Hôm nay,  

Tăng Trưởng Bằng Mọi Giá

26/07/200600:00:00(Xem: 1812)

...Theo quy định của WTO, hệ thống ngân hàng sẽ phải mở cửa cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài. Lúc ấy, sổ sách lời lỗ sẽ phải công khai, và các ngân hàng sẽ sụp đổ vì mất nợ và mất niềm tin của thân chủ.

Tuần qua, thế giới nhận được nhiều tín hiệu kinh tế đầy mâu thuẫn từ Đông Á. Sau 15 năm suy trầm và giảm phát, Nhật Bản đã nâng lãi suất khỏi số không để ngừa lạm phát; từ Trung Quốc, thống kê mới công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế đã vượt 11% trong quý hai nhưng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Hoa lục lại giảm. Những chỉ dấu ấy khiến người ta tự hỏi là kinh tế Trung Quốc có đi theo vết xe đổ của Nhật Bản không" Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong phần trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trước khi đi vào đề tài kỳ này là đà tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc, chúng tôi xin nhắc lại biến cố xảy ra năm ngoái là việc Bắc Kinh tuyên bố thả nổi đồng nhân dân tệ vào ngày 21 tháng Bảy - mà ông gọi là "trò ảo thuật ngoại hối". Một năm sau, giới quan sát kinh tế Đông Á nhận định rằng quyết định điều chỉnh ấy hoàn toàn vô hiệu và những thách đố kinh tế đặt ra cho Trung Quốc nay còn nghiêm ngặt hơn. Hôm 24, thông tấn kinh tế Bloomberg còn có bài viết với tựa đề "tăng trưởng điên khùng". Vì sao lại như vậy, chẳng lẽ chính quyền Trung Quốc không điều tiết được nền kinh tế của họ và tăng trưởng sản xuất là một điều nguy hiểm hay sao"

- Về quyết định điều chỉnh hối đoái năm ngoái, Trung Quốc thực ra không thả nổi đồng bạc của họ mà vẫn giàng giá vào tiền Mỹ nhưng ở mức độ cao hơn có 2,1% và vẫn cho giao dịch trong một biên độ rất hẹp. Khi ấy, chúng ta nói rằng đấy là trò ảo thuật để tạm lừa thị trường và chống đỡ sức ép từ phía Hoa Kỳ thôi, rằng chính sách ngoại hối ấy thực ra không linh động bằng Việt Nam và chẳng giải quyết được vấn đề cho Trung Quốc.

Bây giờ tình hình đã thành nguy ngập hơn khi kinh tế tiếp tục sản xuất bất kể lời lỗ và chính quyền vẫn dùng tỷ giá thấp của đồng bạc để xuất khẩu gần như dưới cả giá thành. Tháng Tư vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo Bắc Kinh rằng nếu các hãng xưởng tiếp tục được bơm tiền để sản xuất dư thừa thì người ta sẽ đánh sụt giá cả hàng hoá và mức lời của doanh nghiệp khiến các ngân hàng lại gánh thêm nợ xấu. Chúng ta thấy rằng ngày càng có nhiều nguồn dư luận đưa ra những nhận xét không lạc quan về kinh tế Trung Quốc.

- Hỏi: Trở về đề tài kỳ này, ông có nhận xét rằng Trung Quốc có thể gặp vấn đề tương tự như Nhật Bản 15 năm về trước, nhưng với hậu quả còn trầm trọng hơn. Chúng tôi xin đề nghị là ta hãy cùng phân tích việc ấy, nếu có thể với vài bài học rút tỉa cho Việt Nam. Đầu tiên, vấn đề của Nhật Bản 15 năm về trước là gì"

- Nếu ta còn nhớ thì hai chục năm trước, Nhật Bản là chủ nợ và chủ đầu tư lớn nhất thế giới và dư luận tại Hoa Kỳ còn nói đến việc tư bản Nhật đổ bộ vào mua tài sản, nhất là tài sản địa ốc của Mỹ, đến nỗi xã hội Mỹ đã nổi lên làn sóng bài Nhật, thậm chí tẩy chay hàng Nhật để cứu lấy kinh tế Mỹ. Đấy là cao điểm của ảo giác Nhật Bản mà người ta cứ gọi là phép lạ, là sự kỳ diệu. Từ cao điểm ấy, kinh tế Nhật bắt đầu đụng vào thực tế vào năm 1990, và suy trầm hay suy thoái liên tục. Nhật trở thành con nợ lớn nhất thế giới, đến năm nay mới tạm phục hồi.

- Hỏi: Nhưng trước đó, Nhật cũng đã từng đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất rất cao phải không"

- Y như Trung Quốc ngày nay vậy! Sách lược phát triển của Nhật vào thời ấy là dựa trên cơ chế liên hợp giữa ngân hàng, doanh nghiệp và công quyền để trợ giá tư bản cho thật rẻ, giúp các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thật nhiều và chiếm một thị phần thật lớn trong kinh tế thế giới mà bất kể lời lãi hay rủi ro. Lý do chính trị của sách lược ấy là bảo đảm công ăn việc làm cho mọi người hầu gìn giữ sự ổn định xã hội, và họ hy sinh mọi tính toán kinh doanh lời lỗ cho mục tiêu ấy.

