Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Mức Lương Tối Thiểu & Tương Lai Kinh Tế Úc

30/10/200600:00:00(Xem: 3742)

Thời sự nước Úc: Mức Lương tối thiểu & Tương lai kinh tế Úc

LND: Theo một bản tin của Australian Associated Press (AAP) hôm thứ Hai 23/10/06 vừa qua thì đảng Tự Do liên bang có nguy cơ bị mất 6 ghế bấp bênh quan trọng ở NSW nếu mức lãi suất lại gia tăng thêm một lần nữa vào tháng 11/06 tới đây. Gần đây, tổ chức Newspoll tổ chức một cuộc thăm dò dân ý của Newspoll nhắm vào những cử tri đã bỏ phiếu cho đảng Tự Do trong kỳ tổng tuyển cử năm 2004 để tìm hiểu về dự tính của họ trong kỳ tổng tuyển cử liên bang tới đây. Trong số cử tri được hỏi ý kiến thuộc đơn vị Lindsay miền Tây Sydney thì 60% sẽ không còn tín nhiệm đảng Tự Do nữa nếu lãi suất lại gia tăng. Đồng thời, 50% số người được hỏi từ đơn vị Dobell ở khu Central Coast và 50% số người được hỏi từ đơn vị Parramatta cũng sẽ không dồn phiếu cho Tự Do nữa. Ngoài ba đơn vị này, hai đơn vị khác mà đảng Tự Do liên bang có nguy cơ đánh mất vì lãi suất gia tăng là đơn vị Eden-Monaro phía Tây Nam tiểu bang NSW và Macquarie ở vùng Blue Mountains. Ngay cả tại đơn vị Wentworth ở miền Đông Sydney, nơi được xem là một trong những đơn vị kỳ cựu của Tự Do, 20% số người được hỏi cũng cho biết nếu lãi suất tăng vọt họ cũng sẽ dồn phiếu sang nơi khác. Theo giới quan sát bình luận chính trị thì vấn đề lương bổng của công nhân, đặc biệt là những người có lợi tức thấp kém, cũng sẽ là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến dự tính đầu phiếu của người dân, đặc biệt là trong hoàn cảnh lạm phát gia tăng khi khả năng tài chính của những người có lợi tức thấp lại càng bị bóp nghẹt thêm nữa. Sau đây xin mời quý độc giả theo dõi bài phân tích về nhu cầu được tăng lương của công nhân ở mức lương tối thiểu cũng như ảnh hưởng của việc này đến nền kinh tế Úc được đăng tải trên nhật báo The Australian ngày 23/10/06 vừa qua. Tác giả là ông Greg Combet, tổng thư ký tổng liên đoàn lao công ACTU.

