Hôm nay,  

Một Lối Ra Cho Iraq

15/04/200400:00:00(Xem: 4572)
Đền giữa tháng Tư 2004 là đúng một năm ngày quân đội Hoa Kỳ tiến vào Baghdad. Chính phủ Hoa Kỳ và các nước đồng minh, các cơ sở truyền thông, các người bình luận trên thế giới đều bận rộn làm bản tổng kết sau một năm và lượng định tình hình cho năm sắp tới. Các lượng định đều xoay quanh sự hơn thiệt, đúng sai, và sự cần thiết hay không cần thiết của cuộc chiến tranh Iraq. Người ta bất đồng ý kiến với nhau về nhiều điểm nhưng trong thâm tâm ai cũng nghĩ rằng chưa có gì ngã ngũ. Ai có sức mạnh, ai trường vốn sẽ thắng. Và nói mạnh và trường vốn thì ai hơn Hoa Kỳ.

Nhưng bỗng nhiên tình hình trở nên sôi động khi vào đầu tháng Tư một nhóm du kích Iraq phục kích đốt xe giết chết 4 nhân viên an ninh dân sự Hoa Kỳ (của hãng Blackwater, USA- quân đội Hoa Kỳ hiện có giao kèo với các hãng cung cấp nhân viên an ninh dân sự và thuê khoảng 10,000 nhân viên an ninh làm việc tại Iraq) tại thành phố Fallouja bên bờ sông Euphrates rồi treo xác đã cháy đen của hai trong bốn người vào một thanh sắt cầu hằng giờ đồng hồ trước khi quân đội Hoa Kỳ đến nơi. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã phong tỏa thành phố Fallouja với quyết tâm tìm cho ra kẻ giết người để trị tội. Các trận đánh tại Fallouja diễn ra trên đường phố làm tổn thất nhiều quân nhân Hoa Kỳ. Nhưng những hình ảnh thường dân chết chóc do hỏa lực của Hoa Kỳ tại Fallouja được các kênh truyền hình của các nước A Rập truyền đi rộng rãi đã tạo nên xúc động toàn quốc và nhiều thành phố Iraq ở phiá nam Baghdad dưới sự kêu gọi của một tu sĩ Hồi giáo theo hệ phái Shiite trẻ tuối (ông Moqtada al-Sadr) đã đồng loạt nổi dậy chống lại quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh. Cư dân tại các thành phố này đa số thuộc hệ phái Shiite vốn thù ghét Saddam Hussein và trên nguyên tắc đứng về phiá Hoa Kỳ. Cuộc rối loạn toàn quốc trong hai tuần lễ đầu tiên của tháng Tư 2004 đã làm thiệt mạng 80 quân nhân Hoa Kỳ và đồng minh, đa số là Thủy quân lục chiến vừa mới đến Iraq được mấy tuần để thay thế cho sư đoàn Dù về nghỉ ngơi sau một năm chiến đấu.

Cuộc nổi dậy hình như thay đổi bản chất của cuộc chiến. Nó không còn là cuộc chiến đấu giữa quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng còn sót lại và trung thành với Saddam Hussein, vì lần này lực lượng chống Hoa Kỳ còn có người Shiite, là thành phần chiếm đa số trong dân chúng Iraq trước kia vốn bị Saddam Hussein đàn áp. Nếu Hoa Kỳ không thuyết phục được người Shiite bỏ súng thì cuộc chiến Iraq thật sự đã thay đổi bản chất, và cái khó khăn và lúng túng của Hoa Kỳ trong suốt năm qua (vì không chứng minh được lật đổ Iraq Saddam Hussein là diệt tuyệt nọc khủng bố) sẽ trở nên khó khăn và lúng túng hơn. Khi Thượng nghị sĩ Edward Kennedy tuyên bố cuộc chiến Iraq là một cuộc chiến Việt Nam thứ hai của Hoa Kỳ, ông muốn nói Hoa Kỳ đang bị sa lầy và Hoa Kỳ cần tìm một con đường rút lui.

Trong cuộc họp báo vào giờ cao điểm truyền thông (prime time) chiều Thứ Ba 13/4/2004 tổng thống Bush không nhìn nhận như vậy. Ông xác định lại sự đúng đắn trong quyết định tấn công lật đổ Saddam Hussein, ông cho biết không thay đổi thời biểu chuyển giao quyền hành tại Iraq lại cho người Iraq vào ngày 30 tháng 6 tới, và hứa với các tướng lãnh ông sẽ gởi thêm quân và phương tiện tới.

Trên thực tế tổng thống Bush không thể làm và nói gì khác hơn lúc này và cũng không thể tỏ ra yếu mềm và do dự khi ông là Tổng tư lệnh quân đội và hơn 130,000 quân nhân dưới quyền ông đang chiến đấu và nhất là trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 trước mắt. Tỏ vẻ mềm yếu lúc này không có lợi cho cá nhân ông, và cho con đường tìm kiếm một lối ra cho Iraq và có thể đặt người kế nhiệm ông (trường hợp Bush không tái đắc cử) vào một thế yếu để tìm một giải pháp tốt.