Hậu quả chính trị của sách lược trên là sự cấu kết và tham ô giữa viên chức công quyền với giới kinh doanh và ngân hàng. Hậu quả kinh tế của sách lược ấy là nhờ tiền rẻ, hàng loạt trái bóng đầu cơ đã xuất hiện, một thí dụ mà người ta còn nhớ là trị giá địa ốc của một quận trong thủ đô Toko đã cao hơn trị giá của cả tiểu bang California tại Mỹ nên tư bản Nhật mới ào ạt mua công khố phiếu và tài sản địa ốc Hoa Kỳ. Nhưng, hậu quả kinh doanh và tài chính là các doanh nghiệp mắc nợ không trả nổi cho ngân hàng và hệ thông ngân hàng sụp đổ dưới một núi nợ xấu, khó đòi và thực tế mất luôn. Chuyện ấy xảy ra từ năm 1991 mà vì thế giới đang chú ý đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết nên đã không nhìn kỹ…

- Hỏi: Thế rồi chuyện gì đã xảy ra cho kinh tế Nhật"

- Trước tiên là hậu quả chính trị khiến chính phủ Miyazawa Kiichi bị đổ và đảng Tự do Dân chủ bị thay thế, sau 38 năm liên tục cầm quyền, từ 1955 đến 1993. Cái gọi là "ổn định chính trị" đã thành huyền thoại vì sau đó ba năm họ có bốn thủ tướng. May là Nhật Bản là xứ dân chủ nên không bị động loạn, và đảng Tự do Dân chủ phải qua một cuộc cách mạng nội bộ mới có được ngày nay.

Về kinh tế thì Nhật bị giảm phát, hàng sụt giá mà bán không chạy, ngân sách bơm tiền vào kinh tế mà vô hiệu, cứ như đẩy một sợi dây vậy vì doanh nghiệp hết dám đầu tư. Đến năm 2000 thì lãi suất hạ đến số không, tức là đi vay mà khỏi trả tiền lời, mà mất sáu năm cỗ máy kinh tế mới chuyển. Ngày 14 vừa qua, ngân hàng trung ương Nhật bắt đầu nâng lãi suất 0,25% để ngừa lạm phát và lần đầu tiên chính phủ Nhật không nói đến chữ giảm phát nữa.

Cũng xin nói thêm là sách lược ấy của Nhật đã được nhiều nước Đông Á học theo và đã dẫn tới vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997-1998 với hậu quả chính trị nghiêm trọng hơn.

- Hỏi: Và bây giờ, đến lượt Trung Quốc…

- Nhưng với khả năng ứng phó không thể nào bằng Nhật Bản và đấy mới là vấn đề. Xin gọi là vấn đề "xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc", hay "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", nếu nói theo kiểu Hà Nội.

- Hỏi: Trước hết, xin ông mô tả hình thái tăng trưởng của xứ này, và vì sao đấy lại là vấn đề.

- Tuần qua, thế giới vừa được Trung Quốc thông báo là tốc độ tăng trưởng quy ra toàn năm của quý hai đã lên tới 11,3%, cao hơn chỉ tiêu đến gần 3%. Nhưng, xét về nội dung và phẩm chất thì tình hình còn rắc rối hơn. Tốc độ ấy là bình quân, gồm một khu vực rất nhỏ là dịch vụ và một khu vực rất kém hiệu năng là nông nghiệp, cho nên, ta phải suy ra một đà tăng trưởng cực lớn của khu vực chế biến công nghiệp, có thể là 20%. Nếu xét vào cơ cấu thì riêng đầu tư cố định và xuất khẩu đã đóng góp tới 80% tổng sản lượng GDP và tốc độ tăng trưởng của hai khu vực ấy có thể là 30%, cao hơn con số 11,3% rất xa. Trong khi ấy, nông thôn mới là nơi đông dân nhất và lại nghèo nhất, thì tăng trưởng rất chậm.

Đã thế, sách lược phát triển của Trung Quốc vẫn đặt nặng ưu tiên cho việc đô thị hóa, công nghiệp hoá và xuất khẩu. Tình trạng trên mới khiến ta thấy nghịch lý là thành thị giàu hơn và đầu tư quá tải mà nông thôn lại nghèo đi. Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thấy điều ấy khi cảnh cáo trong chuyến viếng thăm tỉnh Hà Nam tuần qua rằng phải ngăn ngừa những trường hợp bất ổn và thiếu lành mạnh và những thất quân bình thái quá trong đà tăng trưởng quá nhanh và sẽ bị thăng trầm mạnh.

