Hôm nay,  

Ý Nghĩa Pháp Luân

08/05/199900:00:00(Xem: 15033)
Biểu tượng của Phật học là một cái bánh xe, chỉ rõ một nhận định căn bản là con người trầm luân trong biển khổ. Sinh lão bệnh tử là khổ, chết rồi chưa hết, linh hồn lại đầu thai sang kiếp khác để tiếp tục, cứ thế mãi như cái bánh xe quay tròn. Muốn ra khỏi kiếp luân hồi đó, con người phải tu theo Phật pháp. Tôi đã dùng vài chữ ngắn gọn và thô thiển nhất để nói đến một cái học cao như Hy Mã Lạp Sơn, mênh mông như biển Thái Bình, mức thâm sâu không cách nào dò cho thấu, chỉ vì tôi muốn đề cập đến một biến chuyển thời sự. Đó là sự phát triển của môn “Pháp luân công” do võ sư Lý Hồng Chí khai sáng.
Lý Hồng Chí sang thăm Mỹ năm 1996 và nhân dịp có cuộc nhật thực từng phần năm đó, ông đã mở cuộc diễn giảng về môn học của ông tại Houston, Texas. Về sau khi ông sang cư ngụ ở New York ông đã mở rộng môn phái của ông không chỉ ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay các võ đường của Pháp luân công đã có đến 80 websites trên Internet để truyền bá môn học này. Báo chí Mỹ cũng đã nói đến “Falun Gong” và cho rằng phương pháp tập luyện này bắt nguồn từ những triết học của đạo Phật và đạo Lão. Điều này rất đúng, vì đạo Phật của Thích Ca Mầu Ni và đạo Vô Vi của Lão Tử đều dùng phương pháp tọa thiền để tu luyện. Nhưng đạo Phật từ Bắc Ấn truyền qua Trung Quốc đã có công hệ thống hóa thiền định và rồi võ học Trung Quốc cũng theo phương pháp này để luyện khí công.
Vì một sự tình cờ, theo lời yêu cầu của Việt võ đạo, hồi dầu năm nay tôi đã viết về mối liên hệ của môn khí công Thiếu lâm và phép thiền định của Phật học trong số Xuân của tạp chí Vovinam News. Đó là phương pháp dùng ý lực tập trung để sử dụng những năng lượng tiềm ẩn trong cơ thể thường được gọi là “chân khí”. Đạt đến “chân thiện mỹ” chỉ là một lý tưởng, nhưng ít ra nó cũng làm cho cơ thể lành mạnh, trí óc sáng suốt hơn. Đó là căn bản và cũng là nhu cầu của mọi con người bình thường. Tôi nghĩ môn công phu của Lý Hồng Chí gần gũi với Phật học hơn bởi vì hai chữ Pháp luân.
“Pháp” có nghĩa là cái phép phải theo, chung quy chỉ là những lời dậy. Vì thế gia pháp có nghĩa là lời răn dậy con cái trong nhà. Khi phép được san định và hệ thống hóa, đó là luật. Đạo Phật có luật “Quy y Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng”, tin theo ba điều quý giá. Thứ nhất là Đức Phật, thứ hai Pháp là lời Phật dậy, tức kinh điển và ba là Tăng, những vị tu hành đem đạo của Ngài truyền bá trong dân gian. Còn “luân” không những có nghĩa là bánh xe của luật luân hồi, mà nói chung là sự vận chuyển. Như vậy chỉ trong hai chữ pháp luân đã có ý nghĩa rất rộng.

Đạo Phật là đạo lấy con người làm căn bản. Phật tại tâm có nghĩa là trong tâm của mỗi người đều có Phật, chỉ cần đi theo tám con đường chính (bát chánh đạo) mà tu luyện là mỗi con người đều có thể thành Phật. Như vậy đạo Phật lấy nhân bản làm trụ và khi đã nói đến nhân bản không thể nào không nói đến nhân quyền. Pháp luân chuyển vận ý niệm đó cùng khắp chúng sinh là hoằng đạo vậy. Thế nhưng truyền đạo ở những nước cộng sản là khó, chỉ có truyền bá cách tập luyện dưỡng sinh là dễ. Vì nó hợp nhãn mấy ông cộng sản, khi họ không lo nổi y tế cho dân.
Trung Quốc vẫn muốn khuyến khích dân chúng tập thể dục và đã có một cơ quan nhà nước gọi là Cuộc Thể Dục lo làm việc này. Thế nhưng khi phong trào Pháp luân công phổ biến đến cả trăm triệu người, đó là mối hăm dọa cho chế độ. Khi một cá nhân cường tráng thì không sao, nó chỉ làm cho nhà nước đỡ tốn thuốc men để chữa bệnh. Nhưng khi Pháp luân công đề cao ý niệm nhân bản, và phát triển có tổ chức và có hệ thống, chế độ thấy sợ.
Thật ra bất cứ chế độ cộng sản độc tài đảng trị nào cũng sợ “tổ chức”. Ở Việt Nam ông Nguyễn Thanh Giang bị bắt là để dằn mặt, có thể chỉ lãnh án nhẹ. Ông Trần Độ không bị bắt vì ông chưa có tổ chức. Nhưng khi đến khám nhà ông Hà Sĩ Phu ở Đà Lạt, công an tịch thu cả cái printer nhỏ kèm theo cái computer dùng trong nhà. Tại sao vậy" Bởi vì đó là những phương tiện để kết hợp, để tổ chức. Một cá nhân chỉ trích đảng thì không sao, nhưng khi những cá nhân đó có phương tiện nối kết, đó là mối họa cho chế độ độc tài đảng trị.
Pháp luân công của Lý Hồng Chí là phương tiện nối kết đáng sợ nhất. Bởi vì nó không chủ trương bạo động, nó ngọt sớt, hiền lành, dựa theo xu hướng tập thể dục của quần chúng, lại đặt nền tảng theo những truyền thống cổ kính nhất của Trung Quốc về tín ngưỡng và niềm tự hào về võ học đã lừng danh thế giới qua những phim ảnh phổ biến “kungfu” (võ công) mà chính nhà cầm quyền cộng sản cũng đã lợi dụng, phần để quảng cáo phần vì kinh tế. Còn phương pháp nào hoàn hảo hơn Pháp luân công để kết hợp quần chúng"
Theo chúng tôi nghĩ, đánh chế độ độc tài đảng trị là phải nhằm vào chỗ yếu nhất của nó mà đánh. Tố cáo, lên án, vạch trần những tội ác của nó, nó vẫn trơ ra đó. Cả thế giới và cả người dân trong nước đều biết chủ nghĩa cộng sản đã bị vứt vào thùng rác của lịch sử nhân loại, nhưng áp lực quốc tế quốc nội không làm nó đổ. Bởi vì nó đã nắm được tài sản cả nước trong tay, và nó có súng có xe tăng. Đánh cộng sản là phải đánh bằng trí tuệ chớ không phải bằng bạo lực. Chỗ nào cộng sản sợ nhất là chỗ yếu của nó.
Pháp luân công chính là nối kết, là kết ước vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.