Hôm nay,  

Tin Văn: Khùng Điên Và Văn Chương

26/09/200100:00:00(Xem: 9577)
1. Kyôki, bungaku, shakai.
Bạn có bao giờ "giật mình" tự hỏi, tại sao "mấy thằng nhà văn nhà thơ đều khùng khùng man man"… Nhìn gần, thì thấy, nào là Bùi Giáng., nào là Nguyễn Tất Nhiên… Nhìn xa một chút, nào là Holderlin, Artaud, nào là Dostoevsky…

*
"Khùng điên, Văn học, và Xã hội", đó là đề tài trao đổi giữa Michel Foucault với ban biên tập tờ Bungei số 12, tháng Chạp 1970, được in lại trong "Nói và Viết" (Dits et Écrits) tập II, nhà xb Gallimard, ấn bản 1994.
Thời gian này, đa số tác phẩm của Foucault đã được dịch qua tiếng Nhật, và được nghiên cứu từ nhiều góc độ. Nhân dịp ghé thăm đất nước này, tuy ngắn ngủi, Foucault đã thực hiện ba buổi diễn thuyết "Mắt lưới", "Khùng điên và xã hội", "Trở lại với lịch sử" tại Tokyo, Nagoya, Osaka và Kyoto. Cuộc gặp gỡ thứ tư, với tạp chí văn học Bungei, là về tương quan giữa tư tưởng của Foucault với văn chương.

Qua cuộc gặp gỡ, đáp câu hỏi gợi ý, của T. Shimizu, "Tuy có vẻ tóm tắt, nhưng theo tôi, trong hệ tư tưởng của ông, văn chương được sắp xếp theo ba trục. Trục thứ nhất, chung quanh vấn đề khùng điên, với những tác giả đại diện như Holderlin và Artaud. Trục thứ nhì, giới tính, với Sade và Bataille. Và trục thứ ba, ngôn ngữ, với Mallarmé và Blanchot. Rõ ràng quá tóm tắt, nhưng ông có thể nói [thêm] về văn chương, từ hệ thống trục đó", Foucault đã trả lời, "Ông nhận xét rất đúng, và đã xoáy vào trọng tâm chính của vấn đề. Nhưng không chỉ mình tôi, mà tất cả Tây phương đều bận tâm với chúng, từ năm mươi năm nay."

Khi được hỏi, "khùng điên và văn chương", một đề tài như vậy có thể làm cho ngưuời ta nghĩ rằng, khùng điên là "yếu tính" của văn chương; tuy nhiên theo ông, tương quan giữa khùng điên và văn chương rất rõ rệt, ít nhất là cũng ở Tây phương, ông có thể nói thêm về tương quan này; Foucault đã trả lời, khi đặt vấn đề khùng điên, rồi tiếp đó, vấn đề văn chương, một trật tự như thế là cần thiết. Một cách nào, đó, chúng ta chỉ việc bò theo cái sườn dốc này. Trong khi lục lọi những tài liệu lịch sử, tôi nhận thấy, tại Tây phương, cho tới giữa thế kỷ 17, mặc dù bị từ bỏ, người ta tỏ ra khá thông cảm (tolérant) với những người điên và chứng điên khùng, Không hoàn toàn bị tống xuất, họ bị đẩy ra bên lề xã hội. Sau thế kỷ 17, một sự đứt đoạn lớn lao xẩy ra: thay vì kẻ bên lề, người điên bị tống xuất hoàn toàn, vào nhà tù, hoặc lao động cưỡng bách. Đây là một trong những chọn lựa rất quan trọng của xã hội Tây phương, mà cho tới nay, ít nhà sử học để ý tới. Tôi gọi đây là một chọn lựa nguyên thủy (un choix originel) - như bản thân tôi, đã từng chọn lựa, là một triết gia, nhưng bây giờ, không coi mình là một triết gia nữa, bởi vì kể từ năm mươi năm vừa qua, triết học ở Tây phương không còn là một hành động tự chủ (autonome), mà chỉ là một nghề của các giáo sư đại học, thay vì thực hành, thì là giảng dậy môn triết học - Chính sự chọn lựa nguyên thủy: tống người điên vào nhà tù, hoặc cưỡng bách lao động, và do đó, đề tài này không được đề cập ở trong văn chương, kể từ thế kỷ 19. Foucault cho rằng, Sade, theo một nghĩa nào đó, là một trong những sáng lập viên của văn chương hiện đại, mặc dù văn phong hoàn toàn thuộc thế kỷ 18, còn triết học, vay mượn chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tự nhiên vẫn của thế kỷ đó. Tuy vậy, sự kiện Sade bị tống vào tù, và ở trong tù, viết văn, xây dựng tác phẩm của mình từ một tất yếu nội tại (une nécessité intérieure), từ đó suy ra: ông ta là người sáng lập ra văn chương hiện đại. Nói một cách khác, có một loại hệ thống tù đầy tống xuất cứ bám riết lấy một con người tên là Sade, về tất cả những điều liên quan tới dục tính, ăn nằm với nhau trái tự nhiên, không giống ai… nói tóm lại, tất cả những gì bị văn hóa của chúng ta kết án, gạt bỏ. "Ghét của nào, Trời trao của đó": bởi vì có một hệ thống cấm đoán, tống xuất như thế, cho nên có tác phẩm của ông. Sự kiện - ở vào một thời kỳ chuyển tiếp, từ thế kỷ 18 qua thế kỷ 19, một nền văn chương có thể sản sinh hoặc tái sinh, ở bên trong cái xã hội đã ruồng bỏ nó - cho thấy, đây là một điều hết sức cơ bản. Và cũng cùng thời kỳ đó, nhà thơ Đức Holderlin, trở nên khùng. Thơ ông, ở cuối đời, đã vươn tới yếu tính của thơ hiện đại. Chính điều này làm tôi (Foucault) quan tâm đến những nhà thơ nhà văn như Holderlin, Sade, Mallarmé, Raymond Roussell, Artaud: thế giới khùng điên, đã bị gạt ra rìa kể từ thế kỷ 17, đột nhiên nhẩy xổ vào văn chương…

