Hôm nay,  

Chiến Sử Quân Đội Vnch: Sự Kiện Năm Quý Tị 1953

27/01/200100:00:00(Xem: 5671)

* Lược ghi sự hình thành Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia VN
Theo tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH, trước tháng 5/1952, lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam chỉ mới phát triển dưới hình thức lực lượng địa phương cấp miền (miền Nam, miền Trung, miền Bắc, Cao nguyên Trung phần) và chịu sự chỉ huy tổng quát của bộ tư lệnh Quân đội Liên Hiệp Pháp ở mỗi miền. Tháng 2/1952, tại cuộc họp Hội đồng tối cao Việt-Pháp tại Đà Lạt, Quốc trưởng Bảo Đại và ông Letourneau, bộ trưởng các quốc gia Liên Hiệp Pháp, đã đồng ý tăng lực lượng VN lên 120,000 chính quy và 50,000 phụ lực quân, đồng thời dồn mọi nỗ lực vào việc phát triển lực lượng Việt Nam.
Để thống nhất hệ thống chỉ huy các lực lượng VN, Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia VN được chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 5/1952, và vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên là Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh (được thăng trung tướng vào năm 1953). Đến tháng 7/1952, các quân khu VN chính thức thành lập với Đệ Nhất Quân khu tại Nam Việt, Đệ Nhị Quân khu tại Trung Việt, Đệ Tam Quân khu tại Bắc Việt, Đệ Tứ Quân khu tại Cao nguyên Trung phần.
Trong giai đoạn hình thành, các sĩ quan cấp tá đầu tiên được cử giữ chức Tư lệnh Quân khu là: Đại tá Lê Văn Tỵ, Tư lệnh Đệ Nhất Quân khu, Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ (thăng đại tá năm 1953), Tư lệnh Đệ Nhị Quân khu, Trung tá Nguyễn Văn Vận, Tư lệnh Đệ tam Quân khu (thăng đại tá cùng trong năm 1952, hơn một năm sau được thăng thiếu tướng).
Năm 1953, Quân đội Quốc gia Việt Nam phát triển mạnh với sự thành lập các tiểu đoàn Khinh quân và các đại đội trọng pháo, một số tiểu đoàn được tập hợp để tổ chức thành các liên đoàn lưu động. Từ tháng 9 đến tháng 12/1953, lần lượt 4 liên đoàn lưu động sau đây do các sĩ quan cấp tá VN chỉ huy đã được thành lập.
1, Liên đoàn Bộ binh số 31 (đồn trú tại Bắc Việt):
-Thành lập ngày 1-9-1953.
-Gồm các tiểu đoàn: 4,6,9; Tiểu đoàn Pháo binh số 5.
-Cấp chỉ huy đầu tiên: Trung tá Nguyễn Quang Hoành (gần cuối năm 1954 là đại tá, Tư lệnh Đệ Nhị Quân khu).
2, Liên đoàn Bộ binh số 21 (đồn trú tại Trung Việt).
-Thành lập ngày 1-9-1953.
-Gồm các tiểu đoàn: 8,27,30; Tiểu đoàn Pháo binh số 2; một đại đội súng cối hỗn hợp. Cấp chỉ huy đầu tiên: Trung tá Lê Văn Nghiêm (cấp bậc cuối cùng: trung tướng, tháng 11/1963).
3, Liên đoàn Bộ binh số 11 (đồn trú tại Nam Việt)
-Thành lập ngày 1-12-1953.
-Gồm các tiểu đoàn 1,11,17; Tiểu đòan Pháo binh số 1.
-Cấp chỉ huy đầu tiên: Trung tá Nguyễn Khánh (cấp bậc cuối cùng: đại tướng tháng 11/1964).
4, Liên đoàn Bộ binh số 32 (đồn trú tại Bắc Việt)
-Thành lập ngày 1-12-1953
-Gồm các tiểu đoàn 6,10,20; Tiểu đoàn Pháo binh số 3.
-Cấp chỉ huy đầu tiên: Trung tá Tôn Thất Đính (cấp bậc cuối cùng: trung tướng, tháng 11/1963).
* Vị tư lệnh đầu tiên của Quân khu đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam: Đại tá Lê Văn Tỵ (cấp bậc cuối cùng: Thống tướng).
Trong 3 vị sĩ quan cấp tá đầu tiên được cử giữ tư lệnh Quân khu thời kỳ mới thành lập, Đại tá Lê Văn Tỵ, Tư lệnh Đệ Nhất Quân khu, là vị sĩ quan đã có những thăng tiến rất nhanh trên đường binh nghiệp, đã được thăng đến cấp bậc cao nhất của Quân đội: Thống tướng Quân Lực VNCH. Nhân dịp Tết Tân Tỵ 2001, VB xin giới thiệu bài lược ghi về đời binh nghiệp của vị tướng này (chi tiết binh nghiệp của Thống tướng Lê Văn Tỵ đã được trình bày trong số báo Xuân Tân Tỵ 2001 của Việt Báo).
Theo bản tiểu sử Thống tướng Lê Văn Tỵ được công bố vào ngày ông từ trần (21-10-1964), tài liệu của Khối Quân Sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH và công báo VNCH, đời binh nghiệp của vị tư lệnh này được ghi nhận như sau: Tư lệnh Đệ Nhất Quân khu Lê Văn Tỵ sinh năm 1903, xuất thân trường Thiếu sinh quân. Ngày 1 tháng 7 năm 1952, khi các Quân khu được hình thành, ông là Tư lệnh đầu tiên của Đệ Nhất Quân Khu (bao gồm các tỉnh Nam Việt), lúc bấy giờ ông đã mang cấp đại tá. Cũng cần nói thêm rằng, trước đó hơn một năm, khi lực lượng Quân đội Việt Nam còn hình thành ở cấp phần (Nam Việt, Trung Việt, Bắc Việt), ông mang cấp trung tá và là sĩ quan Việt Nam có cấp cao nhất tại Nam Việt lúc bấy giờ. Ngày Hưng Quốc Khánh Niệm 6 tháng 6/1951, ông là tổng chỉ huy cuộc duyệt binh đầu tiên của các lực lượng Việt Nam tại Sài Gòn, cuộc duyệt binh lịch sử này đặt dưới quyền chủ tọa của Quốc trưởng Bảo Đại.