- Hỏi: Ngay từ năm 2004, lãnh đạo Bắc Kinh đã nói đến yêu cầu hạ nhiệt kinh tế, là tiết giảm tốc độ tăng trưởng cho chậm hơn để hạ cánh an toàn. Vì sao họ không đạt nổi mục tiêu ấy"

- Chỉ vì họ không có những khí cụ về cơ chế và chính sách để điều tiết kinh tế khi gia khi giảm theo sát với yêu cầu. Thí dụ như năm ngoái bất thần họ cấm cấp phát tín dụng mấy tháng liền mà không công hiệu. Trong khi ấy, do hệ thống chính trị hiện hành, các đảng viên và cơ sở đảng có cơ hội cấu kết, tham ô và trục lợi nên không muốn chấp hành chỉ thị của trung ương. Trung ương đề ra đường lối là chậm đà đầu tư sản xuất và hướng về nông thôn, nhưng người ta vẫn cứ đầu tư bất kể rủi ro lời lỗ, và vẫn lãng quên hoặc tệ hơn thế, còn bóc lột nông thôn nhờ luật lệ thiếu công minh về đất đai và vì hạ tầng cơ sở vào mấy khu vực ấy còn thô thiển.

- Hỏi: Thế giới có nhìn ra tình trạng khó khăn này của Trung Quốc hay chưa"

- Nhiều tổ hợp đầu tư quốc tế xưa nay vẫn ngợi khen Trung Quốc và khuyến khích đầu tư vào Hoa lục nay bắt đầu đổi giọng và tỏ ý dè dặt hơn. Đó là về tình hình chung. Về cụ thể thì người ta được biết là ngạch số đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Hoa lục đã bắt đầu giảm. Sáu tháng đầu năm nay giảm mất 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đi vào chi tiết thì đầu tư của Mỹ giảm hơn 18%, của Nhật giảm hơn 31% và từ Nam Hàn giảm 39,5%, tức là rất lớn! Đầu tư nước ngoài đóng góp tới 60% vào tổng số sản xuất của Trung Quốc, nếu họ tiết giảm rồi rút vốn tháo chạy thì nạn thất nghiệp sẽ bùng nổ tại thành thị, đi cùng làn sóng bất mãn ở nông thôn và xã hội sẽ loạn to. Động loạn xã hội có thể dẫn tới khủng hoảng chính trị.

- Hỏi: Có những chỉ dấu gì sẽ tiên báo mối nguy này hay không"

- Từ bên ngoài, nhiều tổ hợp tài chính hay công ty giám định kế toán đã nói đến núi nợ rất lớn và đầy rủi ro của hệ thống ngân hàng Trung Quốc và gây khó chịu cho Bắc Kinh. Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, hệ thống ngân hàng sẽ phải mở cửa đón nhận cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài. Lúc ấy, sổ sách lời lỗ sẽ phải công khai hoá và các ngân hàng sẽ sụp đổ vì mất nợ và mất niềm tin của thân chủ. Thành ra, ngoài sự sút giảm đầu tư nước ngoài, những bất trắc về tài chính cũng là chỉ dấu tiên báo. Sau cùng, người ta còn phải chú ý đến phản ứng của lãnh đạo tại trung ương, sẽ gay gắt hơn với các đảng bộ địa phương và nghiêm khắc hơn với tội tham nhũng để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng.

- Hỏi: Bây giờ, trở lại chuyện Việt Nam, lãnh đạo của Việt Nam có học được gì từ kinh nghiệm Nhật Bản và Trung Quốc hay không"

- Dù kinh tế Việt Nam cũng có nhiều chứng tật như Trung Quốc, tôi e rằng lãnh đạo Hà Nội lại không nghĩ vậy. Họ vừa dàn dựng xong Đại hội X, đưa ra một tầng lớp lãnh đạo có vẻ trẻ và tiến bộ hơn, lại vừa thi thố vài thánh tích diệt trừ tham nhũng để chứng tỏ thiện chí và xoa dịu sự bất mãn của dân chúng. Đã thế, họ còn lạc quan với triển vọng sẽ gia nhập tổ chức WTO và thực chất thì nghĩ rằng sách lược Trung Quốc có giá trị, ít nhất là cho quyền lực và quyền lợi của những người có chức có quyền. Trong hoàn cảnh ấy, tại sao cứ phải lo bò trắng răng"

- Hỏi: Nhưng, như ông vừa nói, chính là việc gia nhập WTO mới làm thay đổi cung cách quyết định kinh tế và có thể làm bùng nổ những mâu thuẫn tiềm ẩn trong cơ cấu kinh tế và tài chính thì tại sao Việt Nam không thấy ra nhược điểm mà sớm cải sửa hay ngăn ngừa" 

- Thưa có thể lắm, nhưng chỉ sau khi khủng hoảng bùng nổ thôi. Chúng ta có thể trở lại vấn đề này năm tới, khi tình hình Trung Quốc bỗng thành bấp bênh và nguy ngập hơn trong khung cảnh suy trầm Đông Á đi cùng lạm phát mạnh và dầu thô cao giá…

- RFA & Nguyễn Xuân Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.