2. Đần độn được hình thành như thế nào.
"Bạo lực biến thiện ý thành tà ý"
(La violence subie transforme la bonne volonté en mauvaise volonté).

Biểu tượng của sự thông minh là cái ăng ten của con ốc sên, nếu chúng ta tin theo Méphistophélès: con quỉ mà Faust đã từng tin, và bán linh hồn cho nó. (Fuast, I, V, 4068). Đó là xúc giác và thính giác của con vật. Gặp chướng ngại, cái ăng ten liền lập tức co rút lại, tìm sự che chở ở nơi thân mình, biến tất cả thành một cụm. Thấy êm êm, nó rón rén thò ra, như là một bộ phận độc lập. Nếu sự nguy hiểm vẫn còn đó, nó lại chuồn, và phải lâu lắm mới lại dám thò ra ngoài để xông xáo. Thoạt đầu, cuộc sống tinh thần rất ư là mong manh. Giác quan của con ốc sên tùy thuộc vào cơ bắp, và cơ bắp trở nên yếu đi, mỗi lần bị ngăn chặn hoạt động. Cơ thể tê liệt là do vết thương, tinh thần tê liệt là do sợ hãi. Thoạt kỳ thủy, hai phản ứng này, là bất phân ly.

Những con vật phát triển hơn, chúng được như vậy, là nhờ được tự do hơn. Cuộc sống của chúng chứng tỏ, hãy đưa cái ăng ten ra hướng mới, và đừng rụt lại. Một loài thành công là có bao nhiêu loài khác thất bại, chỉ vì không vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, khi thò cái ăng ten về hướng nó sẽ phát triển. Môi trường thiên nhiên tức thời chung quanh con vật tạo sức ép, sức ép này len lỏi vào bên trong, nhờ nỗi sợ làm teo những bộ phận trong cơ thể. Trong mỗi cái nhìn, đậm nét tò mò của con vật, ánh lên một dạng đời mới, vóc đời có thể bật ra từ cái hình hài đang như thế đó. Không phải phần đã được định hình, định tính làm cho con vật chỉ muốn an toàn trong cái vỏ cũ; khi nhìn, nó đụng một sức mạnh, có từ không biết bao đời, từ hàng triệu triệu năm, chính sức mạnh này giam cứng nó vào tình trạng tiến hoá mà nó đang có, ngăn ngừa mọi toan tính vượt qua một tình trạng mới. Cái nhìn đầu tiên của một con vật, có vẻ thăm dò, nhưng thật dễ dàng bị bẻ gẫy. Đằng sau cái nhìn, có thiện chí, có hy vọng mong manh, nhưng không chút nghị lực bền bỉ. Khi con vật tránh cái hướng mà nó bị ngăn chặn, xua đuổi, nó trở nên sợ sệt, đần độn.

