Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (10). “Sứ quân” Nguyễn Nộn

18/09/200600:00:00(Xem: 13226)
Trần Việt Bắc

Nguyễn Nộn hùng cứ ở Bắc Giang, xưng là Đại Thắng Vương, ông này là một “kỳ phùng địch thủ” của họ Trần và Đoàn Thượng . Họ Trần dù đã lên ngôi làm chủ Đại Việt nhưng vẫn không thể nào dẹp được ông này, đến độ phải phong vương và gả công chúa cho ông ta. Để tìm hiểu về “sứ quân” Nguyễn Nộn, trước hết xin phép lạm bàn về căn cứ địa của ông này: Bắc Giang.

Bắc Giang, theo như Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC), tập 4, tỉnh Bắc Ninh, trang 54 : “Nước ta thời Tiền Lê là Bắc Giang; đời Lý là quận Gia Lâm; đời Trần là lộ Bắc Giang, lại gọi là lộ Kinh Bắc”. Lộ Bắc Giang tới “năm Quang Thuận (43)thứ 7, đặt Bắc Giang thừa tuyên; năm thứ 10 định bản đồ cả nước đổi gọi là Kinh Bắc, lãnh 4 phủ 20 huyện….Năm Hồng Đức thứ 21 gọi là xứ Kinh Bắc, sau gọi là Trấn” . Vậy Bắc Giang có thể coi như là tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Theo ĐVSL, năm 1209- Bắc Giang đang là đất của Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải, khi viết về cái chết của Phạm Du : “(Phạm Du)’i] bị người ở Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt đưa cho Vương Tử Sam giết đi” (1209). Vậy Nguyễn Nộn thành “sứ quân” ở Bắc Giang từ khi nào"

Nguyễn Nộn qua các nguồn sử liệu

ĐVSL viết: “ Năm Quí Dậu (năm 1213-ND) là năm Kiến Gia thứ 3….Trần Tự Khánh sai người sang Bắc Giang mời viên tướng của y là Nguyễn Nộn về. Nguyễn Nộn về đến nơi, Trần Tự Khánh dùng dây thép trói lại năm vòng”. Theo như đoạn văn này thì năm 1213, Nguyễn Nộn đã là bộ tướng của Trần Tự Khánh. Rồi khi nói về cái chết của Nguyễn Nộn, ĐVSL viết: “Năm Kỷ Mão (năm 1219-ND) là năm Kiến Gia thứ 9….Tháng 6,…Lúc trước Thái Úy ( NV: Trần Tự Khánh) sai bọn Vương Lê đem binh về Nam Sách để cùng họp nhau mà mưu đánh Nguyễn Nộn…Mùa Đông, tháng chạp Nguyễn Nộn bệnh nặng. Quân của Thái Uý ở bến Triều Đông mà Nộn đã chết rồi. Ngày Canh Ngọ, tướng của Nộn là Phí Thám đưa Thái hậu và các người con của vua là bọn Công chúa ra hàng nơi Thái Uý”. Vậy theo ĐVSL thì Nguyễn Nộn chết năm 1219.

ĐVSKTT viết: “Mậu Dần, [Kiến Gia] năm thứ 8[1218], (Tống Gia Định năm thứ 11). …Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu bằt cư sĩ ở chùa Phù Đổng (44)là Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không đem dâng”.

Rồi ĐVSKTT viết về cái chết của Nguyễn Nộn như sau: “Kỷ Sửu,[ Kiến Trung] năm thứ 5 [1229] , (Tống Thiệu Định năm thứ 2, Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài năm thứ 1….Sau khi kiêm tính quân của Thương, Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi bời bừa bãi. Nhưng Nộn cũng biết là thế không thể cùng đối lập với nhàTrần, định đến tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa quyết.

Đến khi ốm nặng, vua sai nội nhân tớihỏi thăm, Nộn cố gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu thì chết. Người dưới quyền là Phan Ma Lôi Ngầm phóng ngựa chạy trốn, không biết là đi đâu. Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối
”. Vậy theo ĐVSKTT thì Nguyễn Nộn chết năm 1229 .

KĐVSTGCM viết : “Canh Thìn, năm thứ 10 (1220). (Tống, năm Gia Định thứ 13). Tháng 3, mùa xuân. Nguyễn Nộn giữ làng Phù Đổng540 , tự xưng là Hoài Đạo vương. Nộn là cư sĩ chùa Phù Đổng, vì bắt được vàng và ngọc, không đem dâng triều đình, nên nhà vua hạ chiếu cho bắt. Tự Khánh xin cho Nguyễn Nộn tòng quân đánh giặc để chuộc tội; nhà vua ưng thuận, sai Nguyễn Nộn đem quân đi đánh Mán Quảng Oai. Đến đây, Nguyễn Nộn tự xương vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp giặc để chuộc tội; nhà vua sai người đem sắc đến dụ bảo Nộn.

