Hôm nay,  

Bài Chia Sẻ Về Mẹ Magarita Bosco

15/11/200600:00:00(Xem: 4708)

Bài Chia Sẻ Về Mẹ Magarita Bosco

Anh chị em thân mến,

Giới thiệu bối cảnh

Hôm nay chúng ta được Thiên Chúa quy tụ lại để cùng cảm nhận và kinh nghiệm chúng ta thuộc về một Gia Đình rộng lớn: Gia Đình Salêdiêng của cha Thánh Gioan Bosco trong Giáo hội. Dẫu có những góc độ và hoàn cảnh khác nhau, chúng ta vẫn cùng thông dự vào cùng một tinh thần và sứ mệnh mà cha chúng ta đã trọn đời cống hiến và xây dựng. Trong gia đình này, ngài muốn đặt định Tu hội Salêdiêng như hạt nhân sinh động. Chính vì thế, vai trò và tiếng nói của cha Bề Trên Cả của Tu hội Salêdiêng luôn có uy lực để hướng dẫn chúng ta.

Năm nay, ngài muốn toàn thể gia đình Salêdiêng dồn tâm lực để canh tân lại đường lối mục vụ đối với mầu nhiệm gia đình theo như kế hoạch của Thiên Chúa, vì phần ích giới trẻ. Điều này xuất phát từ như tầm quan trọng hàng đầu của gia đình trong sứ mệnh giáo dục giới trẻ đựơc khẳng định cách thẩm quyền do Giáo hội của Vatican II lẫn truyền thống Salêdiêng.

Trong bối cảnh này, trước tiên, con xin giới thiệu trong tầm tay của anh chị em hai tập tài liệu do Ủy ban đào luyện tỉnh dòng Salêdiêng Việt Nam phổ biến: Hoa thiêng 2006 của cha bề trên cả và bài tiểu sử vắn gọn nhưng súc tích về mẹ Magarita của cha Aubry. Cả hai tài liệu này đang chờ đợi anh chị em có dám kiêng bớt một ly cà phê, một gói thuốc lá, để trở thành bổ ích cho chính gia đình và con cái của chúng ta vốn đang bị nhiều sách báo, phim ảnh xấu và vô giá trị tấn công. Thứ đến, con xin trình bày như một gợi ý về mẹ  Magarita. Vì thời giờ có hạn, con chỉ xin trình bày cách vắn gọn cho hợp với buổi lễ. Còn bài viết đầy đủ, anh chị em có thể tìm gặp trong tờ huynh đệ sau này.

Gương mẫu mẹ Magarita trong giáo dục gia đình

Truyền thống giáo dục Salêdiêng luôn trình bày chân lý bằng những gương sáng. Don Bosco đã in khắc điều này qua kinh nghiệm giáo dục của ngài vào đặc sủng của ngài. Ngài từng viết cuốn tiểu sử Savio, Magone và Besucco để nêu gương cho thanh thiếu niên bất kể trạng huống nào. Các chuyên viên về tinh thần Salêdiêng như cha Aubry, Stella cũng như cha Bề Trên Cả đều khẳng định điều này. Và năm nay, trong phương hướng mục vụ gia đình, chúng ta có gương sáng của mẹ Magarita, người đang trong tiến trình phong thánh.

Sứ điệp Magarita trước khủng hoảng gia đình hôm nay

Magarita nói cho chúng ta điều gì. Thiết nghĩ ngài sẽ nói cho chúng ta rằng hãy quan tâm đến giáo dục gia đình hơn nữa, vì gia đình chúng ta ngày nay đang đối diện với biết bao thay đổi mà có thể đem đến biến chất và biến ý nghĩa. Thật vậy, các gia đình đang gặp những thách đố nghiêm trọng vốn có thể làm bị vong thân. Nhiều người trẻ lập gia đình mà không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó, và như thế, không thể hiện thực được được giá trị ấy với sự kiên nhẫn và nỗ lực. Chủ trương tục hóa, tiêu thụ, cá nhân chủ nghĩa với khẩu hiệu là tự do và riêng tư thật hấp dẫn song thiếu nội dung tròn đầy và chân chính nên sản xuất được nhiều gia đình đổ vỡ, ly dị và nhiều bậc cha mẹ ích kỷ và thiếu trách nhiệm.