Đần độn là một vết sẹo. Nó có thể liên quan tới một hoạt động trong bao hoạt động, hoặc liên quan tới mọi hoạt động, cho dù thể xác hay tâm thần. Ở nơi con người, mỗi biểu hiện đần độn cho thấy cái chỗ cơ bắp - thay vì được cổ võ, khuyến khích - bị cấm cản, vào đúng lúc bật dậy. Thoạt kỳ thủy, chính sự hiện diện của chướng ngại làm bắt đầu sự lập đi lập lại một cách vô ích những hành động hỗn độn, vụng về. Trong những vô vàn câu hỏi của một đứa trẻ, có triệu chứng của nỗi đau câm, ngầm, khởi từ câu hỏi đầu tiên mà nó không nhận được câu trả lời, một câu hỏi mà nó không biết đặt ra như thế nào cho đúng cách (Cf. Karl Landauer, Intelligenz und Dummheit, in: Das Psychoanalytische Volksbuch, Bern, 1939, p. 172). Trong những lập đi lập lại của đứa trẻ có điều gì giống như trò bướng bỉnh của một con chó cứ nhẩy lên nhẩy xuống trước một cánh cửa mà nó không làm sao mở được, cuối cùng đành chịu thua, nếu quả đấm cửa ở ngoài tầm nhẩy, trong đó có cả sự tuyệt vọng của một con sư tử đi đi lại lại trong chiếc chuồng giam, hay cử chỉ chống đỡ của một người loạn thần kinh, mặc dù cử chỉ này đã một lần tỏ ra vô hiệu. Nếu nhịp độ của những toan tính giảm dần, ở đứa trẻ, hoặc nếu sự cấm cản quá hung bạo, sự chú tâm có thể chuyển qua một hướng khác, đứa trẻ đã có kinh nghiệm hơn, như người ta nói, nhưng chuyện xẩy ra là: có một vết sẹo thật khó mà nhận ra, ở ngay chỗ mà ước muốn, niềm đam mê, khát vọng của nó bị bóp nghẹt; một vùng nho nhỏ bị chai cứng, sờ bên ngoài chẳng còn chút cảm giác. Những vết sẹo như thế đó làm méo mó, xiêu vẹo [con người] . Chúng tạo nên những tính tình cứng rắn, thô bạo. Chúng cũng làm cho [con người] trở nên ngu ngốc, đần độn - theo nghĩa, có một sự suy yếu mang tính bệnh lý, mù lòa tâm thần, bất lực, nếu chúng cứ thích mãi cái tình trạng ù lì, đình trệ như thế đó - theo nghĩa độc ác, bướng bỉnh, cuồng tín, nếu chúng phát triển thành cục u bướu ở bên trong con người. Bạo lực biến thiện ý thành tà ý. Không phải chỉ [vấn đề] cấm hỏi tra, mà ngay cả chuyện hạn chế làm theo [người khác], [mày hãy] bớt khóc lóc, đừng chơi trò liều lĩnh… cũng có thể để lại những vết sẹo như trên. Giống như loài vật, thần kinh của con người, từ những vùng mù lòa - vết tích khi hy vọng bị cấm cản - là một bằng chứng ghê rợn, của sự cưỡng bức, đè lên bất cứ một sinh vật.

Ghi chú: Trên đây là chuyển ngữ bài viết "Genèse de la bêtise", in trong "La dialectique de la raison", "Biện chứng pháp của lý trí", tác giả Max Horkheimer và Theodor W. Adorno. Nguyên bản tiếng Đức, còn có tiểu đề "Những mẩu đoạn triết học", in lần đầu năm 1947, dần dần được biết tới, rồi tuyệt bản. Trong lần tái bản hai mươi năm sau đó (1969), hai tác giả giải thích, đây không chỉ là một đáp ứng những đòi hỏi của độc giả, mà khá nhiều tư tưởng ở trong cuốn sách vẫn còn đang hợp thời, và chúng xác định, theo một chiều hướng rộng lớn, những nghiên cứu tiếp theo của họ. Ở đây, người dịch sử dụng bản tiếng Pháp, nhà xuất bản Gallimard, ấn bản 1996.

Max Horkheimer đã từng là giám đốc Viện Nghiên Cứu Xã Hội, tức Trường Phái Frankfurt, thành lập tại Đức vào năm 1923, di chuyển qua Hoa Kỳ khi Hitler lên nắm quyền, tới năm 1950 lại trở về Đức. Chung quanh ông qui tụ một số triết gia nổi tiếng như Walter Benjamin, Theodor W. Adorno, Herbert Marcuse.

Những tư tưởng về sự tiến bộ là yếu tố căn bản của triết học trưởng giả Thời Soi Sáng, dưới bảng hiệu của Lý Trí. Trong cuốn sách nói trên, hai tác giả phân tích, chuyển động "hãy tiến lên dưới ngọn cờ của lý trí", cứ thế tiêu diệt dần những giá trị của chính chúng - trong khi chưa đưa ra được một thực hành mang tính xã hội - theo một tiến trình mà hai tác giả gọi là "biện chứng pháp của lý trí". Cả hai chứng minh, sự tự hủy diệt của Lý Trí sẽ cứ thế mà tiếp tục trong tương lai, và đẻ ra những hình thức mới của chủ nghĩa toàn trị, nếu, sự hàm hồ ở ngay nơi trái tim của ý niệm tiến bộ không được nhìn nhận một cách rõ ràng, và được vượt qua liền liền.

Jennifer Tran chuyển ngữ và giới thiệu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.