Lời chua - Phù Đổng: Tên làng. Nay là xã Phù Đổng, huyện Tiên Du .
Nguyễn Nộn: Người làng Phù Minh, huyện Tiên Du” .


Rồi cũng tương tự như ĐVSKTT, KĐVSTGCM viết: “Kỷ Sửu, năm thứ 5 (1229). (Tống, năm Thiệu Định thứ 2). Nguyễn Nộn chết”. Vậy theo K ĐVSTGCM thì Nguyễn Nộn chết năm 1229 .

Thật là nan giải, ba nguồn sử liệu nói về Nguyễn Nộn khác nhau, từ khi trở thành một “sứ quân” cho tới lúc chết. Để tìm hiểu sự việc, với sử liệu giới hạn hiện có, người viết thấy chỉ có thể dùng sự suy đoán để phân tích, may ra có thể tìm được một chút manh mối nào hay chăng!

ĐVSL viết khá chi tiết về việc Nguyễn Nộn trở thành “sứ quân”, cũng như việc binh biến với các “sứ quân” khác. Tuy nhiên sau khi viết là Nguyễn Nộn chết năm 1219, thì sự việc chấm dứt ở đây. Như đã trình bày ở trên, vùng Bắc Giang, năm 1209 đang bị đặt dưới sự cai quản của Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải (45). ĐVSL đã không nói vì lý do nào Nguyễn Nộn thành bộ tướng của Trần Tự Khánh, cũng như việc ông này thành “lãnh chúa” ở Bắc Giang thay Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải. Qua ba danh xưng: Nậu, Nải, Nộn, rất có thể Nộn là em của hai ông Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải.

Những sự việc liên quan đến Nguyễn Nộn theo ĐVSL từ năm 1213 tới năm 1219:

-1213, tháng giêng, Trần Tự Khánh sai người sang Bắc Giang “mời” Nguyễn Nộn về kinh sư, Nguyễn Nộn bị Khánh giam giữ. Tháng 9, Trần Tự Khánh gả con gái của bà dì (46)cho Nguyễn Nộn.

-1214, tháng giêng, Nguyễn Nộn theo Trần Tự Khánh đánh kinh sư. Quân triều đình thua. Sau đó Nguyễn Nộn được Trần Tự Khánh cử đi giữ Bắc Giang. Tháng 3, Nguyễn Nộn bị người vùng Hồng là Đoàn Nhuyễn đánh, Nguyễn Nộn đánh lui người vùng Hồng và giết Đoàn Nhuyễn, nhưng cũng bị thương ở lưng. Tháng 4, Nguyễn Nộn phản Trần Tự Khánh. Tháng 6, Trần Tự Khánh đánh Nguyễn Nộn. Nguyễn Nộn được nhà vua phong tước hầu. Tháng 8, Nguyễn Nộn đánh Ô Kim hầu Nguyễn (Lý) Bát.

Những sự việc viết về Nguyễn Nộn theo ĐVSL:

- 1215, tháng giêng, hai tướng của Trần Tự Khánh là Nguyễn Đường và Nguyễn Giai thông đồng với Nguyễn Nộn đánh Trần Tự Khánh, nhưng Đường và Giai lại hàng Trần Tự Khánh. Tháng 2, Nguyễn Nộn được phong tước Vương. Tháng 3, Nguyễn Nộn đánh thắng Nguyễn Đường và Nguyễn Giai.

- 1216, tháng 5, vua Huệ Tông về với Trần Tự Khánh và sai Tự Khánh đánh Nguyễn Nộn đồng thời hạ chiếu đày Nguyễn Nộn làm lính thường.

- 1217, Trần Tự Khánh đánh Nguyễn Nộn, tướng của Khánh là Phạm Ân bị Nguyễn Nộn đánh bại, tuy nhiên sau đó, đối đầu với Khánh, Nộn lại bị thua.

- 1218, đầu mùa hạ, Trần Thừa (em Trần Tự Khánh) lãnh các đạo binh bao vây Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, Nguyễn Nộn thua, lui về giữ Phù Ninh (47).

-1219, mùa đông, tháng chạp, Nguyễn Nộn chết vì bệnh.
Tuy nhiên ĐVSKTT cũng như VSKĐTGCM lại cho hậu thế nhiều chi tiết về ông này ở khoảng thời gian sau năm 1219.