Họ có thể cho con cái mọi thứ trừ chính mình. Đấy là chúng ta chưa kể đến những hình thức phá thai cũng như lối sống thử nghiệm trước hôn nhân. Cộng thêm vào đó là những sức ép kinh tế, tài chính, việc làm lẫn tâm lý, tình cảm cũng như nhu cầu giải trí của những người trẻ di dân. Rõ ràng có một cái gì như cơn lốc đang muốn cuốn đi tận gốc rễ của gia đình. (x. FABC VIII, số 7). Chinh vì thế, chúng ta xác tín rằng không thể nào chu toàn được sứ mệnh giáo dục theo Don Bosco mà không quan tâm đến gia đình.

Gia đình bí tích của GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA

Thế nhưng, Magarita hơn bao giờ hết lại nói với chúng ta rằng gia đình quả thực là đẹp,rất đẹp và thánh thiêng, nếu nhìn trong ánh sáng của Thiên Chúa. Phát xuất từ Thiên Chúa như một Gia Đình đệ nhất của Cha, Con và Thánh Thần, gia đình có một chỗ đứng quan trọng cao cả trong việc hình thành con người theo hình ảnh Thiên Chúa dưới cả hai nhãn quan tạo dựng và cứu chuộc. Gia đình như dung môi tiền dự cũng như khí cụ xây dựng vương quốc Thiên Chúa mà đích nhắm của nó là sự hiệp thông. Hơn nữa, trong mầu nhiệm nhập thể Đức Giêsu tại Na-gia-ret, chúng ta có lý để cùng xác tín với cha bề trên cả: để sinh ra là người, chúng ta cần một người mẹ, để trở thành nhân chúng ta cần một gia đình. Cha mẹ là nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của một em nhỏ. Cha mẹ như cộng tác viên đầu tiên và cốt yếu trong việc hiện thực kế hoạch của Thiên Chúa trên một em nhỏ. Gia đình thực sự có thể làm cho cha mẹ và con cái cùng nên thánh cũng như tác động trên thế giới và quốc gia như linh hồn trong thể xác vậy (x. LG 38).

Gia đình thánh thiện là chuyện có thể được, nhưng Magarita không chỉ ca ngợi gia đình. Bà còn nói cho chúng ta bằng chính chứng từ bản thân rằng tin mừng về gia đình là chuyện có thể được. Thực vậy, bà kinh nghiệm một đời sống gia đình đầy khó khăn, và cả sóng gió nữa, vì không có chỗ nào trong cuộc lữ hành trần gian đều bình lặng cả. Gia đình bà ngập đầy khó khăn hơn cả gia đình chúng ta. Bà gặp khó khăn kinh tế, vì nghèo và sống trong thời loạn lạc cũng như thời kỳ hạn hán. Gia đình bà lại sớm mất đi sức lao động chính của người chồng. Không những thế, gia đình luôn nổi sóng giữa những tính khí rất khác nhau. Antôn luôn cục căn, bà nội bệnh tật, Giuse im lặng và hòa bình, Bosco lanh lợi và sẵn sàng đấu tranh. Để gia đình an bình, bà đã từng phải đau cắt ruột để cho Gioan đi ở đợ ngay vào những ngày mùa đông khi chẳng ai muốn thuê việc. Dẫu vậy, giữa mọi khó khăn đến ngập đầu ngập cổ, bà vẫn ngước cao đầu nói rằng Thiên Chúa không sai lầm khi đặt cha mẹ là người đầu tiên đào tạo các vị thánh, đào tạo những công dân lương thiện và Kitô hữu tốt.

Mẹ đã đào tạo Antôn và Giuse nên người. Nhất là, bà đã ảnh hưởng quyết liệt đời sống và nhân cách của Gioan Bosco. Sau này, chính Don Bosco đã tạ ơn Thiên Chúa vì có một người mẹ tuyệt vời như thế. Nhiều lúc ngài thấy rõ nếu ngài có làm được gì tốt đẹp cho xã hội và giáo hội chính là nhờ được bà mẹ này giáo dục bằng gia sản đức tin không sai lầm của GH. Bà nói chân lý này đạt được nhờ lòng đạo đức và kiên nhẫn vốn có sức biến đổi hơn giận dữ, la mắng, cộc cằn và cay nghiệt. Nếu chỉ Thiên Chúa xót thương mới cứu độ chúng ta, thì cũng chỉ có lòng yêu mến sư phạm và được trở thành hệ thống mới có sức cứu độ gia đình hôm nay.

