sau.

Cuối tháng 5 năm 2006, Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế họp tại Bá Linh, Cộng Hòa Liên Bang Đức, đã thông qua một Quyết Nghị lên án những sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do phát biểu và ngôn luận tại Việt Nam.

Tại nước này, nhiều nhà văn và nhà báo đã bị bắt giữ và câu lưu độc đoán, hoặc bị kết án tù nặng nề trong những vụ xét xử không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Quyền tự do phát biểu bằng lời nói, chữ viết, nghiên cứu, tiếp nhận và phổ biến tin tức trên Internet và quyền tự do lập hội của họ bị chà đạp. Văn Bút Quốc Tế đòi nhà cầm quyền Việt Nam:

1) Phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả những người, vì đã hành sử quyền tự do phát biểu của họ, còn bị giam nhốt hoặc còn bị quản chế hay câu lưu hành chánh và quản thúc tại gia;

2) Chấm dứt tất cả những hành vi sách nhiễu, hăm he và làm nhục, những vụ bắt giữ độc đoán và truy tố ra tòa, những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chánh đối với những nhà văn và nhà báo độc lập;

3) Cải thiện chế độ lao tù và cho phép những tù nhân đau yếu được vào bệnh viện, được săn sóc, điều trị thích hợp và được gia đình thân nhân thăm nom;

4) Bãi bỏ kiểm duyệt và đình chỉ mọi hạn chế đối với quyền tự do phát biểu, tự do báo chí,  tự do sáng tạo và xuất bản.

Những hình thức trấn áp các nhà văn và nhà báo dân chủ đối kháng bênh vực Nhân Quyền tại Việt Nam:

Sách nhiễu, tra vấn, quần chúng xét xử (đấu tố), làm xấu hổ, hăm dọa, tố cáo, phỉ báng, lăng nhục, cắt điện thoại, cấm tiếp cận Internet, tịch thu tài sản, vật liệu và dụng cụ nghiên cứu, biên soạn và ấn hành (máy điện toán, máy đánh chữ, bản thảo, điện thư, sách báo, tài liệu, hồ sơ khiếu kiện của hàng ngàn phụ nữ nông dân bị tước đoạt ruộng đất, mô hình các báo không kiểm duyệt (bị cấm), hành hung, đánh đập tập thể, tai nạn do công an mặc thường phục và những kẻ vô danh gây ra, áp lực đối với thân nhân và các công ty - chủ nhân (cho thất nghiệp), phạt tiền nặng, báo chí mở chiến dịch buộc tội, quản thúc tại gia, cưỡng chế giam nhốt trong bệnh viện tâm thần, bắt giữ độc đoán, câu lưu tra cứu, tòa xử kín, bị cáo không được luật sư biện hộ, án tù bất công và vô nhân đạo, tra tấn, biệt giam hầm tối, điều kiện giam cầm tồi tệ.

Những trường hợp điển hình:

Ông Nguyễn Vũ Bình, 39 tuổi, nhà báo và nhà viết tiểu luận, hội viên danh dự Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, từng cộng tác với một tạp chí chính thức của đảng cộng sản. Ngày 25 tháng 9 năm 2002, ông bị bắt vì phổ biến trên Internet nhiều bài viết yêu sách cải cách chính trị, kinh tế và xã hội cùng với một bản điều trần về những sự vi phạm nhân quyền. Ngày 31 tháng 12 năm 2003, ông bị lưu đày tại một trại tập trung lao công cưỡng bách với bản án 7 năm tù và 3 năm quản chế về cái gọi là tội ‘’làm gián điệp’’. Ông bị biệt giam ngục tối suốt 15 tháng câu lưu tra cứu. Sức khỏe ông rất suy kém sau mấy tuần lễ tuyệt thực hồi tháng 5 năm 2004 để đòi cho hiền thê ông được thăm nom ông.