Nhìn lại cách Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến Việt Nam đa số đồng ý rằng sự việc tổng thống Lyndon Johnson vào tháng 3 năm 1968 tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ hai để thuyết phục Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị Paris đã làm yếu thế thương thuyết của tổng thống Nixon kế nhiệm ông. Ông Johnson không giữ lại một lá bài tủ nào để cho Nixon có thể chơi được đành ký vào bản Hiệp định Paris năm 1973 để được an toàn rút lui, đưa đến sự sụp đổ của miền nam Việt Nam năm 1975. Tổng thống Bush cần giữ lại những con bài tốt để đánh.

Nếu cuộc họp báo của tổng thống Bush hôm 13 tháng 4 là phần cứng rắn và cuộc ngưng bắn hai ngày bắt đầu ngày Chủ nhật 11/4 với quân nổi dậy tại thành phố Fallouja là phần tìm kiếm giải pháp thì đó là những chuyển biến tích cực. Sau một tuần lễ bao vây và lùng diệt du kích tại Fallouja, có tin quân đội Hoa Kỳ ngưng bắn để thương thuyết. Có đánh nhau thì có ngưng bắn và có thương thuyết. Nhưng chế độ Saddam Hussein đã sụp đổ, Saddam Hussein đang bị cầm tù. Và cuộc tấn công vào Fallouja là để bắt và trừng phạt những kẻ dã man đã giết người và phơi thây kẻ khác. Vậy Hoa Kỳ ngưng bắn với ai và thương thuyết cái gì" Sự việc này cho những người quan sát thời cuộc phỏng đoán rằng Hoa Kỳ có thể chấp nhận sự hiện hữu của một lực lượng Hồi giáo chống Saddam Hussein, và lực lượng chính trị này không chấp nhận chính quyền Iraq do Hoa Kỳ nặn ra là Hội đồng Điều hành Iraq hiện nay. Trong trường hợp này Hoa Kỳ có thể sẽ phải bỏ ý kiến là xây dựng một nước Iraq dân chủ kiểu Tây phương (như bản Hiến Pháp tạm vừa được ký hôm 8 tháng 3, 2004) và chấp nhận một nước Iraq dưới quyền của các tu sĩ Hồi giáo hệ phái Shiite.

Dù sao thì Hoa Kỳ cũng cần chuẩn bị một lối ra mà không làm cho Hoa Kỳ sau khi rút ra khỏi Iraq trở nên yếu kém và mất vị thế siêu cường như trường hợp Liên bang xô viết sau khi rút khỏi Afghanistan năm1986.

Lối ra đó là lối ra nào" Câu trả lời lệ thuộc vào chính sách của đương kim tổng thống George W. Bush. Những vấn nạn hiện nay tại Iraq một phần do những quyết định không thực tế của ông. Ấn định thời hạn trao quyền hành cho một chính quyền của người Iraq thân Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 tới là một. Ông Bush nghĩ trao quyền cho một chính phủ của người Iraq là một bằng chứng để nói với cử tri Hoa Kỳ là chuyện Iraq đã giải quyết xong. Nhưng ai cũng thấy đó là một thời biểu phục vụ nhu cầu tranh cử hơn là phục vụ chương trình thiết lập một chính quyền dân chủ tại Iraq.

Vào thời điểm này cái khung 30 tháng 6 càng không ăn khớp với diễn biến của tình hình quân sự và chính trị tại đó, nhưng cái khó của tổng thống Bush là trong năm qua ông đã thay đổi chính sách Iraq nhiều lần rồi. Mời Liên hiệp quốc tham dự sau khi hành động một mình là một, bãi bỏ hình thức thành lập một quốc hội Iraq qua caucus để thay bằng một cuộc bầu cử là hai, và thứ ba là chịu nhận thành phần thuộc đảng Baath ở cấp thấp vào lực lượng an ninh. Nên hiện nay đứng trước sự biến chuyển của tình hình và đã cận ngày bầu cử ông không thể thay đổi thời điểm trao quyền, mặc dù giữ thời điểm trao quyền này làm cho ngày 30/6/2004 trở thành một ngày để làm đề tài của một chuyện tiếu lâm hơn là một ngày đốt pháo bông ăn mừng một nước Iraq mới không còn bóng dáng của hung thần Saddam Hussein.

Lối ra cho Iraq như vậy cần đặt trên căn bản không phải phục vụ cho cá nhân ông mà thôi mà còn cho sự an toàn của nước Mỹ, và cho nền hoà bình thế giới. Nếu ông chuẩn bị một cách thích đáng, có kế hoạch, và giải thích cho dân chúng Hoa Kỳ hiểu ông có thể sẽ được tái đắc cử để thi hành chính sách của ông. Và sự chuẩn bị này cần chuẩn bị trên thế mạnh, nhưng không đẩy thế giới vào một cuộc đối đầu không thể thối lui giữa thế giới Tây phương và thế giới Hồi giáo.

