Hôm nay,  

Chuyện Miền Thôn Dã: Mùa Hốt Trứng Nhạn

21/09/200600:00:00(Xem: 2621)

Bên phía tỉnh Rạch Giá thì rừng tràm U Minh rậm rạp che ánh mặt trời quanh năm không chiếu xuống tới mặt đất, thỉnh thoảng mới có vạt đất trống thì cây dương xỉ, dây choại, dây cặc ngựa

mọc bao trùm dầy đặc mà nếu mình lội vô thì cũng ngập đến ngang cổ .
Mỗi mùa loài chim lớn như sếu, chàng bè sanh sản thì chúng thường từ Biển Hồ bay về đây, bứt mấy loại dây này mà làm ổ đẻ sát gần mặt đất, trong khi chim cò nhỏ thì làm tổ trên tuốt ngọn

cây.
Về phía Năm Căn Cà Mau thì lại toàn là cây đước, loại này ít người ở vùng khác biết hình dáng nó ra làm sao trong khi ai cũng biết cây tràm, vì ngay ở Mỹ này tràm bông đỏ cũng thường được

trồng làm cây kiểng.
Vỏ cây tràm bên VN có nhiều lớp vỏ lụa chồng lên nhau như một xấp giấy quyến hút thuốc, nhưng vỏ cây đước chỉ có một lớp sần xùi. Khi chặt tràm hay đước để làm nhà, thì cây đước được

ưa chuộng hơn vì nó thẳng như cây tre . Vỏ cũng không phải róc như róc tràm, chỉ cần lấy một khúc cây gõ mạnh vào nó là vỏ sẽ tróc ra.
Rừng đước coi sạch sẽ đẹp đẽ hơn rừng tràm nhiều. Chùm rễ mọc nổi trên mặt đất nhô lên như hình cái nôm, và thân cây bắt đầu từ nóc cái nôm đó mà mọc lên cao vút.
Cây đước vì thẳng nên người ta ưa đã đành, than đước rất đượm, chắc, nên rừng đước lại càng bị tàn phá mau hơn rừng tràm. Ở đây một tạ than lại tính có 60 kg mà thôi.
Cách đây chừng 40 năm, vùng này sau khi khai hoang, đắp bờ rồi cũng chỉ trồng được một mùa lúa. Loại lúa nàng dên, nàng tây, tàu binh cho gạo màu nâu đỏ nhưng chịu nổi nước dâng cao,

nước cao tới đâu, ngọn lá lúa ngoai tới đó. Bởi thế tới mùa nước rút và lúa đã chín thì lúa nằm rạp xếp lớp lên nhau dạt về một phía theo chiều gió thổi, mình cắt ngọn lúa ở đây, nhưng gốc nó

thì cách xa cả ba bốn thước .
Thân rạ cây lúa nằm xếp lên nhau một tầng rất dầy, nên cứ qua tết chừng vài ba tuần là đến mùa đốt đồng để diệt cỏ và mùa sau dễ cấy xạ.
 
Ở Đồng Tháp Mười còn có một loại lúa nổi nữa kêu là lúa ma. Lúa này không ai trồng mà mọc thành đừng đám, từng dề như loài cỏ ống, có khi gốc không bám xuống tới dưới đất mà nó vẫn

sống được như loài lục bình. Lúc bông lúa còn xanh, nhưng hột lúa đã mẩy mà mình đụng vô nó là hột rụng hết xuống, thành thử không thể gặt hái nó thành một bó như loài lúa khác .
Phải bơi tam bản vô đám lúa, dùng dầm (mái chèo) gạt từ từ bông lúa vô ghe rồi chấn mạnh một cái thì hột lúa rụng hết vô lòng ghe.
Một người có thể kiếm được trên dưới một giạ mỗi ngày . Miền Nam cho tới bây giờ vẫn tính lúa bằng giạ 40 lít (2 táo hay 2 thùng dầu hôi) hoặc 20kg .
Cơm gạo lúa ma không ngon vì khô rời, vị đã không thơm mà còn không ngọt, có điều con nhà nghèo không có ruộng mỗi mùa đi kiếm vài ba chục giạ thì cũng đủ ăn quanh năm.
Tôi nhớ hồi năm 64 không hiểu vì sao mà trong ruộng lúa mùa ở Rạch Giá lại mọc lẫn lộn ít cây lúa ma. Khi cắt lúa nông dân mới nhận ra nó vì có những bông bị rụng hết chỉ còn cộng rơm .