Đến nay, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet bị nhốt chung với nhiều tù nhân hình sự trong một nhà giam chật chội. Ông Nguyễn Vũ Bình mắc bệnh đường ruột kinh niên và cao áp huyết. Ông không được điều trị thích hợp và khẩn cấp trong lúc những điều kiện giam cầm còn tồi tệ. Ngày 10 tháng 10 năm 2006, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù đã yêu cầu nhà cầm quyền Hà nội cho ông Nguyễn Vũ Bình được y sĩ chuyên khoa chẩn bệnh và được chữa trị trong một bệnh viện. Đồng thời Văn Bút Quốc Tế đòi phóng thích ông tức khắc và vô điều kiện. Ông Nguyễn Vũ Bình là khôi nguyên Giải Tự Do Phát Biểu Lillian Hellman/Dashiell Hammett 2002 do tổ chức Nhân Quyền Human Rights Watch trao tặng.

Võ Lâm Tể (bút hiệu Vũ Đình Thụy) 58 tuổi, nhà thơ, bị lưu đày không xét xử để gọi là ‘’ cải tạo’’ trong những trại tập trung lao công cưỡng bách (1975-1979). Năm 1979, tranh đấu cho nhân quyền, ông bị kết án 20 năm tù. Ông tìm cách gởi tập thơ của ông ra bên ngoài nhưng bất thành. Bọn cai ngục phát hiện ra bản thảo của ông. Án tù của ông bị xét lại. Và nhà thơ bị phạt tù chung thân sau một phiên tòa xử ngay trong trại giam. Ông bị buộc tội “làm thơ trong tình trạng giam cầm”. Ông bị đánh đập và bị hư một mắt. Sức khỏe ông rất suy yếu.

Lê Đình Nhân (Hòa thượng Thích Huyền Quang) 87 tuổi, trí thức và biên khảo gia Phật giáo, tác giả nhiều bộ sách quan trọng về Phật học và Triết học đông phương, Tăng Thống  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt (không được Nhà nước cộng sản công nhận), ứng viên Giải Nobel Hòa Bình năm 1979 do sự đề cử của hai khôi nguyên Giải này là Mairead Corrigan và Betty Williams (1976), cựu tù nhân lương tâm, hội viên danh dự của các Trung tâm Văn Bút Anh, Pháp, Đan Mạch và Sydney. Hòa thượng đã bị giam cầm và quản thúc tại gia nhiều lần vì công bố những tài liệu chỉ trích đường lối chính phủ trên lãnh vực tự do phát biểu và tín ngưỡng. Năm 1955, ngài bị lưu đày tới một vùng hẽo lánh ở Quảng Ngãi. Đến năm 2003, chuyển về tỉnh Bình Định, ngài vẫn bị công an canh chừng nghiêm mật. Sức khỏe ngài rất yếu.    

Đặng Phúc Tuệ (Hòa thượng Thích Quảng Độ) 78 tuổi, nhà văn và nhà thơ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, cựu tù nhân lương tâm, bị quản chế hành chánh tại Thanh Minh thiền viện (nguyên Sài Gòn) sau khi được phóng thích hồi tháng 8 năm 2001. Kể từ năm ấy, Hòa thượng bị tra vấn nhiều lần, bị tạm giữ và hạch hỏi hồi tháng 2 năm 2006 vì tìm cách đi thăm Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang. Hòa thượng được trao tặng Giải Rafto năm 2006. Ngày 6 tháng 11 vừa qua, Hòa thượng không thể đi đến thành phố  Bergen, nước Na Uy để lãnh Giải này. 

Trần Khải Thanh Thủy (dưới nhiều bút hiệu khác nhau, Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Thị Hiền…) 46 tuổi, nhà văn và nhà báo. Bị bắt giữ tại Hà nội ngày 2 tháng 9 năm 2006 trong một quán café Internet vì "sử dụng Internet trái với qui định của nhà nước". Gia đình bà không được thông báo chi hết. Được thả ra sáng hôm sau, bà liền bị thẩm vấn kéo dài trong suốt ba tuần lễ. Công an hạch hỏi bà vì bà đã viết về những nạn nhân của bất công xã hội. Đặc biệt là về rất nhiều trường hợp cán bộ viên chức tham nhũng và lạm quyền, cướp đất chiếm nhà của hàng ngàn nữ nông dân không có khả năng tự vệ và đối kháng. Bà bị công an áp tải ra một sân vận động để tổ chức cho quần chúng xét xử. Một đám đông la ó, sỉ nhục và đấu tố bà. Chiều hôm sau, một đám đông hiềm thù khác đã đến bao vây nhà bà, hăm dọa và hành hung bà. Từ ngày ấy, vì bà từ chối không chịu tuân lệnh trình diện tại trụ sở công an, bà bị quản thúc tại gia. Trước đó, nhà bà đã bị lục soát. Sách vở, bản thảo và tài liệu, cũng như máy điện toán của bà đều đã bị tịch thu. Chiều ngày 27 tháng 10, trước sự hiện diện của công an, một đám đông đã tràn vào nhà bà. Hai vợ chồng bà bị hành hung đánh đập tàn bạo.

