Hôm nay,  

Sông Mekong Hết Nước, Tàu Hàng Mắc Cạn Giữa Dòng

26/03/200400:00:00(Xem: 4346)
Thái Lan Xin Bắc Kinh Xả Nước, Vận Tải Sông Của Thái Lan Tê Liệt
BANGKOK -- Có thể tới 100 triệu người ở vùng Đông Nam Á bị ảnh hưởng vì sông Mekong cạn nước.
Báo Bangkok Post của Thái Lan cho biết mực nước sông Mekong ở khu vực chảy qua Thái Lan đang giảm nguy kịch, làm nhiều tàu hàng Thái Lan không lưu thông nổi. Nhiều tàu hàng mắc cạn trên những doi cát dài 1km - 3km phơi ra từ lòng sông.
Tình hình này phần lớn là do Trung Quốc làm các đập lớn và đã hút cạn nước sông Mekong.
Chính phủ Bangkok đang tiến hành xin chính phủ Bắc Kinh cho xả nước từ các đập thượng nguồn. Vụ trưởng Vụ Vận tải đường thủy Thái Lan Wanchai Sarathoonthat tuyên bố rằng nếu Trung Quốc không chịu giúp thì vận tải đường thủy trên sông Mekong sẽ sớm phải ngưng hoạt động hoàn toàn.
Theo báo The Age, mới 20 năm trước, Mekong còn là một trong những dòng sông gần như chưa ai đụng tới. Nhưng bây giờ có thể sẽ trở thành một trong những dòng sông nhiều đập nước nhất toàn cầu với hơn 100 đập nước, kênh chuyển nước và các dự án thủy lợi và nhiều ngàn dự án nhỏ hơn để tận dụng dòng sông -- và tình hình này ảnh hưởng tới dân ở vùng hạ lưu.
Đập thủy điện khổng lồ Manwan, hoàn tất năm 1996, trên thượng nguồn Mekong của Hoa Lục bị quy tội là làm khô cạn sông này ở phần chảy qua Thái Lan.
Đập khổng lồ thứ nhì là Dachaoshan sắp hoàn tất, nhưng lại dốc cạn thêm dòng nước hạ nguồn, và đập khổng lồ huứ ba của Hoa Lục sẽ hoàn tất năm 2012. Lúc đó thì cá tôm đều không còn gì để lưới.
Ngoài những đập nước khổng lồ của Hoa Lục, cac nước khác cũng dùng sông này để chạy điện. Mới năm ngoái, theo báo The Age, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB hợp tác với công ty thủy điện Na Uy Norconsult đã giới thiệu 1 hệ thống chuyển và tải điện 43 tỉ Mỹ Kim cho khu vực, trong đó gồm nhiều đập nước ở Lào, Trung Quốc, Miến Điện và Cam Bốt.
Lào cũng sắp thê thảm, theo báo động của International Rivers Network, một tổ chức bản doanh ở Mỹ, vì đập nước Nam Theun do World Bank tài trơợ 1.1 tỉ đô để xây sẽ làm đói nghèo 120,000 người, dời chỗ 5,700 người và làm cho Lào thêm nợ ngập đầu.
Cam Bốt cũng sắp thê thảm thêm nếu đập Sambor 4 tỉ đô la được tiến hành. Đập này dự kiến đưa nước vào hơn 300 dặm vuông, buộc giải tỏa 60,000 người và ảnh hưởng tới nguồn cá.
Việt Nam cũng góp sức khai thác: những đập do VN xây trên sông Se San đang tàn phá Cam Bốt, theo lời của Mike Bird của hội Oxfarm. Ngư dân Se San cho biết kà chẳng còn bao nhiêu cá nữa.

Các chính phủ này mơ mộng rằng họ làm ra điện và sẽ xuất cảng điện sang các trung tâm kỹ nghệ ở TRung Quốc và Thái Lan.
Bản tin của VOA ghi nhận các khía cạnh khác như sau.
Hàng chục triệu cư dân sinh sống ở vùng hạ lưu Sông Mekong sẽ phải đương đầu với nguy cơ mất an ninh về lương thực, do tình trạng môi sinh bị thoái hóa và do sức ép của số dân cư đang gia tăng trong khu vực.
Theo Uỷ Ban Sông Mekong, ước lượng có từ 55 đến 60 triệu người sinh sống tại hạ lưu Sông Mekong, dân số vùng này theo dự kiến sẽ tăng lên tới 90 triệu vào năm 2025.
Thế nhưng mới đây, mực nước sông Mekong đã hạ xuống mức thấp chưa từng thấy vào mùa hạn, khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ cư dân vùng hạ lưu Sông Mekong có thể lâm vào tình trạng thiếu an ninh lương thực do tình trạng thoái hóa môi sinh, cũng như sức ép của dân số gia tăng, gây ra. Các quốc gia sẽ bị tác động nặng nề nhất là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Mực nước hạ thấp trong năm nay, được ghi nhận tại 3 điểm khác nhau: Chiang Saen ở Thái Lan, Vientiane ở Lào, và Tonle Sap bên Campuchia, đã gây quan ngại trong giới chuyên gia khu vực, nhất là tại Vientiane, nơi mực nước xuống thấp tới mức kỷ lục từ xưa tới nay.
Mạng Lưới Quốc Tế Sông Ngòi Đông Nam Á, gọi tắt là SEARIN, một tổ chức bảo vệ môi sinh, đã góp tiếng với một số cư dân vùng hạ lưu Sông Mekong, quy lỗi cho các đập thủy điện mà Trung Quốc cho xây ở thượng nguồn là nguyên do gây ra tình trạng này. Tờ Bangkok Post, số ra ngày 10 tháng Ba, 2004, đã thuật lại lời than phiền của giới ngư phủ ở Chiang Rai, liên kết tình trạng lượng cá Sông Mekong giảm sút rõ rệt với quyết định của chính phủ Trung Quốc cho xây các đập nước ở đầu nguồn.
Tại một buổi hội thảo dành cho Hội Nhà Báo Môi Sinh Thái Lan, một ngư phủ từ huyện Chiang Khong, ông Jeerasak Intayos, nói rằng các ngư phủ Thái đã nhận xét thấy số lượng cá Sông Mekong bắt đầu giảm sút sau khi Trung Quốc hoàn tất công trình xây cất đập Manwan hồi năm 1996. Đây là đập nước đầu tiên mà Trung Quốc xây trên Sông Mekong. Ông Jeerasak nói rằng lợi tức của ngư phủ vùng Chiang Rai trung bình vào khoảng 40,000 baht một năm, bây giờ chỉ còn 10,000 baht, bởi vì nguồn cá ở Sông Mekong đã bắt đầu cạn kiệt.
Ông Jeerasak cho biết là vì không xoay sở được với mức lợi tức nhỏ nhoi đó, và không còn đánh được cá để ăn, ngư dân trong vùng đã xoay sang làm thợ trong các ngành xây dựng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.