Sự hiện diện sống động của Thiên Chúa

Điều này có nghĩa rằng không phải bằng sức lực của tâm lý hay của sự khéo xử mà gia đình được cứu. Chắc chắn, Magarita thực là một phụ nữ khéo xử. Thế nhưng, bà cũng nói rõ: tâm lý không cứu độ. Ơn cứu độ đến từ một thực tại khác. Và thực tại khác đó là đây: Bà luôn đặt con cái trước sự hiện diện Thiên Chúa. Bà dùng phương cách ưu tuyển này để huấn luyện con cái có lương tâm trong sáng. Bà luôn nói với các con rằng "Chúa nhìn con". Khi bà phải vắng nhà, thì chính chân lý này mới khiến các con bà không dám phạm tội, quậy phá nhưng ngoan ngoãn và trách nhiệm. Nhờ thế, chính Gioan đã dám đưa cho bà cái roi và sẵn sàng chịu phạt lúc bà về nhà, vì cậu đã hành động sai khi bà vắng diện. Bà khắc sâu vào con cái hãy luôn làm đẹp lòng Chúa và làm mọi sự vì yêu mến.  Ngay cả khi gia đình quy tụ cầu nguyện, bà không hề bằng lòng với một lời kinh được đọc với một dự thế tâm hồn không ngay chính. Bà đã từng ngắt quãng khi Antôn đọc kinh Lạy Cha để tập cho cậu phải biết tha thứ.

Giúp con cái tìm dự định của THIÊN CHÚA trên đời chúng

Đặt trước điều này, bà đã dần dần huấn luyện Gioan Bosco biết phải tuyệt đối tìm kiếm, vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Khi Gioan băn khoăn nên chọn đời tu sĩ hay chủng sinh, bà can đảm nói cho con là Chúa gọi con đi đâu, con phải đi theo đó. Bà nhất quyết đòi con cái vâng phục; tuy nhiên, không phải là vâng phục những ý muốn của riêng bà, hay những cơn chướng của bà; chỉ có một tiêu chuẩn để quy chiếu cho vâng phục, đó là kế hoạch của Thiên Chúa trên mỗi đứa con của bà. Bà tôn trọng điều đó, dẫu có thể trái ý bà: khi Bosco chơi với những đứa trẻ nghịch ngợm trong làng, bà cấm cậu chơi với chúng.  Nhưng khi Bosco nói rằng sự hiện diện của cậu giữa chúng làm chúng không xấu nữa, bà đã để cho cậu tiếp tục. Bà xác định rất rõ mình vẫn chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa, dù là dụng cụ đầu tiên và chính yếu, để giúp con cái trở thành người (Vatican II, giáo dục; hoa thiêng 2006; Viganò). Bà dồn hết tâm lực để giúp Gioan trong ngày rước lễ lần đầu để làm gì nếu không phải là để cho Đức Giêsu trở thành sống động ngày một hơn đối với con yêu của bà. Chính Don Bosco chứng thực rằng từ ngày đó Chúa Giêsu như thể chiếm hữu trọn vẹn ngài. Điều này còn đúng hơn nữa sau ngày Gioan chịu chức linh mục: một khi Thiên Chúa đã chiếm hữu con bà, bà rút vào bóng tối, đúng như "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".

Giáo dục dẫn vào cuộc đời

Đối với Magarita, giáo dục không phải là chuyện của kiến thức. Nó dẫn vào đời sống. Bà giáo dục Don Bosco cho cuộc sống. Bà yêu con, nhưng không cưng chiều. Bà dứt khoát không để con cái ở nhưng. Trái lại, bà huấn luyện chúng phải biết nỗ lực và phấn đấu. Bà không cho phép con cái ươn lười. Bà đòi con cái phải dậy sớm và lao nhọc. Chính Don Bosco đã thú nhận rằng cậu đã được tập cho ngủ ít đến độ trong thời đi học, cậu có thể thức rất khuya để đọc sách và học hành. Bà dùng mọi biến cố xẩy ra trong ngày để in khắc những chân lý khôn ngoan, kể cả trăng thanh gió mát, mưa rơi, bão tố. Ngài dạy con chân lý đức tin về sự tỉnh thức khi cùng con canh trộm. Ngay cả khi Gioan đã làm linh mục, bà lợi dụng tối trước khi đi ngủ để kiện cường ý chí tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa của con: Nay con đã là linh mục, con chỉ lo đến Thiên Chúa và các linh hồn mà thôi. Rõ ràng, với bà, giáo dục vượt hơn kiến thức. Đó là giáo dục để sống thành người hơn và thành Kitô hữu hơn.