Bùi Kim Thành, nữ luật sư và nhà dân chủ đối kháng, bênh vực nhân quyền. Bà bị công an mật vụ đánh đập nhừ tử ngay tận trong phòng tắm nhà bà đến nỗi bà bị sưng mặt và gãy răng. Bà bị trừng phạt như vậy vì đã bênh vực và bày tỏ tình đoàn kết liên đới với nhiều nữ nông dân nghèo khổ thuộc vùng đồng bằng Cửu Long muốn nộp đơn khiếu kiện chống lại những vụ lạm dụng quyền thế chiếm đoạt đất đai của họ. Ngày 2 tháng 11, công an chở bà đến bệnh viện tâm thần Chợ Quán (nguyên Sài Gòn). Tại đây, sau khi chẩn khám, hai bác sĩ trực nhiệm xác quyết rằng bà Bùi Kim Thành có sức khỏe tâm thần tốt. Theo tin tức giờ chót, công an đã dùng bạo lực nhốt bà Bùi Kim Thành vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa, ở phía bắc nguyên Sài Gòn.

Lê Thị Công Nhân, 27 tuổi, luật sư, hội viên Luật sư đoàn Hà Nội và Hội Liên Hiệp Quốc Tế các Luật sư (Union Internationale des Avocats UIA), nhà dân chủ đối kháng bênh vực Nhân Quyền, hàng ngày bị sách nhiễu, tra vấn trong những đồn công an. Từ hôm 14 tháng 11, ngày lẫn đêm, nhà bà bị chừng hai mươi công an mặc thường phục bao vây và canh chừng. Đêm 26 tháng 10, theo lệnh bằng mồm của tổng cục an ninh thuộc bộ công an, khoảng mười lăm phút trước giờ chuyến bay khởi hành, bà bị cấm lên phi cơ đi đến thủ đô Ba Lan thông qua Paris. Thật ra, bà bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngăn chận đi tham dự Hội Nghị Quốc Tế về Quyền Lao Động tại Việt Nam (công đoàn độc lập không hề có dưới chế độ độc tài Hà Nội). Được sự bảo trợ của nhiều dân biểu và nghị sĩ  Ba Lan cùng công đoàn Solidarnosc, Hội Nghị đã diễn ra từ ngày 28 đến 30 tháng 10 năm 2006 tại Thượng Viện Ba Lan. Sáng hôm sau, trên đường đi đến hãng máy bay, bà bị thương trong một tai nạn do công an gây ra.

Dương Thị Xuân, dạy học và làm báo, nhà dân chủ đối kháng. Bị quản thúc tại gia thật nghiêm ngặt, bị thẩm vấn không ngừng nghỉ tại đồn công an. Bị hăm he bắt nhốt từ hôm 12 tháng 8. Sự thể này xảy ra chỉ có ba ngày trước khi Tự Do Dân Chủ, một tờ báo độc lập dự trù phát hành vào ngày 15 tháng 8 năm 2006. Vì là báo bị cấm nên sau đó chỉ phổ biến trên Internet. Bà Dương Thị Xuân là thư ký tòa soạn của tờ Tự Do Dân Chủ. Ngày 29 tháng 10, bà bị thương nặng trong một tai nạn trên đường phố gây ra bởi một kẻ lạ mặt, có thể là một công an mặc thường phục.  