Những đoạn viết về Nguyễn Nộn và việc nhà Trần lên ngôi theo ĐVSKTT (Nv: KĐVSTGCM viết giống như ĐVSKTT, chỉ khác về năm nhà vua Huệ Tông hạ chiếu bắt Nguyễn Nộn như đã trình bày ở trên) :

- 1218, “mùa thu, tháng 8, xuống chiếu bằt cư sĩ ở chùa Phù Đổng là Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không đem dâng”.

- 1219, “mùa xuân, tháng 2, Trần Tự Khánh tâu xin tha cho Nguyễn Nộn, cho đi đánh giặc chuộc tội. Vua y cho. Mùa đông, tháng 10, sai Nguyễn Nộn đem quân đi đánh người Man ở Quảng Oai”.

- 1220, “tháng 3, Nguyễn Nộn giữ hương Phù Đổng, tự xưng là Hoài Đạo Vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp loạn để chuộc tội. Vua sai người đem sắc thư thư đến tuyên dụ. Song vì vua có bệnh phong, không thể chế ngự được”.

- 1223, “Tháng 12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh”.

- 1224, “Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng”.

-1225, “Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. …. . Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước…. mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chín”.

-1226, “Sai Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và các man…. Lúc ấy, nhân thế suy yếu của triều Lý, giặc cướp tụ tập nhiều. Người Man ở vùng núi Tản Viên, vùng núi Quảng Oai xâm phạm đánh lẫn nhau. Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang , Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu . Thủ Độ điều động các quân đi đánh dẹp.

Bấy giờ Nộn và Thượng binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục được, mới phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngạn cũng hẹn phong làm vương cho Thượng định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến”.

- 1228, “Tháng 12, Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn Thượng. Nộn đã phá được Thượng, nhân gộp cả quân của Thượng, cướp bắt con trai, con gái, tài sản, trâu ngựa đất Hồng Châu. Con của Thượng là Văn đem gia thuộc đến hàng. Thanh thế của Nộn rất lừng lẫy. Thủ Độ lo lắm, chia quân chống giữ và sai sứ đem thư đến chúc mừng, gia phong Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đưa công chúa Ngoạn Thiềm gả cho hắn để ngầm [5b] dò la tin tức. Nộn cũng chia nha tướng riêng cho công chúa ở. Vì thế công chúa không thể báo được tin gì”.

- 1229, mùa xuân, tháng 3, “Sau khi kiêm tính quân của Thượng, Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi bời bừa bãi. Nhưng Nộn cũng biết là thế không thể cùng đối lập với nhàTrần, định đến tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa quyết. Đến khi ốm nặng, vua sai nội nhân tới hỏi thăm, Nộn cố gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu thì chết. Người dưới quyền là Phan Ma Lôi Ngầm phóng ngựa chạy trốn, không biết là đi đâu. Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối”.



Qua những trình bày và trích dẫn ở trên, người viết có nhận xét như sau: ĐVSL đưa ra những sử liệu rất có lớp lang và liên tục, cùng những chi tiết về “sứ quân” Nguyễn Nộn từ năm 1213 tới 1219, đây là những sự kiện mà hậu thế chúng ta không thể chối bỏ, ngoại trừ nghi vấn về năm Nguyễn Nộn qua đời (chết vì bệnh, năm 1219) . ĐVSKTT và KĐVSTGCM cũng đưa ra những sử liệu thứ tự và chi tiết về Nguyễn Nộn từ lúc nhà Trần lên ngôi (1225). Đây là những sử liệu mà lớp hậu sinh đã ghi nhận qua hai bộ chính sử này, ngoại trừ nghi vấn về lúc Nguyễn Nộn “nhập cuộc” (1219). Năm 1229, Nguyễn Nộn qua đời (chết vì bệnh), thì người viết nhận xét, thì đây là chuyện không nên nghi ngờ, vì ĐVSKTT đã ghi lại những biến cố cho đến ngày Nguyện Nộn chết. Người viết- kẻ hậu sinh- chỉ dám có thiển ý là gom chung những sự việc, để tạo nên một giả thuyết dựa theo những sử liệu hiện có:

- 1213, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, vì không nộp triều đình những quí vật như vàng ngọc nên bị nhà vua hạ chiếu truy nã (48), Nguyễn Nộn dựa thế lực ở Bắc Giang mang quân làm loạn. Trần Tự Khánh dùng Nộn làm tướng.

- 1213 tới 1218: những sự việc xảy ra có liên quan tới Nguyễn Nộn được ghi lại trong ĐVSL.