Trên đường lối Salêdiêng

Thế nhưng, cũng chính bà đang giáo dục chúng theo cách mà sau này con bà là Don Bosco sẽ gọi đúng tên là salêdiêng. Don Bosco không sai khi nói: ngài chỉ làm lại cho thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi điều mà mẹ ngài đã từng làm cho ngài như một đứa con mồ côi cha từ nhỏ. Cách thức giáo dục ấy đúc kết (a) thứ nhất trong việc để chúng tự do chơi đùa vui vẻ dưới sự chăm sóc yêu thương mà không áp đặt, (b) thứ hai trong việc yêu mến điều chúng thích khi bà sẵn sàng kể cho chúng những câu chuyện cổ tích chúng thích, và (c) cuối cùng trong việc luôn hiện diện, dành giờ cho chúng với lòng hiền mẫu.

Chăm lo giáo lý và bí tích

Nhưng ta có thể tự hỏi, bà dùng phương tiện nào. Magarita bảo ta rằng Thiên Chúa đã đặt vào tay chúng ta cả một gia sản lớn lao để chu toàn trách vụ này. Bà nhờ đến giáo lý và các bí tích để Thiên Chúa thực sự ngự đến biến đổi con cái. Bà là người trước tiên và chính yếu dạy giáo lý cho con cái. Bà là người đầu tiên chuẩn bị cho con cái hiệp lễ và tham dự thánh lễ cách ý thức. Bà dẫn Gioan tới nhà thờ và không cho phép cậu trò chuyện với ai dọc đường trong ngày rước lễ lần đầu. Từng bước nhưng vững vàng, bà dạy chúng những gì cốt yếu nhất: Thiên Chúa là Cha quan phòng, giá trị vô tận của bí tích Thánh Thể và hòa giải, sự thanh cao của nhân đức, lòng tôn sùng Đức Maria, sự ghê tởm của tội lỗi. Điều đáng nói là bà đã luôn tìm cách cho con cái nhìn ra được những ý nghĩa mới của đức tin dưới những gì đang xẩy ra. Nói cách khác, bà luôn nỗ lực để liên kết đức tin và cuộc sống, thờ phượng và văn hóa mà sau này Vatican II và Đức Phaolô VI cảnh báo bằng ngôn ngữ bác học "nguy cơ lớn nhất cho chúng ta là sự chia tách đức tin và văn hóa" cũng như các Tổng Tu Nghị của dòng Salêdiêng mới đây gọi là ơn hiệp nhất, (grace of unity).

Với sức thu hút không thể cưỡng được của gương sáng

Đi kèm với giáo lý, bà còn nhờ đến sức mạnh thu hút của gương sáng. Bà thực hành điều bà nói cho con cái. Bà nói cho con cái về lòng quảng đại và trách nhiệm một cách sống động khi bà dám khước từ việc tái giá vì lợi ích của con cái; bà trả lời đầy cương nghị, một sự cường nghị do đức ái và trách nhiệm: "Chúa đã ban cho tôi một tấm chồng...trên giường hấp hối, chàng đã trối lại cho tôi ba người con. Tôi sẽ là bà mẹ vô tâm biết bao khi bỏ mặc chúng vào lúc chúng cần tôi hơn hết." Bà dạy con cái sống quảng đại, thương người, khi bà không bao giờ để cho những kẻ thiếu thốn tìm đến với bà phải về tay trắng.

Chính vì thế, chúng ta không thấy có một sự liên kết rất sâu đậm giữa Magarita sống nghèo và chết trong cảnh thanh bạch với Don Bosco từng mặc những chiếc áo cũ rich và phai mầu và chết không lấy một xu dính túi hay sao" Bà đã từng thức khuya dậy sớm để lo cho gia đình để qua đó huấn luyện cho Don Bosco "học hành, làm việc, và hiến thân" không mỏi mệt vì thanh thiếu niên.  Việc bà từng thẳng thắn khiển trách những người tạo nên gương xấu cho con trẻ hẳn phải tác động đến Don Bosco sau này dám khiển trách những vị quyền cao chức trọng không sống đức tin của mình.