*

Sự phát triển kinh tế của Úc đã tiếp diễn không ngừng nghỉ suốt hơn một thập niên vừa qua và sự phát triển này không thể nào tiếp tục mãi mãi. Khi nền kinh tế bắt đầu trì trệ hoặc suy sụp - một việc không thể nào tránh khỏi trong chu kỳ lên xuống tuần hoàn của kinh tế - thì những người công nhân có lợi tức thấp và gia đình của họ chắc chắn sẽ phải hứng trọn những ảnh hưởng tai hại của nó.
Trong suốt hơn một thập niên vừa qua, chúng ta đã đảm bảo rằng giới công nhân có lợi tức thấp kém cũng được hưởng một tí ti lợi nhuận từ sự bộc phát của nền kinh tế bằng cách đảm bảo rằng mức lương tối thiểu theo quy chế (award minimum rates of pay) cũng được tăng một cách đều đặn ở một mức vừa phải. Hệ thống quy định mức lương (award system) cũng như thể thức xác định mức lương tối thiểu mà Úc đã sử dụng từ nhiều thập niên qua là nền tảng bảo đảm cho sự thành công trong lãnh vực kinh tế của nước Úc.
Tuy những người công nhân có lợi tức thấp không được hưởng nhiều như những người ở mức trung bình hoặc những người có lợi tức cao, thế nhưng, hàng năm, họ vẫn nhận được một sự tăng lương qua việc mức lương tối thiểu được Ủy Ban Quan Hệ Lao Tư Úc (Australian Industrial Relations Commission - AIRC) nâng lên hàng năm. Trong một thập niên vừa qua đã có 9 lần mức lương tối thiểu được gia tăng. Mức gia tăng trung bình mỗi năm là $15 Úc Kim một tuần - khoảng $17.30 Úc Kim theo thời giá hiện nay, sau khi lạm phát được tính. Thế nhưng trong suốt thập niên vừa qua, mức lạm phát vẫn thấp hơn mức lạm phát hiện nay: hiện nay, mức lạm phát là 4%. Và vì đạo luật Work Choices của chính phủ Howard, lương bổng của những người có lợi tức thấp đã bị dậm chân tại chỗ từ tháng 6/2005. Những người mà lương bổng dựa vào mức lương quy định tối thiểu (minimum wages) cho đến bây giờ vẫn ngóng đợi quyết định về việc tăng lương tối thiểu từ Ủy Ban Định Lương Công Bình (Australian Fair Pay Commission - cơ quan được chính phủ Howard thành lập để thay thế AIRC trong vấn đề thẩm định lương hướng công nhân).
Số tiền mà họ có thể được nhận thêm là bao nhiêu" Mức lương tối thiểu mà chính phủ liên bang đề ra vỏn vẹn là $484.40 một tuần (trước khi trừ thuế). Nếu được tăng thêm $26 một tuần thì số lương nhận được thật ra mới chỉ tương đương với tiền lương tối thiểu cách đây 17 tháng vì phải tính thêm chỉ số lạm phát trong thời gian ấy. Sau một thập niên mà kinh tế thật sự phát triển thì hơn 1,5 triệu công nhân dựa vào mức lương tối thiểu để sinh sống lẽ ra cần được nhận lãnh nhiều hơn nữa trong một xã hội công bằng, vì họ cần được dự phần chia sẻ sự thịnh vượng của quốc gia.
Đại đa số những người dựa vào mức lương quy định tối thiểu để sinh sống - bao gồm những người bán hàng trong các cửa tiệm, những lao công chùi rửa, những người chạy bàn, rửa chén, các nhân viên bảo an, công nhân thợ thuyền và người giữ trẻ - hiện đang được trả lương cao hơn mức lương tối thiểu mà chính phủ liên bang đề ra hiện nay. Điều này phản ảnh sự phân loại và xếp hạng theo tay nghề (skills-based classification) của hệ thống quy chế lương bổng mà chúng ta từng có.
Nếu được tăng thêm ít hơn $30 một tuần thì tất cả những công nhân thợ thuyền nêu trên đều sẽ bị thiệt thòi.