Hoàng Tiến, 74 tuổi, nhà văn, cựu tù nhân ngôn luận, nguyên giáo sư phụ giảng tại trường Điện Ảnh Hà Nội. Những tác phẩm của ông chủ yếu đề cập đến các vấn đề xã hội. Bị quản thúc tại gia thật nghiêm ngặt, bị thẩm vấn không ngừng nghỉ tại đồn công an. Bị hăm he bắt nhốt lại từ hôm 12 tháng 8. Sự thể này xảy ra chỉ có ba ngày trước khi Tự Do Dân Chủ, một tờ báo độc lập dự trù phát hành vào ngày 15 tháng 8 năm 2006. Vì là báo bị cấm nên sau đó chỉ phổ biến trên Internet. Ông Hoàng Tiến là tổng biên tập của tờ Tự Do Dân Chủ.

Nguyễn Khắc Toàn (bút hiệu Trần Minh Tâm và Đặng Kim Giang), 51 tuổi, nhà báo và nhà viết tiểu luận, cựu tù nhân ngôn luận, hội viên danh dự Trung tâm Văn Bút Hung Gia Lợi, được phóng thích vào tháng giêng năm 2006. Bị bắt ngày 8 tháng giêng năm 2002 vì những bài ông tường thuật làm chứng cho những cuộc biểu tình ôn hòa của bần cố nông để bày tỏ niềm phẩn nộ’’, cũng như nhiều bài ông viết tố cáo tham nhũng và bất công. Tháng 12 năm 2002, ông bị kết án 12 năm tù và 3 năm quản chế về cái gọi là tội ‘’làm gián điệp’’.

Bị quản thúc tại gia thật nghiêm ngặt, bị thẩm vấn không ngừng nghỉ tại đồn công an từ hôm 12 tháng 8. Sự thể này xảy ra chỉ có ba ngày trước khi Tự Do Dân Chủ, một tờ báo độc lập dự trù phát hành vào ngày 15 tháng 8 năm 2006. Vì là báo bị cấm nên sau đó chỉ phổ biến trên Internet. Ông Nguyễn Khắc Toàn là phó tổng biên tập của tờ Tự Do Dân Chủ. Công an cũng thi hành những biện pháp trấn áp tương tự đối với những cộng tác viên khác của tờ Tự Do Dân Chủ, như luật sư Nguyễn Văn Đài, biên tập viên và kỹ sư Bạch Ngọc Dương, đảm trách thiết kế mô hình báo.  

Phạm Hồng Sơn, 38 tuổi, bác sĩ, nhà viết tiểu luận và phiên dịch, cựu tù nhân ngôn luận, hội viên danh dự của các Trung tâm Văn Bút Pháp, Gia Nã Đại và Sydney, được phóng thích cuối tháng 8 năm 2006, đang bị quản chế 3 năm. Điện thoại của ông bị phong tỏa. Ông bị hàng chục công an hành hung sau khi đến viếng ông Hoàng Minh Chính, một cựu tù nhân ngôn luận 86 tuổi. Công an vừa đánh đập ông vừa lớn tiếng vu cáo ông buôn tiền giả. Chuyện xảy ra tương tự như trường hợp ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hội viên Hội Nhà Văn Hải Phòng, bị công an chận bắt sau khi đến thăm ông Phạm Hồng Sơn. Công an cũng lớn tiếng vu cáo ông buôn tiền giả. Nhưng tại đồn công an, họ chỉ tra hỏi ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc đàm đạo giữa ông và ông Phạm Hồng Sơn. Còn ông Phạm Hồng Sơn thì công an cũng chỉ hỏi ông về cuộc nói chuyện giữa ông và ông Hoàng Minh Chính. Nguồn tin sau cùng cho biết ông Phạm Hồng Sơn, vợ ông và hai cháu nhỏ đã bị tai nạn lưu thông ngày 3 và 9 tháng 11 gây ra bởi những kẻ đeo mặt nạ lái xe gắn máy và xe hơi. Ông Phạm Hồng Sơn bị thương nơi tay.

Đỗ Nam Hải (bút hiệu Phương Nam), 47 tuổi, nhà viết tiểu luận, bị cầm giữ ngày 15 tháng 10 năm 2006. Công an cáo buộc ông về cái gọi là ‘’tội làm gián điệp’’ vì ông đã soạn thảo bản Tuyên Ngôn cho Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền Việt Nam. Bản văn đó đã được phổ biến trên Internet ngày 16 tháng 10 năm 2006. Ông bị tra vấn, sách nhiễu thường xuyên.