- 1219, Nguyễn Nộn không chết như ĐVSL đã viết, mà chỉ thua Trần Thừa một trận lớn, làng ấp bị ngập lụt vì Trần Thứa dùng thủy công để tấn công Nguyễn Nộn bằng cách phá đê (49). “Vợ con Nguyễn Nộn đều bị bắt. Nguyễn Nộn mang theo 100 người về giữ Phù Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh-ND)”. Nguyễn Nộn coi như thua một canh bạc gần cháy túi, nên phải tìm cách trốn tránh để gầy dựng lại lực lượng mới.

- 1220, từ năm này trở về sau tới lúc Nguyễn Nộn chết, sự kiện được hiểu theo sử liệu trong ĐVSKTT cũng như KDVSTGCM.

Như đã trình bày ở trên thì Nguyễn Nộn xưng hùng ở vùng Bắc Giang 16 năm (từ năm 1213 tới năm 1229), một người rất có bản lãnh. Nói về cá nhân của Nguyễn Nộn, ĐVSL có một đoạn viết rất chi tiết và lý thú về ông này như sau: “Tháng 9, Trần Tự Khánh mở trói dây thép cho Nguyễn Nộn, Nguyễn Nộn là người có gương mắt đẹp lạ lùng, lại có lòng bao dung, có tính bình thản thanh thoát. Tuy ở trong cái cảnh ngục tù mà thần sắc vẫn tự nhiên. Khi thấy bọn dũng sĩ nhảy, đối lại, ông mang theo cả cái dây xích sắt (vì đang bị trói-ND) mà nhảy, nhưng lại nhảy hơn bọn dũng sĩ. Trần Tự Khánh thấy, lấy làm lạ, lại cho làm tướng và đem người con gái của bà dì mà gả cho. Rồi lại trao cho hai ấp là Trần Khê cà Cả Lũ (Nay thuộc tỉnh Thái Bình-ND)”. (ông này đã bị Trần Tự Khánh cầm tù 8 tháng -từ tháng giêng tới tháng 9 năm 1213).

Thật là hiếm có đoạn sử liệu nào mà sử gia (cũng là Nho gia) lại hết lời ca tụng một loạn tướng như thế. Vậy thì Nguyễn Nộn phải là một nhân vật kiệt xuất, ngoài hình dáng bề ngoài với “gương mặt đẹp lạ lùng”, võ nghệ tuyệt luân, Nguyễn Nộn “lại có lòng bao dung, có tính bình thản thanh thoát” [/i]. Nguyễn Nộn phải là người được lòng dân vùng Bắc Giang; nên mới mới có thể hùng cứ một thời gian lâu dài như thế. Nguyễn Nộn lại thắng Đoàn Thượng và gồm thâu toàn bộ binh lực của ông này nên đã làm triều đình nhà Trần rúng động. Nhà Trần dù đã mang quân đánh Nguyễn Nộn, nhưng cũng không dẹp được, đến nỗi phải phong vương và mang công chúa gả cho ông ta để lấy lòng. Tuy nhiên, số phận Nguyễn Nộn không lâu dài, ông này chết sớm vì bệnh. Thế là nhà Trần bớt được nỗi lo lắng lớn lao, dân chúng bớt lầm than vì chinh chiến, cảnh thái bình đã trở lại với đất nước .

(còn tiếp)



45) Nguyễn Nộn cùng họ với hai ông này, không biết rằng Nậu, Nải, Nộn có liên hệ như thế nào về họ hàng" Có một điều là họ Nguyễn lúc này không có nhiều người. Thời nhà Đinh, có một người họ Nguyễn ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội ngày nay) được sử sách ghi chép lại là Định Quốc công Nguyễn Bặc. Người viết tự hỏi là những nhân vật này là hậu duệ của ông Nguyễn Bặc "

46) Mẹ của Trần Tự Khánh họ Tô, chị của Tô Trung Từ. ĐVSL lại nêu ra đây một chi tiết nữa là Tự Khánh có thêm một bà dì.

47) Phù Ninh (lời người dịch) nay thuộc tỉnh Bắc Ninh

48) Thiển ý của ngưới viết: có lẽ Nguyễn Nộn bị truy nã vì đã gặp được những quí vật; vốn là của triều đình; nhưng không nộp, vì có thể những quí vật này đã bị lấy đi từ trong cung, được dấu tại Bắc Ninh bởi loạn đảng Quách Bốc.

49) Phá đê! Đây là một hành động tàn nhẫn đối với dân chúng, vi phạm về qui ước chiến tranh ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.