Giáo dục để phục vụ Thiên Chúa và con người

Magarita biết rõ hướng đích của một nhà giáo dục Kitô hữu: giáo dục bước theo Chúa Kitô. Nói theo ngôn ngữ dễ hiểu: bà đào tạo con cái thành những người quảng đại hiến mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, bà giáo dục con cái mạnh mẽ chống lại não trạng tiêu thụ ích kỷ để thực sự dành chỗ tối thượng cho Thiên Chúa. Bà hiểu rất rõ chân lý này: có một sự tỷ lệ thuận giữa chỉ sống cho Thiên Chúa mà thôi với việc chết cho chính mình. Chúng ta đừng rơi vào ảo tưởng chết người là "tôi phải có tiền và mọi phương tiện rồi tôi sẽ phục vụ tốt đẹp". Không phải thế đâu. Cuộc đời của Đức Kitô, và theo gương ngài, cuộc đời của mẹ Magarita quả quyết rằng sự phục vụ tỷ lệ thuận với sự nghèo khó chân chính. Càng là người ly thoát của tin mừng, càng là người phục vụ anh chị em mình cách hữu hiệu. Không có sự ly thoát không thể phục vụ chân thực được. Mẹ Magarita nói lên chân lý này bằng cuộc đời nghèo khó triệt để và thất học hoàn toàn của mình như một giáo dân. Bà diễn tả bằng cuộc đời mình chân lý vốn bà không thể diển tả bằng những công thức vắn gọn nhưng súc tích mà phải chờ đến con bà tổng hợp: "Làm việc và tiết độ sẽ làm cho Tu hội triển nở; an nhàn sẽ giết chết Tu hội." "Xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác cứ lấy đi." "Các con đừng bao giờ tìm kiếm vinh quang mà chỉ các linh hồn mà thôi. Vì vậy, đâu có sai khi quả quyết đời sống thiêng liêng salêdiêng của Don Bosco, và qua ngài, của đoàn sủng salêdiêng đã được nâng niu trên đầu gối của mẹ Magarita; đó là một đoàn sủng đã chỉ nảy sinh và phát triển kỳ diệu nhờ lòng yêu mến đức nghèo khó triệt để của tin mừng nơi Don Bosco và các môn đệ đầu tiên của ngài, những kẻ đã từng sống và gặp gỡ bà mẹ thanh bạch đến độ chết cũng chẳng có một tấm bia ghi tên mình.

Kết luận

Còn nhiều điều phải nói về Mẹ Magarita, chẳng hạn mối tương quan của mẹ Magarita với cuộc mạo hiểm giáo dục và tin mừng Salêdiêng vĩ đại trong thời kỳ đầu. Nhưng, tôi phải dừng lại thôi. Dĩ nhiên, chúng ta dừng lại với niềm hân hoan, vì nay mẹ Magarita được tôn vinh xứng tầm. Nay chúng ta có thể làm cho mẹ Magarita thành một vị khuôn mẫu và gương sáng dấu yêu trong lòng và trong gia đình của chúng ta, khi chúng ta nhất quyết canh tân trách vụ giáo dục quyết định cho sự thánh thiện của chúng ta trong gia đình đối với con cái. Có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi qua biến cố hạnh phúc và vinh quang này của Mẹ Magarita, để làm sống lại truyền thống rất tuyệt vời của GH, cách riêng của GH Việt Nam: Gia đình là nôi ươm trồng mầm ơn gọi, ơn gọi giáo dân dấn thân, ơn gọi tu sĩ, linh mục, ơn gọi truyền giáo. Với những lời ấy, xin Thiên Chúa và Mẹ Maria qua sự chuyển cầu của mẹ Magarita ban nhiều hồng phúc cho mọi người anh chị em, nhất là trong những ngày chuẩn bị phong chân phước cho người mẹ dấu yêu của Don Bosco cũng như của toàn Gia đình Salêdiêng chúng ta.

MARY HELP OF CHRISTIANS CENTER

6400 E. Chelsea St.

Tampa, FL, 33610

Email: boscoviet@gmail.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.