Lập luận rằng sự tăng lương cho công nhân ở mức lương tối thiểu sẽ làm giảm thiểu số công việc hiện hữu là một sự ngụy biện trắng trợn.
Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Úc là 4.8% so với tỷ lệ 8% lúc John Howard vừa nắm chính quyền.
Trong suốt thập niên 90, 5 nhà kinh tế học tuyên bố rằng phương pháp duy nhất để giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5% là phải chận đứng, không cho mức lương tối thiểu gia tăng trong suốt 4 tài khóa liên tiếp. Họ đã sai lầm vô cùng. Trong suốt một thập niên qua mức lương tối thiểu không bị đông lạnh và nước Úc vẫn liên tục có thêm nhiều công ăn việc làm và tỷ lệ thất nghiệp liên tục sụt giảm.
Những công nhân có lương bổng thấp ở Anh Quốc cũng nhận được sự tăng lương trong suốt thập niên qua nhờ vào sự sáng suốt của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lương Thấp Anh Quốc (UK Low Pay Commission). Ủy Ban này thẩm định mức lương tối thiểu và quyết định nâng lương tối thiểu đều đặn. Xuyên suốt thời gian này, số lượng công ăn việc làm tiếp tục tăng triển tại Anh và tỷ lệ thất nghiệp cũng sụt giảm.
Ngược lại, những người công nhân có đồng lương thấp kém ở Hoa Kỳ đã không được dự phần chia sẻ sự thịnh vượng của quốc gia họ, lương giờ tối thiểu $5.15 Mỹ Kim đã bị chính phủ liên bang Hoa Kỳ ngâm đá từ năm 1997. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn cao như cách đây một thập niên và hoàn toàn không suy suyển.
Bằng chứng ở Úc cũng tương đương với những kinh nghiệm chung từ khối OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development - Tổ Chức Khuyến Khích Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế). Những bằng chứng quốc tế cho thấy rằng mức lương tối thiểu công bình sẽ làm gia tăng lợi tức cho công nhân mà không hề tạo ra nguy cơ số lượng công ăn việc làm bị cắt giảm.
Tuy vậy, những bằng chứng này vẫn không ngăn cản được những tên thủ cựu cực đoan ồn ào (thundering fundamentalists). Những tên này dường như tin tưởng rằng những tia nắng ấm của nền kinh tế phồn thịnh không nên được dùng để chia xẻ một phần thịnh vượng cho những người năng nổ cực nhọc đổ mồ hôi, sôi máu mắt đang vất vả cố sống còn với đồng lương tối thiểu. Trong một sự ngược đời phi lý đáng mỉa mai, giới kinh tế gia bảo thủ dường như tin rằng đối với những người công nhân đồng lương thấp kép thì “ddời họ sẽ tốt hơn với mức lương tệ hại hơn” và “lương càng thấp thì càng có nhiều cơ hội để họ lãnh lương”!
Đạo luật Work Choices của chính phủ Howard đã gần như đập vỡ nát nền tảng tối thiểu của thị trường lao động. Đạo luật này đã rút hết ruột gan của hệ thống quy chế lương bổng, cắt bỏ điều kiện làm việc tối thiểu, hủy bỏ những sự bảo vệ để công nhân không bị đuổi việc một cách bất công, cấm cản không cho phép một số điều kiện được đề ra trong những cuộc thương lượng chung (collective bargaining) về lương hướng và điều kiện làm việc, thiết lập một hệ thống nhằm hủy diệt các cuộc thương lượng chung - hoàn toàn trái ngược lại với những quy tắc quốc tế về thị trường lao động - thiến mất (gelds) quyền hạn của AIRC và tung ra một làn sương mù pháp luật đặc kịt đen quánh dưới tiêu đề giải tỏa thị trường (deregulation).
Vì thế, mặc dầu tỷ lệ người có công ăn việc làm có tăng tiến, nhưng chuyện nhận việc làm dưới khả năng (underemployment) và việc dùng khả năng lao động không đúng mức (under-utilisation) vẫn còn rất cao. Trong năm 2005, có 1.8 triệu người muốn tìm việc làm hoặc muốn tìm thêm giờ làm việc. Trong số này có 627,000 người tìm việc hoặc tìm thêm việc có thể bắt đầu làm việc trong vòng bốn tuần lễ.
Thêm 348,500 người muốn tìm việc hoặc tìm thêm việc nhưng không thể bắt đầu công việc trong vòng bốn tuần. Trở ngại chính cho những người đàn ông trong số này là bệnh hoạn trong thời gian dài hoặc tật nguyền. Trở ngại chính cho phụ nữ trong số những người này là vấn đề thiếu người trông coi con cái, thai nghén hoặc công việc nội trợ.
Rõ ràng là chúng ta nên tập trung vào việc cung cấp huấn luyện nghề nghiệp, giúp công nhân có thể dễ dàng sử dụng những dịch vụ giữ trẻ giá cả phải chăng, hỗ trợ cho những người tật nguyền muốn tìm việc và tăng lương cho công nhân hơn là cắt lương (sau thuế) và những quyền lợi căn bản của công nhân.
Chỉ còn một năm nữa là đến kỳ tổng tuyển cử liên bang, và trong thời kỳ quá chín mùi của một nền kinh tế vốn đã phát triển trong thời gian dài kinh tế, thì người ta mới thấy được cơ hội của một vài sự nhỏ giọt xuống cho những người lương hướng thấp từ quyết định mà Australian Fai Pay Commission sắp tuyên bố trong nay mai.
Thế nhưng, chúng ta phải xem xét thật kỹ lưỡng những giòng chữ in thật nhỏ đính kèm: tăng bao nhiêu và bao nhiêu công nhân lương thấp được quyền nhận lãnh sự tăng lương ấy.  Dù gì đi nữa thì người ta cũng thấy thật rõ ràng rằng khi cái vòng kinh tế xoay trọn vòng và sự phát triển bị chậm dần thì giới công nhân lương thấp sẽ bị bỏ rơi theo kiểu sống chết mặc bây khi họ cần sự bảo vệ và yểm trợ của chính phủ nhiều hơn bao giờ hết.
Rõ ràng, các đạo luật về thị trường lao động của chính phủ Howard không phải là phương pháp thích hợp, giúp cho kinh tế phát triển, mang lợi ích đến cho những người cần sự giúp đỡ nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.