Việc đầu tiên là chấp nhận ý muốn của người dân Iraq. Nếu họ chưa sẵn sàng một chế độ dân chủ không Hồi giáo thì hãy để cho họ chọn một chính phủ dưới ảnh hưởng của các tu sĩ Hồi giáo. Một nước Iraq như vậy chưa chắc sẽ là kẻ thù của Hoa Kỳ hay của Tây phương. Việc khác là thúc ép Do Thái trả đất lại cho người Palestine.

Giải quyết được vấn đề Iraq, cuộc chiến chống khủng bố sẽ trở nên đơn giản hơn. Đơn giản không có nghĩa Al Qaeda của Osama bin Laden biến mất. Sau cuộc tấn công Hoa Kỳ giết gần 3000 người Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 Osama bin Laden đã tự lãnh bản án tử hình truớc công luận nên ông ta không còn một lựa chọn nào khác là tiếp tục tìm cách khủng bố Hoa Kỳ. Mục đích của ông ta là gắn liền ý đồ khủng bố với cuộc thánh chiến Hồi giáo chống Tây phương. Nếu cuộc thánh chiến được hóa giải bởi một chính sách khéo léo của Hoa Kỳ thì Al Qaeda sẽ bị cô lập, và cái ngày Osama bin Laden và tổ chức Al qaeda của ông bị tiêu diệt sẽ không xa. Cho đến ngày đó Al Qaeda còn có thể đánh Hoa Kỳ ở nơi này hay nơi khác. Đó là môt thực tế phải chấp nhận trong cái thế giới đã lỡ nhiễu nhương. Nhưng Hoa Kỳ có thừa khả năng tình báo và sức mạnh để đánh trả mỗi lẩn bị đánh. Những sự đánh trả này sẽ được thế giới đồng tình và nhân dân Hoa Kỳ ủng hộ, và chỉ làm uy tín Hoa Kỳ lên cao. Và uy tín càng cao thì an ninh của Hoa Kỳ càng được bảo đảm và nhiệm vụ trọng tài của Hoa Kỳ trên thề giới càng được lắng nghe. Không ai quên bối cảnh và hậu quả của cuộc tấn công Afghanistan năm 2001 và cuộc tấn công Iraq năm 2003. Cuộc tấn công Afghanistan được sự đồng thuận của thế giới (ngay cả Pakistan đồng minh của Afghanistan cũng phải đứng về phía lẽ phải), trong khi cuộc tấn công Iraq thiếu những lý cớ mạnh mẽ và do đó không làm cho Hoa Kỳ được an toàn hơn.

Một lối ra khỏi Iraq vì hòa bình thế giới, vì an toàn và uy tín của Mỹ quốc là một điều bắt buộc như Hoa Kỳ phải tìm một lối ra khỏi Việt Nam năm 1968. Nhưng nếu tổng thống Johnson đã quyết định ra quá trễ, và khi ra thì ra bằng lối yếu làm cho miền Nam sụp đỗ vội vàng, tổng thống Bush có thể có một lựa chọn tốt hơn. Chuẩn bị một lối ra sớm bằng cách thật tâm thương thuyết để thành lập một chính quyền Hồi giáo tại đó. Và qua đó tái lập lại lòng tin (đã mất) vào Tây phương nơi thế giới Hồi giáo. Khi đã có chính sách tốt Hoa Kỳ sẽ không nhượng bộ. Và quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ phải chấp nhận tổn thất để cho tổng thống thực hiện chính sách dài và có ích cho Hoa Kỳ.

Vấn đề là: tổng thống George W. Bush có viễn kiến, có khả năng và có quyết tâm để thực hiện một chính sách như vậy không" Nhiều người lo ngại rằng ám ảnh của vụ đắc cử bằng phiếu của Tối cao Pháp viện (chứ không phải bằng phiếu của dân) năm 2000, và ông thân sinh chiến thắng vẻ vang tại Trung Đông như vậy năm 1991 mà vẫn thất cử nhiệm kỳ 2 sẽ làm cho đương kim tổng thống không thấy được con đường hiển nhiên trước mắt.

Rất may, Hoa Kỳ là một nước dân chủ. Người dân sẽ có tiếng nói. Và cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay có tiếp tục giao phó cho ông Bush một nhiệm kỳ nữa hay thay thế bằng một ông tổng thống của đảng Dân chủ, cái cuộc bầu cử đó cũng tạo một cơ hội cho người lãnh đạo tương lai hiểu ý dân mà giải quyết việc nước.

Trần Bình Nam
April 14, 2003
BinhNam@earthlink.net
http://www.vnet.org/tbn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.