Từ những hột rụng đó, năm sau lúa ma mọc lên chen lấn và ăn hết đất phân của cây lúa mình xạ. Nếu cứ để như vậy thì đến mùa gặt một nửa số bông lúa trong ruộng bị rụng và hãy tưởng

tượng năm kế tiếp nó mọc lên còn khủng khiếp đến thế nào .
Cũng may là lúa ma cây cao hơn, nên khi lúa kia còn thấp nhỏ mình nhận ra ngay và đem liềm ra cắt sát gốc mà diệt nó.
 
 Khi khói đốt đồng bốc lên thì từng đàn nhạn bay đến rợp trời, khói lửa tới đâu chúng bay tới đo’ . Từ trên cao nó chúi xuống sát mặt đất giống như cái máy bay thả bom không cất đầu lên

được, nhưng cách đất khoảng vài gang, nó đổi góc độ bay là là trên lớp tro còn nóng.
Khi tìm ra những hốc đất lõm xuống nó đẻ trứng rồi lấy tro còn hơi ấm mà vùi lại.
Loài đẻ trứng thường phải làm ổ, để rồi phải ấp thì trứng mới nở. Tuy nhiên có những loài như cá sấu, rắn (loài rắn có loại đẻ con nhưng cũng có loại đẻ ra trứng) sau khi đẻ thì chỉ vùi lấp mà

không ấp.
Riêng về chim trời thì chúng thường làm tổ, ấp, rồi khi trứng nở thì săn sóc, bảo vệ, mớm mồi hàng tuần, hàng tháng cho đến khi con bay được tuỳ theo loài chim lớn hay nhỏ.
Con chim con mới nở coi xấu xí lắm, được vài ngày thì cái bọng bã đỏ bóng lưỡng và lúc nào cũng kêu réo đòi ăn, nhưng nó chỉ cần một tuần là lông cánh mọc đủ trông đẹp đẽ và lớn không

khác gì chim mẹ.
Trong khi đó, con gà con vịt nở ra trông vàng rộm rất đẹp nhưng phải mấy tháng sau nó mới lớn và ra lông đầy đủ.

Loài nhạn đất mỗi lần xà xuống ruộng tro thì đẻ có một trứng, bữa sau nó lại đi đẻ chỗ khác. Đất đồng mới đốt còn ấm cộng với cái nắng sau tết đã ấp trứng chim.
Con nít, người lớn xách rổ ra bươi tro mà lấy trứng nhạn, nhưng họ chỉ lấy đủ ăn để cho chim con nở ra qua năm còn bay về. Không biết bầy chim con nở ra lúc nào, có phải khi nở ra là nó đã

có đủ lông cánh mà bay hay sao, mà khi trận mưa đầu mùa đổ xuống thì bươi tro lên chỉ còn thấy cái vỏ trứng bẹp dúm, chim con đã bay đi từ lúc nào. Ông trời làm nhiều điều kỳ dị thiệt.

Ở quê thì có nhiều mùa lắm, mùa mưa hay nắng đều có những "mùa" xen kẽ như mùa thả diều, mùa dế, mùa đá gà, mùa lia thia, mùa soi cá, mùa hốt trứng nhạn ...
Nhưng có những mùa không có cái gì để làm như những ngày vào thu, nó cũng có phảng phất gió heo may, trời hơi lành lạnh, những bông sậy trắng rợp trời phấp phới ở dẫy ruộng biền xa xa,

con nhỏ hàng xóm học sau tôi hai năm đang tập hát để đi thi tiểu học:

- Có những chiều thu vương nắng cuối thôn
Tiếng tiêu ai vọng đến thiết tha buồn
Cô lái đò đôi má hồng ước mơ
Đón anh về ghi chép nốt vần thơ

Bây giờ vùng quê xưa không còn lúa một mùa, một số thửa ruộng chuyển qua trồng lúa thần nông, còn bao nhiêu họ xả nước mặn vô nuôi tôm hết, thành thử đâu còn mùa đốt đồng nên chim

nhạn không còn về như xưa, không biết bây giờ nó sống đời "tị nạn" ở mãi chốn mô """

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.