Tháng 11/1954, nhiều sự kiện dồn dập đã mở đầu cho bước đường thăng tiến của vị đại tá Tư lệnh Đệ Nhất Quân khu Lê Văn Tỵ: Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia VN chống đối Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 20 tháng 11, Trung tướng Hinh đi Pháp để trình diện Quốc trưởng. Ngày 29 tháng 11/1954, Quốc trưởng Bảo Đại gửi điện văn về cất chức Tổng Tham mưu trưởng của tướng Nguyễn Văn Hinh. Trong tình hình đó, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã thăng cấp thiếu tướng cho Đại tá Lê Văn Tỵ, và ngày 1 tháng 12/1954, tân Thiếu tướng Lê Văn Tỵ được cử giữ chức Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam thay thế Trung tướng Nguyễn Văn Hinh. Cũng trong ngày này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ được cử làm Tổng thanh tra Quân đội.
Giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng được gần 5 tháng thì nhiều sự kiện khác lại xảy ra ảnh hưởng đến chức vụ của tướng Lê Văn Tỵ:
-Ngày 28-4/1955, Văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại từ Cannes gửi điện văn về Sài Gòn báo cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm biết là Quốc trưởng đã cử Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia và yêu cầu Thủ tướng sang Pháp trình bày về tình hình. Ngày 29-4, Thủ tướng trả lời vì tình hình không thể đi được. Các tướng Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) Nguyễn Giác Ngộ (Hòa Hảo Nguyễn Trung Trực) và Trịnh Minh Thế (Cao Đài Liên Minh) ra thông báo lên án Pháp và phản loạn gây chia rẽ, phủ nhận Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ, không coi là Tổng Tham mưu trưởng.
-Ngày 30-4-1955, tại Dinh Độc Lập, Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ yêu cầu Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lịnh cho tướng Lê Văn Tỵ hiện cũng có mặt, phải bàn giao chức vụ Tổng Tham Mưu trưởng cho ông. Vài chính khách đứng gần đó đòi bắt giữ Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ.
-Ngày 1 tháng 5/1955, một ủy ban quân dân nhóm họp trong dinh Độc lập và ra quyết định: ủng hộ Quân đội, Thiếu tướng Lê Văn Tỵ là Tổng tham mưu trưởng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ không có những quyền quân sự do Quốc trưởng Bảo Đại giao phó.
Cũng trong ngày này, các sĩ quan cao cấp họp tại bộ Tổng Tham Mưu đánh điện văn sang Quốc trưởng Bảo Đại với nội dung như sau: yêu cầu giữ nguyên tình trạng cũ các tướng Nguyễn Văn Vỹ và Lê Văn Tỵ; chỉ biết có chánh phủ Ngô Đình Diệm, nếu chính phủ này không được công nhận nữa thì Quân đội sẽ tuân lịnh chính phủ nào do dân cử ra.
Ngày 3 tháng 5/1955, trước tòa Đô chánh, trong cơn mưa tầm tã, Hội đồng Nhân dân Cách Mạng (18 đoàn thể) biểu quyết: truất phế QT Bảo Đại kể từ 29-4-55, giải tán từ ngày đó chánh phủ Ngô Đình Diệm, ủy Thủ tướng Ngô Đình Diệm lập chánh phủ mới.
Ngày 26-10-1955, Thiếu tướng Lê Văn Tỵ thăng trung tướng. Ngày 8-12-1956, Trung tướng Lê Văn Tỵ được thăng đại tướng. Từ 26 tháng 10/1956 đến tháng 7/1963, Đại tướng Lê Văn Tỵ tiếp tục giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 27-7-1963, Đại tướng Lê Văn Tỵ bị ung thư phổi sang Mỹ chữa bệnh. Trung tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là Tư lệnh Lục quân, được Tổng thống Ngô Đình Diệm cử giữ chức Quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân đội VNCH.
Ngày 18/11/1963, Đại tướng Lê Văn Tỵ được cử làm Cố vấn Chính phủ VNCH do ông Nguyễn Ngọc Thơ giữ chức Thủ tướng. Giữa tháng 10/1964, Trung tướng Nguyễn Khánh với chức danh là Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách Mạng, đã đến tư dinh của Đại tướng Lê Văn Ty gắn cấp bậc Thống tướng cho vị đại tướng nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội VNCH. (Trung tướng Khánh được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu thăng cấp đại tướng ngày 24-11-1964, sau khi ông giao quyền cho chính phủ dân sự để trở về Quân đội giữ chức Tổng tư lệnh, riêng Trung tướng Dương Văn Minh được thăng đại tướng trước tướng Khánh 1 ngày).
Ngày 21-10/1964, Thống tướng Lê Văn Tỵ từ trần tại Sài Gòn, hưởng thọ 61 tuổi. Lễ an táng đã được cử hành theo nghi thức quốc gia, hai nhà lãnh đạo cao nhất của VNCH lúc bấy giờ là Trung tướng Dương Văn Minh, chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực; Trung tướng Nguyễn Khánh, Thủ tướng Chính phủ, đã đi sau linh cữu của cố Thống tướng Lê Văn Ty.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.