Nguyễn Hồng Quang, 48 tuổi, mục sư Tin Lành Mennonite, nhà viết tiểu luận và nhà luật hoc bênh vực Nhân Quyền, cựu tù nhân lương tâm, được phóng thích ngày 30 tháng 8 năm 2005. Ông bị sách nhiễu và hăm dọa thường xuyên.

Lê Nguyên Sang (bút hiệu Nguyễn Hoàng Long) và Huỳnh Nguyên Đạo (bút hiệu Huỳnh Việt Lang), hai nhà dân chủ đối kháng và hoạt động cho Dân Chủ và Nhân Quyền, cùng bị bắt khoảng 14 tháng 8 năm 2006 vì những bài viết của họ đã phổ biến trên Internet.

Tin giờ chót : Kể từ ngày 12 tháng 11, nhiều công an đóng chốt canh gác trước cửa nhà của nhiều nhà dân chủ đối kháng, bênh vực Nhân Quyền để ngăn chận những người này tiếp khách. Nhiều biển dựng cạnh trạm gác viết bằng Anh ngữ ‘’Khu vực hạn chế’’, ‘’Cấm lai vãng, xâm nhập’’, ‘’Cấm người ngoại quốc’’, ‘’Không được chụp ảnh quay phim’’. Trong số những người bị biệt lập cưỡng bách có các ông Hoàng Minh Chính, Lê Chí Quang, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Hồng Sơn, Bạch Ngọc Dương, Hoàng Tiến, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, bà Lê Thị Công Nhân, bà Trần Khải Thanh Thủy, v.v.

Genève ngày 15 tháng 11 năm 2006

Nguồn tin: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ và Trung tâm Nhà Văn Việt Nam lưu vong.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 12 sắp đến năm nay 2019, là tháng cuối cùng trước khi Hiệp Ước Thành Đô được áp dụng. Năm tới, 2020, Việt Nam sẽ chánh thức do Nhà cầm quyền Tàu Cộng kiểm soát …... Con đường đấu tranh để Việt Nam thoát khỏi quỷ đạo Cộng Sản Tàu e rằng bế tắc!
Lời Tòa Soạn: Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California.
Trong khi nhiều người Trung Quốc nhờ công dân Việt Nam đứng tên lập công ty, bơm tiền mua nhà đất ào ạt tại các thành phố du lịch ven biển, xem như đầu tư bất động sản và xây khu nghỉ dưỡng… một số công ty khác lặng lẽ thâu tóm, mua lại nhiều công ty Việt Nam để nắm chặt cổ họng nền kinh tế Việt…
Tội phạm Trung Quốc đóng giả cảnh sát, công tố viên để lừa đảo trực tuyến chuyển hướng sang Đông Nam Á khi bị trấn áp tại quê nhà.
COPENHAGEN - Đan Mạch nhận trọng trách dẫn đầu kế hoạch huấn luyện không tác chiến tại Iraq từ cuối năm 2020.
Theo báo cáo mới nhất của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), các hãng sản xuất xe hơi Mỹ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc trong năm 2018.
Tăng sĩ Phật Giáo Thiền Tông Gregory Filson đang đạp xe xuyên qua nước Mỹ trong một nỗ lực nối kết với đất mẹ và nâng cao ý thức về bệnh Alzheimer’s.
Cảnh Sát Tiểu Bang Massachussetts trở thành đơn vị đầu tiên thử nghiệm Spot, một loại robot chó, được chế tạo bởi Boston Dynamics, để tham gia các đơn vị tháo dỡ bom.
Giá nhà tại 20 thành phố Hoa Kỳ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9, cho thấy tín hiệu rằng giá trị nhà đang ổn định ở mức cao, và nhu cầu nhà ở vẫn cao. Đây là đợt tăng giá đầu tiên kể từ năm 2018.
Ronna McDaniel – Chủ Tịch Uy Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hòa (RNC)- đã tuyên bố hôm 26/11 rằng: hành động đầu tiên của tỉ phú Michael Bloomberg khi chính thức tuyên bố tranh cử ửng viên tổng thống đảng Dân Chủ không khác nào cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.